ĐỨC GIÊSU BỊ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG TỪ CHỐI
Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối Cảnh:
Đức Giêsu về thăm Quê Hương Nazareth. Ngày sabat, Ngài vào Hội đường, người ta trao cho Ngài sách Ngôn sứ Isaia để Ngài đọc và giải thích, dựa trên đoạn sách Isaia (61,1) ấy, Ngài tự giới thiệu Thân Thế và Sứ Vụ Thiên Sai của Ngài: Đó là mang Tin Mừng và ơn Cứu Độ cho người nghèo khổ…công bố một năm Hồng Ân của Đức Chúa (x. Is 61,1).
Bài Giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng, vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối, vì Ngài là Đấng Cứu Độ của mọi người chứ không của riêng ai. Bởi vậy họ đã bất bình và nại đến lý lịch mà nhận định về Ngài, đồng thời tỏ ra phẫn nộ khi Ngài khuyến cáo họ không nhận ra dấu chỉ của thời đại mà canh tân cuộc sống! Trong khi đó họ tỏ ra coi thường Ngài và kể vanh vách lý lịch cùng bà con lối xóm, mặc dầu họ đã đặt vấn đề: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan như vậy? Khiến Đức Giêsu đã thốt lên: Tôi bảo thật các ông: Không một Ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.
Suy Niệm:
“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Siđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.” (Lc 4, 25-27).
Đức Giêsu đã trưng ra hai sự kiện có tính lịch sử dễ hiểu: Ngôn sứ Êlia đã không được sai đến để cứu đói cho bất cứ bà góa nào trong dân Israel, mà chỉ được sai đến cứu đói cho bà góa thành Xarépta miền Siđôn là dân ngoại. Cũng vậy, ngôn sứ Êlisa không được sai đến chữa lành bệnh phong cùi cho bất cứ người nào trong dân Israel, mà chỉ được sai đến chữa trị cho Naaman người Syria cũng là dân ngoại.
Hai sự kiện nêu trên cho hay: Các Ngôn Sứ tuy thuộc dân Israel, nhưng không được dân mình thiện cảm, trong khi đó lại được thiện cảm của dân ngoại, vì thế, dân ngoại được hưởng nhờ! Cũng vậy, Đức Giêsu không được thiện cảm nơi các người đồng hương, vì họ yêu sách hơn là đón nhận Ngài. Còn dân ngoại ở Capharnaum tin nhận Ngài, nên được nhờ ân sủng qua các phép lạ Ngài làm! Trong khi những người đồng hương Nazareth tưởng rằng đã biết rõ Ngài về nguồn gốc, lý lịch, đã từng chung sống, đọc kinh cầu nguyện chung từ tấm bé. Nên họ chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài mà không nhận thấy được Thiên tình của Ngài mà tin vào Ngài. Vì họ đã “quen quá hóa nhàm”.
Trên bình diện Đức Tin, chúng ta là những người được diễm phúc gần gũi Chúa, nhiều khi cũng được năng gặp gỡ qua Phụng vụ và các việc đạo đức cùng lãnh nhận các Bí Tích với bao ân phúc của Người vô xiết kể! Nhưng chúng ta phải khiêm tốn và luôn cảnh giác đừng nên như những người đồng hương ở Nazareth mà “quen quá hóa nhàm”! Trái lại, phải chịu khó học hỏi, tìm hiểu, suy niệm các chân lý đức tin để nâng cao tinh thần đạo đức và sống gắn bó với Chúa hơn!
Tóm lại, những người đồng hương với Đức Giêsu ở Nazareth chỉ nhìn thấy quá khứ rất bình thường của Ngài. Họ không tin, vì họ chỉ nhìn thấy hiện tại của Ngài mà không thấy Ngài bằng cái nhìn luôn đổi mới. Thấy đây là thấy với con mắt Đức Tin. Như thư Do Thái viết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). James Woodbridge viết: “Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Ngài, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Ngài”.
Những yêu sách không được Đức Giêsu đáp ứng, dân Nazareth đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài. Nhưng Ngài rẽ qua giữa họ mà đi (Lc 4,30). Đức Giêsu chính là Sự Thật tuyệt đối, nên từ nơi Ngài toát ra sức mạnh phi thường, khiến đám người bạo động phải đứng như trời trồng để Ngài đi qua…
Vậy những người bách hại Chúa Giêsu không làm gì được, bao lâu thời giờ của Ngài chọn chưa đến.