THÁNH GIUSE NGỦ
(Suy niệm lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria: Mt 1,16.18-21.24)
M. Lasan Châu Sơn.
Trong ngày lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngưỡng và noi gương đời sống thánh thiện của ngài theo như bài Tin mừng thánh Mátthêu gợi lên cho chúng ta.
Nếu cần dùng một hình ảnh để diễn tả địa vị của thánh Giuse trên thiên đàng thì chúng ta sẽ hình dung thế này: trên thiên đàng có đặt các ngai lớn cho Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự, kế đến là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và ngồi bên cạnh Mẹ Thiên Chúa đương nhiên là Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ – Hiền Phụ của Chúa Giêsu.
Chúng ta tự hỏi, tại sao Thánh Giuse lại “được Thiên Chúa phong ban tước lộc cao sang” như vậy? Trong khi cả bốn cuốn sách Tin mừng hầu như không nói về Thánh Giuse, chỉ đôi ba lần nhắc đến tên ngài trong mối tương quan với Chúa Giêsu và Mẹ Maria (x. Mt 1,16.18-25. 2,13-15; Lc 2,1.7.41-50) và không tác giả nào ghi lại được một lời nào thốt ra từ miệng Thánh Giuse dù là nói với Thiên Chúa hay nói với con người… Thế nhưng, điều đáng nói là những gì Tin mừng đã giới thiệu về Thánh Giuse thì thật là quan trọng và quý giá. Thánh Giuse là chồng của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu đúng theo pháp lý. Thánh Giuse là người công chính, Ngài giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu.
Chúng ta thật ngạc nhiên trước kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời Thánh Giuse, đặc biệt là từ lúc ngài đính hôn với Đức Maria. Thánh Giuse không hề được biết trước việc Đức Maria – vợ mình mang thai do quyền phép Chúa Thánh Thần. Vì thế, ngài đã phải lần mò bước đi trong đêm tối của đức tin khi thấy bào thai trong lòng Đức Maria không phải của mình. Thế nhưng, dù không hiểu được đường lối của Thiên Chúa, thánh nhân vẫn một lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa và rất mực thương mến tôn trọng Đức Maria. Ngài không muốn tố cáo Đức Maria, vì làm như vậy thì chắc chắn Đức Maria sẽ bị kết án ngoại tình và bị ném đá cho đến chết, chết trong nỗi nhục nhã ê chề! Qua “sự vô cùng tế nhị mà Thánh Giuse đã thực thi trong vai trò được Thiên Chúa trao phó càng tỏ lộ rõ đức tin của ngài”[1]. Thánh Giuse biểu lộ đức tin qua tấm lòng tế nhị yêu thương tha nhân. Thánh Giuse thực sự yêu thương Đức Maria và gia quyến, nên ngài đã chọn một phương án hết sức cao thượng vị tha: ngài định tâm “ly thân” Maria một cách kín đáo, không để ai biết, không muốn ai hay, ngài tự ý thầm lặng hi sinh tránh gây ra sự tổn thương danh dự và nhân phẩm của Đức Maria và gia quyến. Thánh nhân là vậy, luôn yêu thương tha nhân và đón nhận hi sinh về mình. Có lẽ đêm hôm đó, Thánh Giuse phải trằn trọc khắc khoải nhiều lắm với ý định “Anh sẽ là người ra đi…”
Khoảng năm 2016, ở Philipines xuất hiện nhiều bức ảnh – tượng mô tả lại cảnh thánh Giuse đang ngủ với gói hành lý cỏn con gối đầu. Những bức ảnh – tượng này được Đức Thánh Cha Phanxicô chứng nhận là có nền tảng Kinh thánh sâu sắc, vì Thiên Chúa thường phán dạy Thánh Giuse qua giấc ngủ. Chính Đức thánh Cha cũng đặt một tượng Thánh Giuse ngủ trên bàn làm việc của ngài, ngài đã thường xuyên cầu nguyện và viết những ý cầu nguyện, những suy tư, thao thức vào mảnh giấy nhỏ nhét dưới bức tượng, ngài nói dí dỏm rằng: “Bây giờ Thánh Giuse nằm ngủ trên nệm giấy”.
