THỨ TƯ TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 8,22-26
Chữa Lành Người Mù Ở Bết-xai-đa
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Ngày xửa ngày xưa, một ổ bánh mì rơi ra từ một chiếc xe tải bánh và khi nó rơi xuống đất, một mảnh vụn vỡ ra. Ba con chim sẻ nhìn thẳng vào mảnh vụn và sà xuống để chiếm lấy nó, và chúng bắt đầu chiến đấu để dành miếng bánh.
Cuối cùng, một trong những con chim sẻ đã thành công trong việc tìm kiếm mảnh vụn trong cái mỏ của nó và bay đi, hai con chim sẻ khác đuổi theo trong cuộc truy đuổi dữ dội. Một cuộc chiến trên không điên cuồng diễn ra cho đến khi vụn bánh hoàn toàn được tiêu thụ.
Điều duy nhất những con chim sẻ này nhìn thấy là vụn bánh. Không con nào nhận thấy ổ bánh vẫn còn nằm trên mặt đất. Hằng ngày chúng ta chiến đấu vật vã với những nhu cầu rất tầm thường cho những nhu cầu tối cần của mình trong khi sự giàu có thực sự của cuộc sống không được chú ý và thoát khỏi tầm tay. (từ: The Daily Encounter).
Mù đôi khi được người Do Thái coi là một hình phạt cho sự bất tuân (1Sm 11,2). Và nó cũng biểu thị sự thiếu hiểu biết đối với những điều thuộc tâm linh (Is 6,10; 42,18). Người Do Thái bị buộc phải đối xử với người mù bằng lòng trắc ẩn và sự quan tâm cách đặc biệt (Lv 19,14). Tin Mừng hôm nay, người ta dẫn đến với Chúa Giêsu một người mù và nài xin Người sờ vào và chữa cho anh ta. Ngài cầm lấy tay người mù đưa ra khỏi làng và tiến hành các bước chữa lành.
Trong trường hợp này, ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành người mù cách tiệm tiến: Tầm nhìn của người mù không được phục hồi một lần nhưng theo từng giai đoạn. Trước tiên, Chúa Giêsu đưa anh ta ra khỏi làng, Người nhổ nước miếng vào mắt, đặt tay trên anh và hỏi anh thấy gì không, anh ta chỉ thầy người ta mờ mờ như những cây cối di chuyển. Lần hai, Người đặt tay lên mắt anh thì anh thấy tỏ tường mọi sự. Ở đây ta không khỏi thắc mắc, tại sao Chúa Giêsu đầy quyền năng, Ngài chỉ phán một lời là bệnh tật biến mất, thế nhưng Ngài lại phải thực hiện những cử chỉ và từng bước trên anh mù một cách tiệm tiến? Thưa, có lẽ vì phép lạ này xảy ra ở làng Bết-xai-đa nơi mà dân chúng rất cứng lòng tin mặc dù họ đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa đã thực hiện ở đây. Tin Mừng thánh Lu-ca 10,13 đã nói nên điều này: “Khốn cho các người, hỡi Kho-ra-dim! Khốn cho các ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi”. Có lẽ người mù cũng là một trong số dân trong làng nên việc chữa lành qua các bước tiệm tiến là để củng cố lòng tin của anh ta. Ngài phải đặt tay đến lần thứ hai để mở con mắt tâm linh, để anh ta được thấy rõ toàn diện từ trong tâm hồn đến ngoài thể lý. Đây cũng là lý do để ta hiểu tại sao sau khi anh mù được sáng mắt, Ngài lại cấm anh ta đi vào làng. Tin Mừng không thấy Chúa cấm anh ta đi loan báo đặc ân chữa lành của Chúa đã làm cho anh với những người khác, nhưng không phải với dân làng Bết-xai-đa. Vì rất có thể đức tin mới chớm nở của anh sẽ bị người ta làm cho mù trở lại. Hoặc vì dân này cứng lòng tin nên họ không có diễm phúc được chứng kiến thêm phép lạ này, hay có tường thuật lại cho họ thì cũng vô ích, vì dân này thích ngồi trong bóng tối hơn là đón nhận ánh sáng. Không đón nhận Tin Mừng và không tỏ lòng sám hối đó là một dạng bóng tối của tâm linh, phải chăng đó là một dạng mù còn tệ hại hơn so với mù về thể chất? Vâng, chắc chắn vậy, vì đó là sự mù quáng của trái tim và của tâm hồn.
Qua việc Chúa Giêsu chữa lành người mù, ta có thể dừng lại ở ba điểm để suy ngẫm:
Thứ nhất, người mù không tự mình đến với Chúa Giêsu. Người mù được người khác giúp đỡ để đến với Chúa Giêsu để được Ngài chạm đến và chữa lành. Những người này xin Chúa Giêsu chữa cho người mù. Nói cách khác, Thiên Chúa sử dụng người khác để mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Chúng ta có cho phép Chúa sử dụng chúng ta để đưa ai đó trở lại với Ngài không?
Thứ hai, việc chữa bệnh cho người mù qua từng tiến độ: Quá trình chữa lành không xảy ra ngay lập tức. Vì vậy, bài học cho chúng ta là; không phải những người chúng ta mang đến cho Chúa Giêsu để chữa lành thể xác hoặc tinh thần sẽ được chữa lành cùng một lúc. Cũng giống như thánh Mônica, bà đã cầu nguyện cho việc trở lại của con trai bà là thánh Augustinô trong một thời gian dài 18 năm. Và chỉ sau đó, thánh Augustinô đã được hoán cải sang đức tin Công Giáo. Ta có nản lòng khi người mà mình cầu nguyện không thay đổi từ ngày này sang ngày khác không? Ta có đủ kiên nhẫn và cho phép Chúa Giêsu làm công việc của Ngài không?
Thứ ba, Chúa Giêsu nói với người mù đừng quay trở lại làng hoặc nói với anh ta: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Có điều gì mà Chúa Giêsu không muốn người mù được chữa lành phải nhìn thấy? Chúa Giêsu không muốn bởi vì khi con mắt thể lý được sáng mà lại đi vào vũng lầy của bóng tối tâm linh như dân làng Bết-xai-đa thì thật khốn lắm thay! Cũng vậy, khi ta bị mù quáng bởi những cám dỗ của thế gian rồi rơi vào bóng tối của tội lỗi. Chúa vẫn ở đó từng bước cứu chữa và dắt ta ra khỏi bóng tối của cuộc đời qua việc đón nhận các bí tích, đặc biệt bí tích hòa giải. Nhưng sau khi được tha thứ, được chữa lành mà không biết tránh xa những cạm bẫy nguy hiểm. Lao vào trung tâm lây nhiễm vi-rút Corona thì rất có nguy cơ tệ hại hơn và có thể mất cả tính mạng nữa. Vì vậy, hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Mc 14,38) để không rơi vào cám dỗ, không tự lao mình vào bóng tối của trần gian.
Lạy Chúa, xin cho con được thấy, xin dẫn dắt con đi trong ánh sáng chân lý đức tin của Ngài. Amen.