THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 9,14-17
Tranh Luận Về Việc Ăn Chay
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả cảm thấy khó chịu với các môn đệ của Chúa Giêsu vì họ không ăn chay. Vì việc ăn chay là một phần của thực hành đạo đức của Do Thái Giáo. Người sùng đạo thường ăn chay hai lần một tuần, nhưng ở đây Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài không làm giống như vậy. Các môn đệ của Gio- an Tẩy Giả nếu theo tinh thần của Thầy thì họ phải rất kính trọng Chúa Giêsu, nhưng họ không thể hiểu nổi, hay không thể chấp nhận tại sao là người Do Thái nhưng Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài lại không theo phong tục và truyền thống của người Do Thái. Có lẽ cách nào đó các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả cho rằng, họ nghiêm túc và đạo đức hơn Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Và não trạng chung là cái gì phải đúng với truyền thống thì mới tốt. Và như vậy họ theo chủ nghĩa cào bằng, không hiểu Chúa Giêsu là Đấng nào.
Ăn chay là một trong ba nghĩa vụ tôn giáo quan trọng nhất đối với người Do Thái cùng với việc cầu nguyện và bố thí. Để thỏa mãn lời chất vấn của họ, Chúa Giêsu đưa ra một lời giải thích đơn giản về tính cách hợp thời của công việc, rằng có một thời để ăn chay và một thời không ăn chay. Ngài không lên án việc họ ăn chay mà nói rõ rằng Ngài chính là trung tâm của mọi việc thực hành đạo. Ngài là chàng rể là trung tâm của niềm vui nên không bị chi phối bởi tính hợp pháp của lề luật. Đã đến thời phải vượt qua những gì là thói quen đạo đức thông thường, và bây giờ là lúc chàng rể của trần gian đang hiện diện, mọi sự phải tập trung và quy chiếu vào Ngài. vì mọi việc làm đạo đức là mong làm đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại niềm vui và hạnh phúc đích thực, thì ở đây, chính Ngài là niềm vui và hạnh phúc của nhân loại.
Khi nói đến ăn chay, người ta đa số chỉ đơn giản nghĩ đến việc kiêng thịt, nhịn ăn, ăn đói đi một chút. Và tuân giữ các việc đó trong những ngày Hội Thánh dạy như thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh là xong. Tuy nhiên, để phát triển về đời sống tâm linh và đạo đức thì ta cần lột tả căn tính của tinh thần ăn chay như thế nào cho đúng:
- Ăn chay bằng cách vui vẻ đón nhận những bất lợi khác biệt. Các môn đệ của Gio-an ăn chay nhưng cứ đòi hỏi các môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải giống mình. Và họ lấy làm khó chịu khi người khác không giống như họ muốn. Đó không phù hợp với tinh thần chay tịnh của các môn đệ Chúa Ki-tô. Thay vì nhịn ăn, người ta có thể nhịn nhục, chấp nhận những khác biệt của người khác, những bất lợi xảy ra trong cuộc sống của mình, điều mà ta không thực hiện được những gì mình muốn. Ví dụ, tôi muốn nghỉ ngơi nhưng lại có người khác nhờ vả giúp họ việc gì đó. Tôi muốn đọc sách nhưng con mắt lại đau nhức. Tôi muốn những món ăn ngon nhưng người nấu bếp nấu toàn những món tôi không thích… trong mọi tình huống xem ra bất tiện lại là cơ hội tốt cho ta ăn chay bằng cách vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh thực tế.
- Ăn chay, đòi hỏi tình yêu của chúng ta dành cho người khác, vì nó liên quan trực tiếp đến việc yêu thương tha nhân. Ta có thể ăn chay bằng cách như dành quyền ưu tiên cho người khác trong mỗi sự kiện cụ thể nào đó, như nhường đường cho người già và tàn tật, văn hoá xếp hàng ở những nơi công cộng, nghĩ đến tha nhân trước khi dành ưu tiên cho mình… trong mọi sinh hoạt thường ngày qua những mối tương quan mà luôn xác tín: “Thiên Chúa là số 1, tha nhân là số 2, sau đó mới đến mình”. Công thức này luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và đó là tinh thần chay tịnh thực sự có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
- Ăn chay là để chia sẻ, nếu chỉ nhịn ăn để làm khổ thân xác cách này hay cách khác hoặc để tích góp cho mình thì không đủ. Ý nghĩa của việc ăn chay là hy sinh hãm dẹp những đam mê của thân xác, nhưng cũng là tích góp để chia sẻ với người kém may mắn hơn mình về vật chất và tinh thần; một nụ cười luôn nở trên môi với con mắt đầy thiện cảm đối với người xung quanh, những lời nói xây dựng chân thành, không tỏ thái độ bất mãn, hằn học và khiêu khích người khác, và đặc biệt là chu toàn bổn phận. Có nhiều người lệch lạc thích đi làm nhiều việc bao đồng để được người ta biết ơn, cảm động nhưng việc bổn phận của mình lại bỏ bê, cản trở, ảnh hưởng đến những người xung Đó không phải là tinh thần chay tịnh của Ki-tô giáo. Việc chay tịnh đích thực là để nhân rộng tình yêu của Thiên Chúa nơi mình cho người khác, nghĩa là tôi có thể trở nên ân cần hơn, yêu thương hơn, chu đáo hơn, tha thứ hơn và tôn trọng hơn. Đây là kiểu ăn chay mà chúng ta không vì bản thân mình mà vì người khác.
Ăn chay là bỏ đi một đam mê nào đó vì lòng yêu mến Chúa. Thường người ta có xu hướng nghĩ rằng ăn chay là nhịn ăn. Nhưng việc từ bỏ một thói quen hay một đam mê như: Nếu chúng ta yêu âm nhạc và quyết định bỏ lỡ một buổi hòa nhạc để dành thời gian đi chầu Chúa trong nhà tạm. Thật hữu ích khi nghĩ về sự song hành tình bạn của con người. Khi bạn bè cần ở bên nhau, họ sẽ hủy tất cả các hoạt động khác để thực hiện điều đó. Thiên Chúa luôn chờ đợi ta đáp lại tình yêu của Ngài. Chay tịnh chỉ là một cách để nói với Chúa rằng ưu tiên của con lúc này là ở một mình với Chúa, sắp xếp mọi thứ cần thiết và kể cả hủy bữa ăn, bữa tiệc, buổi hòa nhạc hoặc bất cứ điều gì chúng ta dự định sẽ thực hiện để hoàn thành điều ưu tiên hơn là ở với Chúa. Đó là việc ăn chay làm cho đời sống tâm linh của ta được lớn lên và no thoả.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu được ý nghĩa của việc chay tịnh để chúng con biết hâm lại sức nóng của con tim yêu mến Chúa và tha nhân. Amen.