TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC NGUYỆN GẪM THEO CHA TỔ PHỤ HENRI DENIS THUẬN
Cha Henri Denis (Biển Đức Thuận), Đấng sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam (1880 – 1933), là bậc thầy về đời sống chiêm niệm. Đời sống nội tâm của ngài rất sâu sắc nhờ ngài liên tục kết hiệp với Chúa. Một trong những bí quyết giúp Cha Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia thường xuyên tiếp xúc và kéo dài “tâm sự” với Chúa là luôn sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, nhờ vậy ngài yêu thích và chuyên cần nguyện gẫm (ngày nay từ nguyện ngắm thông dụng hơn). Ngài trở thành mẫu mực không những đối với các nam nữ Đan sĩ thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia nhưng phương thế giúp Cha nên hoàn thiện về đời sống thiêng liêng đó có thể giúp ích cho nhiều người.
Đối với Cha Tổ Phụ: Nguyện gẫm (một sự cầu nguyện liên tục) là một trong những phương thế quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt những tâm hồn muốn theo sát Đức Kitô trong đời dâng hiến. Tuy nhiên với ảnh hưởng của xã hội bị “ô nhiễm” bởi những ồn ào đủ loại, sống hời hợt và thích kiểu “mì ăn liền” như ngày nay, xem ra việc nguyện gẫm trở thành xa lạ, không được chú trọng đủ hoặc có thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả. Chính vì những lý do đó, chủ đề bài viết: “Tầm quan trọng của việc nguyện gẫm theo Cha Tổ Phụ Henri Denis Thuận“ như một nhắc nhở, lời động viên cho tất cả những ai khao khát thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, muốn thường xuyên kết hiệp với Thiên Chúa ngang qua việc nguyện gẫm hàng ngày. Riêng các con cái của Cha Tổ Phụ đang khi chuẩn bị mừng bách chu niên thành lập dòng có thêm cơ hội tốt để đọc, học hỏi giáo huấn và gương lành của Đấng sáng lập hầu có thể canh tân đời sống chiêm niệm của mình.
Bài viết sẽ lần lượt trình bày ba phần: Khởi đi từ xác nhận nguyện gẫm là việc cần thiết, sau đó chúng ta sẽ đọc lại giáo huấn của Cha Tổ Phụ nói về nguyện gẫm và cuối cùng coi xem ngài đã thực hiện điều đó như thế nào.
I.Nguyện gẫm là việc cần thiết
Theo Cha Tổ Phụ, một cách đơn giản và dễ hiểu: nguyện gẫm là nói chuyện với Chúa, tâm hồn thưa cùng Chúa, Chúa phán dạy tâm hồn. Khi nguyện gẫm chúng ta nghĩ về Chúa và giục lòng yêu mến. Qua việc nguyện gẫm, chúng ta biết được thánh ý Chúa nơi mình, biết được những điều tốt đẹp để học tập, những điều không hay không tốt để tránh xa. Nguyện gẫm là việc rất cần thiết đối với mọi Kitô hữu, đặc biệt các tu sĩ, các Đan sĩ, những người dành cả cuộc đời đi theo và phục vụ Chúa trong đời sống dâng hiến. Mục đích trước hết và trên hết của nguyện gẫm là để kết hiệp với Chúa.
Cha Tổ Phụ lúc sinh thời khi soạn thảo bản Hiến pháp cho các Thầy dòng chuyên về chiêm niệm đã quan tâm đặc biệt đến phận vụ quan trọng này. Vì thế, Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta có trong tay ngày nay đã khuyến khích các thành viên trong Hội dòng lưu ý đến phương thế thiêng liêng quan trọng này; và qui định thời gian dành cho việc nguyện gẫm. Nơi số 122, Hiến pháp minh định: “Là thành phần Hội Dòng chuyên về chiêm niệm, các tu sĩ hãy cố gắng sống trong tinh thần cầu nguyện. Mỗi ngày hai lần, mỗi lần 30 phút, tu sĩ nguyện ngắm ở nơi chung hay nơi nào viện phụ chỉ định”. Qua những lời này, chúng ta thấy được sự cần thiết của việc nguyện gẫm đối với người tu sĩ, cách riêng là các tu sĩ chuyên về chiêm niệm.
Vì đây là phận vụ quan trọng và đan sĩ phải thực hiện cả đời trong Đan viện, nên Thói Lệ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia đòi hỏi những người mới bước vào đời tu cần được trau dồi về việc nguyện gẫm: “Anh em Tập sinh, Thỉnh sinh, cần được hướng dẫn cách đặc biệt trong việc nguyện ngắm theo tinh thần đan tu” (Thói Lệ, số 191).
