Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

TẤM BÁNH ĐỜI THƯỜNG – TUẦN VII PHỤC SINH (TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

THỨ HAI TUẦN VII PHỤC SINH

THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN

Cv 19, 1-8; Ga 16, 29-33

 

 “Thầy đã thắng thế gian”. Lời nói đầy khích lệ đối với các môn đệ trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế gian là một trận chiến khốc liệt. Vì là trận chiến toàn diện. Thế gian có tất cả, bao trùm tất cả. Vì là trận chiến cô đơn. Ta chỉ có một mình chống lại tất cả. Vì thế gian bàng bạc khắp nơi. Ngấm cả vào máu thịt. Nên chống lại thế gian là phải chống lại chính mình.

 Chống lại thế gian là một trận chiến cô đơn vì không ai có thể giúp ta. Ta phải tự mình chiến đấu.Nhưng chính trong cô đơn ta gặp được Thiên Chúa. Khi đã dám dứt bỏ tất cả, ta gặp được Thiên Chúa. Ở sâu trong nỗi cô đơn, Thiên Chúa chờ đợi ta như một phần thưởng, như một người bạn thân thiết nhất chỉ xuất hiện khi những bạn bè giả dối ra đi. Như kho tàng chôn giấu trong ruộng. Như viên ngọc nằm trong đá chỉ xuất hiện sau khi loại bỏ những lớp bùn đất bao phủ bên ngoài.

 Chiến đấu trong cô đơn đòi hỏi sự trung tín. Khi dám dứt bỏ tất cả, kể cả từ bỏ chính mình, tâm hồn minh chứng một sự trung tín sâu xa với Thiên Chúa. Chính trong sự trung tín, Thiên Chúa hiện diện vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng trung tín.

 Chúa Giêsu đã trải qua cuộc chiến khốc liệt và đã chiến thắng. Mọi người đã bỏ Chúa. Chúa đã cảm thấy cô đơn tột cùng. Nhưng rồi Chúa vượt lên trên tất cả và lên cùng Đức Chúa Cha. Các môn đệ chẳng thể đi con đường nào khác ngoài con đường của Thầy. Các môn đệ chẳng thể vượt trội hơn Thầy thoát khỏi nỗi cô đơn. Chúa không hứa giải thoát các ông khỏi cuộc chiến đấu. Chúa loan báo trước cuộc gian nan khốn khó của các môn đệ: “Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó”. Nhưng chỉ cho các ngài cách thế chiến thắng đó là “Trong Thầy anh em được bình an”. Chỉ đi theo con đường của Chúa, chiến đấu trung tín cho đến cùng, chỉ khi đã vượt thoát hết những ràng buộc của trần gian, người môn đệ mới đạt đến Chúa, mới ở trong Chúa và mới được hưởng sự bình an. Cuộc chiến sẽ rất khốc liệt. Thế gian như miệng sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Nhưng “Hãy can đảm lên vì Thầy đã thắng thế gian”.

 Can đảm là ơn Chúa Thánh Thần. Sức mạnh phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Vì thế, như các tín hữu sơ khai, ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ngự đến và giúp ta trong cuộc chiến đấu với thế gian này. Có ơn Chúa Thánh Thần ta mới hi vọng đạt đến chiến thắng. Vượt lên khỏi thế gian và những ràng buộc của nó, ta mới đạt đến sự bình an là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

 

THỨ BA TUẦN VII PHỤC SINH

TÌNH YÊU VÀ TRẬT TỰ

Cv 20, 17-27;  Ga 17, 1-11a

 

Càng đến giờ phút giã từ trần gian, tình yêu của Chúa Giê-su càng dâng cao. Tình yêu của Người luôn qui hướng về Chúa Cha. Nhưng tình yêu đó cũng có vương vấn các tông đồ. Tình yêu Chúa Giê-su biểu lộ trong cuộc trao dâng trọn vẹn. Tặng phẩm quí nhất của tình yêu là chính bản thân Người. Người dâng hiến cho Chúa Cha cả linh hồn cả thân xác của Người. Người dâng lên Chúa Cha cả những môn đệ Người yêu quí. Nhưng tình yêu đó lớn lao không chỉ vì những cảm xúc, những quà tặng, mà còn vì được thể hiện trong trật tự.

