Tha Thứ Luôn Luôn
Suy Niệm Lời Chúa: Mt 18,21-35, Thứ 3, Tuần 3, Mùa Chay
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Sứ điệp Lời Chúa trong ngày Thứ ba, Tuần ba Mùa chay hôm nay mời gọi chúng ta tha thứ luôn luôn. Đây là giáo huấn rất thiết thực ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống thường ngày.
Trong gia đình nếu chồng tha thứ cho vợ, vợ tha thứ cho chồng, cha mẹ tha thứ cho con cái, con cái tha thứ cho cha mẹ, thì chắc chắn gia đình đó sẽ luôn yên ấm thuận hòa. Trong một quốc gia nếu mọi tầng lớp biết bao dung tha thứ cho nhau, thì chắc hẳn xã tắc sẽ an hòa, thịnh vượng. Trên bình diện quốc tế, nếu mỗi quốc gia chân thành tha thứ, đối thoại với nhau, thì thế giới làm gì có chiến tranh.
Thực tế, tha thứ là thể hiện cao nhất của tình yêu. Yêu thương đồng nghĩa với trao ban. Chúng ta có thể cho đi của cải, cũng có thể cho đi mạng sống vì người mình yêu. Nhưng tha thứ còn hơn cả cho đi chính mình, vì tha thứ là trao ban điều cao đẹp nhất cho kẻ thù, tha thứ là trao ban hai lần. Đúng như ai đó đã nhận xét: “Tha thứ là nhân đức cao đẹp nhất trong các nhân đức”. Mahatma Gandhi cũng khuyên chúng ta: “Luật vàng của xử thế là biết tha thứ cho nhau”.
Tuy thế, nói tha thứ thì dễ, nhưng sống tha thứ không dễ chút nào. Có khi chúng ta muốn tha thứ theo lời Chúa dạy, nhưng trong lòng thì vẫn bực bội khôn nguôi. Có khi chúng ta nghĩ rằng người này người kia không còn xứng đáng để được khoan hồng tha thứ nữa, vì có tha thứ đến bao nhiêu lần, họ vẫn chứng nào tật nấy, chẳng chịu thay đổi gì cả. Tha thứ thật khó biết bao!
Chẳng vậy mà thánh Phêrô đã kêu lên với Chúa: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, có nghĩa là tha thứ luôn luôn, tha thứ không ngừng, không giới hạn. Vì chẳng phải là bất công khi chúng ta muốn Thiên Chúa tha thứ cho mình luôn luôn, trong khi chúng ta lại dè sẻn tha thứ cho tha nhân hay sao? Lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng nổi giận với chúng ta như tên đầy tớ không biết xót thương?
Mỗi người chúng ta đều mang một món nợ khổng lồ với Thiên Chúa “mười ngàn nén vàng” – “nợ tình” chẳng bao giờ trả cho cân. Biết bao lần chúng ta đã bất trung, xúc phạm đến Thiên Chúa. Thế mà Thiên Chúa vẫn hào phóng tha bổng cho chúng ta. Ngài không hề nhớ, không hề chấp xét, không hề “mệt mỏi” tha thứ cho chúng ta. Theo như các Tin mừng ghi lại, khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá cùng hai người gian phi, người bên phải đã thưa rằng: “Ông Giêsu ơi khi ông vào Nước của ông xin nhớ đến tôi”, thế là ngay lập tức Ngài ban Nước Thiên Đàng cho anh (Lc 23,35-43). Ngài không hề nhớ anh đã phạm tội này, tội kia, bao nhiêu lần… Cũng vậy, khi người con hoang đàng quay trở về, Người Cha đã không hạch hỏi, không trách mắng, không nhai đi nhai lại những tội anh đã phạm (Lc 15,11-32). Còn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta ép Chúa phải ném đá… thì Ngài nhẹ nhàng bảo chị: “Tôi không lên án chị đâu, chị về đi và đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,1-11). Đấy, Thiên Chúa không nhớ tội người ta.
Còn chúng ta thì lại thường hay nhớ tội anh em mình, lắm khi còn nhớ rất rõ, nhớ rất giai, nhớ từng điều nhỏ mọn… và chấp xét lên án anh em giống như tên đầy tớ ác nhân: “… túm lấy, bóp cổ đồng bạn mà rằng: trả nơn cho tao!” Chúng ta tự làm khổ mình và làm khổ tha nhân. Xin Thiên Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta cái tội tày đình này! Xin Ngài ban ơn giúp chúng ta quên tội anh em và luôn nhớ mình là kẻ có tội, để biết van nài Thiên Chúa và anh em tha thứ, đồng thời cũng biết tha thứ cho những ai lỗi phạm đến mình. Có như thế chúng ta mới được Thiên Chúa tha thứ và trở nên hoàn thiện giống như Cha chúng ta ở trên trời. Tha thứ còn là một điều kiện không thể thiếu giúp chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa:
Trong một giáo xứ kia, ông trùm và cha xứ đã xảy ra mâu thuẫn rất lớn. Rồi cơn bách hại đạo tràn vào giáo xứ, cha xứ và nhiều giáo dân bị bắt vì dám công khai tuyện xưng niềm tin Chúa Kitô. Ông trùm nghĩ đến những chuyện bất hòa với cha xứ liền chạy với theo, nài nẵng: “xin cha tha cho con”. Cha xứ làm thinh. Ông trùm trở về nhà lương tâm cứ ray rứt mãi cha xứ sắp được phúc tử vì đạo, sắp làm thánh, mà lạy Chúa tôi, tôi đã sống bất hòa với một vị thánh. Nghĩ thế ông liền van nài đám cai ngục xin cho được gặp cha xứ. Ông khẩn khoản: “Xin cha tha cho con!” Nhưng cha xứ nói ngay: “Ông đã xúc phạm tôi quá lẽ. Tôi không thể tha”. Ông trùm lững thững ra về, cõi lòng nặng chĩu. Đến ngày các chứng nhân đức tin bị đem ra pháp trường hành quyết, ông trùm lại một lần nữa chặn đường: “Xin cha tha cho con!” Nhưng cha xứ vẫn làm thinh hiên ngang đi đến nơi hành quyết. Quan quát to, đứa nào chối đạo ta tha chết cho. Hồi trống thứ nhất, hồi trống thứ hai và hồi trống thứ ba vừa dứt, cha xứ kêu lên: “Tôi chối đạo”.
Đây là câu chuyện không có thật, nhưng bài học thì thật rõ ràng, nghĩa là trên Thiên Đàng sẽ không có chỗ cho một vị “thánh” không biết tha thứ. Không ai được nên thánh, nếu không sống theo lời giáo huấn và gương lành của Chúa: tha thứ luôn luôn.
Lạy Cha, xin tha nợ ,chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Amen