THỨ BẢY TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 12,8-12
Những Câu Nói Về Chúa Thánh Thần
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Cha Jack McArdle kể một câu chuyện về sự tha thứ của Chúa. Hãy tưởng tượng khi chúng ta chết, rồi Chúa Giêsu đến gặp và cho chúng ta xem một video về toàn bộ cuộc sống của mình. Trên video chúng ta thấy tất cả những điều tốt đẹp mình đã làm. Nhưng cũng có một số khoảng trống trên băng. Chúng ta hỏi tại sao có những khoảng trống như vậy trên băng trong cuộc sống của mình. Chúa Giêsu cho chúng ta biết đây là những lần chúng ta phạm tội và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khi Chúa tha thứ, Ngài hoàn toàn xóa bỏ tội lỗi của chúng ta và không nhớ.
Chúa Giêsu trong phúc âm ngày nay nói: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (c.10). Tại sao tội phạm đến Thánh Thần thì không thể được tha thứ? Chúng ta đọc trong sách Sa-mu-el quyển II chương 11 đã mô tả về tội tầy đình của Vua Đa-vít, một người tội lỗi, ham muốn, ngoại tình, và dùng hạ sách để giết người cướp vợ. Thế nhưng khi ông nhận ra tội của mình mà ăn năn sám hối thì được tha ngay. Vậy tội Phạm đến Chúa Thánh Thần là như thế nào?
Tất cả chúng ta đều biết rằng Chúa Thánh Thần là Đấng luôn âm thầm hoạt động trong trái tim của con người, Ngài luôn thì thầm vào thâm tâm khi chúng ta sa ngã “Hãy quay lại với Thiên Chúa Đấng yêu thương bạn.” Thế nên, bất kỳ tội lỗi cụ thể nào cũng được tha thứ, trừ tội lỗi không thể tha thứ là thái độ của chúng ta khi tự cho rằng: “Thiên Chúa không thể tha thứ cho tôi.” Khi chúng ta tự cho rằng tội của mình lớn hơn cả lòng thương xót của Thiên Chúa, là lúc chúng ta bưng tai bịt mắt, ngăn chặn nhận thức về lời kêu gọi hoán cải của Chúa Thánh Thần để quay trở lại với Thiên Chúa. Đây thực sự là một lời báng bổ sâu sắc, bởi vì nó phủ nhận chính căn cốt, cái bản vị của Thiên Chúa: vì Ngài là tình yêu và lòng thương xót. Vậy tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội tuyệt vọng về bản thân và về Thiên Chúa, hay quá tự cao không cần đến tình thương của Thiên Chúa và gạt Ngài ra khỏi cuộc đời của mình.
Chúa Thánh Thần cũng là Thần Chân Lý, Đấng luôn mách bảo và hướng dẫn lương tâm con người theo sự thật và biết nhìn nhận sự thật. Trong bối cảnh Tin Mừng, những người Pha-ri-sêu phủ nhận sự thật về quyền năng của Thiên Chúa đang thực hiện nơi Chúa Giêsu mà gán cho đó là bởi ma quỷ. Đó là đi ngược lại tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn vì mục đích cố tình loại trừ bóp méo sự thật, gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Vậy, lấy ai để có thể tha thứ cho họ?
Mặt khác, Đối với Thánh Ca-ta-rin-na, tình yêu thương xót của Thiên Chúa về cơ bản định nghĩa Ngài là ai. Chị thánh hiểu rằng chính sự tuyệt vọng về lòng thương xót của Ngài là tội lỗi duy nhất không thể tha thứ. Đó là hành vi phạm tội, coi tội lỗi của chính mình lớn hơn lòng thương xót của Chúa. Trong bài viết của mình, chị thánh đã nói:
Đây là tội lỗi không bao giờ được tha thứ, bây giờ hay bao giờ: sự từ chối, khinh miệt lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì điều này xúc phạm Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những tội lỗi khác mà họ đã phạm phải. Vì vậy, đây là một sự xúc phạm lớn hơn đối với Con Thiên Chúa so với tội phản bội Ngài. Chẳng hạn như những điều đáng bị khiển trách vì phán đoán sai lầm là khi coi tội lỗi của họ lớn hơn lòng thương xót của Thiên Chúa và vì điều này, họ bị trừng phạt với lũ quỷ và bị tra tấn vĩnh viễn với chúng…
Sau đó, Thánh Ca-ta-rin-na nói rõ rằng Chúa sẽ không tiêu diệt những người từ chối lòng thương xót của Ngài, nhưng Chúa sẽ cho phép họ tự hủy hoại nếu họ không sẵn lòng nhận và chấp nhận sự trợ giúp từ bi của Ngài. Nếu chúng ta ngoan cố sẽ làm như vậy, chúng ta có thể tự cắt đứt mình khỏi Ngài mãi mãi.
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa rất nhân từ. Ngài rất nhân từ đến nỗi Ngài thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta ngay cả khi chúng ta là tội nhân, và lòng thương xót của Ngài không có giới hạn, vượt xa mọi tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, Đức Giêsu đã kêu gọi chúng ta hãy có lòng nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ (x. Lc 6,36), như Thiên Chúa là lòng thương xót. Khi lòng thương xót của Chúa ban xuống trên chúng ta, phần chúng ta cũng phải ban tặng những phước lành ấy cho người khác. Không ai có thể thương xót như Chúa, Đấng thể hiện lòng thương xót trong mọi hành vi. Con người chúng ta nghèo hèn nên rất cần lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng cũng có những người khác cần tới lòng thương xót của chúng ta. Hãy mở rộng đức tin qua lòng thương xót tới những người cần đến chúng ta để mỗi ngày được nên giống Cha hơn.
Cuối cùng, chúng ta hãy suy gẫm điều này: “Đôi khi Thiên Chúa phá vỡ trái tim của chúng ta để làm cho chúng ta trọn vẹn. Ngài gửi cho nỗi đau để chúng ta có thể mạnh mẽ hơn. Ngài gửi cho thất bại để chúng ta có thể khiêm tốn. Ngài gửi cho bệnh tật để chúng ta có thể chăm sóc người khác tốt hơn. Và đôi khi, Thiên Chúa lấy mọi thứ khỏi chúng ta để chúng ta có thể học được giá trị của tất cả mọi thứ mà Ngài ban cho, để tin tưởng và giữ lấy Ngài.”
Lạy Chúa xin ban Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết tín thác vào lòng thương xót của Chúa, luôn nhạy bén với tác động của Chúa Thánh Thần trong tình yêu và sự thật, để chúng con không cố thủ trong lầm lỗi và sai trái của mình, nhưng biết cậy trông và chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa, và chúng con không bao giờ thất vọng. Amen.