Tôi Là Ai Trong Hai Người Con?
Suy niệm Tin Mừng Lc 15,1-3.11-32, Thứ 7, Tuần 2, Mùa Chay
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” được coi là “trái tim” của Tin Mừng Luca. Dụ ngôn này diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho con người.
Thực tế, hiếm thấy có người cha nào yêu thương con mình đại độ như vậy. Nhưng Thiên Chúa, thì đã đang và sẽ mãi mãi yêu thương con người bằng tình yêu đại độ. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người. Thiên Chúa luôn yêu thương mỗi người chúng ta bất kể chúng ta đã từng cách này, hay cách khác muốn xa tránh Ngài. Đúng như lời tiên tri Mikha đã quả quyết: “Thần minh nào sánh được như Ngài. Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác, Người không giữ mãi cơn giận… tội lỗi của chúng ta Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, người ném xuống đáy biển”.
Thật vậy, chúng ta khám phá ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa nơi người con thứ. Anh con thứ tuy ở trong nhà Cha mình, nhưng anh ta cảm thấy như bị gò bó mất tự do, anh muốn bung ra hưởng thụ thế giới bên ngoài. Anh muốn vung ra khỏi vòng tay yêu thương của cha. Anh nói với cha: “xin cha chia gia tài thuộc về con”. Cha thương anh, chứ anh đâu có thương cha, Cha còn sống mà anh coi như đã chết. Hóa ra, bấy lâu nay anh cần tiền chứ đâu cần Cha, chỉ khi ăn chơi hết sạch, anh mới trở về, nhưng sự trở về của anh rất vụ lợi, muốn có được những bữa ăn no, chứ chưa hẳn vì thương nhớ cha già.
Trái với cách sống vị kỷ của đứa con thứ, người cha thật quảng đại. Hằng ngày ông âu lo khắc khoải nhìn ra con đường mà con ông đã bỏ đi. Thế nên, “khi anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để”. Một loạt hành động đó nói lên rằng ông thương con biết bao. Ông cắt ngang lời van xin của con, truyền lệnh cho các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rôi đi bắt con bê đã vỗ béo để chúng ta ăn mừng!” Lý do ăn mừng là “vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mật mà nay lại tìm thấy”. Đối với người cha này, đứa con dù có tồi tệ thế nào vẫn là con của ông, ông phục hồi phẩm giá cho con qua việc mặc áo đẹp, xỏ nhẫn và đeo giầy cho cậu.
Tình yêu của Thiên Chúa còn được tỏ rõ nơi người con cả. Khi biết thằng em đã trở về và cha già đã mở tiệc ăn mừng thì ông anh “nổi giận và không chịu vào nhà”, anh ta từ chối đi vào tương quan tình yêu với cha, không muốn chia sẻ niềm hạnh phúc của cha và em. Khi đó, người cha đã không sai một đầy tớ nào ra “rước” anh vào mà đích thân ông ra “năm nỉ” con… Chúng ta vẫn thường dành cho anh con cả này một thiện cảm tốt lành. Nhưng qua thái độ kiêu hãnh và lời nói hằn học, so bì của anh, chứng tỏ dù anh ở trong nhà Cha, nhưng tâm hồn thì xa cha lắm. Anh cũng không có lòng tha thứ và thừa nhận những người con của Cha là anh em của mình.
Xét như thế ta thấy thương người cha già, có hai đứa con nhưng cả hai đứa đều bất hiếu đi hoang. Có lẽ niềm vui của ông chẳng khi nào được trọn vẹn, vì một trong hai đứa chưa chịu “quay về nhà”, hoặc không muốn “bước vào nhà” với ông.
Mùa chay thánh mời gọi chúng ta hồi tâm để nhận ra mình đang là đứa con cả hay đứa con thứ, để quyết tâm trở về với Thiên Chúa. Cho dẫu sự trở về của chúng ta còn bất toàn như đứa con thứ, thì trong Thiên Chúa sự bất toàn của chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo. Đàng khác, một khi đã giao hòa với Thiên Chúa chúng ta không còn mang tâm trạng người con cả oán trách: “Con phải làm việc nặng nhọc suốt bao nhiêu năm trời…”. Một khi thành tâm trở về ta sẽ cảm nghiệm niềm hạnh phúc bên Cha và em, khi ấy nỗi lao nhọc sẽ thành niềm vui, như niềm vui của người mẹ khi phục vụ con cái, như người bố chăm sóc vợ con, và như hai người yêu nhau, hạnh phúc vì được hy sinh cho nhau.
Chúng ta cầu chúc cho nhau luôn vững một lòng tính thác vào Chúa và luôn biết tha thứ đón nhận nhau như Thiên Chúa luôn yêu thương đón nhận chúng ta.