 Chúa Giê-su hiểu rằng Chúa Cha là nguồn cội của bản thân mình và của mọi loài. Mọi sự đều bởi Chúa Cha ban cho. Nên mọi sự phải qui về Chúa Cha. Chính vì thế phải chu toàn thánh ý Chúa Cha. Thân xác Chúa Giê-su là do Chúa Cha ban cho. Nên Người dâng lại cho Chúa Cha trong cái chết vâng phục trên thánh giá. Các môn đệ cũng là do Chúa Cha ban cho. Nên Người xin Chúa Cha gìn giữ để các môn đệ luôn tuân giữ lời Người mà qui hướng về Chúa Cha.

 Khi con người hoàn toàn qui phục Chúa Cha thì Chúa Cha được tôn vinh. Và chính con người cũng được tôn vinh vì hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc tôn vinh đó tình yêu càng dâng cao. Con người càng được hạnh phúc.

 Chúa Giê-su mong ước được tôn vinh nơi chúng ta. Cũng như Chúa Cha được tôn vinh nơi Người. Vì thế Người đã cầu nguyện để xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi thế gian, nhưng luôn chu toàn ý Chúa cha.

 Thánh Phao-lô đã hiểu được điều đó,  nên luôn bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa trong trật tự. Yêu mến hết tình nên thánh nhân dâng hiến trọn đời sống để Thiên Chúa sử dụng: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tồi về Giê-ru-sa-lem mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi”.  Yêu mến trong trật tự nên thánh nhân không kể mạng sống mình là gì, chỉ mong chu toàn thánh ý Thiên Chúa: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su”.

 

 THỨ TƯ TUẦN VII PHỤC SINH

NIỀM VUI TRỌN VẸN

 Cv 20, 28-38; Ga 17, 11b-19

 

Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha. Tình yêu luôn khát khao kết hợp. Kết hợp tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc  đem đến niềm vui. Nay Chúa hết thời hạn ở trần gian để trở về cùng Chúa Cha. Nên Chúa tràn đầy niềm vui, Đó là niềm vui trọn vẹn.

 Vì yêu thương, Chúa muốn các môn đệ được tham dự vào tình yêu đó. Được hòa nhập trong tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi. Được hưởng niềm vui trọn vẹn.

 Tuy nhiên còn có khó khăn vì các môn đệ còn ở trần gian. Vì thế phải sống tất cả những mâu thuẫn của ơn gọi. Phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Phải thuộc về Thiên Chúa nhưng còn phải chịu xa cách Người. Phải làm chứng về Nước Trời cho trần gian. Phải sống đời siêu nhiên trong tự nhiên. Phải yêu mến nhưng lại phải dứt bỏ trần gian. Đó là những nghịch lý. Hóa giải và vượt qua những nghịch lý đó là nhiệm vụ của người môn đệ.

 Chính Chúa Giêsu đã trải qua những khó khăn đó với tất cả những cám dỗ, những thử thách, những đau khổ. Chúa đã phải chiến đấu với chính mình đến toát mồ hôi máu ra. Nên Chúa cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ môn đệ để tuy sống giữa thế gian nhưng họ không bị nô lệ cho ác thần.

 Và Chúa xin Chúa Cha thánh hóa môn đệ bằng Lời Chân Lý. Lời Chân Lý vạch ra những giả trá của thế gian. Lời Chân Lý dẫn đưa đến sự thật và sự sống. Chính Chúa Giêsu đã dùng Lời Chân Lý mà chống lại lời giả trá của ma quỉ trong ba cuộc cám dỗ. Và Chúa làm gương cho các môn đệ khi tự hiến thân mình khi hoàn toàn dứt khoát từ chối trần gian. Chỉ sống theo thánh ý Chúa Cha.

