THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 8,19-21
Những Ai Thực Sự Thuộc Gia Đình Của Đức Giêsu
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Nguồn gốc ý nghĩa của cụm từ “gia đình” bắt nguồn từ tiếng La-tinh, familia, có nghĩa là, một gia đình hoặc các thành viên của một gia đình; và cũng từ famulus, một người hầu, người phục vụ. Theo Từ điển Văn hóa Công giáo, gia đình là một nhóm người có quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống và thường bao gồm cha, mẹ và con. Một gia đình là một thành phần trong xã hội tự nhiên có quyền tồn tại và hỗ trợ được bảo vệ bởi giới luật của Thiên Chúa. Theo Công đồng Vatican II, “Gia đình là nền tảng của xã hội”[1]. Ngoài gia đình tự nhiên, Giáo hội còn công nhận gia đình siêu nhiên của giáo phận và của một cộng đồng tôn giáo, mà các thành viên phải hợp tác để xây dựng Thân thể Chúa Ki-tô[2].
Tình yêu và sự tôn trọng của Chúa Giêsu dành cho mẹ và người thân của Ngài là không cần bàn cãi. Nhưng dường như trong Tin Mừng hôm nay, Ngài đã làm lơ mẹ và người thân của mình khi họ đang tìm cách gặp Ngài. Đặc biệt đối với người Việt Nam, chúng ta được biết đến là người hướng về gia đình. Gia đình đối với chúng ta rất quan trọng. Với những dịp quy tu gia đình lại gần nhau như tết tư, sinh nhật, đám tang, đám cưới, ngày kỷ niệm, đoàn tụ – Nếu một thành viên trong gia đình vắng mặt thì phải có một lý do chính đáng.
Thật ra, Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài một sự thật về vương quốc của Thiên Chúa là mối quan hệ sâu sắc nhất của cuộc sống, không chỉ đơn thuần là mối quan hệ huyết thống. Ngài thay đổi cái nhìn về các mối quan hệ và cho thấy mối quan hệ họ hàng thực sự không chỉ là vấn đề máu thịt. Ngài muốn chúng ta thấy một thực tế cao hơn mối quan hệ gia tộc bằng mối quan hệ linh tộc, đó là gia đình của Thiên Chúa.
Theo ý nghĩa này, Ki-tô giáo không chỉ là liên hệ với giáo lý, giới luật và điều răn. Mà mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất, đó là mối quan hệ của tình yêu và sự hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi và với tất cả những người thuộc về Thiên Chúa, trong gia đình của Ngài. Chúng ta đã trở thành con cái của Thiên Chúa khi chúng tôi được rửa tội. Là con của Chúa Cha, do đó những người khác là anh chị em của chúng ta.
Một điều nữa là chúng ta nên hạnh phúc vì Chúa Giêsu đã nhân rộng số người là anh chị em của Ngài bao gồm, “tất cả những người nghe lời Chúa và đem ra thực hành.” Thế nên, một sự thật hiển nhiên, chỉ những ai thực hiện ý muốn của Chúa Cha trong việc tuân giữ và thực hành Lời Chúa mới là mẹ, là anh chị em của Chúa Ki-tô, mới là bạn bè thân thiết của Người.
Nhưng câu hỏi được đặt ra, là làm thế nào để chúng ta phân biệt ý muốn của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc của cuộc sống? Đây cũng là sự khó khăn và đầy thách thức. Tuy nhiên, để thực hiện Thánh ý của Thiên Chúa chúng ta trước tiên phải có một trái tim thực sự đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên tất cả, biết tĩnh lặng nội tâm, kiên nhẫn chờ đợi và lắng nghe, cầu nguyện hằng ngày, tránh xa sự nóng giận và giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của tội lỗi. Tìm sự giúp đỡ nơi những vị linh hướng cẩn trọng và có kinh nghiệm. Những yếu tố này có thể giúp chúng ta xây dựng cuộc sống trong việc khám phá ra thánh ý của Thiên Chúa cách dễ dàng hơn. Để ta dễ dàng đối mặt với những trở ngại như niềm kiêu hãnh và sự phù phiếm, sự quyến rũ của nhục cảm và chủ nghĩa vật chất đang ràng buộc chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta hãy suy gẫm những lời này đến từ một vị tử đạo đầu tiên đã nói: “Người thân duy nhất của một Ki-tô hữu là các vị thánh”. Và vì vậy, những người theo Chúa Giêsu Ki-tô và những người tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa bước vào một gia đình mới, một gia đình của các vị thánh, ở đây, trên trái đất và trên thiên đàng.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được nguồn gốc thần linh cao quý mà Chúa đã ban cho chúng con qua Người Con Chí Thánh của Ngài. Để chúng con được làm con Chúa và làm công dân của Nước Trời. xin giúp chúng con biết sống sao cho xứng với danh vị cao quý và thánh thiện đó mọi nơi mọi lúc. Để chúng con được thực sự là con của Chúa và là anh chị em của nhau. Amen.
[1] Giáo hội trong thế giới ngày nay, II, 52.
[2] Nghị định về Văn phòng Mục vụ của Giám mục, 34; và Hiến chế Tín Lý Giáo hội, 43.