Ý thức việc nguyện gẫm là quan trọng nên Cha Tổ Phụ rất mong cho tất cả anh em trong nhà dòng được nên người yêu thích nguyện gẫm. Ngài tha thiết khuyên nhủ: “Các thánh xưa đã giữ Tu luật như chúng ta, đã nên thánh cả, thánh lớn, là tại các thánh hằng lo sống thiêng liêng cùng Chúa bề trong. Các thánh làm mọi việc thường như chúng ta, song làm một cách phi thường, tại có sự sống bề trong. Vậy, chúng ta phải lo cho đặng sự ấy, hãy chăm chú nguyện gẫm. Chúng ta hãy ra sức cho đặng nên một người hay nguyện gẫm”. “Muốn sống thiêng liêng bề trong, phải chăm lo nguyện gẫm” (Di Ngôn, số 107).
Nguyện gẫm là việc cần thiết. Người không chăm lo nguyện gẫm phải gánh chịu những thiệt hại về đời sống nội tâm; trước hết đối với bản thân, sau là làm ảnh hưởng tới người khác, gây nên sự trì trệ của cộng đoàn. Ai cũng thấy được những thiệt hại, những bất lợi trong đời sống thiêng liêng nếu không chuyên cần nguyện gẫm. Vì thế, Cha Tổ Phụ thường xuyên nhắc nhủ chúng ta ý thức bổn phận quan trọng này và siêng năng thực hiện mỗi ngày: “muốn sống thiêng liêng bề trong, phải chăm lo nguyện gẫm” (Di Ngôn, số 107″.
II.Giáo huấn của Cha Tổ Phụ về nguyện gẫm
Những đề tài quan trọng được đề cập trong tập “Lời giáo huấn” của Đấng sáng lập Dòng Đức Bà An Nam (tên nguyên thủy của Hội dòng Thánh Gia) mà chúng ta có ngày nay là những đề tài bàn về đời sống thiêng liêng. Trong đó, theo Cha Tổ Phụ, có hai cách thức nguyện gẫm: nguyện gẫm cách thường và cách lạ. Thực tế rất hiếm người được ơn nguyện gẫm cách lạ, hầu hết chúng ta đều phải trải qua tiến trình nguyện gẫm cách thường. Chúng ta sẽ bàn về hai cách thức nguyện gẫm này trong một đề tài khác chuyên biệt hơn, ở đây chỉ muốn tập chú vào những lời huấn dụ của Cha Tổ Phụ với các môn sinh sống đời đan tu chiêm niệm về lợi ích cũng như tác hại liên quan đến bổn phận nguyện gẫm hay không.
1.Nhờ nguyện gẫm chúng ta được thông hiểu hơn.
Chẳng có tu sĩ, đặc biệt Đan sĩ trong bất cứ Hội dòng nào được chuẩn chước việc nguyện gẫm. Nhờ nguyện gẫm chúng ta mới duy trì và phát triển đời sống nội tâm được. Nếu không nguyện gẫm chúng ta sẽ chẳng xác định được phương hướng của đời sống thiêng liêng. Lúc nguyện gẫm, chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa mà suy xét: Nếu chúng ta không có sự suy xét cho chín chắn, ắt hẳn chúng ta sẽ đi sai đường, lạc lối. Cha Tổ Phụ dạy chúng ta: “Nguyện gẫm cũng là một cách giúp chúng ta được thông hiểu hơn. Đang khi chúng ta nguyện gẫm, cũng có suy xét, sau rồi mới nguyện gẫm. Cho nên chúng ta học thêm lẽ mới, và hiểu cách thế đi đàng nhân đức rõ ràng hơn” (Di Ngôn, số 119). Người không nguyện gẫm thì luôn ở trong trạng thái “vô minh”.
2.Nguyện gẫm là cách chúng ta chịu lấy ơn Chúa.
Ơn Chúa vẫn có đó và Thiên Chúa không bao giờ “dè xẻn” trao ban cho con người. Tuy nhiên làm cách nào để nhận lấy ơn Chúa mới là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Một trong những phương cách tuyệt hảo để đón nhận ơn Chúa là những giờ cầu nguyện “mặn nồng” với Chúa. Khi nguyện gẫm chúng ta cũng nhận ra được những thiếu sót, khuyết điểm của mình để cầu nguyện, xin ơn Chúa trợ giúp. Cha Tổ Phụ dạy: “Nguyện gẫm là cầu nguyện. Khi nguyện gẫm, chúng ta nói khó với Chúa, và xin ơn này ơn khác. Cho nên, sự nguyện gẫm là một cách cầu nguyện để chịu lấy ơn Chúa” (Di Ngôn, số 119). Ai chẳng thiết tha với việc nguyện gẫm là bằng chứng chẳng cần ơn Chúa mà có cần cũng chẳng được.
