Thứ tư, 13 Tháng mười một, 2024

TRỞ THÀNH THẦY DÒNG THẬT, THẦY DÒNG THÁNH – Savio Vinh. PS

VÀI SUY TƯ VỀ ƯỚC MƠ CỦA CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN :

“TRỞ THÀNH THẦY DÒNG THẬT, THẦY DÒNG THÁNH”

 

Savio Vinh. PS

 

      Lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về việc “nên thánh” cứ vang vọng trong tôi, nhắc cho tôi nhớ lại những gì khi còn nhỏ tôi bị cuốn hút vào đó là những câu chuyện trong “sấm truyền cũ” và các câu chuyện về cuộc đời của các vị thánh. Chính chứng từ sống động của họ – chứ không phải những lời hùng biện -, đã lay chuyển bao tâm hồn đi tìm Chân, Thiện, Mỹ. Vì sống như một chứng nhân, các ngài đã trở nên thầy dạy qua mọi thời gian, và “tiếng các ngài vang cùng trái đất.”

      Tôi nhớ rõ, chính những “chuyện các thánh”, nơi ghi lại cách sống thánh thiện, an hòa và mối tình của các ngài dành cho Đức Giêsu rất cụ thể, đã làm cho tôi, dù chưa hiểu biết gì về Chúa, lại có thể đụng chạm, gặp gỡ được tình thương vô biên của Thiên Chúa. Và rồi “lời giảng vô thanh” kia đã thúc dục tôi đi tìm gặp Đấng đã biến đổi những con người bình thường kia trở thành thánh nhân. Rồi rất nhiều lần, trên hành trình cuộc sống, tôi đã gặp những người cũng bị cuốn hút vì “gương lành” nơi những chứng nhân của tình yêu Giêsu.

      Có một người đã đặt mục tiêu cho cuộc đời tôi “đi tu để nên thánh”, con người đó đã được cuốn hút bởi chính Vị Thầy Giêsu. Hôm nay tôi muốn mời quí độc giả cùng tôi hướng đến Cha Henri Denis Biển Đức Thuận, Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Nhân dịp kết thúc “Năm Đức Tin”, chúng ta được tái khởi động để “tái khám phá ra ý định làm thầy dòng của ngài”, để từ đó, chúng ta cùng Giáo Hội bước vào năm sống chiều kích “tái truyền giáo và tân phúc âm hoá”. Như thế đan sĩ cùng cảm thức với Giáo Hội để tái khám phá ơn gọi nên thánh và sứ vụ truyền giáo của mình. Nhưng để đạt được những mục tiêu đó, mỗi người trong chúng ta phải thực hiện công cuộc canh tân, khởi phát từ chính mình.

 

                  I. THẦY DÒNG THẬT

      Đọc lại hạnh tích và di ngôn của cha Biển Đức Thuận, chúng ta thấy rõ thao thức và trăn trở của ngài là trở nên “thầy dòng”. Nhưng thầy dòng như thế nào? Cả cuộc đời ngài là một hành trình đi tìm kiếm để sống ơn gọi làm “thầy dòng thật, thầy dòng thánh”. Mục tiêu đó được nhắm tới trong các giai đoạn khác nhau, từ ơn gọi trở thành thừa sai, để đến miền đất xa lạ với tư cách là một nhà truyền giáo nhiệt thành, một đan sĩ sống đời chiêm niệm. Ngài đã bỏ tất cả sau lưng, gia đình, quê hương mà không một lần trở lại… để chỉ hướng tới một điều: nên thánh và giúp người khác nên thánh. Những điều từ bỏ đầu tiên đó là tiền đề của chuỗi những từ bỏ liên tiếp.

