Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

TAM NHẬT THÁNH (TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)

THÁNH 5 TUẦN THÁNH – LỄ TIỆC LY

RỬA CHÂN ĐỂ ĐƯỢC CHUNG PHẦN

 I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13, 1.4-14

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

 Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Ngài yêu thương họ đến cùng”. Để thể hiện tình yêu ấy, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

 Để rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu phải cởi áo. Chiếc áo nói lên địa vị con người. Cởi áo là từ bỏ địa vị. Khi cởi áo, Chúa cởi bỏ cả thân phận làm Chúa, cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa, cởi bỏ địa vị làm thày, cởi bỏ cả địa vị làm người, một con người bình thường. Còn hơn thế nữa, Chúa cởi bỏ cả phẩm giá, cởi bỏ cả quyền được công nhận, được kính trọng. Tất cả chỉ với mục đích có thể yêu thương phục vụ con người.

 Để rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu phải cúi xuống. Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Chúa còn cúi xuống sâu hơn cả thân phận con người. Chúa hạ mình xuống làm người nô lệ. Con người sa ngã phạm tội đã chìm xuống bùn đen. Chúa còn hạ mình thấp hơn, xuống dưới chân con người, để có thể rửa chân cho con người.

 Thánh Phêrô vì kính trọng Chúa, đã từ chối không để Chúa rửa chân. Nhưng Chúa Giêsu cho biết : “Nếu Thày không rửa chân cho con, con sẽ chẳng được chung phần với Thày”. Như vậy việc rửa chân có ý nghĩa tẩy sạch để được dự phần với Chúa. Theo giải thích của Đức Thánh Cha Bênêđíchtô 16, Chúa rửa chân để thanh tẩy ta, chuẩn bị cho ta được vào ngồi đồng bàn với Chúa trong bàn tiệc của Ngài. Tất cả ý nghĩa này bộc lộ rõ nét trong cuộc Khổ nạn.

 Thật vậy, việc Chúa cởi áo trong bữa Tiệc ly chỉ là hình ảnh báo trước việc Chúa bị lột áo trên Núi Sọ. Bị lột áo trước mặt mọi người, Chúa đã chịu tước bỏ mọi vinh quang, mọi địa vị, mọi sự kính trọng. Không còn hình tượng con người nữa.

 Việc Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ chỉ là hình ảnh báo trước việc Chúa bị hạ nhục trước tòa án, trên đường thánh giá và trên Núi Sọ. Cái chết trên thập giá là hình phạt dành cho người nô lệ. Bị treo trên thánh giá, Chúa Giêsu trở thành hèn hạ thấp kém nhất trong xã hội loài người. Không những bị coi là nô lệ mà còn bị kết án là tội nhân.

 Việc Chúa dùng nước rửa chân trong bữa Tiệc ly chỉ là hình ảnh báo trước phép thanh tẩy trong cuộc Khổ nạn. Dòng nước thiên nhiên rửa chân chỉ là hình ảnh của dòng nước và máu từ cạnh sườn Chúa chảy ra, rửa ta sạch mọi tội lỗi. Được rửa sạch, ta mới xứng đáng đồng bàn với Chúa trong bữa tiệc hạnh phúc trên Nước Trời.

 Giờ đây, khi đã thấu hiểu ý nghĩa của việc rửa chân, ta hãy tái diễn cử chỉ của Chúa với ý thức sâu xa về tình yêu thương vô biên của Chúa. Yêu cho đến chết vì hạnh phúc của ta. Vâng lời Chúa, ta hãy có lòng yêu thương nhau thành thực và yêu thương cho đến cùng. Noi gương Chúa cởi áo, ta hãy cởi bỏ sự giả dối bề ngoài, cởi bỏ cái tôi cồng kềnh, hống hách, tự kiêu, tự mãn. Noi gương Chúa cúi xuống, ta hãy có lòng khiêm nhường thẳm sâu, ăn năn sám hối và hạ mình phục vụ. Vâng lời Chúa, ta hãy rửa chân cho nhau. Rửa cho nhau sạch mọi tội lỗi xấu xa. Rửa cho nhau sạch mọi mặc cảm, mọi loại trừ, mọi cách biệt. Để chúng ta biến mọi người thành anh em, được chung phần với Chúa, cùng nhau chia sẻ bữa tiệc hạnh phúc Nước Trời.

 Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

 

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

 1- Bạn đã được ai rửa chân cho bao giờ chưa? Bạn cảm thấy thế nào?

2- Bạn đã rửa chân cho ai bao giờ chưa?

3- Bạn sẽ thực hành Lời Chúa “các con hãy rửa chân cho nhau” thế nào?

