Thứ Tư, 25 Tháng 6, 2025

Thứ 6 Tuần Thánh – CON NGƯỜI – Quốc Vũ

 Thứ 6 Tuần Thánh

«CON NGƯỜI»

 

Bài đọc 1: Is 52,13 – 53,12

Bài đọc 2: Dothái 4,14-16; 5,7-9

Tin Mừng: Gioan 18,1 – 19,42

Thánh Gioan đã họa lại bức tranh toàn cảnh về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu cho chúng ta chiêm ngưỡng, chúng ta ngắm nhìn và chúng ta cảm nhận. Đây quả là một điều hết sức thú vị, bởi chính nơi bức tranh sinh động này, chúng ta có thể bắt gặp mọi điều thượng vàng hạ cám của nhân tình thế thái trong kiếp nhân sinh.

Quả thật, trong bức tranh này hàm chứa biết bao điều đen-trắng, sáng-tối pha trộn. Nào là mưu đồ của những người Biệt Phái và Pharisêu; nào là nụ hôn dối lừa của Giuđa nộp Thầy bằng 30 đồng bạc. Chỗ này là sự nhút nát chối Thầy 3 lần của Phêrô, thì chỗ kia lại thấy sự can đảm của bà Vêrônica đưa khăn lau mặt Chúa. Nơi này là những tiếng hét kết án và tiếng cười đàm tiếu của những người Dothái, thì nơi khác lại thấy long lanh những giọt nước mắt thống hối ăn năn của người tông đồ trưởng khi nghe gà gáy sáng. Rồi có lời lăng nhục của tên trộm bên trái, những cũng có lời cầu cứu van xin của người trộm bên phải. Có sự phũ phàng bỏ Thầy của các tông đồ, nhưng cũng còn tình yêu ở lại dưới chân Thập Giá của Mẹ Maria và người môn đệ Chúa yêu,… Từng nét, từng chấm trong bức tranh, đã phản ánh một thực trạng rất thật và rất người, một thực trạng tội lỗi khi mà con người dám đan tâm cùng nhau làm chuyện tày trời là kết án và giết chết Chúa của mình.

Đức Giêsu đã chết, điều này chứng minh Người là con người thật: có ngày được sinh ra và cũng có ngày phải chết đi. Công đồng IV Calcedonia năm 451, thời Đức Leo I, để chống lại bè rối Nestoriano chủ trương duy nhất tính nơi Đức Giêsu, đã định tín rằng Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể trong một ngôi vị có hai bản tính không pha trộn nhau (x. DS 301). Đức Giêsu đã thực sự làm người như mọi người, Người cũng bị chi phối bởi kiếp nhân sinh “sinh, lão, bệnh” và đặc biệt là cũng “tử”như mọi người.

Vì thế, khung cảnh Giáng Sinh không phải là một vở kịch, để Ngôi Hai Thiên Chúa nhập vai trong hình hài một trẻ sơ sinh, nhưng là «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta» (Ga 1, 14). Thiên Chúa đã trở thành con người. Thiên Chúa không hề nhập vai mà là Nhập Thể làm người giống như mọi người. Và biến cố thập giá, khung cảnh tử nạn của Đức Giêsu, không phải là một bộ phim để Người nhập vai làm một tên tử tù đáng tội; nhưng đó là một cái chết thật, cái chết của một con người với đầy đủ những cảm súc cô đơn khi bị các môn đệ bỏ rơi «Anh em không thể thức nổi với Thầy một giờ sao?» (Mt 26, 40), cũng đau khổ và run sợ trước cái chết «Lạy Cha, nếu có thể thì xin cất chén đáng này khỏi con» (Mc 14, 36). Đó là cái chết đã được các ngôn sứ từ bao đời tiên báo «như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người bị ức hiếp, bị buộc tội, và bị thủ tiêu» (Is 53, 7-8).

Nếu như với biến cố Giáng Sinh: Thiên Chúa đã trở thành con người, thì với cái chết trên cây Thập Giá: con người trở thành con Thiên Chúa. Trong khi Giáng Sinh là sự giao hòa trời với đất, thì Thập Giá lại là cầu nối đất với trời. Đức Giêsu là con người thật. Người đã đến trần gian sống kiếp nhân sinh giữa trời và đất.