      Cha Henri Denis đã rời chủng viện, không còn đảm nhận vai trò của một giáo sư, một công việc thật cao quí là truyền thụ kiến thức cho các linh mục tương lai. Có thể ngài vẫn là một linh mục thánh thiện trong vai trò một giáo sư, mang ích lợi cho Giáo Hội và cho người khác. Thế nhưng ngài vẫn thao thức để cho mọi người nhận biết Chúa. Phải nói chính tình yêu Đức Kitô đã thúc bách ngài đi ra khỏi mình để quan tâm đến người khác, vì phần rỗi người khác… Khi còn là một giáo sư, ngài đã hiện thực tư chất của một nhà mô phạm đầy kinh nghiệm trong công việc giáo dục, với trái tim và tinh thần “đầy Thần khí”. Dầu vậy, ngài không dừng lại và bằng lòng với chính mình mà còn mong ước cho nhiều người nhận biết Chúa hơn, cho khắp cả Đông Dương.

      Cha Henri Denis đón nhận bài sai để dấn thân mục vụ giáo xứ. Trong vai trò là cha xứ, ngài luôn lo lắng cho có nhiều người trở lại đạo. Công việc này là một thách đố lớn, không dễ dàng, vì còn phải lo cho người có đạo và những người chưa biết Chúa. Ngài đã viết cho song thân về sự kiện ngài bị khánh kiệt vì công cuộc này.

      Điều ngài khao khát khôn nguôi ngay giữa công việc mục vụ, đó là muốn trở thành thầy dòng, “thầy dòng thật và thầy dòng thánh”, không những cho chính bản thân mà cho mọi tâm hồn thiện chí muốn sống đời đan tu.

      Dù rằng gặp trở ngại từ nhiều phía, ngài vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được “ước mơ” trở thành thầy dòng, và một đan viện được thành hình. Với cơ thể “thiếu năm mươi tư ký mới đủ một trăm cân”, nhưng cha có một ý chí quật cường, đức tin kiên vững, dấn thân bắt tay xây dựng dòng Đức Bà Việt Nam tại Phước Sơn.

      Trong các lá thư và những lời Giáo huấn của mình, Cha Tổ Phụ Biển ĐứcThuận đã cho chúng ta thấy điều trăn trở hàng đầu của ngài là muốn có “những thầy dòng thật và thánh”. Như vậy ngài mở ra một hướng nhắm tới cho đan viện tương lai, để tránh những cách sống không đúng với bản chất của thầy dòng. Có thể đó là những thầy dòng nhãn hiệu, thiếu thực chất, vì thói đời và tính thế gian còn quá mạnh nơi họ. Cha Tổ Phụ đã nói đến mối nguy cơ của “nhà dòng hư” khi các thành viên ăn nói, xử sự “như người đời”, nghĩa là theo lề thói thế gian.

      Thế giới hôm nay tràn đầy những thứ giả, và người ta có thể làm giả bất cứ cái gì. Sự giả trá này chứng minh sự sa đoạ và lệch lạc của lương tâm con người đang hướng về sự xấu. Từ nhận thức lệch lạc và chủ thuyết tương đối hoá đến chủ nghĩa hưởng thụ và tục hóa, người ta sống vô cảm trước mọi đau khổ của người khác, sẵn sàng khai thác người khác để thủ lợi cho mình; trong đời tu một cách nào đó cũng chịu ảnh hưởng các trào lưu thế tục này. Do đó, cần một công cuộc canh tân để trở thành những tu sĩ thật sự và thánh thiện. Nghĩa là trở về với ơn gọi và căn tính của đời thánh hiến. Như thế, chúng ta mới có thể nói đến chứng từ đáng tin, chân thực cho thế giới đầy gian trá này và mới có thể rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô bằng những lời nói đi đôi với những hành động khả tín.

 

                  1/ Thầy dòng thật sống sự thật

      Đời thánh hiến là cuộc đời làm chứng nhân cho Chúa; mà Chúa Giêsu xác định với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Thánh Phaolô đã từng khuyên nhủ hai môn sinh của ngài là Timôthê và Titô về một đời sống tinh tuyền và không đáng trách, nghĩa là luôn sống dưới ánh sáng và là con cái của sự sáng. Thầy dòng sống sự thật là thầy dòng được chính Thánh Thần dẫn vào tương quan thân mật với Thiên Chúa trong sự gặp gỡ liên lỉ với Ngài. Cũng từ sự gặp gỡ đó mà đan sĩ hiểu ra chân lý của Thiên Chúa “chân lý toàn vẹn” (x.Ga 16,13). Chân lý đó là nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương, luôn quan tâm đến chúng ta (x. Ga 17,3).