Trở lại đoạn Tin mừng, thánh Mátthêu ghi lại rằng: Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho Giuse: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu…”. Thánh Giuse ngủ và mơ gặp Chúa, điều đó chứng tỏ rằng suốt cả ngày ngài hằng luôn sống kết hiệp với Chúa và dù khi ngủ Thánh Giuse vẫn ngủ “ngủ trong sự hiện diện của Chúa”, thân xác ngài ngủ nhưng tâm hồn ngài đang tỉnh thức thân thưa với Chúa về hoàn cảnh gia đình mình, đồng thời ngài đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa nói. Nếu không, Thánh nhân đã chẳng thể nghe được tiếng Chúa phán dạy qua lời sứ thần: “Này ông Giuse… đừng ngại đón bà Maria vợ ông về…”
Quả thật Thánh Giuse là đấng công chính bởi suốt cuộc đời ngài đã sống thân thiết với Chúa cả khi bình an cũng như khi gặp gian nan thử thách, cả khi thức cũng như khi ngủ, cả ngày cũng như đêm. Chúng ta dám nói như vậy, bởi lẽ theo tâm lý tự nhiên, ai trong chúng ta cũng đã từng mơ, mơ là cách bộc lộ những suy nghĩ những thao thức từ thâm sâu tâm hồn. Thánh Giuse mơ về Chúa, nghe rõ tiếng Chúa nói với mình, nên có thể nói, suốt ngày đêm Thánh Giuse đã sống gắn bó thân tình với Chúa không khi nào ngơi. Chẳng vậy mà: Khi tỉnh giấc, Thánh Giuse đã làm đúng như sứ thần Chúa dạy! “Đó là ý do tại sao Tin mừng mô tả ngài là người công chính. Thực vậy, người công chính là người luôn cầu nguyện, sống đức tin, và tìm cách thực thi điều thiện hảo trong mọi tình huống của cuộc sống”[2].
Mừng lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria hôm nay, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc ca tụng sự công chính cao vời của ngài, nhưng điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cho chúng ta là học sống theo gương nhân đức của ngài, có thể tóm lại trong 2 chữ “trung thành”.
Thánh Giuse suốt trọn cuộc đời đã sống “trung thành” với Chúa và tha nhân. Ngài đã trung thành vâng theo thánh ý Chúa mọi lúc mọi nơi trong mọi hoàn cảnh vui buồn. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng ta cũng biết “trung thành” tín thác vào Chúa nhất là những lúc sóng gió thử thách xảy đến trong cuộc đời.
Thánh Giuse đã “trung thành gìn giữ một gia thất yên vui, dù bao lầm than vẫn thành tín…” Xin thánh nhân chuyển cầu cho các tu sĩ luôn trung thành trong ơn thánh hiến, cho các gia đình luôn nhớ lời đoan ước thề nguyền khi lãnh nhận Bí tích Hôn Phối: nhận nhau làm vợ/chồng, hứa trung thành với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Chắc chắn trong đời sống dòng tu cũng như trong đời sống gia đình chúng ta, chẳng thiếu gì lúc “cơm không lành canh không ngọt” gây ra bực bội, làm tổn thương, đau khổ cho nhau… Hôm nay, nhìn gương Thánh Giuse, chúng ta quyết tâm sống công chính: dám hy sinh cho nhau, yêu thương tôn trọng nhau suốt đời. Để làm được như vậy chúng ta cần thường xuyên “nói với Chúa và nghe Chúa nói” trong mọi biến cố hằng ngày. Đó là điều Thánh Giuse đã thực hiện trong suốt cuộc đời của ngài: “Gia tài quý giá mà Thánh Giuse truyền lại cho chúng ta là đức tin được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện”[3].
[1] ĐTC Gioan Phaolo II, Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 17/03/2002.
[2] ĐTC Gioan Phaolo II, Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 17/03/2002.
[3] ĐTC Gioan Phaolo II, Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 17/03/2002.