 Thánh Phao-lô là một môn đệ gương mẫu đã thực hành lời Chúa dạy. Ngài cảnh báo các kỳ mục Ê-phê-sô về sự giả trá và chia rẽ xuất phát từ chính nội bộ. Đó chính là thế gian với những lời lẽ giả trá. Phao-lô thuộc về Chúa nên từ chối thế gian. Không ham mê của cải danh vọng chức quyền thế gian. Trái lại ngài làm chứng cho Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát và cho đi. Và ngài hiến dâng đoàn chiên cho Thiên Chúa, cho lời ân sủng của Thiên Chúa. Phao-lô làm gương tự hiến mình để mọi người thấy chỉ có Chúa là sự sống, là sự thật và là hạnh phúc. Chỉ nơi Chúa niềm vui mới trọn vẹn.

 

 THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH

 TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

Cv 22, 30; 23, 6-11; Ga 17, 20-26

  Hợp nhất là sự sống trong tình yêu. Chúa Ba Ngôi chính là nguồn mạch tình yêu và sự sống trong sự hợp nhất trọn vẹn. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. “Cha và Con là Một”. “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Kết hợp sâu xa trong một tình yêu hoàn hảo được biểu lộ trong chuyển động dâng hiến trọn vẹn:  “Mọi sự của Cha là của Con. Và mọi sự của Con là của Cha”. Sự dâng hiến làm nên sự sống. “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. “Thầy sống nhờ Cha”. Cuộc trao đổi dâng hiến làm cho tình yêu không bao giờ vơi cạn. Và sự sống ngày càng sung mãn.

 Tình yêu và sự sống đó lan tràn đến nhân loại. Nhưng để lãnh nhận con người phải hòa mình vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh rất đẹp mà Chúa Giê-su đã dùng là cây nho: “Thầy là cây nho. Anh em là nhành nho”.  Như cành cây phải gắn liền với thân cây. Muốn nhận lãnh sự sống từ Thiên Chúa ta phải gắn liền vào Thiên Chúa. Muốn gắn liền vào Thiên Chúa ta phải có tình yêu. Tình yêu làm cho ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Khi ta ở trong Chúa Giêsu thì Chúa Cha ở trong ta: “Con ở trong chúng và Cha ở trong Con”. Tình yêu đó phất sinh sự sống trong ta. Một sự sống dồi dào sung mãn.

 Khi hợp nhất với Thiên Chúa, người ta tự nhiên hợp nhát với nhau. Đó chính là hình ảnh của cộng đoàn tín hữu sơ khai. Yêu mến Thiên Chúa nên bỏ của cải làm của chung. Vì thế cộng đoàn có một sức sống mãnh liệt. Và đó là một cộng đoàn chứng nhân. Thế gian thấy họ mà tin vào Chúa: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con”.

 Thế gian tin và muốn gia nhập cộng đoàn tín hữu sơ khai. Vì từ thâm tâm ai cũng hướng về tình yêu và sự sống. Trong hợp nhất tình yêu và sự sống được biểu lộ. Trở thành sức hấp dẫn với mọi người.

 Phao-lô có sức hấp dẫn vì ông luôn kết hợp với Chúa: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Chúa hài lòng về điều đó nên mời gọi ông: “Con hãy tiếp tục làm chứng cho ta tại Rô-ma nữa

 

 THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH

 YÊU MẾN HƠN

Cv 25,13b-21; Ga 21,15-19

  

Hai người tiền phong. Phê-rô và Phao-lô. Đá Tảng và Trụ Đồng nâng đỡ Giáo hội. Hai tông đồ trưởng. Hai tâm hồn ưu tuyển. Với chỉ một điều kiện: Yêu Mến Hơn.

 Chúa Giê-su hỏi Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không”? Đây là lời mời gọi thứ hai. Cách lời mời gọi đầu khoảng 3 năm. Lời mời gọi đầu khi Chúa Giê-su khởi sự đời công khai. Khi Phê-rô còn bồng bột hăng say. Chúa mời gọi ông hãy đi chinh phục: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ lưới người như lưới cá”. Và Phê-rô hăng say đáp trả: “Dù mọi người bỏ Thầy, con quyết không bỏ Thầy”.