3.Nguyện gẫm để kết hiệp với Chúa.
Chúng ta vẫn được biết đến định nghĩa quen thuộc của “cầu nguyện”, là kết hiệp với Chúa. Khi cầu nguyện, đặc biệt trong các giờ nguyện gẫm sốt sắng là chúng ta được kết hiệp khắng khít với Chúa hơn bao giờ hết. Cha Tổ Phụ cho rằng việc nguyện gẫm là kết hiệp với Chúa, đó là việc cao trọng trên mọi việc: “Sự nguyện gẫm là chính việc chúng ta phải tập cho được kết hiệp với Chúa, ấy là chính việc nguyện gẫm. Chúng ta hãy tập cho được sự ấy, vì cũng là việc các thánh đang làm trên thiên đàng, là hằng kết hiệp với Chúa luôn, hầu được kính mến Chúa không khi nào nhàm chán. Vậy, chúng ta hãy gắng công ra sức cho được sự này” (Di Ngôn, số 119). Một tu sĩ hay Đan sĩ có đời sống nội tâm hời hợt, nguyên nhân chính xuất phát từ việc lơ là thực hiện bổn phận nguyện gẫm.
III.Tấm gương Cha Tổ Phụ về việc nguyện gẫm
Đời sống bề trong của Cha Tổ Phụ thật phong phú bởi cha thường xuyên nguyện gẫm cách tử tế. Tâm hồn cha rất bình an vì luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Cha Tổ Phụ đã biết dùng và thánh hóa tất cả thời gian Chúa ban để làm một việc quan trọng nhất của cuộc đời, đó là làm sao để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Niềm say mê Thiên Chúa nơi Cha Tổ Phụ lớn dần theo thời gian và cho phép chúng ta gọi ngài là bậc thầy về đời sống thiêng liêng. Có được những điều đó vì ngay từ nhỏ cha được may mắn sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ rất đạo đức.
1.Lợi ích của môi trường tốt.
Để trả lời cho thắc mắc “lý do nào Cha Tổ Phụ chúng ta là một người say mê Thiên Chúa như thế?”, thật đơn giản và ngắn gọn, đó là bởi vì ngài yêu thích nguyện gẫm. Chính nhờ chuyên cần nguyện gẫm nên Cha Tổ Phụ đã “đọc” được thánh ý Chúa trong cuộc đời mình. Chúng ta sẽ nhìn ra thánh ý Chúa muốn đặt định cho ngài thế nào khi cùng xác tín: Chúa muốn ai đó làm việc gì cho Chúa, chắc chắn Người cũng ban những ơn cần thiết để người đó chu toàn việc Chúa mời gọi.
Vâng, đối với Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, Chúa cũng đã định cho ngài làm người sáng lập ra một Hội Dòng chiêm niệm. Để chuẩn bị cho Cha Tổ Phụ thực hiện ý muốn tốt lành đó, Chúa đã ban cho ngài có người cha và người mẹ rất đạo đức, sốt sắng, đặc biệt ham thích việc nguyện gẫm, cầu nguyện. Nhờ được sống trong môi trường đạo hạnh với muôn vàn gương sáng ấy, Cha Tổ Phụ đã có được nền tảng cần thiết về việc nguyện gẫm, cầu nguyện ngay từ khi còn nhỏ. Tác giả sách Hạnh Tích có viết: “Trẻ Henri phải chăng là Isaac, Chúa chọn làm tổ phụ dân riêng Người? Nên Chúa soi lòng cho cha mẹ sớm huấn luyện con những đức tính cần cho công việc Người sẽ uỷ thác. Bà Geffroy đạo đức sánh tày bà Aleta thân mẫu thánh tổ Benado. Bà siêng năng dạy con đọc kinh cầu nguyện và ái mộ sự đọc kinh cầu nguyện. Chính lời của Henri viết trong tập nhật ký: “Tôi có phước vì ngay từ thơ ấu đã được mẹ cho biết ham mộ sự đọc kinh cầu nguyện”. Phúc đức tại mẫu là thế! Ông Denis không chịu thua lòng sốt sắng của bà. Dẫu hằng ngày phải thức khuya dậy sớm thấu bột đốt lò nướng bánh, mà kinh hạt ông không bao giờ bê trễ. Tinh mơ sáng ông gọi mẹ con dậy đọc kinh. Rồi bắt phải nín lặng ba giờ luôn để cầm trí nguyện gẫm (chính Cha Tổ Phụ kể lại). Những khi đi đánh xe bán bánh chung quanh thành, phải qua một đồi nhỏ có đền thánh giá, ông thường dừng xe, xuống quỳ cầu nguyện lâu ở đó. Khi Henri lên năm sáu tuổi, có lần được cha đem theo để tập quỳ cầu nguyện trước tượng thánh giá” (Hạnh Tích, trang 25)
2.Cha Tổ Phụ say mê Chúa qua việc nguyện gẫm.
