THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 10,34-11,1
Thầy Đến Không Phải Để Đem Bình An, Nhưng Để Đem Gươm Giáo
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Vance Havner cho biết: “Một người vợ trung thành với chồng 85% thì không chung thủy gì cả. Không có thứ gọi là lòng trung thành bán thời gian với Chúa Giêsu Ki-tô.”
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo”. Chúng ta biết, gươm giáo là hai loại vũ khí dùng trong chiến tranh vào thời xưa khi chưa có súng đạn, và đương nhiên nó là hình ảnh của đâm chém và chết chóc.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu nói: ‘Tôi không mang tới hòa bình mà là gươm giáo?’ Mặt khác, Chúa Giêsu trong phúc âm được hình dung là một người của hòa bình và là người mang hòa bình của Thiên Chúa; Trong đêm Giáng sinh, các thiên thần ca hát “Bình an dưới thế cho những người thiện tâm” (Lc 2,14); Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu khẳng định: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9); Ngài cũng dạy các Tông Đồ của mình hãy chúc bình an cho bất cứ nhà nào họ vào, khi gởi họ đi truyền giáo (x. Mt 10,12); và sau khi Ngài phục sinh, Ngài đã trấn an các môn đệ bằng lời chúc bình an và ban cho họ sự bình an của Ngài (x. Ga 20,19).
Thành ngữ Latin có câu “Si vis pacem, para bellum” có nghĩa là “Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Trong Anh ngữ có câu: “No pain, no gain” nghĩa là không có đau khổ thì chẳng có thành công. Như vậy gươm giáo mà Chúa Giêsu đề cập ở đây chính là sự đòi hỏi hy sinh chiến đấu, phải vất vả vun trồng mới có mùa màng bội thu. Những người đi theo Chúa cũng vậy, Ngài không hứa cho họ một thiên đàng rẻ tiền, thậm chí không cần làm gì cũng có! Nếu một thiên đàng như thế thì có lẽ người ta cũng không cần đến!
Ngài muốn chúng ta cộng tác vào trong công cuộc cứu độ của Ngài. Nói như thánh Augustino: “Chúa dựng nên chúng ta không cần đến sự cộng tác, nhưng Chúa cứu độ chúng ta thì cần đến sự cộng tác của chúng ta” bởi Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta là một sinh vật có lý trí, ý chí và tự do. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài, đi vào trong con đường của sự sống, đi vào trong công trình cứu độ của Ngài. Điều đó xẩy ra những cuộc nội chiến; trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, và trong chính nội tâm của mỗi con người giữa giá trị vật chất và tinh thần, giữa hưởng thụ và từ bỏ, giữa những tính khí cao ngạo ngông cuồng và sự khiêm nhường vâng phục. Giữa thiện và ác, giữa công bằng và lòng xót thương, giữa biết bao những ràng buộc gắn bó, tiền tài danh vọng và sự từ bỏ vì Nước Trời. Đây quả là một cuộc chiến cam go và liên lỉ, và cuộc chiến này không thiếu những day dứt xé lòng còn đau đớn hơn cả gươm giáo. Thêm vào đó, có cả những cuộc tuẫn giáo bắt đạo đẫm máu, vẫn cứ tiếp diễn qua mọi thời đại!
Vì vậy, những người đi theo tiếng gọi của Nước Trời phải là người yêu mến Thiên Chúa thực sự trên hết mọi sự mới dám đánh đổi cuộc đời mình. Luôn sẵn sàng với “đai lịt lưng là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giầy là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an, tay luôn cầm khiên mộc là đức tin… đầu đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,14-17)
Thánh Phao-lô đã mô tả hình ảnh của một Ki-tô hữu là một người lính luôn sẵn sàng trong mọi lúc để chống lại sự dữ, chước cám dỗ cũng như tội lỗi. Đó chính là tinh thần sẵn sàng mà Chúa Giêsu công bố: “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” Gươm giáo ở đây chính là Lời của Ngài. Như trong thư gửi các tín hữu Do Thái viết: “Lời Chúa chính là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).
Tuân giữ Lời Chúa là đi vào một cuộc chiến liên lỉ, cuộc chiến cuối cùng mà Chúa muốn chúng ta đi lên đó chính là thập giá, là cùng chịu đóng đinh với Người. Không qua thập giá thì không có vinh quang, Vì “Nếu ta cùng chết với Người ta sẽ cùng sống với người, nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2 Tm 2,11-12a). Vinh quang của ta là thập giá Đức Ki-tô. Nơi Người có ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và phục sinh của ta. Vâng, chính trong tình yêu mà Thánh Phao-lô đã hô lên rằng: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Ki-tô, mà là Đức Giêsu Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).
Lạy Chúa, Lời Ngài là thanh gươm được ban cho chúng con để dựa vào đó mà chiến thắng trong cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa trần thế và thiên đàng. Xin giúp chúng con luôn nắm chắc Lời Ngài để luôn được chiến thắng trong Lời Ngài. Amen.