Thứ Ba, 24 Tháng 6, 2025

TẤM BÁNH ĐỜI THƯỜNG – TUẦN I MÙA CHAY (TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

THỨ 2 TUẦN I MÙA CHAY

CHIA SẺ

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Lv 19, 1-2.11-13; Mt 25, 31-46

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Về bổn phận đối với tha nhân, Cựu Ước chỉ đòi hỏi tránh làm điều xấu cho tha nhân. Phải sống công bằng: “Không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình”. “Hãy xét xử công minh cho người đồng bào”. Công bằng là lý tưởng mà mọi xã hội ước mơ. Nhưng cho đến thiên niên kỷ thứ 3 vẫn chỉ là mơ ước. Thực sự những bất công còn quá nhiều và trầm trọng.  Nhưng Tân Ước đi đến tích cực hơn. Phải sống bác ái. Phải làm điều tốt. Phải chia sẻ. Chia sẻ đặc biệt quan trọng.

 Chia sẻ là một công bằng ở tầm mức cao hơn. Thực vậy, Chúa ban của cải cho mọi người hưởng dùng. Ta không có quyền chiếm hữu quá nhiều trong khi người khác thiếu thốn. Dư thừa là một tội bất công. Chênh lệch trong xã hội là mầm mống bất ổn. Nếu người có quyền không giải quyết nghèo đói, nghèo đói sẽ giải quyết người có quyền.

 Hơn thế nữa, chia sẻ là một bổn phận, vì mọi người là anh em của ta. Mỗi người đều có phẩm giá và phải được quyền sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Để một người sống không xứng đáng là hạ nhục chính mình. Hơn nữa mọi người là anh em, nên ta có bổn phận giúp đỡ, chia sẻ. Để một người anh em túng thiếu trong khi mình dư dật là một tội lỗi xấu xa. Còn hơn thế nữa, mọi người đều là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa. Để một chi thể đau yếu, chết yểu là giết chết chính thân mình.

 Nhưng trên hết, chính Chúa đồng hóa với người nghèo. Ai giúp người nghèo là giúp chính Chúa. Với sự thật này, Chúa nâng cao giá trị việc chia sẻ lên tầm mức đạo đức chính yếu của đạo. Đây là việc quan trọng, không làm sẽ bị tội. Và nâng cao giá trị người chia sẻ, vì khi chia sẻ ta chia sẻ với chính Chúa. Chính Chúa ban cho ta mọi của cải trần gian, thế mà Chúa lại cho ta được vinh dự chia sẻ với Chúa khi Chúa tự nguyện hóa thân trong người nghèo để cần sự trợ giúp của ta. Bổn phận này nâng cao tầm bác ái Kitô giáo. Yêu người không còn phải như yêu chính mình nữa. Mà yêu người phải như yêu Chúa.

 Hiểu biết giá trị của chia sẻ như thế ta sẽ mau mắn và rộng rãi chia sẻ với anh em. Yêu mến Chúa thúc đẩy ta chia sẻ với Chúa. Biết chia sẻ là nguồn mạch ơn lành, tại sao ta không có nhiều sáng kiến, tìm ra nhiều dịp và nhiều người để thực hành chia sẻ trong mùa Chay này?

 

THỨ 3 TUẦN I MÙA CHAY

LẠY CHA CHÚNG CON

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Is 55, 10-11; Mt 6, 7-15

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Lời Chúa như mưa với tuyết từ trời sa xuống làm đất đai phì nhiêu, đem no ấm cho mọi người. Chúa Giêsu là Ngôi Lời xuống trần gian dậy cho con người biết thánh ý Thiên Chúa để được hạnh phúc. Nên đã dậy ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

 Với kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta biết cầu nguyện là đến với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Cầu nguyện không phải là ăn xin nhưng là tình thân. Không phải đến cửa quan nhưng là về nhà mình. Là chìm vào đáy lòng, trong thân tình để gặp được Chúa là người Cha vô cùng quyền năng nhưng cũng vô cùng yêu thương nhân hậu.

 Với kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy ta biết sống tâm tình hiếu thảo. Người con hiếu thảo lo việc chung của gia đình của cha mẹ. Trong việc chung của cha mẹ, có phần hạnh phúc của con cái. Chương trình của Chúa dành cho ta là tối ưu. Vì thế tiên vàn phải cầu nguyện cho chương trình của Chúa được thực hiện. Khi Nước Chúa ngự đến ta sẽ được thỏa mãn mọi khát vọng.

 Với kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta biết sống tình bác ái huynh đệ. Chúa là Cha nên mọi người là anh em. Con người là bất toàn, là sai lỗi. Ta cần Chúa tha lỗi cho ta thì ta cũng phải sẵn sàng tha lỗi cho anh em. Điều này quan trọng để chứng tỏ đức tin. Vì Chúa vô hình ta không thấy được. Nhưng anh em thì ta phải gặp gỡ sống chung hằng ngày. Chính thái độ của ta đối với anh em nói lên đức tin vào Thiên Chúa là Cha.

