Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

TÌNH YÊU MỤC TỬ – Suy niệm Chủ Nhật Tuần XVI TN – Vp. Duyên Thập Tự

 TN-106- Chúa Nhật TUẦN XVI

TÌNH YÊU MỤC TỬ

(Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34)

Vp. Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Đối với chúng ta, một hình ảnh rất quen thuộc mà chúng ta có về Chúa Giê-su, đó là Chúa là Mục Tử. Thánh vịnh 22 đã được các nhạc sĩ sáng tác các bài thánh ca làm nổi bật sự chăm sóc, giữ gìn của Chúa là Vị Mục Tử Tối Cao đối với các con chiên của Chúa, được diễn tả qua việc Người đưa tới đồng cỏ xanh, suối nước trong, và dẫn đưa an toàn qua thung lũng tối tăm. Hình ảnh Chúa là Mục Tử đã mang lại rất nhiều khích lệ cho các Ki-tô hữu, để sống niềm tin vào tình yêu của Chúa, và tin tưởng bước đi trong cuộc sống.

Các bài Lời Chúa trong chúa nhật tuần XVI năm B, đề cập đến hình ảnh người mục tử là chính Chúa Giê-su, với những hành động rất cụ thể để chăm sóc đoàn chiên của Người. Tôi xin được chia sẻ với anh chị em về “TÌNH YÊU MỤC TỬ” với ba điểm sau đây:

 1. TRÁI TIN CẢM THƯƠNG

Hình ảnh đầu tiên khi nói đến tình yêu là trái tim. Trái tim biểu tượng cho tình yêu. Trái tim diễn tả những gì thân thương nhất, những gì tha thiết nhất. Trái tim còn đập, con người còn sống. Và còn sống là còn yêu thương.

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 6 từ câu 30 đến 34, thánh sử đã viết một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ về tấm lòng mục tử của Chúa Giê-su. Tình yêu của Chúa thu hút biết bao nhiêu người đến với Chúa, đến bất cứ lúc nào và nơi nào, và họ đã được Chúa tiếp đón. Các môn đệ sống với Chúa cũng chia sẻ sự bận rộn với Chúa trong việc tiếp đón, đến nỗi Chúa và các môn đệ chẳng có giờ ăn uống, nghỉ ngơi nữa. Thấy các môn đệ vất vả, Chúa tìm cách cho các ông được nghỉ ngơi đôi chút, để có sức tiếp tục hành trình với Chúa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. “Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”.

Nhưng những người đang ở với Chúa lúc đó, họ đang khao khát những lời giảng dạy của Chúa, họ tìm cách để tiếp tục thực hiện mong ước của mình. Thánh sử Mác-cô viết: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài”. Chúng ta cảm thấy gì khi nghe những lời này, khi như chứng kiến những đoàn người từ khắp nơi đi tìm Chúa và đón đường để gặp Chúa nơi Chúa dự tính đến cùng với các môn đệ Chúa? Chúng ta đọc được điều gì trong tâm hồn họ để họ chạy mau đến với Chúa? Họ đi đường bộ và đến trước cả các ngài. Cái gì thúc đẩy họ nhiệt tâm đến thế?

Và đây chúng ta tìm thấy câu giải đáp: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Yếu tố quyết định để họ hành động như trên, đó là họ đã bắt gặp nơi Chúa “một trái tim cảm thương”. Họ đã trải nghiệm điều đó khi chính họ hoặc những thân nhân, bạn hữu, của họ đã được Chúa chữa lành khỏi bệnh tật và những thứ quỉ ám, và đã được nghe những lời dạy dỗ của Người, những lời đã trở thành ánh sáng soi đường họ đi. Họ đã cảm nghiệm tình yêu của Chúa, trái tim yêu thương của Chúa. Cuộc đời họ quá vất vưởng về nhiều phương diện, vật chất và nhất là tâm linh. Những kinh sư, những người có trách nhiệm trong đạo Do-thái không cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của họ, trái lại những thầy dạy đó lại chất lên họ những gánh nặng không vác nổi. Khi họ gặp gỡ Chúa, họ đã được nuôi dưỡng về đời sống tâm linh, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Cho nên, họ mải miết đi tìm gặp Chúa. Họ đã gặp được trái tim cảm thương của Chúa, nghĩa là trái tim rung động và thấu hiểu những vấn đề trong đời sống của họ, và Chúa đã ban cho họ sự nghỉ ngơi trong tâm hồn (x.Mt 11,28-30). Trước cảnh tượng đó đáng thương của họ, Chúa không nghỉ ngơi nữa, và Chúa “bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều”.

Đời sống Ki-tô hữu không phải là một đời sống đạo tuân giữ các lề luật. Tuân giữ lề luật là điều cần thiết, nhưng không phải trước hết, trên hết và tất cả. Điều làm nên yếu tính của đời sống Ki-tô hữu là gặp gỡ Chúa, gặp gỡ tình yêu của Chúa, gặp gỡ trái tim cảm thương của Chúa. Điều đó muốn nhấn mạnh đến kinh nghiệm về Chúa. Chúng ta cần có kinh nghiệm về lòng yêu thương của Chúa. Kinh nghiệm đó giúp đời sống đạo của chúng ta mang mầu sắc hân hoan và đậm hương vị tình yêu. Chúng ta tin tưởng rằng Chúa hiểu biết chúng ta hơn bất cứ ai hiểu chúng ta và hơn cả chính chúng ta hiểu biết bản thân. Xin Chúa thêm cho chúng ta niềm tin vào tình yêu của Chúa dành cho mỗi chúng ta.