Vì có “vốn” say mê Thiên Chúa từ nhỏ nên hầu như suốt cả ngày, Cha Tổ Phụ dường như luôn chìm đắm trong nguyện gẫm, cầu nguyện.
Ngài khởi sự ngày sống bằng việc kết hiệp với Chúa ngay từ sáng sớm: Vì ý thức được việc nguyện gẫm, cầu nguyện là điều hết sức quan trọng nên Cha Tổ Phụ đã cố gắng đi nghỉ sớm, không thức khuya để sáng mai dậy sớm nguyện gẫm. Nếu khởi đầu một công việc, cơ thể chúng ta cần nạp năng lượng cần thiết thì cũng vậy, để bắt đầu một ngày mới, chúng ta cần có sức khoẻ cả về thể xác cũng như tâm hồn.
Nguyện gẫm và cầu nguyện vào sáng sớm giúp tâm hồn được nhiều ơn Chúa để có thể sống với Chúa suốt ngày. Trong thư Cha Tổ Phụ viết cho cha mẹ có nhắc đến khoảng thời gian quan trọng buổi sáng như sau: “Con liệu đi nghỉ sớm, độ chín rưỡi, mười giờ, có khi đến mười một giờ. Rồi sớm mai gà gáy lần thứ nhất độ ba rưỡi, tư giờ, con dậy nguyện gẫm, nghĩa là cầu xin với Chúa, nói chuyện với Ngài” (Hạnh Tích, trang 46-47).
Đối với Cha Tổ Phụ, ngài không chỉ dành riêng thời gian sáng sớm để lo việc cầu nguyện, suy gẫm. Cha Tổ Phụ tiếp tục việc nguyện gẫm sau khi dâng lễ, ngài đã nói: “Cả ngày, những xao lãng, chỉ có lúc dọn mình làm lễ, trong khi làm lễ và giờ cám ơn sau lễ là thiên đàng” (Hạnh Tích, trang 85- 86). Về điều này, chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng vào những lúc khác, tâm trí thường bận rộn những chuyện của đời thường như công việc, học hành,…. chúng ta ít nhớ đến Chúa nên tâm hồn không có hoặc có ít niềm vui. Qua câu nói này của Cha Tổ Phụ, chúng ta cũng thấy được thời gian sau khi rước Chúa là thời gian quý báu dường nào: ngài đã ví nó như thiên đàng. Chắc hẳn, Cha Tổ Phụ đã được cảm nếm những giây phút hạnh phúc bên Chúa vào giờ linh thánh này. Chính vì thế, ngài thường dùng thời gian sau khi dâng lễ để nguyện gẫm. Một cha trong cộng đoàn đã xác nhận điều này khi kể lại: “Chính tôi buổi sáng lên xin phép, gõ cửa vào thấy người cầm cuốn sách ngồi ở giường nguyện gẫm sau khi làm lễ, hai mắt lù bù giọt lệ nhỏ sa” (Hạnh Tích, trang 86). Cha Tổ Phụ nguyện gẫm mà hai mắt ngài có những giọt lệ điều này chứng tỏ ngài đã rất sốt sắng: ngài đã gặp được Chúa và cảm mến tình Chúa thắm thiết vô cùng. Vì đó, lòng ngài say mê Chúa và càng say mê Chúa, ngài càng làm việc này cẩn thận và chuyên cần.
Ngoài ra Cha Tổ Phụ còn nguyện gẫm cả trong bàn cơm: Vì hãm mình nên bữa cơm của Cha Tổ Phụ thường rất đơn giản và mau chóng. Những thời gian còn lại trong giờ cơm chung của cộng đoàn, ngài đã biết tận dụng nó. Vì không muốn thời gian trôi qua vô ích, nên luôn cố gắng dành thời gian trống để nghĩ về những điều mưu ích cho phần rỗi. Tác giả cuốn Hạnh Tích cho chúng ta biết: Cha Tổ Phụ có lòng say mê Chúa nên trong bàn cơm, sau khi dùng bữa xong, ngài nghiêm trang nghe sách hoặc suy gẫm: “Mười phút xong bữa cơm cố Thuận, một bát nước trà suông kết liễu: thế là rồi! Đoạn cha vòng tay nghe sách hoặc suy gẫm” (Hạnh Tích, trang 44-45).
