THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY
Mát-thêu 5,20-26
Lửa Của Cơn Giận Dẫn Đến Lửa Của Hỏa Ngục
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra sự so sánh để thấy sự trầm trọng của tội nóng giận mà đôi khi chúng ta vấp phải mỗi ngày nhưng dễ biện hộ cho mình rằng vì nóng tính không kiềm chế được. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Qua đó ta thấy sự nóng giận là một tội nặng ngang bằng với tội giết người, vì từ sự tức giận mà dẫn đến nhục mạ người khác, sau đó là loại trừ, chụp cho anh em mình cái mũ phản đạo cũng có nghĩa ta tự cho mình là đạo, ai không hợp với tôi là chống lại đạo.
Đó là một cách tiếm quyền của Thiên Chúa hay nói đúng hơn là một hình thức kiêu ngạo. Và từ đó dẫn đến những bất đồng, bất hòa.
Một chuyện ngụ ngôn kể rằng: xưa kia mọi loài động vật biết nói tiếng của con người, trong vùng nọ có một con chim đại bàng, nó luôn hãnh diện về đôi cánh của mình. Và luôn tự hào là không có con chim nào có thể bay cao như nó. Thế rồi một hôm, bỗng đâu xuất hiện một con đại bàng khác, trẻ trung và khỏe mạnh hơn, bay cao và xa hơn nó. Nó tức giận lắm nhưng không biết phải làm sao. Thế rồi nó bóp đầu vo trán nghĩ cách phải tiêu diệt cho bằng được kẻ đã choán ngôi, làm lu mờ đi niềm kiêu hãnh của mình. Đang đậu trên một cành cây cao, nó nhìn thấy một bác thợ săn mang cung tên đi qua. Nó nghĩ ra một cách và bèn nói: “Này bác thợ săn, tôi đố bác bắn được con đại bàng đang bay lượn ở trên kia đó”. Bác thợ săn suy nghĩ một lúc rồi nói: “Được, nhưng nó bay cao quá, e rằng mũi tên của ta bay không tới, nhà ngươi có vui lòng cho ta mượn chiếc lông cánh của ngươi để ta gắn vào mũi tên, nhờ đó, mũi tên bay xa hơn sẽ giết được con đại bàng đang bay đó”. Con Đại bàng đang đậu nghe nói tin ngay, vì lòng nó đầy tức giận với con kia, thế là nó nhổ lông cánh ném xuống cho bác thợ săn. Nhưng một cộng mũi tên cũng không bay tới, nó lại ném xuống hai cọng và rồi nó nhổ hết cả lông cánh ném xuống cho bác thợ săn mà mũi tên vẫn không bay tới để giết con đại bàng đang bay trên trời. Lúc đó bác thợ săn chĩa mũi tên vào nó. Nó giật mình đập cách để tẩu thoát, nhưng hỡi ơi! Nó đã không thể bay vì cánh đã không còn cộng lông nào, và nó đã nộp mạng.
Lửa của tức giận dẫn tới lửa hoả ngục
Tức giận là một trong những cảm xúc cơ bản nhất của con người. Đó là một cảm giác chống lại ai đó hoặc một cái gì đó hoặc chính mình. Theo bản chất của nó, sự tức giận liên quan đến sự đối kháng. Mọi người đều tức giận. Phản ứng trong cơ thể có thể cảnh báo cho người ta khi tức giận. Khi tức giận không được kiềm chế, người ta sẽ sẵn sàng quăng đi tất cả những tài năng, sức khỏe và những vũ khí quý giá nhất của mình, cả nhân cách của mình chỉ để thỏa mãn cơn giận. Nhưng khi nhìn lại thì thật bẽ bàng. Lửa của cơn tức giận đã dẫn ta đến lửa của hỏa ngục đời đời.
Theo nhiều nhà tâm lý học, có những giai đoạn của dấu hiệu sinh lý của sự tức giận, như: Một khích động kích thích cảm xúc; Căng thẳng bắt đầu hình thành; (Adrenaline) hóc môn kích thích nơi tuyến thượng thận được phóng ra góp phần làm gia tăng căng thẳng; Tốc độ thở tăng; Nhịp tim tăng tốc; Huyết áp tăng; tạo ra một phản ứng giằng co giữa cơ thể và tâm trí.
Một số nhà tâm lý học nói rằng nếu sự tức giận được quản lý không phù hợp, nó có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Dẫn đến các rối loạn có thể phát triển nếu cơn giận bị ức chế mà không có lối thoát như: Nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp, rối loạn da, rối loạn tiết niệu, viêm khớp, khuyết tật hệ thần kinh; Rối loạn tuần hoàn; Làm nặng thêm các triệu chứng thực thể hiện có, rối loạn cảm xúc và có thể dẫn đến tử vong.
Làm cách nào có thể kiềm chế được cơn tức giận?
Hãy đến và học nơi Chúa Giêsu Kitô vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hãy nhìn lên cây thập giá để thấy Chúa Giêsu đã chế ngự cơn tức giận như thế nào, Ngài vâng phục thánh ý Chúa Cha, và còn biện hộ cho những kẻ đóng đinh mình khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).
Hãy sống mối thân tình với Thiên Chúa, thể hiện niềm tin bằng cách năng cầu nguyện và dâng của lễ cuộc đời mỗi ngày. Đặt mình làm của lễ trước mặt Chúa để nhận biết xem mình có gì bất hòa với Thiên Chúa, với chính mình và với anh em do những cơn tức giận của mình gây ra không. Nếu có sẽ dốc quyết sửa đổi, giao hoà với Chúa và với chính mình bằng việc năng lãnh nhận bí tích hoà giải. Tìm cách tiếp xúc với người đã bị mình làm tổn thương, xin họ tha thứ. Với ơn Chúa giúp, ta sẽ chế ngự được ngọn lửa của cơn tức giận và tránh được ngọn lửa đời đời trong hỏa ngục.
Xin Chúa giúp con luôn biết nhìn lên thập giá của Chúa, để giúp con chế ngự được những con nóng giận, biết thứ tha và cầu xin được tha thứ, biết siêng năng đón nhận bí tích hoà giải để trở về với Chúa và làm hoà với chính mình. Để chúng con có thể trở nên công chính trong tình yêu thương, và làn toả tình yêu thương ấy qua tấm gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa đến với mọi người. Amen.