 Với kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện không phải là lời đầu môi chót lưỡi nhưng phải thực hành. Tâm tình con thảo phải được thể hiện trong việc chăm lo mở rộng Nước Chúa, Tâm tình huynh đệ phải được thể hiện trong đời sống chan hòa yêu thương. Và nhất là trong sự cảm thông tha thứ. Lời cầu nguyện chỉ chân thực khi có thực hành. Lời cầu nguyện chỉ tha thiết khi ta cố gắng hết sức để thực hiện những ước mơ đó trong hành động.

 

THỨ 4 TUẦN I MÙA CHAY

NHẠY BÉN VỚI DẤU CHỈ

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Gn 3, 1-10; Lc 11, 29-32

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Chúa Giêsu khen nữ hoàng Saba và dân thành Ni-ni-vê. Họ có những phẩm chất của Tin Mừng.

 Nhạy bén. Họ nhạy bén lắng nghe. Từ Sa-ba xa xôi mà nữ hoàng cũng nghe được tiếng tăm Sa-lo-mon. Dù đang phạm tội, dân thành Ni-ni-vê cũng nghe được tiếng Gio-na. Họ nhạy bén đón nhận. Họ lắng nghe chăm chú. Họ đón nhận, Họ để sứ điệp đụng chạm bản thân, thấm nhập tâm hồn.  Họ nhạy bén hành động: đón nhận rồi họ hành động tức khắc. Nữ hoàng rong buồm ra đi, dân Ni-ni-vê cải đổi đời sống.

 Khiêm nhường. Họ nhạy bén vì họ rất khiêm nhường. Nữ hoàng biết mình kém hiểu biết nên khao khát nghe sự khôn ngoan của Sa-lo-mon; dân Ni-ni-vê biết mình tội lỗi nên đã hối cải theo lời khuyên của Gio-na.

 Thành tâm. Khiêm nhường vì thành tâm, khao khát điều tốt. Khi biết điều hay lẽ phải lập tức tuân hành. Những người thời Chúa Giê-su không được như thế.

 Người thời Gio-na đã nghe lời ông. Người thời Chúa Giê-su không nghe lời Chúa. Dù Chúa trổi vượt hơn Gio-na về tất cả. Gio-na được Thiên Chúa sai đến. Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa đích thân đến. Gio-na miễn cưỡng đến Ni-ni-vê. Chúa Giê-su tự nguyện xuống trần. Gio-na ở trong bụng cá ba ngày nhưng không chết. Chúa Giê-su chịu vùi chôn trong lòng đất vì đã chết thật. Gio-na không tự mình sống lại. Chúa chiến thắng thần chết và sống lại hiển vinh.

 Nữ hoàng Sa-ba ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Sa-lo-mon. Người thời Chúa Giê-su không hiểu sự khôn ngoan của Chúa Giê-su. Dù Chúa Giê-su trổi vượt Sa-lo-mon muôn ngàn lần. Sa-lo-mon được Thiên Chúa ban sự khôn ngoan. Chúa Giê-su là Ngôi Lời, là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sa-lo-mon chỉ là sự khôn ngoan của trần gian. Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Nước Trời. Sự khôn ngoan của thập giá. Sự khôn ngoan của tình yêu. Sự khôn ngoan dẫn ta đến sự sống đời đời.

 Mùa Chay là mùa rèn luyện tâm hồn nhạy bén. Để nhận được những tín hiệu Chúa gửi. Để sứ điệp của Chúa thấm sâu vào tâm hồn. Biến thành hành động tức khắc và cụ thể.

 

THỨ 5 TUẦN I MÙA CHAY

HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Et 4, 17k-17m.17r-17t; Mt 7, 7-12

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Chúa Giêsu nói những lời đầy hi vọng. “Cứ xin thì sẽ được. Cứ tìm thì sẽ thấy. Cứ gõ cửa sẽ mở cho”. Câu chuyện về Hoàng hậu Ét-te là một minh họa sống động. Ta phải học hỏi tấm gương cầu nguyện của bà.

 Bà được nhận lời vì chỉ trông cậy một mình Chúa. Ở trong lúc bơ vơ khốn khổ chỉ có Chúa là nơi nương tựa duy nhất. Trong thân phận cô đơn yếu thế chỉ có Chúa là điểm tựa duy nhất. Trong cơn hiểm nguy cùng cực chỉ có Chúa là vị cứu tinh duy nhất. Vì chỉ trông cậy một mình Chúa nên bà chọn cầu nguyện là giải pháp duy nhất. Là giải pháp đầu tiên. Là giải pháp cuối cùng.

