Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

THIÊN CHÚA LÀM VUI THOẢ CHỜ MONG – THỨ TƯ TUẦN I MV – VP DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN

MV-04-TUẦN I-thứ tư

THIÊN CHÚA LÀM VUI THOẢ CHỜ MONG

(Is 25,6-10a / Mt 15,29-37)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hôm qua chúng ta đã suy niệm về sự kiện Thiên Chúa ban “gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin và mơ tưởng” với lời thốt ra tự đáy tâm hồn “quá lòng mong ước”. Hôm nay, với hai bài Lời Chúa – sách Ngôn Sứ I-sai-a chương 25 từ câu 6 đến 10a và Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 15 từ câu 29 đến 37 – chúng ta được mời gọi đi vào nội dung của những điều Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại, để con người cảm nghiệm được rằng “THIÊN CHÚA LÀM VUI THOẢ CHỜ MONG”.

  1. THIÊN CHÚA THIẾT ĐÃI NO NÊ

Hình ảnh thứ nhất mà cả hai bài đọc nêu lên, đó là bữa ăn. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su cho một đám rất đông vài ngàn người được ăn no nê. Họ đã đi theo Chúa mấy ngày rồi để nghe Chúa giảng dạy và để Chúa chữa lành các bệnh tật, các bệnh nhân của họ. Chúa không muốn cho họ ra về, sợ rằng họ xỉu dọc đường. Còn bài đọc một, trích sách Ngôn Sứ I-sai-a, một bữa tiệc thịnh soạn được dọn để chiêu dãi muôn dân: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế”.

Hai bữa ăn trên – một bữa ăn đã xảy ra khi Chúa Giê-su sống trên trần gian và một bữa tiệc vào thời cánh chung chưa xảy đến – biểu lộ hai phía: Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa chiêu đãi và ban cho lương thực; con người đón nhận và được no nê. Hai “đối tác” này liên kết với nhau để tạo nên sự tràn đầy và thoả mãn: Thiên Chúa làm vui thoả và con người cảm thấy thoả mãn.

Những bữa ăn trên như là biểu tượng của sự chờ mong của con người, niềm hy vọng của nhân loại. Khi muốn nói đến sự no thoả, người ta thường dùng bữa ăn, bữa tiệc để minh hoạ. Điều muốn nhấn mạnh nơi đây, qua hình ảnh bữa ăn, bữa tiệc, đó là Thiên Chúa thoả mãn khát khao, chờ mong, hy vọng của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới cho con người được no thoả. Mọi thứ trên trần gian này – dù cần thiết đến đâu – cũng không thoả mãn hoàn toàn tâm hồn con người, vì chúng vô thường, không mang chiều kích vô biên. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho khát vọng vô biên của con người được hoàn toàn toại nguyện, vì Người là vô biên, trường cửu và viên mãn. Đối với chúng ta là Ki-tô hữu, bữa ăn mang lại “phúc trường sinh”, đó là bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa, vì đây là những lương thực mang đến sự sống đời đời. Như vậy, đang khi lo cho miếng ăn, áo mặc, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng thứ lương thực thần linh này. Đồng thời chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn khao khát Chúa, luôn chờ mong Chúa, vì chỉ có Chúa làm cho chúng ta vui thoả, như chính lời cầu nguyện của thánh Au-gút-ti-nô: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cho Chúa; nên hồn chúng con mãi khắc khoải chờ mong cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Chỉ nơi Chúa mới có sự an nghỉ tuyệt đối.

