THỨ HAI TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Luca 12,13-21
Đừng Thu Tích Của Cải Cho Mình
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Câu chuyện về con khỉ và trái dừa. Người ta bổ một quả dừa làm đôi và sau đó lấy cơm dừa ra, đặt một vật cứng vào trong và ráp lại như cũ và cột chặt lại với nhau. Sau đó khoét một lỗ sao cho con khỉ có thể thò tay vào, khi gặp vật cứng ở trong, khỉ sẽ không buông bỏ vật đã đưa vào cho đến khi nó lấy được vật đó ra. Và vì tay nó cứ nắm chặt vật cứng trong đó nên không rút tay ra được và người ta đến bắt nó.
Có lẽ đôi khi chúng ta cũng giống như con khỉ đó nếu chúng ta gắn bó với sự giàu có vật chất và tài sản của mình. Hay trở nên thèm muốn, mong ước những gì người khác đang sở hữu và sinh lòng ganh tỵ. Nói cách khác, con người thường trở nên tham lam. Chúa Giêsu nhắc lại điều răn “Chớ tham của người”. Ngài cũng chỉ cho ta thấy giá trị cuộc sống của một con người không lệ thuộc nhiều vào của cải mà người đó có được.
Về việc tích trữ của cải, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.” (Mt 6,19). Tin Mừng hôm nay, nhân sự việc có hai anh em tranh dành của cải muốn nhờ Ngài xét xử, Chúa Giêsu đã dùng một dụ ngôn về một nhà phú hộ để nói với chúng ta: Hãy tránh sự tham lam dưới mọi hình thức. Ngài đã dạy cách rất rõ ràng trong câu chuyện ngụ ngôn này và gọi anh phú hộ kia là kẻ ngốc. Chúa Giêsu không lên án anh ta vì sự cần cù và sự tích cóp của cải. Nhưng Ngài cho thấy sự tính toán sai lệch của anh ta, đó là sự ích kỷ, tham lam chỉ biết lo cho mình ở đời này. Chúa ban cho anh có nhiều của cải ê hề nhưng anh ta đã đánh mất khả năng quan tâm đến người khác. Nói cách khác, Ngài nói với chúng ta rằng để được hạnh phúc đích thực, chúng ta cần phải trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa đó là bác ái, chia sẻ, nâng đỡ những người khó khăn túng thiếu chứ không phải ích kỷ, bo bo giữ mọi thứ cho chính mình. Đó cũng là “Tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời, nơi mối một không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6,20).
Chúa Giêsu không dạy chúng ta lười biếng để sống nghèo, Ngài trân nhận giá trị của sự giầu có, và của cải chính là hồng ân của Chúa ban cho. Nhưng Ngài dạy ta biết tích trữ, tìm kiếm sự giầu có đích thực bảo đảm cho chúng ta sự sống muôn đời. Không phải những thứ tạm bợ chóng qua, khi cái chết đến thì mọi sự đều tiêu tan và vô nghĩa, nhưng sự giầu có nơi Thiên Chúa thì tồn tại muôn đời và dẫn ta đi vào sự sống vĩnh cửu. Sự giầu có nơi Thiên Chúa là:
Trước tiên là sự giầu có về Tin Mừng. Hãy dành thời gian tiếp cận Lời Chúa với sự tôn kính. Lời Chúa sẽ hướng dẫn đời sống của ta nên khôn ngoan và làm cho linh hồn trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa. Vậy câu hỏi được đặt ra để biết ta là người nghèo hay giầu là: Tôi có đọc và suy niệm các Tin Mừng với cường độ và sự cống hiến nhiều hơn những sách báo và tạp chí về những lợi ích mau qua của thế gian này không?
Thứ hai là Bí tích Thánh Thể. Không có cách nào tốt hơn để trở nên giàu có là đến với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể để được Chúa Ki-tô biến đổi. Dành thời gian để ở bên Chúa Ki-tô, dành ưu tiên về điều này là một cách chắc chắn để tăng đời sống ân sủng trong chúng ta. Thay vì xây dựng chuồng trại lớn hơn để lưu trữ hàng hóa vật chất, chúng ta hãy mở rộng trái tim và toàn bộ linh hồn mình để lưu trữ cuộc sống của Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Ki-tô. Chúng ta hãy nhận lấy Thân Xác, Máu, Linh Hồn Và Thiên Tính của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Đã bao nhiêu lần chúng ta viếng thăm Chúa Ki-tô Thánh Thể? Hoặc nếu chúng ta không có cơ hội đó, chúng ta có thường xuyên thực hiện một sự hiệp thông tâm linh để đặt mình trước sự hiện diện của Ngài bất cứ lúc nào, và bất cứ nơi nào có thể không?
Thứ ba là Thánh Giá. Một cách khác để xây dựng ân sủng là thông qua thập giá, công cụ cứu rỗi. Thập giá chứng tỏ cho chúng ta rằng mọi sự của thế gian này đang qua đi. Đức Ki-tô không mang theo thứ vật chất gì trên thập tự giá, bỏ lại mọi thứ mà Ngài có: bạn bè, gia đình và thậm chí cả người Mẹ kính yêu của Ngài. Không có gì cả, thậm chí không có cả quần áo che thân. Đức Ki-tô không có kho để lưu trữ hàng hóa vật chất. Thập tự giá, là một lời nhắc nhở liên tục cho ta về các nhu cầu cho sống cuộc sống của mình, cũng như cái nhìn về thế giới vĩnh cửu, nơi ta sẽ đến.
Cuối cùng, những lời đáng cho ta suy gẫm là: “Mỗi đời sống tồn tại cần được đáp ứng nhu cầu hoặc lấp đầy lòng tham. Đáp ứng nhu cầu trong thực tế là do Thiên Chúa ban cho, trong khi lấp đầy lòng tham là một sứ mệnh do chính con người phát minh ra.” (tác giả vô danh)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức rằng, Chúa cho chúng con vào trần gian với hai bàn tay trắng và sẽ ra đi cũng trắng tay. Chỉ có sự tồn tại mãi mãi là thực hiện Thánh Ý Chúa với tất cả lòng mến và chia sẻ cho tha nhân mọi sự có thể. Đó là lúc chúng con đang tích trữ kho tàng lớn lao nhất cho mình trên Nước Trời. Amen.