Người Việt ta, khi nói về con người trong trời đất, đã dùng câu thành ngữ: “Con người là con vật đầu đội trời, chân đạp đất”. Đó là cách nói theo ngôn ngữ dân gian, theo nghĩa của Kinh Dịch.

Ta đã biết kinh Dịch là học thuyết về sự biến hóa của vũ trụ và con người. Kinh Dịch phản ánh khái quát mối quan hệ giữa vũ trụ và con người bằng ba chữ Thiên – Địa – Nhân. Con người ở vị trí nào trong mối quan hệ ấy? – thưa: Con người là gạch nối giữa trời và đất.

Theo nhà văn Xuân Cang, “Đầu đội trời chân đạp đất”, nghĩa là nhìn lên thì con người tìm hiểu được Thiên cơ, nhìn xuống thì con người tìm hiểu được Địa linh, nhìn xung quanh thì con người tiếp xúc và tìm hiểu được cộng đồng. Thiên cơ, Địa linh, cùng Cộng đồng tạo nên cấu trúc gọi là Tam Tài của nguyên lý Thiên – Địa – Nhân hợp nhất. Trong đó Thiên cơ và Địa linh tạo nên môi trường cho con người trên mọi mặt của cuộc sống cách hài hòa và an định.

– “Đầu đội trời, chân đạp đất”. Con người sống trong trần gian có Trời là cha, có Đất là mẹ; được bao bọc trong tình thương của cha, trong trái tim của mẹ; được sinh ra bởi bàn tay của Trời và khi chết là trở về với lòng Đất mẹ.

– “Đầu đội trời, chân đạp đất”. Điều này nhắn nhủ tôi rằng, con người sống trong trời đất, cần phải ý thức và sống tốt hai chiều kích: chiều dọc là hướng thượng, là tương quan với Thiên Chúa; và chiều ngang là hướng tha, là tương quan với tha nhân. Một con người hoàn thiện là phải sống tốt cả hai mối tương quan này.

Nhìn lên Thánh giá, ta nhận thấy Đức Giêsu đã sống hai mối tương quan này cách tuyệt vời nhất. Trong tương quan với Thiên Chúa, là tâm tình con thảo luôn sẵn sàng xin vâng: «Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Lc 22, 42); và trong tương quan với tha nhân, là dang tay chịu chết thay cho muôn người: «Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đã làm» (Lc 23, 34). Người Kitô hữu, bước theo Đức Kitô, nên cũng được mời gọi sống tốt hai mối tương quan ấy. Thế nên, các việc đạo đức trong nhà thờ là những việc tốt lành và đáng trân quí mà tôi cần phải có đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, những việc lành ấy sẽ không có giá trị cứu độ, nếu như tôi không kết hợp với một đời sống bác ái, yêu thương những người thân cận quanh mình.

Giả sử trong một cộng đoàn, mỗi người cứ tìm lợi cho riêng mình, thì anh em sẽ là nạn nhân, và cộng đoàn sẽ sa sút. Một cộng đoàn tu trì là một cộng đoàn “cộng sản” đúng nghĩa như Giáo Hội thời sơ khai – đồng tâm nhất trí, và để mọi sự làm của chung (x. Công vụ 2, 44). Nhưng, mỗi tu sĩ nếu không dấn thân thực sự, không đặt trọn tấm lòng vào đời sống, thì sẽ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, hay “của chung là của chùa”, rồi tha hồ bòn rút làm của riêng… lúc đó, cộng đoàn còn gì tương lai, bởi sự hiệp nhất không còn nữa.

Nếu trong gia đình, mà người mẹ suốt ngày lê la từ nhà này qua nhà khác để tám chuyện trên trời dưới đất, thì những đứa con sẽ là nạn nhân không ai chăm sóc; và một bà vợ chỉ biết có mình, thì ông chồng sẽ là nạn nhân. Hoặc ngược lại, nếu gia đình nào có một ông chồng gia trưởng, chỉ biết có mình, sáng say chiều xỉn, thì vợ con sẽ là nạn nhân. Hoặc nếu những người con không còn vâng lời, và không quan tâm đến cha mẹ, thì cha mẹ sẽ là nạn nhân.

