MV-09-TUẦN II-thứ hai
TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ
(Is 35,1-10 / Lc 5,17-26)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Hôm qua chúng ta đã suy niệm về “tiến bước” và đó sẽ là chủ đề cho suốt tuần thứ hai Mùa Vọng này. Hôm nay, hai bài đọc dẫn chúng ta đi theo những con người đã từng kinh qua những thời gian khổ đau, và giờ đây họ bước đi trong niềm hân hoan vui sướng. Họ là những người Ít-ra-en đang sống trong cảnh lưu đầy tại Ba-by-lon – với thời gian kéo dài đã năm mươi năm: nửa thế kỷ! – giờ đây gần đến ngày Thiên Chúa giải thoát đưa họ về quê hương. Họ sẽ “tiến đến Si-on giữa tiếng hò reo”, mà sách I-sai-a miêu tả trong bài đọc một, trích sách Ngôn Sứ I-sai-a chương 35 từ câu 1 đến 10. Đó cũng là người bị liệt mà những người khiêng anh đưa đến tận chỗ Chúa Giê-su: sau những năm dài bại liệt, bất động, thì nay Chúa chữa lành anh, “anh chỗi dậy trước mặt mọi người, vác cái giường anh đã nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa”. Thánh Lu-ca đã trình thuật sự kiện này trong Tin Mừng ở chương 5 từ câu 17 đến 26.
Hai hoạt cảnh này như diễn ra trước mắt chúng ta để chúng ta có thể hiểu được thế nào là “TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ”.
- TIẾN ĐẾN SI-ON GIỮA TIẾNG HÒ REO
Chúng ta đang hoà mình vào đoàn dân Ít-ra-en trên đường hồi hương. Nhưng, trong trích đoạn này, đây mới là hình ảnh mang đến niềm hy vọng. Dân Ít-ra-en sẽ lên đường trở về, nhưng chưa phải lúc này. Ngôn sứ I-sai-a loan báo một tương lại gần với câu khẳng định: “Thiên Chúa của anh em đây rồi: sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (câu 4b).
Những lời này ngỏ với những con người đang sống cảnh lưu đầy trong thời gian đằng đẵng năm mươi năm rồi! Họ khổ đau tư bề và như thể mất hết can đảm, nhuệ khí. Nhưng cần phải tồn tại cho đến ngày hồi hương. Chính vì thế Thiên Chúa đã ngỏ lời với ngôn sứ và những ai có trách nhiệm trên dân: “Hãy làm cho những bàn tay rời rã nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói cho những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!” (c.3-4a).
Không những khuyến khích họ kiên vững trong cuộc sống đầy khó khăn và khổ đau, mà còn nói cho họ biết điều quan trọng này: Thiên Chúa của anh em đến rồi; và đây là thời gian cứu độ. Từ “báo phục” ở đây không phải là một sự trả thù cho dân. Thiên Chúa không phải là con người tìm cách trả thù đối phương, nhưng Người đến để giải thoát dân bằng cách tháo xích xiềng đang cột trói họ. Thiên Chúa đến cứu độ được diễn tả qua hình ảnh “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Đó là sự giải thoát khỏi mọi tật nguyền gây khổ đau.
Và khi dân được trở về quê hương: tất cả sẽ biến đổi trên chính hành trình hồi hương của họ. Để trở về Giê-ru-sa-lem – cũng gọi là Si-on – từ đất Ba-by-lon, con đường trực tiếp nhất là phải đi qua sa mạc Ả-rập. Và sách I-sai-a miêu tả con đường xuyên qua sa mạc này như một cuộc tiến bước oai hùng chiến thắng, đến nỗi ngay cả “sa mạc, đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, cũng mừng rỡ trổ bông, tưng bừng nở hoa như khóm huệ” (c.1-2). Sa mạc trên đó dân hồi hương tiến bước về Si-on, được chào đón với tất cả “ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron” (c.2). Đó là những gì đẹp nhất trần gian vào thời đó: núi Li-băng là dãy núi kế cận miền Bắc nước Ít-ra-en và nổi tiếng vì những cánh rừng cây bá hương. Núi Các-men ở phía Tây-Bắc nước Ít-ra-en và là dãy núi nhỏ nhưng được bao phủ bởi cây cối nhiều nhất đất nước. Cánh đồng Sa-ron là một đồng bằng kế cận Địa Trung hải, ở giữa Các-men và Giáp-pha. Khi so sánh với những cảnh đẹp và phong phú đó, ngôn sứ I-sai-a đưa tầm nhìn những người đang lưu đầy đến một tương lai tươi sáng mà họ sẽ bước vào trong một thời gian gần. Sa mạc sẽ biến thành ao hồ, nước vọt ra lênh láng (c.6-7). Nơi sa mạc “sẽ có một con đường mang tên thánh lộ” dành riêng cho đoàn dân của Chúa (c.8), “những người được cứu chuộc sẽ bước đi trên đó” (c.9). Và cuối cùng tất cả sẽ là hân hoan, vui sướng: “Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Si-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rõ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (c.10).