 Bà được nhận lời vì đi vào chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn Ít-ra-en làm dân riêng để từ đó phát xuất ra Đấng Cứu Thế. Để chương trình cứu độ được thực hiện Chúa ra tay bảo vệ dân riêng Chúa đã chọn. Để trung tín với lời hứa, Chúa giải cứu Ít-ra-en trong lúc gian nguy.

 Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện là đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của ta. Còn nơi nương tựa nào vững chắc hơn là người Cha. Còn vị cứu tinh nào thần thế hơn người Cha. Cha là tất cả. Cha sẽ lo cho con tất cả.

 Chúa Giê-su cũng dậy ta cầu nguyện phải đi vào chương trình của Thiên Chúa. Chúa có chương trình cho mỗi người. Chương trình đó là tuyệt hảo, tối ưu. Nếu ta cầu nguyện theo ý riêng, những điều đó chưa chắc đã ích lợi cho ta. Nhưng nếu ta cầu nguyện theo ý Chúa, điều đó chắc chắn ích lợi cho ta.

 Chúa Cha là người Cha nhân lành và quan phòng, không bao giờ ban cho ta những điều có hại cho ta. Nhưng Chúa sẽ ban những gì tốt đẹp nhất cho ta không chỉ bây giờ mà còn sau này và mãi mãi.

 Vì thế cầu nguyện phải đi đến chỗ hòa hợp ý ta với ý Thiên Chúa. Để ta hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Để ý ta hoàn toàn phù hợp với ý Thiên Chúa. Để ý Chúa trở thành ý ta. Khi đó ta sẽ đạt được mọi điều mong muốn và còn hơn thế nữa. Khi nào thánh ý Chúa được thể hiện, con người sẽ được hạnh phúc.

 Cứ đến với Cha như người con bé nhỏ yếu đuối, chắc chắn Cha sẽ thương ban ơn che chở. Cứ gõ vào cánh cửa tình thương của Cha chắc chắn Cha sẽ mở cho con. Cứ tìm thánh ý Cha chắc chắn sẽ thấy chương trình Cha dành cho con vô cùng tốt đẹp.

 

THỨ 6 TUẦN I MÙA CHAY

THANH TẨY TÂM HỒN

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Đnl 18, 21-28; Mt 5, 20-26

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Thiên Chúa là tình yêu. Tội lỗi đem đến chết chóc. Thiên Chúa không ngừng mong chờ, thúc giục con người từ bỏ tội lỗi, sống công chính để được sự sống.

 Thiên Chúa mong muốn con cái Người công chính hơn người Biệt phái. Nếu người Biệt phái chỉ giữ lề luật theo hình thức, Thiên Chúa mong muốn con cái của Người giữ lề luật bằng tình yêu.

 Theo luật thường, ai xúc phạm đến thân xác đồng loại mới bị trừng phạt. Nhưng Chúa dậy ta ai xúc phạm đồng loại chỉ bằng lời nói, thậm chí chỉ trong tư tưởng thôi cũng đã bị trừng phạt rồi.

 Như thế Chúa không hài lòng với vẻ hài hòa bên ngoài. Chúa nhìn tận đáy sâu tâm hồn. Chúa đòi hỏi tình yêu thực sự phát xuất từ đáy lòng. Vì thế, không làm ác là chưa đủ. Vì nếu ta chất chứa lòng ghen ghét trong tâm hồn thì mầm mống chiến tranh hận thù vẫn còn đó. Sẽ có lúc bùng nổ. Không làm ác mới chỉ bằng người Biệt phái mà thôi. Chúa muốn con cái Chúa phải công chính hơn người Biệt phái. Phải có tình yêu từ đáy tâm hồn. Phải nghĩ tốt và nói tốt cho người khác.

 Và ngạc nhiên chưa, Chúa còn đi một bước nhảy vọt. Buộc ta phải làm hòa với người bất bình với ta. Tại sao thế? Vì Chúa muốn thế giới sạch bóng thù hận ghen ghét để tình yêu thống trị. Dù ta không gây ra chia rẽ bất hòa, ta vẫn có nhiệm vụ hàn gắn chia rẽ bất hòa. Vì ta đã là duyên cớ dù vô tình cho người oán ghét. Vì ta có nhiệm vụ tiếp tay với Chúa làm cho thế giới sống hài hòa.

 Chỉ sau khi làm hòa ta mới có thể dâng của lễ. Vì Chúa là tình yêu không thể nhận của lễ khi thế giới còn chia rẽ bất hòa. Vì của lễ ta dâng đẹp lòng Chúa không phải là lễ vật đắt tiền quí giá, nhưng là sự hi sinh kiến tạo hòa bình, xây dựng tình yêu. Điều đó buộc  ta không chỉ thanh tẩy mình mà còn phải thanh tẩy cả thế giới. Không chỉ tắm rửa cho bản thân, nhưng con phải lau sạch cả căn nhà. Không chỉ không giận ai mà còn phải làm cho không ai giận mình. Lúc ấy thế giới mới thật sự tươi đẹp.