 

THỨ 6 TUẦN THÁNH

THÔI ĐỪNG GIẾT CHÚA  

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 Is 52,13-53,12; Dt 4,14-16.5,7-9; Ga 18,1 – 19,42

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ 

Khi đến gần Chúa Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”. Chiêm ngắm dòng máu cùng nước tuôn chảy ra cả sau khi đã tắt thở, ta hiểu được tình yêu của Chúa. Yêu cho đến chết. Yêu cho đến cả sau khi chết. Chết rồi vẫn còn tuôn chảy dòng máu và nước. Như muốn vắt hết tất cả những gì còn lại để dâng hiến đến cùng. Yêu không còn giữ lại chút nào. Đúng như lời thánh Gioan diễn tả : “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài yêu thương cho đến cùng”. Yêu cho đến cùng tận của bản thân Ngài. Tất cả những gì có thể làm để yêu thương thì Chúa đã làm hết. Không còn có thể làm thêm gì được nữa. Yêu cho đến tận cùng con người. Không có con người nào ở ngoài tình yêu của Chúa. Yêu cả người tội lỗi. Yêu cả kẻ phản bội. Yêu cả người thù địch làm hại mình. Nếu Chúa đã nói : “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu”. Thì còn hơn thế nữa, Chúa đã hi sinh tính mạng cả vì người phản bội, người thù ghét, người làm hại Chúa nữa.

 Yêu thương như thế nhưng Chúa lại nhận được sự phản bội, sự thù ghét, sự thay đổi, sự dửng dưng và bị giết chết. Nhìn lại cuộc xử án Chúa ta thấy những thái độ sau đây đã góp phần giết chết Chúa.

 Thái độ thù ghét của các thượng tế và biệt phái. Vì ghen tương, thù hận họ đã bày mưu, xúi giục dân chúng và quan quyền lên án Chúa.

 Thái độ nhập nhằng của Philatô. Biết Chúa là người vô tội. Muốn cứu Chúa nhưng lại sợ mất chức quyền, nên đã kết án Chúa.

 Thái độ phản bội của Giuđa. Đã theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán Chúa.

 Thái độ hay thay đổi của dân chúng. Ngày Lễ Lá thì phấn khởi, tưng bừng đón rước Chúa vào thành, nhưng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lại hò hét kết án Chúa.

 Nếu chúng ta có mặt hôm xử án Chúa, có lẽ chúng ta cũng đã kết án Chúa. Vì tuy chúng ta không thù ghét Chúa như các thượng tế và biệt phái, nhưng chúng ta có thể giống Philatô nhập nhằng trong thái độ. Philatô vì sợ mất quyền lợi nên đã kết án Chúa. Chúng ta cũng thế, trong đời sống hiện tại, biết bao lần chúng ta đã đặt địa vị của mình lên trên sự thật, đặt quyền lợi của mình lên trên công lý. Không bảo vệ sự thật và công lý nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình mình.

 Chúng ta cũng có thể giống Giuđa coi trọng tiền bạc hơn đạo nghĩa. Biết bao lần chúng ta đã vì tiền bạc mà đánh mất tình nghĩa, vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm, vì tiền bạc mà tha hóa, gian giảo, lừa đảo.

 Chúng ta cũng có thể giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ. Không có lập trường nên sợ dư luận, chỉ biết chạy theo đám đông. Sống giữa những người không tin nên không dám bày tỏ đức tin của mình. Thay đổi đức tin, thay đổi tình nghĩa như thay đổi quần áo. Sống hời hợt theo hình thức bên ngoài, thiếu chiều sâu và nền tảng bên trong.

 Với lối sống như thế, ta chẳng khác gì Philatô, Giuđa và đám đông. Sống như thế, ta đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi.

 Hôm nay trên thánh giá tất tưởi, Chúa đang nài van chúng ta thôi đừng giết Chúa nữa. Đừng tiếp tục lối sống cũ theo Philatô, theo Giuđa, theo đám đông. Hãy sống đời sống mới theo Chúa Giêsu. Sống theo Chúa Giêsu luôn yêu thương, yêu thương cho đến cùng. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, tìm  ích lợi của Hội Thánh. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm quên mình, tìm những giá trị thiêng liêng cao quí. Sống theo Chúa Giêsu luôn trung thành với lựa chọn của mình, trung tín đến hi sinh cuộc đời mình, trung tín cho đến chết.

 Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen.

  

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Chiêm ngắm thánh giá Chúa, bạn thấy gì về tình yêu của Chúa?

 2- So sánh với Philatô, Giuđa, các môn đệ và đám đông, bạn thấy mình có thể giống ai?

 3- Bạn sẽ sống thế nào để người vô tội không bị oan ức nữa?

