Thứ 6, Tuần Bát nhật Phục sinh, Cv 4,1-12
Làm chứng cho Chúa như thế nào?
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Để có thể biết lời làm chứng của một ai đó đáng tin hay không, cần căn cứ vào mối tương quan, sự hiểu biết, cũng như cuộc sống gắn bó của người đó với đối tượng mà họ làm chứng. Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, cho ta thấy điều đó. Ông Phêrô và ông Gioan là những người đã được cùng ăn uống, cùng đi rao giảng, cùng sống gắn bó với Chúa. Chính các ông đã tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu bị bắt, bị giết và được diễm phúc gặp gỡ Chúa phục sinh. Cho nên, các ông dám mạnh mẽ làm chứng trước toàn dân Do Thái về những gì đã xảy ra, rằng: Chúa đã sống lại thật, và Người đang sống. Lời chứng đó thật đáng tin. Bởi lẽ, sự kiện đó chỉ vừa mới xảy ra, lại có nhiều nhân chứng, và ngôi mộ trống vẫn còn đó.
Lời chứng của các tông đồ đã thu hút đông đảo dân chúng tin vào Chúa Giêsu, chỉ tính riêng số đàn ông đã có khoảng 5000 người; một kết quả hết sức bội thu. Thế nhưng, giới lãnh đạo Do Thái rất bực tức, họ kéo đến bắt các tông đồ, nhằm dập tắt Tin Mừng Chúa sống lại. Thực ra, những người này, cũng đã từng biết Chúa Giêsu, từng nghe Người giảng dạy, chứng kiến các việc Người làm. Tuy nhiên, họ không tin, không muốn sống gắn bó với Chúa. Do đó, chẳng bao giờ, họ có thể làm chứng sự thật về Chúa. Trái lại, vì ganh tị, vì ham tiền bạc hay sợ quyền thế mà họ làm chứng gian giết Chúa, làm chứng gian để giập tắt Tin Mừng phục sinh (Mt 28,8-15), và bách hại những người dám làm chứng cho sự thật.
Qua hai hình ảnh làm chứng trên đây, chúng ta được thức tỉnh: Tôi đang làm chứng cho Chúa như thế nào giữa thế giới hôm nay? Hẳn là khi sống mến Chúa yêu người theo lời Chúa dạy, theo giáo huấn của Hội Thánh ta đang làm chứng cho Chúa. Nhưng nếu sống ngược lại, thì ta đang làm chứng sai về Chúa, khiến cho người ta hiểu sai về Chúa về Đạo thánh, mà sinh lòng ác cảm thù nghịch. Có khi nào vì gương xấu của ta: linh mục, tu sĩ, giáo dân mà làm cho nhiều người ngoại đạo không muốn tin Chúa, không muốn gia nhập Đạo chăng?
Mahatma Gandhi (1869-1948), được tôn vinh là cha già dân tộc Ấn Độ- người có công giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của Anh. Ông rất có thiện cảm với Tin Mừng. Một ngày kia, ông đi tham dự thánh lễ. Thế nhưng, vừa đến cửa nhà thờ thì bị một người chặn lại và nói:
– Đây là nhà thờ dành cho người da trắng. Ông muốn đi lễ thì hãy đến nhà thờ dành cho người da màu bên kia. Gandhi buồn bã rời nhà thờ và không trở lại.
Một câu chuyện khác cũng trên đất nước Ấn Độ. Mẹ Têrêxa Calcutta đã đến phục vụ, chăm sóc những bệnh nhân và những người cùng khổ bị bỏ rơi trên nước Ấn. Mẹ thật là nhân chứng của Chúa, làm cho nhiều người đón nhận Tin Mừng.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm chứng về tình yêu thương hải hà của Chúa giữa thế giới hôm nay, qua cuộc sống tha thứ, yêu thương phục vụ tha nhân, ngay từ trong gia đình, Cộng đoàn, Giáo xứ của chúng con. Amen.