  1. THIÊN CHÚA LAU KHÔ DÒNG LỆ

Hình ảnh thứ hai diễn tả việc Thiên Chúa làm vui thoả chờ mong của con người, đó là sự chữa lành. Trong bài Tin Mừng, đám đông đi theo Chúa và ở lại bên Chúa mấy ngày là để họ được Chúa chữa lành các bệnh tật của họ hoặc của những người thân, bạn hữu. Bệnh tật luôn gây nên khổ và đau: đau trong thân xác, khổ trong tâm hồn. Bệnh tật cũng là dấu chỉ của cái chết đe doạ. Họ đến với Chúa để Người mang đến cho họ sức khoẻ và niềm vui. Trong bài đọc một, sách Ngôn Sứ I-sai-a, vào ngày cánh chung, sẽ là thời của niềm vui viên mãn: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần, Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người…”

Hình ảnh của bệnh tật và cái chết như tấm màn đen tối che phủ cuộc đời con người, để chỉ thấy bóng đêm và lo sợ. Ai trong chúng ta cũng lo bệnh và sợ chết. Những thứ đó như “những tên cướp” giật mất khỏi con người niềm vui sống. Nhưng chúng ta cũng phải thực tế: đã là người thì phải mang bệnh tật và đi đến cái chết. Không ai tránh được những “tai hoạ” này. Trong cuộc sống trần gian, chúng ta phải chung sống với chúng. Không có thứ thuốc chữa hết mọi tật bệnh cũng chẳng có thuốc trường sinh. Điều quan trọng đối với chúng ta là những người có đức tin, niềm cậy trông nơi Thiên Chúa, đó là chỉ nơi Người chúng ta mới có sự sống vĩnh cửu và chân thật.

Mùa Vọng là thời gian chúng ta hướng về ngày cánh chung của nhân loại, và cũng là của mỗi người. Ngày đó, sẽ không còn dòng lệ, nhưng là niềm vui trọn vẹn, vì chúng ta sẽ được ở bên Chúa mãi mãi.

Như vậy, đang khi sống giữa cảnh đời “bể khổ”, chúng ta hãy đón nhận tất cả những khổ đau, những thập giá, với tâm tình “hiến dâng” tình yêu lên Thiên Chúa và như là cơ hội để mang lại sự thông cảm, niềm an ủi cho tha nhân. Như Chúa Giê-su đã đón nhận mọi khổ đau của kiếp sống con người và thập giá của Người là diễn tả của tình yêu lớn nhất Người dâng lên Thiên Chúa Cha và dành cho nhân loại. Đang khi dòng lệ tuôn rơi, chúng ta cũng phải biết đến với Đấng có cách lau khô dòng lệ. Dòng lệ sẽ trở thành lực đẩy đưa chúng ta đến với Chúa là Đấng ban sự nghỉ ngơi bình an trọn đầy. Chúng ta rất cần Chúa Giê-su Ki-tô để Người ban cho chúng ta sự bình an thật, bình an của chính Chúa. Và đó phải là chờ mong lớn của mỗi chúng ta.

  1. THIÊN CHÚA THƯƠNG CỨU ĐỘ

Hình ảnh thứ ba là hình ảnh tuyệt vời nhất mà con người có về Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ. Trong bài đọc một, chúng ta nghe được những lời này: “Ngày ấy, người ta sẽ nói: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ”.

Đây là tiếng reo vui của mọi dân tộc vào ngày cánh chung, khi cùng nhau lũ lượt tiến về Nhà Đức Chúa. Họ tiến lên trong niềm vui vì sẽ gặp được Đấng mà suốt đời họ chờ mong, khát khao muốn gặp mặt. Suốt cuộc đời dương thế là chờ mong và khắc khoải đợi chờ; và đây đến “ngày hạnh ngộ”, họ chỉ biết reo vui. Suốt cuộc đời dương thế, họ đã cảm nghiệm được Thiên Chúa cứu độ trong những tình huống cuộc sống; và giờ đây, là gặp gỡ chính Đấng Cứu Độ.