 Nếu thế mùa chay này tôi còn rất nhiều việc phải làm để xứng đáng dâng lễ Chúa Phục Sinh.

  

THỨ 7TUẦN I MÙA CHAY

HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Đnl 26, 16-19; Mt 5, 43-48

 

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Chúa yêu thương ta biết bao. Vì yêu thương nên Chúa muốn ta là của riêng Chúa. Là dân riêng của Chúa. Là con riêng của Chúa. Cũng vì yêu thương mà Chúa đòi hỏi ta hơn người khác. Ta phải “trổi vượt mọi dân tộc, xẻt về vinh dự, danh tiếng và vinh quang…” Và vì thế ta phải trổi vượt cả về đức độ. Vì ta phải hoàn thiện như Chúa là Cha chúng ta ở trên trời là đấng hoàn thiện. Đó là phải yêu như Chúa.

 Ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi được yêu thương. Ai cũng cảm thấy đau buồn khi bị ghét bỏ. Nhưng lòng ghen ghét vẫn tồn tại. Và tình yêu vẫn thiếu thốn. Đó là vì chúng ta yêu thương theo cảm tính, theo liên hệ bình thường. Yêu những người dễ yêu. Yêu những ai yêu mình. Đó là cảm tính. Đó là vụ lợi. Đó chưa phải là tình yêu. Vì tình yêu như thế không tùy thuộc vào ta nhưng tùy thuộc vào đối tượng. Đối tượng đó quyết định tình yêu của ta. Như thế chưa phải là tình yêu. Như thế là tình yêu có điều kiện.

 Chúa Giêsu dạy ta biết thế nào là tình yêu thực sự. Tình yêu thực sự không phải là cảm tính nhưng là lý trí. Tình yêu thực sự phát xuất từ trái tim mình chứ không bị điều kiện hóa bởi đối tượng. Tôi yêu vì tôi yêu chứ không phải vì đối tượng dễ yêu hay vì đáp lại tình yêu của người khác. Tình yêu như thế cứ bừng nở, dàn trải, tỏa lan, bất chấp đối tượng có đón nhận hay không, có dễ thương hay không, có đáp lại hay không.

 Yêu thương đến bao phủ mọi người trong tình yêu. Yêu thương đến hoán cải mọi người nên tình yêu. Vì thế không phân biệt kẻ thân người sơ. Vì thế cầu nguyện cho những ai chưa yêu để họ được biết yêu.

 Yêu thương như thế là nên giống Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu cho mặt trời mọc lên soi sáng tất cả mọi người, cho mưa xuống trên tất cả mọi người. Tình yêu như thế sẽ lan tỏa khắp nơi. Ai lấy tay che được mặt trời. Ai có thể ngăn chặn không cho mưa rơi. Hãy là mặt trời bừng sáng bất chấp quanh ta có bóng tối hận thù. Hãy là cơn mưa tràn trề để không một loài cỏ cây hoa lá nào, không một miền nào dù đất thịt hay cát sỏi, cũng đều được mưa nhuần thấm đượm.

 Yêu thương như thế là tiến đến con đường hoàn thiện. Là mang trái tim Thiên Chúa bao phủ ấp ủ cả thế giới. Yêu thương như thế là biến đổi thế giới. Vì chẳng có cái ác nào có thể ngăn chặn được tình yêu ấy. Chẳng có chia rẽ hận thù nào có thể cản trở trái tim ấy mở ra.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Hai, Tuần XII, Thường niên, Mt 7,1-5: Đừng xét đoán – Đừng lấy cái rác trong mắt anh em

Thứ Hai Tuần XII, Thường niên, Mt 7,1-5 Đừng Xét Đoán – Đừng Lấy Cái Rác Trong Mắt Anh Em Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Một câu...

Thứ Bảy, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,24-34): Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính

Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên (Mt 6,24-34) Tìm Nước Thiên Chúa và Sự Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước...

Thứ Sáu, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,19-23): Đi tìm kho tàng bất diệt

Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên (Mt 6,19-23) Đi Tìm Kho Tàng Bất Diệt Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Từ ngàn xưa đến nay, con người vẫn...

Thứ Năm, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,7-15): Tình con thảo đối với Cha

Thứ Năm, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,7-15) Tình Con Thảo Đối Với Cha Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Khi lần giở Tin Mừng, chúng ta ngạc...

Thứ Tư, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,1-6.16-18): Làm việc phúc đức với thái độ nào?

Thứ Tư, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,1-6.16-18)  Làm việc phúc đức với thái độ nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. “Khi làm việc lành phúc đức,...