Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15
Rửa chân cho nhau
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Trong thánh lễ Tiệc ly, chiều Thứ Năm, Tuần Thánh thường có nghi thức rửa chân nhằm tái hiện cử chỉ phục vụ yêu thương mà chính Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ và Ngài truyền dạy các môn đệ: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
Theo tục lệ của người Do thái vào thời Chúa Giêsu, một trong những nghi thức đón khách vào nhà và đồng bàn ăn uống là rửa chân cho người ấy. Rửa chân cho chủ nhà và khách dự tiệc là công việc của các đầy tớ. Vậy mà trong bữa tiệc ly chính Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, chính Người làm công việc của người đầy tớ, chính Người tự nguyện trở nên người nô lệ phục vụ các môn đệ bằng tất cả lòng yêu mến. Người đảo ngược vị thế: ông chủ phục vụ đầy tớ, đầy tớ được ông chủ phục vụ. Đấng Tạo Thành quỳ xuống rửa chân cho loài thụ tạo. Thật lạ lùng quá! Tình yêu của Thiên Chúa làm người. Bởi vì “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình, những kẻ còn ở trong thế gian, và Người yêu họ đến cùng”. Tình “yêu thương đến cùng”của Chúa Giêsu tỏ lộ bằng suốt cuộc đời phục vụ đến nỗi giời đây tự hiến dâng mạng sống để chuộc tội muôn người.
Chữ phục vụ ở đây mang một ý nghĩa sâu sắc. Phục: là lạy, là quỳ gối. Vụ: là công việc. Phục vụ là quỳ gối xuống mà làm với tất cả lòng yêu mến. Trong các tôn giáo người ta gọi là giúp đỡ, từ bi, bố thí… ngoài đời người ta gọi là làm từ thiện nhưng dường như những từ ngữ này không thể truyền tải hết ý nghĩa. Vì thế, Phục vụ có thể coi là “đặc sản” của đạo Công giáo chúng ta. Bởi lẽ chính Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hạ mình xuống làm một con người, làm một người nô lệ; phục xuống rửa chân cho từng người, từng người một, không phải chỉ có một lần mà là suốt cuộc đời, Ngài đã phục xuống cùng chia sẻ kiếp người buồn vui, nghèo đói, gian nan, khốn khổ của chúng ta, đến nỗi bằng lòng chết đi để cho chúng ta được sống. Đó là bằng chứng Ngài đã yêu thương chúng ta đến cùng.
Tình yêu là một thực tại huyền nhiệm người ta không thể diễn tả hết ý nghĩa bằng lời nói nên đã mượn những cử chỉ, hình ảnh biểu tượng để diễn tả như: 2 trái tim chồng lên nhau, trái tim bị mũi tên xuyên qua, hay dùng bông hồng biểu tượng cho tình yêu. Trong bông hồng làm gì có tình yêu.Thế nhưng khi một người thanh niên thành tâm trao bông hồng cho người bạn gái thì được hiểu là anh đang bày tỏ tình yêu cô gái (xin nói rõ là trao bông hồng với tấm lòng thành, vì có kẻ trao bông hồng nhưng không trao tình yêu. Chẳng hạn Giuđa trao nụ hôn cho Chúa Giêsu nhưng không trao tình yêu…). Tương tự như thế cử chỉ Chúa Giêsu tự nguyện quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ là cử chỉ biểu đạt tình yêu thương đến cùng. Lúc đầu, thánh Phêrôchưa hiểu ra điều này nên không muốn chấp nhận nghịch lý: “Thầy mà rửa chân cho con sao, không đời nào con chịu đâu!”. Vì rửa chân là nhiệm vụ của nô lệ với ông chủ. Xưa nay chưa hề có một vị thầy nào cúi xuống rửa chân cho môn đệ của mình. Thật, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta vô cùng nên Ngài không ngần ngại quỳ xuống phục vụ rửa chân cho chúng ta. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn hy sinh chịu chết trên Thánh giá và lấy chính Thịt Máu Ngài làm thức ăn để cho chúng ta được sống đời đời. Đó là bằng chứng Chúa yêu ta “đến cùng”, không còn cách nào hơn được nữa.
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau…”, nghĩa là hãy yêu thương nhau “đến cùng” – “đến chết”. Theo gương Chúa chúng ta hãy rửa chân cho nhau bằng cách tha thứ cho nhau, rửa chân cho nhau bằng những lời khích lệ an ủi nhau, rửa chân cho nhau bằng cách thăm viếng giúp đỡ các cụ già cả, các anh chị em bệnh tật cô đơn không nơi nương tựa… Chúng ta phải yêu thương họ “đến cùng” bằng lời cầu nguyện tha thiết, bằng sự phục vụ quên thân, như chính Chúa đã nêu gương cho chúng ta.