Thứ 4 sau Chúa Nhật V Phục Sinh
Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho
(Ga 15, 1)
Cây nho thật là cây không bị lai tạp, không cho quả dại trái chua mà là nho tốt, nho quý sinh hoa thơm trái ngọt, rượu ngon. Đức Giêsu khẳng định Ngài là cây nho đích thực, cây nho hảo hạng được Thiên Chúa Cha trồng vào mảnh đất trần gian ngang qua cung lòng rất thanh khiết trong sạch của Đức Maria. Đức Giêsu là “cây nho quý, cây nho thuần chủng” đã được Chúa Cha cắt tỉa hầu sinh hoa trái cứu độ loài người. Ngài đã chịu sự cắt tỉa trước hết bằng việc học sống vâng phục; “Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 7- 9).
Khó khăn vất vả khi sống vâng phục đó là kinh nghiệm xương máu của tất cả những ai muốn thành nhân nên người. Vì thế ta phải nhờ đến kinh nghiệm của Thánh Augustino: “Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm’’, quả vậy không ai có tình yêu mạnh và lớn bằng Thiên Chúa, vì Ngài là tình yêu như thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu’’(1 Ga 4,8). Tình yêu ấy được tỏ hiện nơi Con Một của Ngài là Đức Giêsu. Đức Giêsu là món quà tình yêu tuyệt hảo mà Thiên Chúa gửi trao loài người, Ngài là hiện thân của tình yêu bền vững. Nhờ có tình yêu làm động lực, là lẽ sống nên Đức Giêsu đã học và thực hiện hành vi vâng phục cách hoàn trọn nhất từ khi nhập thể đến cái chết nhục nhã đau thương trên thập giá. Trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh Đức Giêsu luôn vâng phục và làm trọn thánh ý của Cha : “Lương thực của Thầy là thi hành thánh ý Chúa Cha’’(Ga 4,34 ). Vì yêu, Con Một Thiên Chúa đã tự nguyện từ bỏ vinh quang, danh dự địa vị ngang hàng Chúa Cha để trở thành con người sống kiếp phàm nhân, sống vâng phục, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ trong hành trình làm người và thực thi chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã định sẵn.
Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, tình yêu có sức biến đổi giúp con người có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ để làm được tất cả mọi sự. Đức Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng phải học sống vâng phục. Suốt chuỗi ngày dài ba mươi năm sống ẩn dật ở quê nhà Nadareth, Ngài hằng vâng phục cha mẹ mình” (Mt 2,51), lề luật Môsê, Ngài tuân giữ trọn vẹn. Ngoài ra, Ngài cũng phải học chấp nhận mọi điều trái ý cực lòng để có thể tha thứ cho những kẻ bắt bớ làm hại mình. Suốt cuộc đời trên trần gian này, Ngài dành phần lớn cuộc đời của mình để rao giảng lời yêu thương mang lại bình an hạnh phúc và thi thố biết bao việc lành phúc đức cho con người nhưng nhận lại bằng sự hiểu lầm, bị mang tiếng là mất trí, là người điên, bị quỷ ám, là kẻ phản bội, phá huỷ đền thờ, bãi bỏ lề luật… chịu bách hại và chịu cái chết ô nhục của người nô lệ, kẻ tội lỗi để cứu độ nhân loại khỏi chết muôn đời. Cái chết của Chúa có một không hai trên thế gian này và cũng chỉ có một mình Người mới có thể chịu đựng được cái chết bi thương, hãi hùng như vậy. Vì Ngài đã đón nhận mọi sự bằng tình yêu cao vời nhất.
Hơn nữa, để hoàn trọn thánh ý Chúa Cha, trong thân phận con người, Đức Giêsu cũng đã phải khắc khoải trước khổ đau nghiệt ngã của thập giá, đối diện với sự dữ từ thập giá Ngài đã hoảng hốt, kinh hoàng và sợ hãi đến nỗi mồ hôi đổ ra như những giọt máu và Ngài đã phải ba lần lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Trong ý thức đến thế gian để hoàn tất kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa nên Người đã hoàn toàn quy phục thánh ý Cha. Người vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá (x. Pl 2,8). Vì thế, khi được treo trên thập giá Ngài đã mang vào chính bản thân mình tất cả những yếu đuối tội lỗi khổ đau bệnh hoạn tật nguyền của nhân loại. Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Chỉ một mình Đức Giêsu Kitô mới có thể hoàn tất sứ vụ này. Vì Ngài đã đón nhận tất cả những thử thách và khổ đau trong tinh thần hiếu thảo của một người con luôn muốn vâng lời và làm đẹp ý Cha mọi đàng và muốn đưa nhân loại ra khỏi sự chết để giao hoà với Cha.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy sống trong tâm tình của những người con đã được Thiên Chúa yêu thương, và đón nhận những lời giáo huấn dạy dỗ của Ngài như khuôn vàng thước ngọc, đặc biệt với mẫu gương vâng phục tuyệt hảo của Đức Giêsu làm điểm quy chiếu, tiêu chuẩn hướng dẫn cuộc đời mình chứ đừng để mình trở thành những nhánh nho vô dụng là từ chối không nghe theo lời Chúa dạy, đó là khi ta nghe và phục vụ Chúa bằng đầu môi chót lưỡi mà không có hành động cụ thể, là những lúc chúng ta nói tin nhận Ngài nhưng khi gặp khó khăn thử thách thì buông xuôi bỏ cuộc.
M. Anphong – Vĩnh phước