Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 05.01.2025
TÌM AI HAY TÌM CÁI GÌ
(Mt 2,1-12)
M. Bosco, Phước Sơn
Lễ Hiển Linh là lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại trong đó ba nhà chiêm tinh là những người đại diện. Chúa đã tỏ mình ra cách đây 20 thế kỷ và Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra trong lịch sử nhân loại. Vậy làm sao chúng ta có thể gặp được Chúa? Tin Mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng. Câu trả lời đó là: “Ai tìm thì sẽ gặp.”
- Các nhà chiêm tinh đi tìm và đã gặp Chúa
Các nhà chiêm tinh là những người có kiến thức về thuật chiêm tinh. Theo họ khi một ngôi sao lạ xuất hiện là có một vị vua ra đời. Họ dùng kiến thức này làm yếu tố trợ lực cho cuộc tìm gặp vua Do Thái mới sinh.
Thấy ngôi sao lạ xuất hiện ở phương Đông họ cất bước lên đường. Lên đường là chấp nhận những gian nan thử thách, chấp nhận vượt khó. Khó vì đường xa cách trở; khó vì phải vượt núi băng rừng; khó vì phải vượt qua sa mạc Trung Đông ngày nắng nóng đến cháy cả da, đêm giá lạnh thấu tới xương, lại còn nguy cơ đi lạc trong sa mạc vì ngôi sao dẫn đường có lúc các ông thấy được lúc khác thì không.
Bởi ngôi sao báo hiệu nơi vua dân Do Thái sinh ra lúc ẩn lúc hiện, và các ông là những người ngoại, các ông nghĩ là người Do Thái sẽ biết rõ nơi vua Do Thái sinh ra. Các ông bèn đến Giêrusalem là thành đô của dân Do Thái để hỏi cho biết vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu. Được trả lời từ bằng chứng Kinh Thánh: “Tại Bêlem miền Giuđê”, các ông lên đường theo hướng tiến về Bêlem. Lời Kinh Thánh này là chiếc la bàn định hướng cho cuộc tìm kiếm của các ông. Dựa vào đó họ tiếp tục cuộc tìm kiếm và đã gặp được Hài Nhi Giêsu.
Việc của họ lúc bấy giờ là thờ lạy và dâng lễ vật như để diễn tả niềm tin vào Đấng họ tin là vua dân Do Thái. Niềm vui dâng tràn sau một cuộc tìm kiếm và gặp được Đấng mình kiếm tìm. Đây là niềm vui của người đi tìm Chúa và đã gặp được Người.
Thánh sử Matthêu kết thúc câu chuyện ở chỗ các nhà chiêm tinh gặp được Chúa, họ thờ lạy, dâng lễ vật rồi ra về vì đã mãn nguyện. Sau đó thánh sử không nhắc tới các nhà chiêm tinh một lần nào nữa. Điều này như muốn nói họ kết thúc một cuộc tìm kiếm tốt đẹp, một cuộc đời đạt đích là được gặp Chúa Giêsu. Đối ngịch với các nhà chiêm tinh là vua Hêrôđê, ông không màng chi việc tìm Chúa mà chỉ lo tìm cách giữ địa vị.
- Vua Hêrôđê tìm cách giữ địa vị
Hêrôđê là vua của một quốc gia, nghĩa là ông đạt được đỉnh cao về quyền hành danh dự. Ông không thấy ai trên mình nữa và ông cũng không muốn cho ai ngồi vào cái ghế của mình. Ông muốn duy trì mãi địa vị làm vua. Có điều ông không nghĩ rằng chức vị làm vua của ông là vua trần gian và bị giới hạn trong thời gian. Trên ông còn có một vị vua trên các vua, một vua không thuộc thế gian này và là vua muôn đời. Nếu ông nhận ra như thế có lẽ ông đã không sợ vị vua này chiếm ngai vàng của ông. Nếu ông biết thế có lẽ khi ông nghe tin vua dân Do Thái mới sinh ra ông đã không sợ sệt để rồi đâm ra bối rối. Trái lại, sẽ vui mừng tìm kiếm để thờ lạy và dâng lễ vật như các nhà chiêm tinh.
Bởi vì Hêrôđê tìm cách giữ địa vị nên dường như ông tập trung mọi năng lực của mình để cố sao giữ cho được cái ghế quyền lực nhất trong quốc gia. Và vì thế khi nghe tin một vị vua xuất hiện, ông cảm thấy đó là mối nguy cơ làm ngai vàng ông lung lay. Bấy giờ ông chỉ tìm cách để giữ được cái ghế của mình. Và cách ông thực hiện là bày kế giết vị Ấu Vương. Ông không tìm vua Do Thái để thờ lạy mà tìm để giết nên không được gặp. Lúc bấy giờ ông nổi cơn thịnh nộ và điên cuồng ra lệnh cho giết tất cả các hài nhi từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng lân cận (Mt 2,16).
Giết một loạt các hài nhi là tội ác rùng rợn. Dù ông cố tình làm ngơ trước tiếng lương tâm để gây ra tội ác, nhưng chắc chắn tội ác ấy không đem lại cho ông niềm vui hay sự chiến thắng nào mà gây cho ông một sự bất an vì đã giết những trẻ thơ vô tội. Người ta thường nói: “Cọp bắt được mồi cọp ngủ, người sát nhân người thức.” Chắc chắn lương tâm ông thổn thức bất an.
Sau khi Hêrôđê ra lệnh cho giết các trẻ thơ, thánh sử Matthêu không kể tiếp ông sống và làm những gì nữa mà nói ngay tới tin ông băng hà và thiên thần báo mộng cho Giuse đưa hài Nhi Giêsu từ Ai Cập trở về. Điều này thánh sử Matthêu như muốn nói rằng kết cục của cuộc đời tìm giữ địa vị của vua Hêrôđê là không giữ được gì cả mà chỉ ôm mối bất an bối rối đem về thế giới bên kia.
Chúa đã nói: “Ai tìm thì sẽ gặp.” Các nhà chiêm tinh đã dùng khả năng tri thức, lời chỉ dẫn của Kinh Thánh và nỗ lực đi tìm. Kết quả là được Chúa tỏ cho thấy. Cuộc đời Kitô hữu cũng là một cuộc tìm kiếm Chúa không ngừng. Bao lâu ngưng không tìm là bấy lâu có nguy cơ thất bại. Bao lâu không dựa vào Kinh Thánh mà tiến bước thì có nguy cơ lạc đường. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc đi tìm Chúa. Tìm Chúa cũng phải là chọn Chúa làm đối tượng duy nhất. Vua Hêrôđê không chọn Chúa làm đối tượng tìm kiếm, mà chọn chức quyền danh dự nên chẳng bao giờ được gặp Chúa.
Chúa thì luôn luôn có đó và Chúa muốn tỏ mình ra cho mọi người dù thuộc thời đại nào. Có điều là từng người chúng ta có gặp được Chúa hay không còn tùy phía mình. Mình chọn tìm Chúa hay chọn tìm gì khác.