      Sống sự thật là luôn sống theo chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần; chính Ngài là tác giả xây dựng ngôi đền Thiên Chúa. Chính Ngài cũng là chân lý dẫn đưa ta đến sự nhận biết về chính ta và bản chất tội lỗi nơi ta. Sống trong Thần Khí, theo Thần Khí chỉ dẫn là tránh xa những đam mê xác thịt; sống tự do làm con Thiên Chúa; hiểu ra được các giá trị của đau khổ (x. Rm 8,18).

      Thầy dòng sống sự thật là thầy dòng luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, và để Lời Chúa qui chiếu đời sống của mình. Vì chỉ có sự thật mới mang lại tự do, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “sự thật sẽ giải thoát các con” (Ga 8,34). Trong giờ phút linh thiêng khi cầu nguyện, Chúa Giêsu đã xin cùng Chúa Cha thánh hiến các môn đệ của Ngài: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ, lời Cha là sự thật” (Ga 17,17).

      Khi nói đến sự thật, là đề cập một vấn đề khó khăn gây nhức nhối cho những ai thao thức với vận mệnh của con người, của đời sống thánh hiến tu trì, khi mà chuyện “gian lận” xảy ra như là “chuyện bình thường”. Giả dối là một lối sống khá phổ biến trong rất nhiều môi trường, nơi học đường, công sở, trong gia đình và ngay cả trong cộng đoàn tu trì.

      Nếu sống trong môi trường có nhiều gian dối, khó tránh khỏi tầm ảnh hưởng trên sự phán đoán và hành động. Người ta sẽ bất chấp lương tâm, không để ý đến công bình, và đánh mất sự liêm chính. Người ta thích gian dối hơn sự thật. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng…” (Ga 1,5). “vì các việc họ làm đều xấu xa còn những kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách… thiên hạ thấy việc họ làm thực hiện trong Thiên Chúa”

      Xin đề nghị một vài yếu tố để có thể sống sự thật, và tiến tới “thầy dòng thật”.

 

                  a. Yêu mến sự thật.

      Sự thật đáng quí, ai cũng mến chuộng cả; chỉ những ai có tâm hồn tà vạy, mới sợ hãi phải đối diện với sự thật.

+ Sự thật sẽ đem lại cho chúng ta sự tự do của con cái Thiên Chúa. Gian dối được coi là mưu mô của ma quỉ, nhằm dẫn đưa chúng ta đến chỗ thoả hiệp và đi tìm những cái thấp hèn. Khi đã thành tội, nó trói cột ta vào lo lắng, sợ hãi và lúc nào cũng sống trong hồi hộp, bất an. Chỉ ai sống sự thật với lương tâm, với ý thức mới là người bình an thật.

+ Người sống sự thật là đi theo và tuân thủ những chỉ dẫn và đòi hỏi của Tin Mừng. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã lên án thái độ sống không thật của những người biệt phái: họ không có Lời Chúa cư ngụ trong lòng, và vì thế, họ hành xử chỉ để tôn vinh mình và tôn vinh lẫn nhau, thay vì tôn vinh Thiên Chúa. Họ xây dựng một hệ thống trên nền tảng luật lệ con người. Như vậy, sống thật luôn là một thách đố cho những ai tin vào Thiên Chúa, yêu mến sự thật.

 

                  b/ Xét xử trong sự thật

      Trong Tin Mừng, chúng ta thấy chỉ vì đã nói sự thật mà đầu thánh Gioan Tẩy Giả rơi xuống, bởi một vị vua coi trò giải trí, coi danh dự lời nói hơn mạng sống một người công chính. Mạng sống con người thua một vũ điệu! Quan tổng trấn Philatô, chỉ vì sợ hãi mà không dám đứng về phía sự thật, ông không hiểu “sự thật là gì.”

