Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

THẾ NÀO LÀ CÁI PHÚC VÀ THẾ NÀO LÀ CÁI KHỐN?

THẾ NÀO LÀ CÁI PHÚC VÀ THẾ NÀO LÀ CÁI KHỐN?

(Gr 17, 5 – 8; 1Cr15, 12. 16 – 20; Lc 6, 17. 20 – 26)

Thiên Phước

          Chúng ta đang sống trong bầu khí vui tươi của những ngày đầu năm mới âm lịch Nhâm Dần. Những cây mai – cành đào vẫn còn khoe sắc, những cánh thiệp xuân chưa vội ráo mực như muốn kéo dài niềm vui của những ngày tết nguyên đán cổ truyền. Thỉnh thoảng chiếc điện thoại vẫn còn báo hiệu những tin nhắn mà đa phần là lời chúc xuân của những người quen ở phương xa nhắn về. Trong tâm trạng đón xuân mới, ai ai cũng đang cố quên đi của những nỗi buồn hoặc những chuyện không may của một năm cũ đầy biến động bởi dịch bệnh Covid và tìm những lời hay ý đẹp để cầu chúc cho nhau. Nguyện xin Chúa Xuân ban cho chúng ta một năm mới dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc, phát tài, phát lộc, và nếu đang ở tuổi đôi mươi thì cầu mong phát cả tình duyên. Từ trong thâm tâm, mọi người đều mong ước những chuyện buồn, chuyện khổ, chuyện kém may mắn của năm cũ sẽ sớm qua đi, để nhường chỗ cho một năm mới bình yên, hạnh phúc, thành công và hy vọng là ăn nên làm ra. Giữa lúc mọi người đang khao khát một năm mới phát tài – phát lộc như thế mà Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một lời dạy khá nghịch lý. Chúa xem cái nghèo, cái đói, cái khổ là một mối phúc và Chúa còn nhấn mạnh “khốn” cho kẻ giàu có và no đủ. Chúng ta sẽ tự hỏi: “Vậy thế nào là cái phúc và thế nào là cái khốn trong lời nhắn nhủ của Chúa”?

           Trước hết, Lời Chúa trong bài đọc một hôm nay được trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia, nói với chúng ta về sự nguyền rủa của Thiên Chúa đối với những ai cố bám víu và nương tựa vào sức mạnh của người đời từ vật chất, danh vọng đến quyền lực. Họ được ví như bụi cây trong hoang địa, nơi đồng khô cỏ cháy, thiếu nguồn nước, thiếu sức sống và chắc chắn là không có hạnh phúc. Ngược lại, những ai biết ký thác và nương tựa đời mình nơi Thiên Chúa. Họ như cây trồng bên dòng nước, mãi mãi xanh tươi và không ngừng trổ sinh hoa trái. Lời của ngôn sứ Giêrêmia đã mạnh mẽ nhắc nhở và khuyến cáo dân riêng của Chúa là dân tộc Israel, trong bối cảnh dễ bị sa ngã bởi nếp sống giao lưu với dân ngoại, dễ bị ảnh hưởng và tiêm nhiễm bởi nếp sống thế tục của những nền văn hóa hưởng thụ, dễ mất niềm tin vào Thiên Chúa để đi theo thờ lạy các thần ngoại bang. Cũng giống như các ngôn sứ khác trong thời Cựu ước, Giêrêmia đã lên tiếng maïnh mẽ kêu gọi dân Israel hãy trung thành và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa kể cả những lúc cảm thấy thiếu thốn, đau khổ, yếu thế và bị thống trị bởi những đế quốc lân bang. Đời sống vật chất có thể được xem là khó khắn – thiếu thốn – đói khát, nhưng đời sống tinh thần phải biết tín thác và nương tựa vào Thiên Chúa – đó là cõi phúc.

          Cũng trong luồng tư tưởng đó, hình ảnh Chúa Giêsu được thánh sử Luca diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay mang phong cách của một ngôn sứ chính hiệu. Chúa Giêsu đã tiếp nối sự giảng dạy của các ngôn sứ trong Cựu ước khi nhấn mạnh đến chữ “phúc” và chữ “khốn” cho đám đông đang lắng nghe lời Ngài. Khi nhấn mạnh: phúc cho kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bách hại, Chúa Giêsu không có ý ủng hộ cái nghèo – cái khổ để hạ thấp phẩm giá hay làm tổn thương danh dự của con người. Chúa càng không có ý “bần cùng hóa” nhân loại hoặc dạy cho dân chúng sử dụng “khổ nhục kế”. Nhưng Chúa muốn hướng con người từ cái nghèo vật chất ở đời này nhằm đạt tới sự giàu có vĩnh cửu, được cả Nước Trời làm gia nghiệp. Dĩ nhiên, khi nói đến những người nghèo khó Chúa Giêsu muôn ám chỉ những người thiếu thốn về vật chất, không có quyền lực, bị áp bức và bị bóc lột. Và theo nghĩa của Thánh Kinh, người nghèo khó là những người luôn đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Từ kinh nghiệm của kiếp nghèo, họ không tìm được chỗ nương tựa đáng tin cậy trong thế giới này và họ đã khám phá ra chỗ tựa duy nhất chính là Thiên Chúa. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực và nếp sống hưởng thụ chỉ phản ảnh cái sự giàu có mang tính chóng vánh nhất thời ở đời này. Để đạt được sự giàu có vĩnh cửu của Nước Trời, con người phải biết buông bỏ những gì là tạm bợ chóng qua để đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế những người nghèo khó mà Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay không chỉ thuần túy là những người thiếu cơm ăn, áo mặc, nhưng còn là những người nghèo theo nghĩa biết tín thác cuộc đời mình trong tay Tên Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, lấy Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình. Như thế, họ sẽ trở thành những người có Thiên Chúa làm gia nghiệp, và họ sẽ là những người có phúc thực sự, cho dẫu trước mặt người đời họ là người gặp đầy khó khăn và thiếu thốn.

           Cuộc sống của con người là một chuỗi ngày đi tìm cái phúc và đi tránh cái khốn. Thế nhưng, khác với lời dạy của Chúa, cái suy nghĩ bình thường của con người lại cho rằng càng có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều danh vọng thì càng đạt tới sự hạnh phúc. Hơn bao giờ hết, đời sống vật chất hôm nay đã cuốn hút con người lao vào vòng xoáy của hưởng thụ. Người ta đua nhau mua sắm và tự biến mình trở thành nô lệ cho nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ. Dĩ nhiên để có điều kiện tiêu dùng và hưởng thụ con người sẵn sàng bán re lương tâm và xem thường đạo lý. Biết bao nhiêu câu chuyện pháp đình đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra như cơm bữa, thế nhưng con người vẫn mãi u mê trước hiểm họa tiền và quyền. Mỗi người chúng ta đang cần lắm một cuộc cách mạng nội tâm. Hãy trở về với Tin Mừng của Chúa nơi mà Ngài đã nhiều lần khẳng định Thiên Chúa và của cải không thể đi đôi với nhau, vì có thể mê của mà bỏ Chúa. Ðó cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta qua thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô. Ước gì niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh giúp chúng ta biết chết đi cho nếp sống cũ, và giúp chúng ta trỗi dậy bằng một nhận thức mới và một nếp sống mới. Nói cách khác, khi tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô Phục sinh là chúng ta chấp nhận một sự thay đổi tận căn, sẵn sàng sống theo giá trị Tin Mừng và biết áp dụng các giá trị đó trong cuộc sống gia đình, cộng đoàn và xã hội.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...