THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG
Mát-thêu 21,23-27
Câu Hỏi Về Quyền Bính Của Đức Giêsu
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của các thượng tế và các kỳ mục luôn muốn đối đầu chống lại Đức Giêsu. Họ đã chất vấn về quyền giảng dạy trong đền thờ cũng như thanh tẩy đền thờ bằng cách đuổi các con buôn và đổi tiền ra khỏi đền thờ. “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”
Quả thật, các câu hỏi chất vấn cũng không có gì quá, như chúng ta biết, nếu có một thanh niên nào vào trong nhà thờ của chúng ta mà giảng dạy thao thao bất tuyệt, giáo lý lại mới mẻ thu hút nhiều dân chúng và lại đi kèm với những điềm thiêng dấu lạ, như việc chữa lành các bệnh tật và trừ quỷ thì không ai lại không tự chất vấn ‘ông này là ai?’ Và những người đại diện được xem là những người lãnh đạo tinh thần và phục vụ trong đền thờ như các thượng tế và các kỳ mục đã ra mặt chất vấn là lẽ đương nhiên. Vì thực sự họ là người có trách nhiệm với đền thờ cũng như phải nắm rõ những diễn biến xảy ra nơi đền thờ để còn trả lời những chất vấn của dân chúng.
Thế nhưng, dưới một góc nhìn khác thì không đơn thuần là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, cần tìm hiểu và nhận biết sự thật. Trước tiên, các thượng tế và các kỳ mục là những người rất am hiểu về Kinh Thánh, và những lời giảng cũng như việc làm của Đức Giêsu đã cho thấy Ngài là ai. Vì Ngài đã không làm những gì mà trước đó đã không được tiên báo về Đấng Mê-si-a trong Kinh Thánh. Nào là ‘Ngài đã giảng dạy như một người đầy quyền năng, và hành động chữa lành: Làm cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què được khỏi, người nghèo được nghe công bố Tin Mừng…’
Thứ đến họ hỏi mà không muốn đón nhận sự thật, không phải vì thiện chí muốn biết mà vì mục đích muốn hạ thấp, công kích và loại trừ Đức Giêsu ra khỏi tầm ảnh hưởng của dân chúng. Hơn ai hết, Đức Giêsu biết rõ ý định xấu xa của họ nên Ngài đã chất vấn ngược lại về phép rửa mà Gio-an Tẩy Giả đã thực hiện là do Trời hay do người ta? Quả thật, phép rửa này đã và đang ảnh hưởng đến số đông dân chúng, mọi người đều cho Gio-an là một ngôn sứ, và mọi tầng lớp từ binh sĩ, thương nhân đến nông dân cũng đã tìm đến với ông để lãnh nhận phép rửa. Và đương nhiên các thượng tế và các kỳ mục trong dân biết rất rõ điều này, nhưng họ đã không trả lời Đức Giêsu một cách thẳng thắn, họ sợ nói phép rửa của Gio-an là do Trời thì bị chất vấn: “Sao các ông không tin ông ấy?” Mà nói do người ta thì sợ chạm đến niềm tin của dân chúng. Nên họ đã giả ngơ mà nói: “chúng tôi không biết”. Câu trả lời nói nên sự thiếu thiện chí và âm mưu thâm độc của họ. Điều này cũng cho thấy rằng, người ta hỏi không phải vì họ không biết, hay muốn học hỏi điều gì đó người ta chưa tường tận, mà chỉ đơn giản là người ta muốn tỏ ra mình là người có uy quyền, và được quyền hạch sách người khác. Nhưng tiếc thay, họ không muốn nhận biết rằng: Đấng họ đang chất vấn mới là người có quyền thực sự. Và vì thiếu thiện chí cũng như tự tôn thái quá nên họ đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Cái mà họ nhận được là chính sự tự cao và gian trá vốn có lại trở về với chính họ.
Qua Tin Mừng hôm nay cho thấy việc đặt vấn đề trước mọi sự kiện xảy ra trong đời sống là điều cần thiết để ta học hỏi và lớn lên. Nhưng điều kiện người ta có thể lĩnh hội và hiểu biết tường tận sự việc phải được đi kèm với sự thiện chí, khiêm tốn và với trái tim rộng mở để đón nhận sự thật. Các thượng tế và các kỳ mục trong đền thờ đã không có thiện chí, cũng như không công nhận sự thật hiển nhiên như phép rửa của Gio-an, nên những vấn đề họ đặt ra với Đức Giêsu cũng không nhận được câu trả lời.
Vì quả thật, ngay cả khi Chúa Giêsu nói với họ sự thật, họ vẫn không tin vào Ngài. Đúng như những gì thánh Gio-an Kim Khẩu đã nói: “Ngay cả khi Ngài nói với họ, nó sẽ chẳng được lợi gì, bởi vì bóng tối sẽ không thể cảm nhận được những thứ thuộc về ánh sáng. Ví như chúng ta phải hướng dẫn cho người đặt câu hỏi; nhưng người ta chỉ đang thử nghiệm mình, nên ta phải dùng luận lý để đảo ngược tình thế, và không thể tiết lộ cho họ về quyền năng của các mầu nhiệm.”
Tin Mừng hôm nay, Các thượng tế và các kỳ mục còn chất vấn Đức Giêsu về quyền: Quyền lực như một khái niệm có thể được hiểu theo nhiều cách. Một người có thẩm quyền nếu anh ta được học, có chuyên môn về một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Mọi người chắc chắn sẽ lắng nghe anh ấy nếu anh ấy nói về lĩnh vực chuyên môn của mình. Quyền lực cũng được trao cho ai đó theo luật thông qua quá trình bầu cử. Người ta cũng có thể nắm giữ quyền lực và tầm ảnh hưởng. Còn một thứ quyền nữa là kẻ có súng, hay có nhiều tiền. Mao Trạch Đông từng nói rằng: ‘Sức mạnh phát ra từ nòng súng’.
Nhưng quyền của Đức Giêsu không phải từ trần gian mà xuất phát từ trên cao, vì Ngài đã đến để thực hiện lời hứa của Chúa Cha (Pl 2,6). Quyền bính của Đức Giêsu bắt nguồn từ sự phong phú nội tâm và là hiện thân hoàn hảo của tình yêu của Thiên Chúa Cha để cứu thế gian (x. Ga 3,16). Đức Giêsu không phải là một nhà dân chủ hay một chính trị gia đang cố gắng giành phiếu bầu. Vì đối với Ngài, ai là người vĩ đại nhất phải là đầy tớ của mọi người. Và Ngài đã từng rửa chân cho các tông đồ của mình. Vì thế, lời giảng dạy của Ngài có sức thuyết phục bởi vì chúng tuôn trào từ cuộc sống của Ngài. Thuyết giảng và sống những gì Ngài tuyên bố được hòa quyện với nhau.
Lời nói phải đi đôi với việc làm, đây cũng là đòi hỏi phải có nơi mỗi người môn đệ của Ngài là chúng ta. Vì Thiên Chúa không bao giờ thỏa hiệp với những sự dối trá giả hình, ngôn hành bất nhất, như các thượng tế và các kỳ mục hôm nay. Họ không muốn công nhận sự thật về quyền bính của Đức Giêsu nhưng lại đến để giả vờ hỏi Ngài.
Xin Chúa giúp chúng con biết sống trung thực trong lời nói và việc làm, để trở nên giống Giêsu mỗi ngày một hơn. Amen.