      Phán đoán theo sự thật là nhận diện thực tại trong ánh sáng Lời Chúa. Chính vì khi người ta đặt cái tôi, quyền lực, tiền bạc và biết bao điều khác lên trên giá trị hướng dẫn của Lời Chúa, thì lúc đó đã thiếu vắng sự thật.

      Thánh Biển Đức, trong chương 7 nói về đức khiêm nhường, đã cho thấy ở bậc thứ nhất và thứ bảy đều nêu lên sự quan trọng khi ta ý thức mình là gì trước mặt Thiên Chúa, điều đó giúp ta sống thật như “mình là”, không ảo tưởng về chính mình nữa. Khi nhận biết mọi sự trong sự thật, là nhìn vạn vật với thực chất của nó, không tôn thờ và đẩy nó lên trở thành thần tượng. Hiện trạng hôm nay cho thấy người ta tôn thờ thành công bằng cách “tiến thân” bất chấp giá trị luân lý, giá trị văn hoá, miễn là thành đạt, có quyền và có tiền là được.

      Đan sĩ cũng bị “thị trường hoá ơn gọi” tức là bị đẩy đến lối sống thực dụng và đi tìm kiếm sự hiện diện giữa đời với thành công và danh vọng, coi đời tu như một phương tiện, một cơ hội để thể hiện bản thân và tài năng của mình. Một khi cuộc sống chỉ đi tìm tiến thân sẽ dẫn đến sống thiếu vắng sự thật trong nhận thức và lối sống; họ tìm cách bưng bít, che đậy để có cơ may thành đạt. Sống thật không những phải nhận thức rõ bản chất của mọi sự để có phán đoán cho công tâm; mà còn phải gây dựng men muối của sự thật giữa nền văn minh sự chết.

 

                  c/ Làm chứng cho sự thật

      Thầy dòng phải là người làm chứng cho Sự thật, “vì qua việc làm của các con, mà người ta ca tụng Cha trên trời”, luôn làm chứng tá bằng đời sống của mình và thường xuyên tâm niệm “ánh mắt Thiên Chúa ngày đêm xem xét” mình. Nên dù phải sống có thiệt thòi đôi chút thì họ vẫn ý thức mình đang sống đúng bản chất của con cái Thiên Chúa.

      Để sống sự thật, đan sĩ phải được bén rễ sâu từ sự gặp gỡ với Lời Chúa, để Lời Chúa biến đổi. Sự biến đổi mà Cha Tổ Phụ gọi là “giết con người cũ” để biết suy xét, sống như thầy dòng. Trong lá thư gửi cho mẹ ngài, Cha Tổ Phụ đã nói “việc khó không phải là ăn chay, đánh tội, thức khuya dậy sớm mà là sống như thầy dòng, suy xét như thầy dòng”. Thật vậy, vì sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian đã là điều khó với đan sĩ ngày xưa; thì với đan sĩ ngày nay, được sống trong các văn hoá của thế giới thông tin mạng, việc trở nên thầy dòng, và suy xét như thầy dòng quả là một thách đố không nhỏ.

      Khi sống như thầy dòng, suy xét như thầy dòng là đan sĩ đã diễn tả được sứ điệp Lời Chúa qua cuộc sống. Phần nhiều, người ta dễ bị chinh phục bởi các đan sĩ có cách sống đơn sơ, thanh thoát; hơn một đan sĩ có ngôn từ và cung cách tiến bộ “của thời thượng”. Vì người ta mong muốn đan sĩ phải là người của Chúa, có Chúa, để để cầu nguyện cho họ.

      Đan sĩ lấy Đức Kitô làm mẫu gương, và học tập lối sống của thầy Chí Thánh qua Lời Chúa và “không lấy gì làm hơn Đức Kitô”, “không gì hơn tình yêu của Đức Kitô”. Từ đó dù gặp thuận lợi, hay khó khăn, đan sĩ luôn sống tâm tình tạ ơn Chúa; “cho dẫu cháy nhà, hay bị đổi đi nơi khác vẫn bình an”, vì biết mình đã chiếm được kho tàng mà không ai có thể dành được là chính Đức Kitô và tình yêu của Ngài.