Giờ nguyện gẫm của Cha Tổ Phụ còn tiếp tục kéo dài thêm khi ngài hy sinh cả giờ nghỉ trưa cho việc đó: Cha Tổ Phụ thường dành cả thời gian sau cơm trưa để vào viếng Chúa, thưa chuyện với Chúa. Vì ngài thường ở lâu giờ trong nhà nguyện nên ngài mất cả thời giờ nghỉ trưa. Thế mới rõ Cha Tổ Phụ yêu mến Chúa tới mức nào, luôn muốn ở cùng Chúa để nguyện gẫm, cầu nguyện với Người: “Không có giờ nghỉ trưa; lúc đó cha vào nhà thờ viếng Mình Thánh” (Hạnh Tích, trang 45). Trong thư ngài viết cho cha mẹ cũng có nói đến vấn đề này: “Cơm trưa rồi, con vào nhà thờ chầu Mình Thánh nói chuyện với Chúa, đó là lúc con nói chuyện với Người về cha mẹ” (Hạnh Tích, trang 47). Hay như ở chỗ khác trong cuốn Hạnh Tích kể rằng: “Cơm trưa xong ngài lên nhà thờ cầu nguyện lâu, có khi hai giờ chiều mới ra dọn bài. Cha Kính xác nhận: “Trưa nào tôi lên nhà thờ tập đàn cũng thấy ngài quỳ đó luôn” (Hạnh Tích, trang 86).
Cha Tổ Phụ còn thực hiện việc nguyện gẫm những lúc khác trong ngày: Vì có lòng yêu mến Chúa nên dường như cứ lúc nào rảnh là Cha Tổ Phụ giục lòng nhớ đến Chúa, nói chuyện với Người. Nên đôi khi có người thấy tâm trí ngài như đang để nơi đâu: “Có khi lên phòng thấy ngài đứng sững, gõ cửa đôi ba lần mới biết” (Hạnh Tích, trang 86) vì ngài đang say sưa nói chuyện với Chúa. Tất cả những điều đó làm nên một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về việc nguyện gẫm, cầu nguyện không ngừng.
Kết
Với những ích lợi từ việc nguyện gẫm đã nêu trên, chúng ta thấy được việc nguyện gẫm là điều không thể thiếu trong đời sống đan tu. Nhờ xác tín nguyện gẫm là điều quan trọng và siêng năng thực hành trong cuộc sống, chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa, tiến gần đến Chúa hơn. Tuy nhiên phải có nhiều ơn Chúa và sự cố gắng của bản thân.
Qua tấm gương Cha Tổ Phụ về việc nguyện gẫm, chúng ta thấy được ngài đã có được nền tảng về nguyện gẫm, cầu nguyện từ khi còn nhỏ nhờ học tập gương sáng và biết vâng lời cha mẹ. Việc luyện tập về đời sống thiêng liêng trong đời dâng hiến cũng theo qui luật đó: cần có được nền tảng về nguyện gẫm, cầu nguyện nhờ biết cộng tác với ơn Chúa. Tuy nhiên không bao giờ là quá muộn nếu chúng ta chưa thực hiện hay chưa thấy được hiệu quả do việc nguyện gẫm đem lại. Nếu Cha Tổ Phụ đã biết tận dụng những khoảng thời gian trống, những lúc rảnh rỗi để nguyện gẫm, cầu nguyện, sống với Chúa thì chúng ta cũng cần noi gương ngài về điểm này. Chúa không phụ lòng chúng ta khi chúng ta chân thành và trung tín với Người.
Đời đan tu là lời mời gọi sống kết hiệp với Chúa ngang qua việc nguyện gẫm, cầu nguyện và những hy sinh. Nhờ vậy, chúng ta sẽ gặp thấy nhiều niềm vui trong Chúa và trở thành những thầy dòng thật, thầy dòng thánh. Cha Tổ Phụ rất mong cho chúng ta trở thành những thầy dòng thật, thầy dòng thánh. Nếu không, chúng ta có nguy cơ chỉ là những người hữu danh vô thực, không mưu ích cho bản thân và Giáo Hội. Một câu Cha Tổ Phụ nói khá mạnh đối với bổn phận của chúng ta, đó là: “Chúng ta phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta” (Di Ngôn, số 134).
– Thanh Thái + Mai Thi CSĐD –