2. TÌNH YÊU QUI TỤ

Tình yêu mục tử của Chúa Giê-su không dừng nơi trái tim, nơi sự cảm thương, mà còn được cụ thể hoá bằng hành động. Với tư cách là mục tử, Chúa đã làm những gì tốt nhất cho từng con chiên và cả đoàn chiên. Hành động thứ nhất là qui tụ.

Trong bài đọc một, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a chương 23 từ câu 1 đến 6, Thiên Chúa trách các mục tử, nghĩa là những người có trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên Người uỷ thác. Chúa trách các mục tử này điều gì? “Khốn cho các mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác… Các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng”. Những người mục tử gian ác này đã phá hoại đoàn chiên của Chúa, làm cho đoàn chiên phải tan tác. Đứng trước thảm cảnh đó của đoàn chiên, Chúa đã hành động ra sao?

Và đây là lời của Chúa: “Chính Ta sẽ qui tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại… Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nẩy nở thật nhiều…” Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi đoàn chiên của Người. người hiểu thế nào là nỗi đau khổ của những người bị phân tán, bị tách lìa ra khỏi đoàn chiên, sống lưu lạc. Nhưng đâu là cách Người thực hiện việc qui tụ này?

“Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử sẽ lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp vì bị bỏ rơi.” Nghe những lời này của Thiên Chúa, những người Ít-ra-en ngày xưa đang sống trong thời lưu đầy, rất phấn khởi, vì sẽ có những mục tử thay thế các mục tử gian ác trên kia. Những mục tử tương lai này, sẽ thay mặt Thiên Chúa, tận tâm chăm sóc các con chiên và đoàn chiên của Thiên Chúa, nghĩa là những người được Thiên Chúa uỷ thác cho. Đó cũng là tâm tình của chúng ta. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những mục tử tận tâm tận tình tận lực trong Giáo Hội Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho các ngài trái tim của người mục tử nhân lành, sức mạnh tình yêu của Người Mục Tử tối cao là Chúa Giê-su. Các ngài sẽ làm mọi cách để qui tụ đoàn chiên Chúa, để qui tụ cộng đoàn của Chúa, thành một cộng đoàn yêu thương huynh đệ. Và chính chúng ta, khi mong ước có những mục tử như lòng Chúa mong ước, thì cũng hãy xây dựng sự hiệp nhất, sự đoàn kết của những người tin yêu Chúa Ki-tô, những người mang danh xưng là Ki-tô hữu. Xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo Hội là một hành trình cam go, rất đòi hỏi, nhưng sẽ mang đến những thiện hảo, đặc biệt mang đến dấu chứng của những môn đệ Chúa: “Chính nơi điều này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em thương mến nhau” (Ga 13,35). Điều này nhấn mạnh đến sự hoà giải ngay trong lòng đoàn chiên Chúa, giữa các Ki-tô hữu.

 3. TÌNH YÊU HOÀ GIẢI

Một hoạt động nữa của vị Mục Tử tối cao là Chúa Giê-su, đó là hoà giải. Sống trong Giáo Hội, trong cộng đoàn Ki-tô, chắc chắc các Ki-tô hữu cũng có những va chạm. Những va chạm này có thể đưa đến sự chia rẽ, thù ghét. Đó là một thực tế. Vậy, Chúa Giê-su đã làm gì để hoà giải?

Thánh Phao-lô, trong bài đọc hai trích thư Ê-phê-sô chương 2 từ câu 13 đến 18, đã nêu lên cách thế Chúa Giê-su Ki-tô đã thực hiện. Thánh Phao-lô sử dụng kiểu nói “những người ở xa” và “những người ở gần” để diễn tả sự phân hoá, chia lìa. Người ở xa, đó là dân ngoại chưa tin nhận Chúa Ki-tô. Người ở gần là người Do-thái. Hai bên xa cách nhau. Điều này cũng có thể áp dụng cho những Ki-tô hữu sống trong Giáo Hội, nhưng lại sống xa cách nhau.

Thánh Phao-lô viết: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét”. Như vậy, Chúa Giê-su đã liên kết, hàn gắn và hoà giải hai bên – đang sống trong sự chia rẽ – bằng chính sự hy sinh của Chúa trên thập giá. Thập giá là nơi của hoà giải, của tha thứ, của sự liên kết. Như vậy, hoà giải đòi hỏi cái giá của hy sinh, hy sinh chính mạng sống của Vị Mục Tử để các con chiên – tức là các Ki-tô hữu – liên kết, đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết, sự hoà giải đó dẫn đến sự sống của thân thể Chúa Ki-tô, tức là Giáo Hội. Thánh Phao-lô viết: “Nhờ thập giá, người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thê duy nhất: trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét”. Và như vậy, mối liên kết giữa các Ki-tô hữu trong một thân mình là Giáo Hội là sự liên kết do Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện, như thánh Phao-lô khẳng định: “Nhờ Chúa Ki-tô, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha”.

Các bài đọc Kinh Thánh của chúa nhật hôm nay mở cho chúng ta như nhìn thấy tình yêu mục tử của Chúa Giê-su. Điều đó mời gọi chúng ta sống tâm tình cảm tạ Chúa, Đấng luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta trực tiếp bằng ân sủng của Người và qua trung gian các thừa tác viên của Hội Thánh. Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho các mục tử trong Hội Thánh được sống và phục vụ như lòng Chúa mong ước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...