      Thầy dòng thật là thầy dòng sống với những hồng ân mà Thiên Chúa trao tặng cho mình. Chính Chúa dựng nên chúng ta cho Chúa và Ngài gọi mỗi người vì chính họ và vì Ngài muốn (x. Mc 3,16). Ngài ban cho họ có khả năng chu toàn ơn gọi của mình. Trong cái nhìn tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta làm đan sĩ cũng là một điều khó hiểu! nhưng Ngài gọi tôi vì Ngài muốn. Tôi phải sống ơn gọi của tôi bằng chính con người của mình và để cho ơn Chúa và tình thương của Ngài hoạt động trong tôi. Thánh Phaolô đã phải thốt lên cùng mọi người dân Corintô “tôi có là gì là bởi ơn Chúa” nên ngài cố gắng “không để cho ơn Chúa ban cho mình ra vô ích”.

      Đan sĩ cần sống sự khiêm tốn này, vì đó là nền tảng và bản chất đời đan tu.  Ý thức kho tàng của mình là chính Chúa, nên mỗi ngày đan sĩ cố gắng trở nên thầy dòng thật. Thầy dòng thật luôn ý thức đang đi tìm kho tàng Nước Trời, đang cố gắng hoạ lại con người của Đức Giêsu. Thầy dòng thật cả khi sống với nhau trong việc đón nhận người khác là chính họ, với những giới hạn giới hạn của họ. Chúng ta ý thức người anh em là người Chúa chọn như họ là, và cần thiết ở bên tôi để tôi có cơ hội nên thánh.

 

                  II. THẦY DÒNG THÁNH

      Bản chất của người Kitô hữu là được gọi để nên thánh; vì Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, và cho con người thông chia sự thánh thiện của Ngài. Bởi thế, Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhưng do tham vọng con người đã nghiêng chiều theo điều xấu, đi tìm ý riêng của mình, nên đã đánh mất ân sủng và cách xa Thiên Chúa.

      Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “thành công lớn nhất của đời người là nên thánh” và như vậy chúng ta có thể nói: nếu con người không đạt được sự thánh thiện là một thất bại lớn nhất của con người.

      Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận luôn tập chú vào sự nên thánh ở nơi bản thân ngài, và dạy các môn sinh luôn ước ao vươn tới sự thánh thiện của một thầy dòng. Để sống làm một thầy dòng thánh thiện không phải là dễ, như đã khẳng định, nhưng không phải là không đạt được. Chính lòng khao khát giúp con người vươn tới điều mong ước, như thánh Augustino đã trải nghiệm khi thân thưa với Chúa: “Lòng con khao khát mãi, cho đến lúc được nghỉ yên trong Chúa”. Niềm khao khát đó rất cần thiết để “ở với Chúa” và được Ngài sai đi. Vì chỉ khi người đan sĩ trở nên thầy dòng thánh thiện mới có ích cho Giáo Hội. Vậy để trở thành thầy dòng thánh thiện chúng ta phải là con người cầu nguyện, hít thở và dìm mình trong sự gặp gỡ Thiên Chúa liên lỷ.

      Thầy dòng thánh là thầy dòng biết sống mầu nhiệm thập giá của Đức Giêsu trong ơn gọi của mình, là một hành trình tiến về nhà Cha bằng cách đi qua cửa hẹp. Cửa hẹp này được Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận gọi là sự hãm mình, nghĩa là tiết chế trước những hưởng thụ và vô trật tự. Cho nên thầy dòng thánh luôn được hiểu như người biết từ bỏ những cám dỗ của ma quỉ, xác thịt và thế gian để sống cho Chúa và cho anh em.

