THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lu-ca 24, 35-48
Sự Xuất Hiện Của Các Môn Đệ Ở Jerusalem
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Họa sĩ nổi tiếng Paul Gustave Dore (1821-1883) bị mất hộ chiếu khi đi du lịch ở châu Âu. Khi anh đến một cửa khẩu biên giới, anh giải thích tình trạng khó khăn của mình với một trong những nhân viên bảo vệ. Để trình báo trường hợp của mình, Dore hy vọng anh ta sẽ được công nhận và được phép vượt qua. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ nói rằng nhiều người đã cố gắng vượt qua biên giới bằng cách khai gian tên tuổi của người khác chứ không phải là chính họ.
Dore khẳng định rằng anh ta không nói dối, Tất cả những gì anh khai đều đúng. Nhân viên cửa khẩu đã đề nghị anh làm một bài kiểm tra, và nếu vượt qua nó, họ sẽ cho phép anh ta qua. Họ đã đưa cho Dore một cây bút chì và một tờ giấy, rồi yêu cầu nghệ sĩ phác thảo một vài nông dân đứng gần đó. Dore đã làm điều đó một cách nhanh chóng và khéo léo đến nỗi người bảo vệ tin rằng anh ta thực sự là người mà anh ta tuyên bố là. Công việc của anh đã khẳng định lời nói của mình![1]
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra với mười một Tông Đồ làm cho các ông kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma. Ngài đã trấn an bằng cách chứng minh mình không phải là ma, Ngài đã cho họ xem những dấu đinh của mình. Cho họ chạm vào những vết thương, và cuối cùng, giống như một bằng chứng mạnh mẽ nhất về việc Ngài đã thực sự sống lại, Ngài đã yêu cầu họ cho Ngài thức ăn và đã ăn trước mặt họ. Sau đó Ngài giải thích về những lời Kinh Thánh đã tiên báo về cái chết và sự Phục Sinh của Ngài.
Thánh Giê-rô-ni-mô giải thích: Sau khi cho họ chiêm ngưỡng khuôn mặt Phục Sinh, chạm vào chân tay thực sự, Ngài thực sự đã ăn với các môn đệ của mình; thực sự đi bộ với Cơ-lê-ô-pát; nói chuyện với hai môn đệ trên đường Em-mau với một miệng lưỡi thực sự; thực sự đồng bàn trong bữa ăn tối; với bàn tay thực sự đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho họ. Do đó, không được đặt sức mạnh của Chúa lên ngang tầm với những mánh khóe của các pháp sư, xem có vẻ như không phải là Ngài, và có thể được cho là đã ăn mà không cần nhai, đi không cần chân, cầm bánh mì không cần tay, nói mà không có miệng lưỡi, và cho họ xem một bên không có xương sườn[2]. Thánh Giê-rô-ni-mô đã dùng cách nói khẳng định để đối lại với triết lý của dân Hy-lạp, họ coi thân xác chỉ là cái nhà tù. Nếu nó Phục Sinh thì con người lại chả phải ở tù vĩnh viễn sao! nên họ đã từng suy diễn theo cách như các pháp sư vẽ ra về kiếp sau của con người.
Mặc dù, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu trong thân xác vinh quang của Ngài không cần phải ăn. Ngài ăn vì lợi ích của các Tông Đồ. Ngài ăn để chứng thực là thân xác con người được Phục Sinh thực sự. Đối với con người chúng ta, bởi không phải là những tinh thần thuần túy, thực tế hầu hết mọi thứ đến với chúng ta đều phải vượt qua một quá trình nhân hóa, ngay cả những nhu cầu cơ thể cơ bản nhất. Cũng như những điều cao quý nhất, như niềm tin vào Thiên Chúa, cũng được đến với chúng ta thông qua các giác quan của mình, nói như thánh Phao-lô: “Có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10,17). Thế nên, sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã tỏ mình cho các môn đệ, để các ông có một kinh nghiệm thực sự về Con Người Phục Sinh, giải thích cho các ông hiểu về Thánh Kinh, củng cố niềm tin còn đang lung lay chao đảo, và để truyền cho các ông một sứ vụ ra đi làm chứng nhân về Chúa Phục Sinh.
Qua đây cho thấy, môn đệ của Chúa phải là một chứng nhân về Chúa, “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (c.48). Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Làm sao chúng ta có thể làm chứng nhân về Chúa khi không có kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh như các Tông Đồ?
Thưa, Tin Mừng hôm nay cho ta thấy hai khía cạnh giúp chúng ta có kinh nghiệm về Thiên Chúa đó là qua việc tham dự Thánh Lễ và qua việc học hỏi Thánh Kinh.
Qua tham dự Thánh Lễ, ta thấy Chúa Giêsu Phục Sinh đã đồng hành và đồng bàn với các môn đệ và “họ thuật lại những gì đã xẩy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (c.35) Chúa Giêsu luôn tỏ mình ra qua việc cử hành bí tích Thánh Thể cách cụ thể để cho các môn đệ có kinh nghiệm gặp gỡ, đón nhận Ngài. được rước Ngài vào lòng, trở nên một với Ngài. Để rồi người môn đệ không chỉ là ra đi mang theo những lời chứng mà là một nhân chứng sống động vì từ nay, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Qua việc học hỏi Thánh Kinh. Chúa Giêsu sau khi hiện ra đã giải thích cho các Tông Đồ hiểu biết về Thánh Kinh. Qua đó niềm tin của các ông được củng cố. Vì thế việc học và hiểu biết về Thánh Kinh, về Lời Chúa là một điều không thể bỏ qua nơi một người môn đệ của Chúa Kitô.
Người môn đệ là người được Chúa sai đi. Ngày nay, có rất nhiều người Kitô hữu muốn trở nên chứng nhân của Chúa Kitô Phục Sinh nhưng lại không thích tham dự thánh lễ mỗi ngày, không muốn học biết về Thánh Kinh. Đó là những người thích nâng mình lên như một sứ giả của Chúa. Nhưng thực chất là sự kiêu ngạo thẳm sâu, và những thành phần này thường hay tìm cách chống phá Giáo Hội hơn là xây dựng. Vì họ thực sự không phải là người được Chúa sai đi.
Lạy Chúa xin củng cố đức tin yếu kém của chúng con qua việc tham dự bí tích bẻ bánh, là lúc chúng con được kết hiệp với Ngài. Xin mở trí cho chúng con trong việc học hiểu Lời Chúa để chúng cho thực sự trở thành những chứng nhân của Chúa Phục Sinh giữa lòng nhân loại. Amen.
[1] Từ ‘Bánh hàng ngày của chúng ta’, ngày 6 tháng 1 năm 1993
[2] Từ ‘Một lá thư gửi Pammachius chống lại Gio-an của Jerusalem 34, thế kỷ thứ 5’.