Trích đoạn trên của sách I-sai-a gợi cho chúng ta ý nghĩa về việc tiến bước trên con đường cứu độ. Thiên Chúa cứu độ vào giờ của Người. Người biến đổi tất cả nên phong nhiêu, tươi đẹp. Người làm nên một con đường, “thánh lộ”, để những ai được cứu chuộc bước đi. Và tâm hồn họ hân hoan, miệng ca hát rộn ràng. Những yếu tố đó mời gọi chúng ta TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỨU ĐỐ. Đừng tránh xa con đường của Chúa, nhưng hãy dấn bước vào. Dù rằng cuộc sống còn nhiều đắng cay – như dân Ít-ra-en trong cảnh lưu đầy suốt năm mươi năm – chúng ta vẫn có Chúa ở cùng để Người cùng chúng ta biến những gì là khô cằn, sa mạc, đồng khô cỏ cháy trở nên ao hồ, mạch nước sự sống cùng những gì biểu lộ “ánh huy hoàng và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta”. Tiến bước trên con đường cứu độ là tiến bước trong tiếng reo hò.
- VỪA ĐI VỀ NHÀ VỪA TÔN VINH THIÊN CHÚA
Bây giờ chúng ta bước theo một nhóm vài người. Họ đang khiêng một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường. Họ bước đi trên đường với sức nặng của người bệnh, và người bệnh với sức nặng của bệnh tật. Họ tiến bước vất vả và chậm chạp, vì phải rất cẩn thận và phải cùng nhịp bước. Có lẽ chúng ta cũng có lần chứng kiến những người tải bệnh nhân trên cáng, trên chõng hoặc trên võng, với quãng đường xa vất vả. Những người kia, họ đi đâu và để làm gì? Họ đang tiến về phía một người mà họ tin người đó chữa lành bệnh nhân của họ.
Việc tiến bước đến tận nơi Con Người kia lại càng thêm khó khăn, vất vả, vì đám đông có mặt tại nhà nên không tìm thấy lối vào. Đây là một cản trở lớn, vì đám đông dày đặc, bịt hết lối ra vào. Tình thế như rơi vào ngõ cụt, không lối vào. Nhưng chính niềm tin vào Con Người đó và tình yêu đối với bệnh nhân, bốn người họ có sáng kiến – vì tình yêu luôn có sáng kiến – và bạo gan – vì niềm tin trao can đảm – đã đưa bệnh nhân lên mái nhà, mở mái nhà và thòng bệnh nhân xuống trước mặt Chúa Giê-su. Con đường để đến với sự cứu độ, với Đấng Cứu Độ, không luôn dễ dàng, nhưng để đến nơi, cần phải có sự “liều lĩnh”: liều lĩnh của đức tin và của tình yêu.
Trước khi cho người bại liệt được đứng vững bước đi, Chúa đã ban cho anh sự cứu độ sâu xa nhất, quan trọng nhất: đó là ơn tha thứ tội lỗi. Tội lỗi là gánh nặng nhất của cuộc sống con người, là vật cản lớn nhất trên con đường đến với Thiên Chúa và tha nhân. Chúa cất đi khỏi người bệnh bại liệt thể lý này cái gây nên sự bại liệt tâm hồn. Anh cần được vững mạnh trong tâm hồn, rồi mới đến sự vững chắc của đôi chân. Và đó là tiến trình cứu độ. Đó là con đường cứu độ cần bước đi.
Bệnh nhân được chữa lành với lời tuyên bố của Chúa: “Tôi bảo anh: Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!”. Con đường từ nhà anh đến với Chúa là con đường đau khổ, vất vả, vì tất cả đều “nặng”, dù trong thâm tâm anh và những người khiêng anh nuôi niềm hy vọng. Nhưng khi gặp được Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ, đã đón nhận ơn tha thứ tội lỗi và sự chữa lành thân xác, thì con đường về nhà là con đường hân hoan và tôn vinh Thiên Chúa. Đó là con đường cứu độ.
Câu chuyện người bại liệt TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ mời gọi chúng ta hiểu thêm hơn về việc gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ và con đường dẫn đến Người cũng như hành trình trở về sau khi gặp gỡ Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Đó là hành trình của chúng ta. Đó là con đường chúng ta cần bước đi và giúp nhau bước đi. Con đường đó ghi dấu chân của những con người “tin” và “yêu”, của những tâm hồn “hy vọng” và “hành động”, của cuộc sống “đi” và “về” trong ơn phúc cứu độ.
- HÃY CỦNG NHAU TIẾN BƯỚC
Hai bài Lời Chúa với những chi tiết và qua những điều suy niệm, chúng ta kết luận rằng: TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỨU ĐỐ trước hết là Chúa đến trên con đường giải thoát và cứu độ. Đây phải là xác tín nền tảng của đức tin. Tiếp đến, đó là cùng nhau tiến bước trong tương giao huynh đệ qua lời nói khyến khích động viên và hành động nâng đỡ cụ thể. Và cuối cùng, đó là con đường của niềm vui, hân hoan và ca tụng. Sống Mùa Vọng là sống NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ, là dẫn nhau đến nguồn ơn giải thoát là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, của chúng ta.