THAM CỦA ĐƯỢC MÀ MẤT
Suy niệm Tin Mừng: Lc 12,13-21; Chúa nhật 18 Thường niên, Năm C
M. Lasan Châu Sơn
Ngay từ nhỏ chúng ta đã nghe câu truyện cổ tích Ăn Khế Trả Vàng, với những bài học ý nghĩa về sự tham lam của con người.
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Vợ chồng người anh tham lam chiếm hết gia tài cha mẹ để lại, chỉ chừa cho vợ chồng người em một túp lều và một cây khế. Vợ chồng người em không một lời ca thán, ra sức chăm sóc cây khế bán quả lấy tiền đong gạo. Nhưng một chú đại bàng to đến ăn trái. Người em đuổi chim đi mà rằng: Vợ chồng ta chỉ có một cây khế là gia tài, chim ăn hết khế, ta biết lấy gì để mà sống.
Đại bàng trả lời: Ăn khế, trả vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng. Người em may túi ba gang, ngồi trên lưng đại bàng ra đảo lấy vàng. Từ ngày đó người em trở nên giàu có, rộng rãi giúp đỡ dân làng.
Người anh thấy em mình giàu có thì giả nghèo xin cây khế. Chim đại bàng cũng đến ăn. Người anh cũng trả lời: vợ chồng ta chỉ có một cây khế là gia tài, chim ăn hết khế, ta biết lấy gì để mà sống.
Đại bàng trả lời: Ăn một quả khế, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng. Nhưng người anh may túi 12 gang, ngồi trên lưng đại bàng ra đảo lấy vàng. Trên đường về nhà vì phải mang nặng quá, chim mỏi cánh, bay chao đảo, khiến người anh cùng với túi vàng rớt xuống biển sâu, bị sóng biển vùi lấp. Chính lòng tham lam đã giết chết anh ta về tình nghĩa anh em, trước khi đoạt mạng sống anh ta.
Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta phải tránh lòng tham. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà sự sống con người được bảo đảm đâu”. Có lẽ cám dỗ lớn nhất đối với con người ở mọi nơi và mọi thời vẫn là lòng tham: tham tình, tiền, tài, tham danh, lợi, thú, để rồi gây ra bao tội lụy gian dối, áp bức, bất hòa, chia rẽ trong cuộc sống thường ngày.
Có một luật sư kia mới mở một văn phòng lớn trong thành phố. Một bà cụ đến xin ông bào chữa cho một vụ kiện, khi hai người đang trao đổi thì có người gõ cửa. Ông luật sư mời khách vào và nói xin vui lòng đứng đợi. Trong lúc đó, ông nhắc ống nghe điện thoại: Vâng tôi là luật sư đây, tôi đã bào chữa thành công rất nhiều vụ kiện cứ tin tôi. Tôi sẽ giúp ông đòi lại công lý… Luật sư cúp máy quay sang hỏi người khách mới vào: Tôi có thể giúp gì được anh. Người khách trả lời: Thưa ông, không cần ông giúp. Tôi là nhân viên viễn thông. Tôi đến để nối đường dây điện thoại cho ông… Có khi nào đó vì quá hám danh mà chúng ta trở nên lố bịch như vậy chăng?
Chúng ta cũng thấy nhan nhản trên báo chí vì tham của cải, đất đai, nhà cửa mà có khi cha mẹ từ con cái, con cái chống cha mẹ, anh chị em trong nhà kiện tụng nhau. Thậm chí có nhiều vụ án người ruột thịt giết nhau vì tiền bạc. lại cũng vì quá lo tiền bạc mà có khi vợ chồng bất hòa, gia đình đổ vỡ: Tại phiên tòa xử li hôn giữa 2 vợ chồng vua Cafe Trung Nguyên. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chủ tịch tập đoàn đã bất lực nói với vợ trước tòa án rằng: Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay phải ngồi đây như thế này?”. Câu nói ấy đáng chúng ta suy nghĩ. Tiền nhiều để làm gì khi mà bố việc bận, mẹ bận việc, con cái bơ vơ, rồi gia đình đổ vỡ. Tiền nhiều để làm gì? Khi nó không mua được, không đổi được, không thay thế được tình yêu, sự quan tâm âu yếm trong gia đình.
Người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay bị Chúa gọi là đồ ngu. Có thật ông ta ngu chăng? Lẽ thường, ông ta phải khôn khéo, lanh lợi lắm thì mới thành đại gia được chứ? Cái ngu của ông là chỉ biết thu tích của cải cho mình mà không biết chia sẻ cho tha nhân. Cái ngu của ông là coi vật chất hơn cả Thiên Chúa, khi chúa đã tuyên bố: “Không ai làm tôi hai chủ được…”. Cái ngu của ông là không biết lo cho phần rỗi đời đời của mình. Của cải vật chất có thể giúp ông no đầy cùng lắm là năm ba chục năm, hay trăm năm rồi chết. Nhưng sau khi chết ông sẽ đi về đâu, sẽ lấy phúc nào mà hưởng đời đời, nếu ngay từ bây giờ không lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”
Chúa không phê phán việc chúng ta làm giàu cách chân chính. Chúa cũng không kết án chúng ta vì có nhiều của cải. Cần có của để sống; có của là tốt, nhưng tham của là tội. Thế nên, Chúa dạy chúng ta hãy sử dụng của cải cho có ích, đừng tôn thờ của cải vật chất. Tôn thờ của cải là tôn sùng ngẫu tượng (Cl 3,5), có nghĩa là coi của cải ngang hàng với Chúa. Của cải là để chúng ta chia sẻ cho tha nhân, chứ không phải để ta hưởng thụ cách vô độ. Của cải đời này để chúng ta làm giàu trước mặt Thiên Chúa, để sắm lấy cho mình kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không làm hư hại và kẻ trộm không thể lấy mất được (Mt 6,19-23).
Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng của cải để mưu ích sự sống đời đời của chúng con. Amen