AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong giai đoạn Đức Giêsu huấn luyện các môn đệ là những người Chúa đã tuyển chọn, họ đã được chia sẻ với Ngài trong cuộc sống cũng như sứ vụ loan giảng Tin Mừng của Ngài suốt hành trình truyền giảng tại thế và sắp kết thúc. Trong giai đoạn này, Ngài đặt vấn đề cần tham khảo ý kiến của dân chúng đã cảm nhận về căn tính và sứ vụ của Ngài như thế nào, kể cả sự cảm nhận của các Tông Đồ về Ngài nữa. Sau khi được các Tông Đồ tìm hiểu trong đại đa số dân chúng đánh giá về Ngài cũng như nhóm Tông Đồ đã tuyên xưng Ngài là ai. Ông Phêrô đại diện cho nhóm Mười Hai đã tuyên xưng: “Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, nghĩa là Đấng Mêsia vinh quang hiển hách, bá chủ cả hoàn cầu và làm cho dân tộc Do Thái trở nên vĩ đại nhất.
Trong khi đó, chính Đức Giêsu mặc khải cho họ biết Ngài là Đấng Mêsia cứu thoát loài người bằng con đường khiêm hạ, chịu nạn chết trên cây thập giá, nhưng sau ba ngày Ngài sẽ phục sinh vinh hiển. Thế nhưng, các Tông Đồ vẫn ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì ráo, mà lại không dám hỏi cho rõ. Trong lúc đó, lại nổi lên hai vấn đề về cách hành xử đối nội và đối ngoại. Đó cũng là nội dung của đoạn Tin Mừng mà chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm:
Một câu hỏi chợt đến với các ông: “Trong các ông, ai là người lớn nhất” (Lc 9,46).
Ông Gioan thưa chuyện với Chúa: “Thưa Thầy, con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy” (Lc 9,49).
Và sau đây chúng ta bắt đầu nhập cuộc:
Nội dung:
1. Đối nội: “Một câu hỏi chợt đến với các ông. Trong các ông, ai là người lớn nhất”? Ở đây đề cập một cuộc tranh chấp nội tâm theo Luca…còn theo Marcô, một cách sống sượng hơn, đã nói về một cuộc cãi nhau. Qua Tin Mừng Luca: Mọi việc được diễn tiến theo một cách tế nhị, khiến chúng ta tưởng rằng các Tông Đồ như đang trầm tư bên trong về những giấc mơ về địa vị, quyền bính vinh quang trần thế.
Đức Giêsu biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và sửa dạy họ: “Trong Nước Trời, đừng có ai để ý đến địa vị lớn nhỏ, cao thấp”, mặc dầu xét về cơ cấu tổ chức thì có trên có dưới, nhưng điều quan trọng nhất cần phải quan tâm để ý đến phục vụ. Càng có địa vị cao thì càng phải phục vụ nhiều. Thứ đến là cần có thái độ tiếp đón mọi người, không phân biệt lớn nhỏ sang hèn: Nghĩa là giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
Có lẽ các Tông Đồ không muốn nghe tới sự thua thiệt của Đức Giêsu, vì trong lúc Ngài nói về sự tự hạ, về tình yêu biểu lộ trong hy sinh đau khổ, về phục vụ tự hiến cho tha nhân, cho những người cần đến sự tận tình yêu thương, thì chính các ông lại tranh cãi với nhau về chức vụ, về địa vị mà các ông đang hy vọng chiếm được khi Chúa khôi phục Israel.
Rõ được tâm trạng các ông, Đức Giêsu đã dùng kiểu nói cụ thể hơn để diễn tả tư tưởng của Ngài là: “Người lãnh đạo phải nên tôi tớ cho mọi người”. Chúa nói thế và Ngài đã làm như vậy. Làm thực sự chứ không phải nói suông: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, thì đúng lắm. Vậy mà Thầy đã rửa chân cho anh em. Anh em cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13, 13).
Đành rằng một tổ chức ở trần thế, tất nhiên phải có người trên kẻ dưới, phải có người lãnh đạo chỉ huy. Nhưng trong tổ chức của Chúa thì những người có địa vị cao phải ý thức mình là rốt hết, ở thứ hạng sau cùng và nên tôi tớ phục vụ mọi người “Servus Servorum”. Để minh họa cho giáo huấn của mình và nói với các ông: “Ai đón tiếp em nhỏ này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy, và ai đón tiếp Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Lc 9,47-48). Trẻ nhỏ ở đây, còn được coi là những người hèn kém, không đáng kể, bị bỏ rơi. Đức Giêsu muốn đồng hóa với những con người bất hạnh ấy, để khi đón tiếp họ, chúng ta hoàn toàn vô vị lợi, vì không mong chờ sự đáp trả. Đó chính là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gửi tới tất cả chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Quả thực, nhờ tinh thần phục vụ vô vị lợi mà chúng ta thực sự được lớn lên trước mặt Thiên Chúa và anh em. “Người lớn nhất” là người phục vụ nhiều nhất, hăng say nhất “người lớn nhất là người làm trước nhất và nghỉ sau cùng”.
Vậy theo kiểu cách Đức Giêsu: “Người lớn nhất là không dùng quyền để lãnh đạo, mà dùng đôi tay để phục vụ”. Kẻ lớn nhất không dùng uy vũ để chỉ huy nhưng dùng con tim để yêu thương.
2. Đối Ngoại: Ông Gioan thưa chuyện với Chúa: “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy”. Gioan tưởng rằng ngăn cản như vậy là đúng. Nhưng Đức Giêsu bảo ông đừng ngăn cản họ, vì “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Lc 9,49-50). Cách xử trí của Gioan là theo óc bè phái cục bộ, phe nhóm vì danh Chúa. Thực vậy, thông thường người ta phân loại óc ganh tỵ có tới ba cấp bậc:
Ganh tỵ: bực bội khó chịu khi thấy người khác cũng làm được một việc hay, việc tốt như mình hoặc còn hơn.
Ganh tỵ bè phái: Ganh tỵ với người không thuộc phe mình.
Ganh tỵ bè phái vì danh Chúa: Những người có đạo ganh tỵ với những người không có đạo khi họ làm được việc tốt…nhưng Đức Giêsu không chấp nhận như thế đâu và Ngài đã đưa ra một nguyên tắc: “Ai không chống lại ta thì phải kể là thuộc về ta”.
Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con sống được như giáo lý Chúa dạy là cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác, không chút ganh tỵ bè phái. Amen.