THANH TẨY ĐỀN THỜ
“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 68.10)
M. Jos. Ba, PV
Với tiêu đề: Thanh tẩy đền thờ. Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những người bán chiên bò, chim câu và những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ. Vấn đề được đặt ra là, động lực nào khiến Ngài hành động quyết liệt như vậy? Thưa, vì lòng nhiệt tâm mà Ngài phải xua đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ, vì Ngài không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ. Ngài không muốn nhà Cha Ngài bị xúc phạm. Ngài thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ. Thái độ quyết liệt của Đức Giêsu đòi chúng ta phải xét lại chính mình.
Trên nguyên tắc, Đền thờ phải là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng. Đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân người, là nơi để con người đến cầu nguyện và nhận những phúc lành của Thiên Chúa ban. Nhưng người ta vì ham lợi lộc đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán khiến Chúa Giêsu phải ra tay- trở thành người hung dữ.
Ngày nay Giáo hội qui định và hướng dẫn: “Nhà thờ là nơi qui tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat” (Sách Giáo lý số 2906-2907).
Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ dìn cho sạch đẹp trang nghiêm; xứng đáng là một nơi thánh thiêng.
Nhưng chính ở đây, đòi buộc chúng ta phải hết sức lưu ý : nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, mầu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa: chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân… là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại. (Câu chuyện của Mahatma Gandhi vào nhà thờ đủ chứng minh điều đó).
“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây” (Ga.2,16). Lời bất bình đó của Đức Giêsu vẫn như còn đang nói với chúng ta hôm nay. Người muốn các nhà thờ phải là nơi thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Không cần những hoạt động- lễ nghi quá ồn ào, nặng phần trình diễn, cũng không nên máy móc, buồn sầu khi cử hành phụng vụ. Đôi khi chúng ta có cảm tưởng đâu đó vẫn đang “kinh doanh” các nghi lễ của nhà đạo mình.
Chúa Giêsu, khi nhìn thấy cảnh “kinh doanh” này, người đã nổi giận và dùng roi đánh đuổi những người buôn bán vì cho rằng như thế là làm ô uế đền thờ. Hành động của Chúa Giêsu thuộc về những hành động các tiên tri thường làm để diễn tả sứ điệp của các ngài. (xem Giêrusalem 7,1-14; hoặc Malakhia (3,1) hoặc của tiên tri Isaia (56,7). Chúa Giêsu muốn diễn tả rằng những gì các tiên tri đã loan báo về việc thanh tẩy đền thờ ở thời đại cuối cùng đang diễn ra. Đây là lúc đền thờ Giêrusalem được thanh tẩy và mọi người phải cố gắng để đón nhận thực tại mới. Đừng lạm dụng, đừng sử dụng sai mục đích của Đền thờ, cả đền thờ vật chất lẫn đền thờ thiêng liêng.
Là muôn đệ của Chúa, việc thực thi chức vụ ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá. Nhưng “vì nhiệt tâm Nhà Chúa mà tôi đây không sợ phải thiệt thân”. Đời sống Cộng đoàn đan tu cũng không ngoại lệ, những ai dám dấn thân cho ơn gọi và chu toà sứ mạng mà Chúa và Giáo hội mong chờ luôn gặp phải những chống đối và cô đơn.
Xin mượn lời thơ ngụ ngôn của Charles Singer khi ông nói: hãy biến cuộc đời thành “Ngôi Thánh Đường” để kết thúc, nguyện xin Chúa đón nhận thành ý chúng con cầu xin:
“Lạy Chúa, cuộc đời con là một ngôi Thánh đường,
Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,
Con tự hào với tất cả niềm tin,
Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,
Để vươn lên thật cao qúi tôn nghiêm…
Lạy Chúa,
Ngôi thánh đường của đời con,
Không thể xong trong một sớm một chiều,
Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng…
Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,
Chính Ngài, con không quá lời đâu :
Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,
Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con. ”