 Hôm nay lời mời gọi đi vào chiều sâu: Con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không? Chúa cần tình yêu. Tình yêu là đủ. Và Chúa trao nhiệm vụ mới. Không phải đi chinh phục. Nhưng quan tâm chăm sóc đoàn chiên: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Phê-rô thưa lại. Tuy không bồng bột hăng say. Nhưng đầy quyết tâm và sâu lắng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau tất cả những gì đã trải qua, lời đáp trả thật sự sâu lắng, vững chắc, nhưng cũng đầy khiêm tốn. Chúa cũng không úp mở hứa hẹn. Thẳng thắn báo trước cái chết. Nhưng Phê-rô vẫn cương quyết bước theo. Đó chính là tình yêu đã lớn manh. Đã yêu mến hơn.

 Thánh Phao-lô cũng đi trên con đường yêu mến hơn. Từ khi được biết Chúa, ngài yêu mến. Đến nỗi cùng chịu đóng đinh với Chúa. Để từ nay không còn sống cho chính mình nữa. Chỉ sống cho Chúa. Để Chúa sống trong ngài. “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách” ngài. Khiến ngài ra đi không ngừng nghỉ. Rao giảng trở thành lẽ sống. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Biết chắc “xiềng xích và Thánh Thần đang chờ đợi”, nhưng ngài luôn hiên ngang tiến bước. Chỉ ước mong được hi sinh cho Chúa và cho anh em: “Tôi hoàn thành nơi thân xác tôi những cực hình còn thiếu sót nơi cuộc khổ nạn của Chúa. Hầu sinh ơn ích cho Giáo hội”.

 Hôm nay Chúa đang cần những tâm hồn yêu mến hơn. Chúng ta có quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa không? Hôm nay Chúa cũng muốn hỏi tôi: “Con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không”? Tôi đáp lại thế nào?

 

 THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH

 LỜI BAN SỰ SỐNG

 Cv 28, 16 – 20, 30-31; Ga 21, 20-25

 

 Câu kết thúc Phúc Âm thánh Gio-an khiến ta ngạc nhiên: “Còn có nhiều điều khác Chúa Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”.

 Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngôi Lời Thiên Chúa vốn toàn năng toàn tri toàn thiện và phổ quát. Nhưng Ngôi Lời Nhập Thể tự nhận những giới hạn của con người. Lời Thiên Chúa thì vô hạn. Ngôn ngữ con người thì hữu hạn. Lời hữu thanh chẳng diễn tả hết ý vô thanh. Thánh Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa. Đã nghe được nhịp đập của trái tim Chúa. Đã nghe được lời vô thanh của Thiên Chúa. Đã hiểu được lời vô hạn của Thiên Chúa. Đã ôm ấp Lời Thiên Chúa cao sâu muôn trùng, mênh mông vô biên, trời đất chứa chẳng nổi.

 Thánh Phao-lô cũng là người nghe được lời vô hạn, vô thanh, vô ngôn của Thiên Chúa. Ngài đã được đưa lên tầng trời thứ ba. Đã được Thiên Chúa trực tiếp dậy dỗ. Và đã hình thành một Tin Mừng riêng biệt của mình. Tin Mừng đầy ắp trong tâm hồn khiến ngài bị thúc bách nói ra: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9,16). Vì thế ngài rao giảng không ngừng. Chờ thụ án tử hình vẫn rao giảng. Rao giảng cho đến hơi thở cuối cùng.

 Như thế Phúc Âm không phải là một quyển sách nhưng là một cuộc gặp gỡ. Có bao nhiêu cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su là có bấy nhiêu Phúc Âm.

 Theo lời truyền khi thánh Gioan về già, không thể nói nhiều. Mỗi lần tín hữu tụ tập lại, người ta khiêng ngài ra. Ngài chỉ giảng một câu: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Ngài giảng mãi câu ấy không biết chán. Giáo dân nghe câu ấy suốt đời không biết mệt. Vì lời hữu hạn của con người đã gặp Chúa, có sức chuyên chở nội dung sức sống vô biên của Lời Thiên Chúa.

 Ở đây nữa ta thấy sự sâu xa của Lời Thiên Chúa vô hạn đối nghịch với lời hữu hạn của con người. Chỉ một Lời Thiên Chúa ngắn ngủi lại tràn đầy sức sống, tràn đầy ý nghĩa và làm say đắm lòng người hơn nhiều bài giảng dài dòng, huyên thiên, vô nghĩa trong lời hữu hạn của con người.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...