      Sự hãm mình bên trong xuất phát từ một cảm nghiệm gặp gỡ được Thiên Chúa, và con tim được Ngài chiếm hữu, một tâm hồn thánh muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Tình quân. Vì thế, tâm hồn say sưa chiêm ngắm Thiên Chúa qua Ngôi Lời Nhập Thể và tìm dịp để có thể diễn tả hy sinh chứng tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa, “Đấng đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi”. Như vậy hãm mình bề trong lại là điều Thiên Chúa yêu thích hơn cả. Vì nó diễn tả tâm tình sâu kín và chi phối mọi chọn lựa trong cuộc sống của đan sĩ.

      Còn hãm mình bề ngoài, là cách diễn tả đức tin và tình yêu sâu xa của một tâm hồn đã được Chúa cuốn hút. Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Thật vậy, đức tin là tâm tình sâu xa, nó được cụ thể bằng hành động. Đức tin được củng cố bằng lòng cậy trông. Làm sao cậy trông nếu tâm hồn không yêu mến? mức độ yêu mến tỉ lệ thuận với đức tin và đức cậy. Mà tin và cậy là gì? chẳng ai hiểu nếu không phải ngôn ngữ của đức tin và đức cậy chính là đức ái. Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12). Đức ái được đức tin hướng dẫn để đạt đến sự thánh thiện của tình yêu. Đan sĩ học được nơi Đức Giêsu tình yêu thánh thiện đó, và vươn lên tầm vóc viên mãn của Đức Giêsu Kitô. Bởi thế, chính tình yêu của Đức Kitô thúc bách đan sĩ dấn thân phục vụ Tin Mừng không mệt mỏi.

– Đan sĩ nên thánh là để cho ơn thánh sủng hoạt động nơi mình, luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, ngước nhìn lên Chúa, noi gương Chúa và Lời Chúa là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Như thánh Phêrô đã nhờ ánh mắt của Chúa để hối cải và trở lại. Một khi sống sự hiện diện của Chúa, chắc chắn đan sĩ không sống giả dối hai mặt.

– Đan sĩ thánh thiện cũng là thầy dòng sống luật Chúa và luật dòng. Trong Cựu ước Thiên Chúa hứa với dân Israel “nếu các người tuân giữ luật Ta, và đi trước mặt ta, ta sẽ làm cho ngươi trở thành một dân tộc lớn, lại sẽ bảo vệ ngươi…”. Cha Tổ Phụ thường nhắc nhở các đan sĩ của ngài: “muốn nên thánh phải giữ luật dòng”.

 

                  THAY LỜI KẾT

      Với một vài ý tưởng nhỏ bé, người viết muốn diễn đạt một chút mong ước cá nhân khởi đi từ khao khát của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận là có những “thầy dòng thật và thầy dòng thánh”. Đó cũng là điều Giáo Hội muốn có nơi những người sống ơn gọi thánh hiến. Sống thật và sống thánh không gì khác hơn là sống noi theo gương Chúa Kitô. Thế nhưng, đan sĩ vẫn là những con người mỏng dòn, bị cuốn hút bởi những trào lưu tục hóa và chủ thuyết tương đối, nên họ cần phải chiến đấu cách mạnh mẽ, kiên trì trong cuộc chiến thiêng liêng, để không những chính mình được tỏa sáng bởi ánh sáng của Chúa Kitô và Tin Mừng, mà còn cho bao nhiêu người khác trong xã hội đang cần đến ánh sáng cứu độ của Chúa. Muốn được vậy, không gì khác hơn đan sĩ phải tái khám phá căn tính của đời tu. Như thế, khi sống thật và sống thánh, đan sĩ sẽ góp phần chuyển tải dưỡng chất cho toàn thân cây là Giáo Hội, xây dựng nền văn minh tình thương trong xã hội và hiện thực công cuộc canh tân, bắt đầu từ bản thân rồi lan rộng ra môi trường chung quanh. Phải chăng đó là bước đi cần thiết mà mỗi chúng ta sẽ thực hiện cho một tương lai tươi sáng, cho một mùa xuân đang đến.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...