VỊ TRÍ CỦA LỜI CHÚA TRONG ĐỜI TU
(Bài Suy Niệm Thứ 7 tuần XXVII TN)
Báo Công giáo & dân tộc số 2120 tuần lễ từ 25 tháng 8 đến 31 tháng 8 năm 2017, tr. 28 đăng bài tường thuật LỚP HỌC KINH THÁNH Ở NHÀ TRẮNG của tác giả Định Nguyễn dựa theo tin từ đài Christian Broadcasting Network, cho biết: “Mỗi tuần, nhiều thành viên nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tề tựu trong lớp học về Kinh Thánh được tổ chức tại Nhà Trắng, giúp họ có biệt danh “nội các sùng đạo nhất trong lịch sử”.
Thánh Augustino gọi Kinh Thánh là bức thư tình. Thư tình đối với người yêu thì vô cùng quí, quan trọng, đọc đi đọc lại và gìn giữ nó. Như vậy vai trò của Lời Chúa cần thiết và quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống, đặc biệt trong đời sống đức tin, đời sống đạo của mọi Kitô hữu, đặc biệt trong đời thánh hiến của các tu sĩ chúng ta.
Các bài Kinh Thánh của ngày Thứ 7 tuần XXVII TN hôm nay nói đến vai trò của Lời Chúa trong cuộc sống chúng ta. Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi (x. Tv 118, 105). Lời Chúa rất quan trọng trong đời sống của hết mọi người Kitô hữu, đặc biệt là người sống đời thánh hiến. Bởi vì nhờ Lời Chúa, chúng ta biết được chính Chúa và biết được cách sống sao cho đẹp lòng Ngài; đồng thời cũng biết cách sống tốt với nhau. Ngày sống của chúng ta sẽ được trải dài trên giáo huấn của Lời Chúa và mọi giây phút sống của chúng ta sẽ được Lời Chúa hướng dẫn và thánh hoá.
Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý về Mặc Khải đã khẳng định: “Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (MK, số 21). Còn khi nói riêng về Lời Chúa, Công Đồng tiếp: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (MK, số 21).
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới ngài viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta” (Tông thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới – NOVO MILLENNIO INUENTE, số 39).
Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Lời Chúa còn là sự thật, sự sống và đem lại tự do cho cuộc đời chúng ta. Đầu tư cho việc học hỏi, suy gẫm và sống Lời Chúa là một chọn lựa đúng đắn và khôn ngoan. Việc suy niệm Lời Chúa trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của những người thánh hiến. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (x. Lc 10, 42).
Lời Chúa không những dẫn chúng ta đến chân lý mà chính Lời Chúa là chân lý (2Cr 6,7; Ep 1, 30). Nhưng là chân lý nào? Lời Chúa “mạc khải chính Chúa và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài”. Ý muốn của Thiên Chúa là con người được nhận biết chân lý và được ơn cứu độ (1Tm 2, 4). Nói cách khác, Lời Chúa mạc khải những chân lý về Thiên Chúa và con người.
Đúc kết được những giá trị tuyệt vời từ Lời Chúa mang đến cho đời sống Giáo Hội, cũng như cho ơn gọi thánh hiến, Công đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Canh tân Dòng Tu, đã nhắc nhở các tu sĩ rằng: “Trước hết hằng ngày phải có cuốn Thánh Kinh trong tay, để nhờ đọc và suy gẫm mà học được những kiến thức siêu việt về Chúa Giêsu” (PC, số 6).
Tuy nhiên “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy” (Dt 4, 12). Vì thế sống lời Chúa không phải dễ, áp dụng Lời Chúa cách triệt để chắc chắn sẽ bị thiệt, bị khổ, bị phiền phức đủ thứ tuy nhiên đó lại là con đường chắc chắn nhất để được hưởng hạnh phúc nước trời.
Có thể kể ra đây một vài mẫu gương sống lời Chúa trong đời mình:
– Thánh Antôn Ẩn Tu khi nghe câu Kinh Thánh: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19, 21). Và Ngài đã thực hiện y như vậy.
– Câu Kinh Thánh làm khiến Thánh Kolbe dám chết cho người bạn tù của mình đó là: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
– Còn Thánh Têphanô ngay lúc trước khi chết ông cầu xin Chúa tha thứ cho kẻ ghét mình, giết mình, giống y lời của Chúa Giêsu trên thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
– Các thánh tử đạo cũng vậy: dù bị bắt bớ, đánh đập và bị giết chết nhưng không từ bỏ đức tin. Các ngài ý thức và sống với câu lời Chúa: “ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( Mc 8, 35).
Khi áp dụng Lời Kinh Thánh mình nghe, mình đọc, nghiền ngẫm vào trong đời sống đức tin, trong đời tu của chúng ta thì không dễ dàng gì cả: chẳng hạn sự đòi hỏi của Tin mừng về lòng bao dung tha thứ, không lên án, khinh khi người khác,…vv. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự yếu đuối, giới hạn và bất toàn của mình khi đem Lời Chúa vào cuộc sống. Vậy thì chúng ta khiêm tốn nài xin Chúa giúp cho chúng ta say yêu Lời Chúa hơn và dám can đảm sống Lời Chúa mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Noi theo gương Mẹ Maria và các thánh, chúng ta hãy đón nhận lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Lời Chúa cũng là vũ khí giúp cho sứ mạng truyền giáo của chúng ta được kết quả. Được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ quả quyết như tiên tri Giêrêmia: “Lời Chúa trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con” (Gr 15, 16). Niềm vui cũng như ơn thánh đón nhận từ Lời Chúa không giữ riêng cho mình nhưng chúng ta hãy chia sẻ cho anh chị em của mình. Amen.
Mai Thi