THỨ SÁU TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 10,13-16
Những Lời Khiển Trách Đối Với Các Thị Trấn Không Đón Tiếp Đức Giêsu
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Một mục sư Tin lành đã từng nói chuyện với một nhóm trẻ em. Khi mở đầu bài nói chuyện, ông đã hỏi câu hỏi này: “Sám hối nghĩa là gì?” Một cậu bé giơ tay. “Chà,” mục sư nói, “là gì vậy, chàng trai của tôi?” cậu bé trả lời: “Là xin lỗi vì tội lỗi của mình”.
Một cô bé ngồi ghế phía sau giơ tay. “Chà, cô bé của tôi, bạn nghĩ gì?” “Con nghĩ,” đứa trẻ nói, “Là xin lỗi về những gì mình đã thiếu sót.”
Con người rất khó để thừa nhận rằng họ đã sai. Người ta thường cố thủ và cho là đúng trong sự sai lạc của mình. Giống như trong phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu buồn bã với Kho-ra-din, Bết-sai-đa và Ca-phác- na-um vì ba cộng đồng này đã được phúc trọng đại là sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ đã nhận được nhiều hơn về ân sủng thiêng liêng như: Lời rao giảng và phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng họ đã không sinh hoa trái như là kết quả của ân sủng mà họ đã nhận được. Họ đã không thay đổi. Họ từ chối hoán cải, không chịu ăn năn. Chúa Giêsu dự đoán rằng họ sẽ bị phán xét nặng nề hơn Tia và Xi-đôn vì nếu Tia và Xi-đôn (thành phố ngoại giáo không tin vào Đức Gia-vê). Nếu như họ đã nhận được ân sủng như vậy, Ngài nói: “từ lâu họ đã ăn năn hối cải” (c.13). Ở đây, bất chấp lời cảnh báo của Ngài, họ đã không nghe.
Ăn năn có nghĩa là quay đầu và trở về. Trong Tân Ước, ăn năn có nghĩa là từ bỏ tội lỗi. Chúng ta được Chúa kêu gọi từ bỏ tội lỗi. Thật ra, tất cả mọi người ở mọi nơi đều được Chúa truyền lệnh phải ăn năn sám hối tội lỗi của họ (x. Cv 17,30). Về mặt thần học, có hai điều kiện tiên quyết của sự ăn năn sám hối là tránh xa cái ác và hướng về cái thiện, đó là ý tưởng trở về với Chúa và quay lưng lại với cái ác.
Muốn trở về trước tiên phải ý thức mình là tội nhân và thấy nhu cầu cấp bách để dứt khoát trở về với Thiên Chúa và xin Ngài tha thứ. Có lẽ phải nói rằng, là một người Công Giáo, chúng ta phải cảm thấy rất sung sướng. Vì trong các tôn giáo lớn nhỏ đều đề cập đến việc sám hối trở về, nhưng riêng chúng ta còn có cả một Bí Tích Hòa Giải là một bảo chứng để chứng thực rằng chúng ta được tha tội và những lầm lỗi yếu đuối, khi chúng ta thực tâm xưng thú những tội lỗi của mình. Và xuyên qua thừa tác vụ của Giáo Hội, Thiên Chúa dùng quyền năng Thánh Thần của Ngài để tha tội cho chúng ta. Vấn đề là hôm nay Chúa Giêsu đang tìm mà không gặp được những tâm hồn thực sự sám hối vì người ta quá kiêu căng, cho rằng tự mình có thể một bước lên trời mà không cần đến ân sủng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Nên họ đã không khiêm tốn nhìn nhận sự thật về những yếu đuối và lầm lỗi của mình. Vì tính cao ngạo của con người, không phải do thiếu hiểu biết, vì Đức Giêsu đã đích thân đến rao giảng và kêu gọi, nhưng người ta vẫn không hoán cải. Ngày nay, Ngài vẫn hiện diện và kêu gọi qua các thừa tác viên của Hội Thánh, “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).
Ngày nay cũng vậy, có biết bao người trong chúng ta vẫn tự cao tự đại cho mình là vô tội, hay dùng nhiều lý lẽ để biện hộ mà không tỏ lòng sám hối, mặc dù Lời Chúa vẫn được rao giảng và vẫn nhắc nhở họ bỏ đường lối gian tà để quay về. Có lẽ vì những vinh hoa trần thế mà người ta phớt lờ lời kêu gọi của Tin Mừng. Vì thế họ đã không có được niềm vui đích thực của những người đơn sơ khiêm nhường, biết trở lại đón nhận bí tích hòa giải của Thiên Chúa. Và hơn thế nữa đó là được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Vì, “Được lời lãi cả và thế gian mà bị thiệt mất mạng sống mình thì được ích gì!” và “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).
Lạy Chúa, xin mở rộng con mắt, quả tim và tâm trí con, để con biết nhận ra đường lối công chính của Chúa mà biết quay trở về đường ngay nẻo chính của Ngài, trong tinh thần sám hối chân thành. Amen.