Hình ảnh của đoàn người tiến lên “Núi Chúa” trong niềm hân hoan, diễn tả rằng chỉ có Thiên Chúa Cứu Độ mới làm thoả mãn mọi chờ mong của con người. Đó cũng là niềm xác tín của Ki-tô hữu, của chúng ta. Mỗi lần được cứu thoát – được cứu độ – là như mỗi lần thêm sức cho chúng ta mạnh tiến trong hân hoan đến với Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ nhân loại. Như thế, cuộc sống trần gian này – dù giữa những phong ba bão táp, những khổ đau đủ loại – chúng ta lại có một AI ĐÓ, mạnh hơn tất cả, cứu giúp và giữ gìn. Điều quan trọng về phía chúng ta, đó là “giữ vững niềm tin, trông cậy nơi Người” và “ở lại trong tình thương của Người”. Đó là nơi trú ẩn an toàn nhất của chúng ta trong cuộc đời này.

Lời Chúa hôm nay đặt chúng ta trên ba cấp độ của hoạt động mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta. Trước hết – với cấp độ thứ nhất – đó là sự no thoả về thể lý và nhất là tâm hồn với hình ảnh của sự no nê lương thực. Nhưng đó cũng là lời mời gọi đến với lương thực thần linh là Chúa Ki-tô. Tiếp đến – với cấp độ thứ hai – đó là sự chữa lành bệnh tật, việc lau khô dòng lệ. Đó cũng là lời mời gọi đến với sự bình an chân thực và vĩnh cửu của Chúa Ki-tô. Cuối cùng – với cấp độ thứ ba – đó là sự no thoả chính Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, với tiếng ngợi ca chúc tụng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi sâu vào tâm hồn, để nhận ra sự hiện diện kín ẩn của Thiên Chúa tại điểm sâu thẳm nhất của cuộc sống chúng ta, vì nơi đó, Người đang hoạt động với ân sủng của Người, để ngày qua ngày, từng bước một, mỗi chúng ta cảm nghiệm thế nào là “THIÊN CHÚA LÀM VUI THOẢ CHỜ MONG” của con người.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 25-04, Thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng, Mc 16,15-20: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

Ngày 25-04, Thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng, Mc 16,15-20 Đức Giêsu là Con Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh Máccô là một trong...

Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh, Ga 12,44-50: Tin vào Đấng Cứu Độ trần gian

Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh, Ga 12,44-50 Tin Vào Đấng Cứu Độ Trần Gian Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong các ngày 9-14/04/2024, Đức Tổng giám...

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh, Cv 11,19-26: Hội thánh sống động nhờ Chúa Thánh Thần

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh, Cv 11,19-26 Hội thánh sống động nhờ Chúa Thánh Thần Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay có các...

Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh, Ga 10,1-10: Chúa là mục tử nhân lành

Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh, Ga 10,1-10 Chúa là mục tử nhân lành Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ở đất nước Do thái vào thời Chúa...

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh, Ga 6,51.60-69 : “Đây là mầu nhiệm đức tin”

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh, Ga 6,51.60-69 “Đây là mầu nhiệm đức tin” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tại hội đường Caphacnaum, Chúa Giêsu tuyên bố:...

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, Ga 6, 52-59: Chúa và con nên một

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, Ga 6, 52-59 Chúa và con nên một Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tại hội đường Caphacnaum khi Chúa Giêsu tuyên...

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, Ga 6,44-51: “Tôi là bánh trường sinh”

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, Ga 6,44-51 “Tôi là bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Tin Mừng Nhất Lãm và Thư thứ I...

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh, Ga 6,35-40 : “Ai đến với tôi, không hề phải đói…”

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh, Ga 6,35-40 “Ai đến với tôi, không hề phải đói...” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Dù sống giữa thế giới có...

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35: Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh”

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35 Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người Việt Nam ta thường dùng...

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29: Khát vọng Tuyệt Đối

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29 Khát vọng Tuyệt Đối Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng chúng ta nhận thấy có nhiều người tìm...

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh, Ga 6,16-21: “Thầy đây, đừng sợ”

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh, Ga 6,16-21 “Thầy đây, đừng sợ” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay khá ngắn, nhưng tường thuật khá...

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh, Cv 5,34-42; Ga 6,1-15: Chúa cần con cộng tác

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh, Cv 5,34-42; Ga 6,1-15 Chúa Cần Con Cộng Tác Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sống tâm tình niềm vui Mùa Phục...