Mỗi Kitô hữu đều được Đức Kitô mời gọi bước theo Người, mỗi tu sĩ được mời gọi bước theo Người sát hơn. Với Tin Mừng Nhất Lãm, “theo Chúa” có nghĩa là đi sau Người, bước theo chân Người (Mc 3, 14). Với thánh Gioan, “theo” không còn nguyên nghĩa gốc, nhưng là gắn bó với Chúa bằng tinh thần, tức là tin (Ga 8, 12; 12, 35). Với thánh Phaolô, “theo” là gắn bó, là hiệp thông với Người trên lộ trình qua Thập Giá để tới Phục Sinh. Giáo hội Sơ Khai còn gán thêm một ý nghĩa nữa: “theo” là bắt chước, là theo gương Chúa (Mc 10, 32; Ga 13, 34; 1Cr 11, 1). Giáo hội ngày nay nhấn mạnh, theo Đức Kitô hôm nay cũng là theo con đường riêng mà mỗi người được Thiên Chúa kêu gọi. Có thể là con đường đi giữa trần gian, với những nhiệm vụ thuộc gia đình, xã hội và Giáo hội,… Có thể là con đường tận hiến đời mình hơn cho Thiên Chúa và cho ơn cứu độ của con người. Nhưng cho dù đang theo bất cứ con đường nào, ta vẫn luôn tâm niệm rằng «tôi tớ không hơn chủ và môn đệ không hơn thầy» (Mt 10, 24), hầu giúp ta tiếp tục sống và thực hiện ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình với sức mạnh từ Thập giá của Đức Kitô.

Ôi Thập giá, tình yêu cao vời quá!

Chúa hiến thân làm của lễ cứu đời,

Cho con người hưởng hạnh phúc khôn vơi,

Được thứ tha bao mê lầm tội lỗi.

Ôi Thập giá, tình yêu cao vời vợi!

Vì yêu con, Chúa đã hiến thân mình,

Đổ máu đào làm của lễ hy sinh,

Cho con sống trong tình yêu vạn thuở.

Ôi Thập giá, con nguyện hằng ghi nhớ!

Sống yêu thương theo gương Chúa đã truyền,

Dứt hận thù, giao hòa với anh em,

Cùng thăng tiến trong tinh thần hiệp nhất.

Ôi Thập giá, tình yêu là ngọt mật!

Giữa cuộc đời con mãi hát lời ca,

Lời tri ân tình yêu Chúa hải hà,

Bên Thập giá, đời con tràn hạnh phúc.  

Quốc Vũ          

~*~

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư Tuần XII, Thường niên, Mt 7,15-20 Kitô hữu – Người sinh quả tốt trong đời

Thứ Tư Tuần XII, Thường niên, Mt 7,15-20 Kitô hữu – Người sinh quả tốt trong đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Trong một thế giới ngày...

Thứ Hai, Tuần XII, Thường niên, Mt 7,1-5: Đừng xét đoán – Đừng lấy cái rác trong mắt anh em

Thứ Hai Tuần XII, Thường niên, Mt 7,1-5 Đừng Xét Đoán – Đừng Lấy Cái Rác Trong Mắt Anh Em Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Một câu...

Thứ Bảy, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,24-34): Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính

Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên (Mt 6,24-34) Tìm Nước Thiên Chúa và Sự Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước...

Thứ Sáu, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,19-23): Đi tìm kho tàng bất diệt

Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên (Mt 6,19-23) Đi Tìm Kho Tàng Bất Diệt Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Từ ngàn xưa đến nay, con người vẫn...

Thứ Năm, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,7-15): Tình con thảo đối với Cha

Thứ Năm, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,7-15) Tình Con Thảo Đối Với Cha Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Khi lần giở Tin Mừng, chúng ta ngạc...

Thứ Tư, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,1-6.16-18): Làm việc phúc đức với thái độ nào?

Thứ Tư, Tuần XI Thường Niên (Mt 6,1-6.16-18)  Làm việc phúc đức với thái độ nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. “Khi làm việc lành phúc đức,...