THỨ BẢY TUẦN III MÙA PHỤC SINH
Gio-an 6,60-69
Thầy Mới Có Những Lời Đem Lại Sự Sống Đời Đời
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Nhiều người bị thu hút đến với Chúa Giêsu bởi vì Ngài đã thực hiện cho họ những điều quá hấp dẫn: Ngài đã cho thấy một khuôn mặt của Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, từ bi và thương xót, được thể hiện trong các công trình tuyệt vời mà Ngài đã làm, như: sự chữa lành, giải thoát khỏi ác thần, hoá bánh ra nhiều nuôi dưỡng năm ngàn người ăn… Kèm với những lời giảng dạy đầy quyền năng và giáo huấn thì mới mẻ. Nhưng khi Chúa Giêsu công bố về việc ăn thịt và uống máu của Ngài (Ga 6,51-59), điều này đã được Ngài thể hiện trong Bữa Tiệc Ly, và đây là nguyên nhân khiến người ta chống đối và khó chấp nhận.
Họ không thể hiểu lời hứa của Bí tích Thánh Thể. Có lẽ người ta đơn giản hiểu rằng Ngài đang thúc đẩy việc ăn thịt người, và họ thấy rất khó chấp nhận. Thế nên họ đã lần lượt bỏ Ngài mà đi. Nhưng sự rời bỏ của dân chúng này không dẫn đến việc Chúa Giêsu suy nghĩ lại, như tìm cách nhẹ nhàng hơn, hay tạm ngừng giáo huấn về Thánh Thể của Ngài để được họ chấp nhận hơn. Không, và thậm chí Ngài còn chất vấn cả các tông đồ của mình: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Thánh Phê-rô có vẻ như được truyền cảm hứng, liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.” (c.67-68).
Trong thư gởi các tín hữu Do-thái khẳng định: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4,12). Lời Chúa không phải là lời gió thổi bay, cũng không phải là các bản văn chữ chết như những tác phẩm văn học khác mà là Lời sống động và có tác động trực tiếp đến những ai tiếp xúc với Lời Chúa và lắng nghe Lời Chúa.
Vì thế khi đọc và suy gẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng như tham dự các buổi phụng vụ, đặc biệt là phụng vụ thánh lễ. Người tín hữu chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn mở rộng để cho hạt giống Lời Chúa được bén rễ, mọc mầm và phát triển thành cây sự sống. Nghĩa là, Lời Chúa khi đi qua các giác quan của ta phải trở thành một lời sống động xuyên qua mọi hành động của cuộc sống, của mọi tư tưởng lời nói và việc làm. Và Lời của Ngài là Lời Hằng Sống trong những người tin và nó dẫn họ đến sự sống vĩnh cửu.
Chúa Giêsu cũng đã dạy: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4). Vâng, khi người ta giữ Lời Chúa, và sống bằng Lời của Thiên Chúa cách sống động. Thì Lời Chúa là Lời Hằng Sống, và ban cho người ta có sự sống đời đời.
Mặt khác, khi tuân giữ và thi hành Lời Chúa, sự sống nơi chúng ta phát triển mỹ mãn và có sức lôi kéo những người khác tham dự vào đời sống đức tin của mình. Nếu tôi tin thật Chúa Giêsu đang hiện thân trong bí tích Thánh Thể mà một tuần mới có khoảng một giờ đi tham dự thánh lễ để được rước Chúa nhưng tôi cũng không làm, hoặc đi lễ mà không chuẩn bị tâm hồn, không can đảm lên rước Chúa thì làm sao mà Lời Chúa trở thành Lời ban sự sống cho tôi được. Và cũng làm sao tôi có thể giới thiệu đức tin của mình cho người khác. Vì chính đức tin của tôi cũng đã khô héo và không chuyển tải được sự sống.
Mỗi Kitô hữu chúng ta còn được mời gọi trở nên hiện thân sống động của Chúa Kitô cho nhân loại, nghĩa là có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Tuy nhiên, có không ít giáo dân cho là, việc rao giảng Lời Chúa là việc của giới nhà tu, chúng tôi có học hành gì đâu mà rao giảng! Cách suy nghĩ này khá phổ biến trong Giáo Hội ngày nay, nhưng đây là một cách ngụy biện thiếu tinh thần trách nhiệm về chính bản thân. Vì việc làm cho Lời Chúa trở nên sống động, trở nên Lời Hằng Sống trong mỗi con người là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham dự các nghi thức phụng vụ và công bố Lời Chúa của Giáo Hội. Và một khi chúng ta để cho Lời Thiên Chúa thấm nhập vào mọi hành động trong cuộc sống, là lúc ta loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu nhất mà không cần phải rao giảng nhiều lời.
Chuyện kể rằng, một hôm, Thánh Phan-xi-cô Át-si-si rủ một người anh em đi giảng Tin Mừng. Hai người đã đi một vòng qua các ngả đường phố rồi lại vòng về tu viện. Người anh em đồng hành rất ngạc nhiên khi không thấy thánh nhân dừng lại và giảng dạy một lời nào cho ai bèn thắc mắc: sao thầy rủ đi rao giảng mà tôi không thấy thầy giảng gì cả lại quay về? Thánh Phan-xi-cô vui vẻ trả lời, chúng ta đã giảng xong rồi.
Vâng, nếu chúng ta để cho Lời Chúa trở thành Lời Hằng Sống ở trong ta thì Lời ấy tự nó có sức lan toả qua mọi bước chân và mọi cử chỉ của ta, và nó có tác động lan toả đến mọi người.
Lạy Chúa, Lời Ngài là Thần Khí và là sự sống, Ngài mới có những lời đem lại sự sống đời đời, xin giúp chúng con biết đón nhận Lời sự sống để cho Lời Chúa thấm đẫm trong mọi hơi thở của đời sống chúng con, và Lời trở nên Lời sống động và sắc bén trong lời nói, từng cử chỉ của chúng con, để chúng con có thể giới thiệu Chúa cho mọi người, vì Ngài có Lời ban sự sống. Amen.