THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 13,18-23
Giải Thích Dụ Ngôn Người Gieo Giống
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Việc giải thích câu chuyện ngụ ngôn về người gieo hạt giống trong Tin Mừng hôm nay, nói chung được các học giả cho rằng đây không phải là lời của Chúa Giêsu mà là một cách giải thích, hoặc một bài giảng của cộng đồng Ki-tô giáo sớm nhất được gọi là Giáo hội. Giáo hội đã xây dựng câu chuyện ngụ ngôn này thành phân loại các phản ứng tôn giáo đối với Lời Chúa. bởi vì ý thức sự mỏng dòn của bản thân, họ biết mức độ cam kết của họ có thể dễ vỡ như thế nào. Theo kinh nghiệm riêng tư đó, người ta nhận ra hạt giống là Lời Chúa đã thường xuyên rơi vào những phản ứng khác nhau: người nửa vời, người say mê hời hợt, người cuồng tín và chân thành.
Hôm nay, chúng ta chỉ dừng lại để suy ngẫm về câu chuyện ngụ ngôn của người gieo giống tập trung vào loại đất thứ ba mà hạt giống rơi xuống, đất gai. Hạt giống phát triển và nở rộ. Nhưng “nỗi lo lắng trần thế” đã hút cạn nước và các chất dinh dưỡng nên hạt giống không thể sinh trái. Tuy cây còn sống, nhưng nó không đủ sức để sinh trưởng. Đây là phản ứng tôn giáo thứ ba của mọi người rất phổ biến trong đời sống đạo của chúng ta: những người cuồng tín hoặc những người quá vướng mắc với sự bận tâm về của cải giầu sang của thế gian. Và ngay từ ngày khởi đầu Ki-tô giáo, Giáo hội luôn nhận ra sự cần thiết về tinh thần nghèo khó. Nghèo khó là một trong ba lời khuyên Phúc Âm và hai điều còn lại là sự khiết tịnh và vâng phục. Đó là điều thật cần thiết để tách ra khỏi sự đam mê tài sản và sự giàu có nếu chúng ta muốn thăng tiến trong đời sống Ki-tô hữu của mình.
Hơn bao giờ hết, ngày nay, chủ nghĩa duy vật là một cám dỗ toàn diện trong thế giới của chúng ta. khi một người yêu thích những của cải trần gian thái quá, đến mức họ không thể tách rời của cải ra khỏi cuộc sống, thì chính họ đã tự mở ra nhiều đau khổ, cả về thể chất và tinh thần. Như một số người đã chấp nhận rủi ro dại dột để giữ cho sự giàu có của họ nguyên vẹn. Họ đã bị chết khi lao vào những ngôi nhà đang cháy hoặc bị giết vì họ ngoan cố chống lại những tên cướp có vũ trang. Rõ ràng họ cảm thấy rằng nếu không có tài sản vật chất của họ thì cuộc sống sẽ không có giá trị.
Có những người khi buộc phải chia tay với sự giàu có của họ, đã bị rơi vào tuyệt vọng đau đớn, thậm chí đến mức tự tử. Năm 1975, sáu tay súng có vũ trang đã đột nhập vào các hộp ký gửi tại một ngân hàng ở Luân Đôn và lấy trộm các đồ vật có trị giá hơn 7 triệu USD. Một người phụ nữ, có đồ trang sức được định giá 500.000 USD, khóc lóc than van rằng: Tất cả mọi thứ tôi có ở trong đó, cả cuộc đời tôi đã ở trong cái hộp đó. Thật là một lời than đáng buồn về giá trị của cô ấy!
Để thoát khỏi những chủ nghĩa duy vật tấn công vào đức tin của chúng ta, chỉ có cách duy nhất là đưa ra quyết tâm vững chắc là phải có những thời khắc trong ngày dành cho Chúa. Quyết định chủ động để có những khoảnh khắc đưa Thiên Chúa vào trong ngày sống của mình. Qua giờ cầu nguyện, tham dự các bí tích, đặc biệt là Thánh lễ và xưng tội, đọc sách thiêng liêng và chuỗi Mân côi là những ví dụ về những cách để thực hành trong ngày.
Để hỗ trợ cho lời khuyên Phúc Âm nghèo khó này, Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy chúng ta: “Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của mình phải yêu mến Ngài hơn mọi thứ và hơn mọi người, và cái giá họ phải trả là ‘từ bỏ tất cả những gì họ có’ vì mục đính của Ngài và của Phúc âm, (Lc 14,33). Trước ngày chịu tử nạn, Ngài cho họ ví dụ về người góa phụ nghèo của Giê-ru-sa-lem, người vượt trên cảnh nghèo khó, vì đã dám cho đi tất cả những gì cô cần có để sống (Lc 21,4). Tách mình khỏi sự giàu có là điều kiện bắt buộc để vào Vương quốc thiên đàng.” (số 2544).
Tuy nhiên, của cải vật chất có một sức hấp dẫn rất mãnh liệt. Nó cũng được Chúa Giêsu đem ra để so sánh với Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Vì thế vật chất cần thiết cho đời sống, nhưng nó cũng là một mối đe dọa và nguy hiểm, ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Nếu ta để cho vật chất làm ông chủ của đời mình thì sự tăng trưởng tâm linh chắc chắn sẽ bị kìm hãm. Vì Thiên Chúa và công việc của Ngài đã trở nên thứ yếu như hạt giống bị gieo vào bụi gai! Vậy chúng ta phải luôn tự hỏi: Những khía cạnh nào của nỗi lo lắng trần tục, của thế gian có xu hướng bóp nghẹt cuộc sống ân sủng của tôi? Làm thế nào tôi có thể loại bỏ chúng hiệu quả hơn?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết phân biệt rõ, của cải chỉ là phương tiện hỗ trợ cho đời sống con người chứ không phải là cứu cánh của cuộc đời. Chỉ có Chúa là Đấng ban cho chúng con sự sống và hạnh phúc trường tồn. Chỉ một mình Chúa là Đấng chúng con tôn thờ và ưu tiên trên hết mà thôi. Amen.