 

THỨ 7 – VỌNG PHỤC SINH

ĐÊM CANH THỨC  

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

 …Ga 28,1-10

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Tại khắp các nhà thờ trên thế giới hôm nay đều tổ chức Đêm Canh Thức. Xưa kia, trong ngày an táng Chúa Giêsu, cũng có những người canh thức. Lính gác cửa mộ canh thức vì sợ các môn đệ đến lấy trộm xác Chúa. Còn các môn đệ, nhất là các phụ nữ đạo đức canh thức chờ trời sáng đến viếng mộ và xức thuốc thơm xác Chúa.

 Cả hai thái độ canh thức đều thất bại vì đặt sai mục đích : nhắm vào xác chết của Chúa Giêsu. Lính canh muốn giữ Chúa mãi mãi trong ngôi mộ để cho thân xác tan rữa và dập tắt mọi niềm hi vọng. Và Chúa sẽ đi vào quên lãng của người đời. Còn các môn đệ muốn được nhìn lại xác Thầy yêu dấu cho thỏa nỗi nhớ mong, và để xức dầu cho trọn nghi thức và lòng kính mến.

 Nhưng thất bại đưa đến hai thái độ khác nhau. Đối với lính canh là một thất bại kinh hoàng. Họ canh giữ nhưng không đủ sức canh giữ. Phiến đá to lớn nặng nề và được niêm phong cẩn thận bỗng nhiên lăn ra khỏi cửa mộ. Anh sáng bừng lên. Chúa Giêsu phục sinh và ra khỏi mồ. Quá kinh hoàng lính canh bỏ chạy.

 Trái lại đối với các môn đệ là một thất bại vui mừng. Không thấy xác Chúa trong mộ, tâm hồn các ngài tràn đầy niềm vui. Vì các ngài tìm Chúa như một xác chết, nhưng Chúa lại đang sống. Như lời các thiên thần loan báo : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Các ngài đi tìm Chúa như đi tìm hạt lúa bị chôn vùi, không ngờ hạt lúa đã mục nát và mọc lên thành cây sinh muôn ngàn bông hạt. Các ngài vào mộ như đi vào miền tăm tối, nhưng Chúa Phục Sinh đã làm cho ngôi mộ sáng lên huy hoàng. Các ngài đi đến mộ như đi đến tuyệt vọng, không ngờ Chúa Phục Sinh đã làm dậy lên niềm hi vọng lớn lao trong tâm hồn.

 Ngôi mộ đã chôn con người cũ của Chúa Giêsu nhưng Chúa Giêsu đã ra khỏi mộ trong thân xác vinh quang, trong một đời sống mới. Các môn đệ đến mộ với con người cũ. Và khi ra khỏi mộ, các ngài đã trở thành những con người mới. Tâm hồn các ngài đã phục sinh.

 Chúng ta đang canh thức trong đêm cực thánh này. Đừng như các lính canh muốn giữ chặt con người cũ, con người tội lỗi, con người xấu xa đưa đến diệt vong. Ta hãy noi gương các môn đệ canh thức để được gặp Chúa. Hãy cùng vào ngôi mộ với Chúa Giêsu. Trong ngôi mộ ta hãy cùng chết với Chúa và cùng Chúa chôn con người cũ của ta với những tính mê nết xấu, với những tham vọng, với những dục vọng thấp hèn. Để khi trở ra chúng ta trở thành những con người mới cho một cuộc sống mới : cuộc sống vui tươi lạc quan, cuộc sống chứa chan niềm hi vọng, cuộc sống can đảm phấn đấu, sống bác ái, quên mình để yêu thương và phục vụ, cuộc sống hướng về những lý tưởng cao thượng.

 Hôm nay chúng ta vui mừng đón nhận một số anh chị em tân tòng lãnh nhận bí tích rửa tội. Từ nhiều tháng nay anh chị em đã sống trong tâm trạng canh thức chờ đón ngày hồng phúc hôm nay. Được rửa tội anh chị em được gìm vào dòng nước thánh, dòng nước phát sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Được gìm trong dòng nước thánh tượng trưng cho bị chôn táng trong ngôi mộ cùng với Chúa Giêsu, anh chị em sẽ chết cho con người cũ. Bước ra khỏi dòng nước, anh chị em được phục sinh với Chúa, sống trong con người mới, sống trong ơn thánh, sống trong tình yêu mến Chúa và yêu mến mọi người.

 Lạy Chúa, xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn.

 

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

     1- Bạn thường hay hướng về quá khứ hay hướng về tương lai, hướng về sự chết hay sự sống?

    2- Bạn có dám chôn cất con người cũ để trở thành con người mới không?

    3- Phục sinh với Chúa là sống theo Thánh Thần. Bạn hiểu điều này thế nào?

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...