Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

XUÂN ĐỜI VÀ XUÂN VĨNH CỬU

Suy niệm MỒNG MỘT TẾT TÂN NIÊN Mẫu B

XUÂN ĐỜI VÀ XUÂN VĨNH CỬU

FM. Augustino (Phước Hải)

Tôi hay nói đùa, “Tết và Chết gần với nhau” vì trong cách phát âm nghe gần giống nhau bởi hai từ này có cùng vần đuôi là vần “ết”, Tết là khởi đầu cho một năm mới, còn Chết lại là kết thúc một cuộc hành trình đi về, về nhà Cha, nhưng lại là khởi đầu cho một cuộc sống mới, cái Tết vĩnh cửu. Thiên Chúa nói, Ngài là Alpha và Omega, là khởi nguyên và là cùng tận (x. Kh 21,6). Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn, làm chủ mọi thời gian, không gian, là Chúa Xuân, dù là Xuân đời hay Xuân vĩnh cửu. Thoạt nhiên, có người sẽ phản đối rằng tôi tiêu cực khi liên tưởng đến những tốn kém và nỗi nhọc nhằn vất vả mà mỗi nhà, mỗi cộng đoàn phải trải qua trong dịp Tết đến Xuân về, hoặc những tai nạn bất trắc có thể xảy đến trong khi người ta chè chén, cờ bạc, vui chơi, chúc Tết, du xuân trong dịp này… Thực ra, niềm vui và nỗi buồn luôn song hành cùng nhau trong cuộc sống vô thường này giống như hai mặt khác nhau của đồng tiền. Vì thế, chúng ta đừng vui vẻ quá trớn mà thiếu đi sự chừng mực, cẩn trọng cần thiết trong dịp Tết. Cái gì cũng vậy, chứ không riêng vấn đề Tết. Vậy trong khi vui mừng đón Tết trên quê hương Việt Nam thân yêu, chúng ta cũng không quên chuẩn bị sẵn sàng cho Mùa Xuân vĩnh cửu trên quê trời.

  1. Xuân đời và Xuân vĩnh cửu.

Nói đến mùa xuân hay nói đến dịp Tết đến Xuân về, chúng ta cảm thấy một bầu khí thật phấn khởi, vui tươi, rộn ràng trong lòng cũng như cuộc sống xung quanh chúng ta. Nhà nhà, người người đua nhau quét tước dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, may sắm quần áo mới. Chợ búa, các Spa thẩm mỹ và các hair salon (làm tóc, móng) đông nghịt người, các gam màu sáng tươi được sử dụng nhiều trong trang trí, buôn bán….Đến các bài đọc Lời Chúa mà Giáo Hội dọn cho chúng ta hôm nay cũng tràn ngập ánh sáng, niềm vui và hy vọng.

Bài trích sách Isaia và Khải huyền vẽ ra một viễn cảnh thật đẹp, thật tươi vui về một trời mới đất mới, một thế giới mới chỉ toàn niềm vui. Những từ: “vui mừng, hỷ hoan, nhảy mừng…” được lập đi lập lại cả thảy sáu lần. Cái nhịp điệu mừng vui này như biến thành những bước nhảy, cuốn hút mọi người vào vũ điệu của nó để mọi người cùng nhau nhảy múa, cả Đức Chúa, người có sáng kiến tạo dựng trời mới đất mới, lẫn ngôn sứ Isaia, sứ ngôn của Ngài và cả với dân nghe ông nói và ngay cả chúng ta, những người bây giờ đang đọc lời Chúa cũng bị thu hút vào vũ điệu vui mừng ấy (x. Is 65,19). Ta có thể gọi đây là sự lan toả của niềm vui. Những ngôn từ sáng sủa tươi vui ấy, có sức tác động lên tâm lý và giác quan của ta, làm ta cũng cảm thấy một niềm vui vẻ phấn khởi dạt dào.

Những gì người ta thường hay cầu chúc cho nhau trong dịp đầu năm là Phúc – Lộc – Thọ thì ta thấy đều được thoả mãn trong đoạn sách Isaia hôm nay. Cái Phúc, hạnh phúc nằm ở chỗ “vui mừng, hoan hỷ, không còn tiếng than khóc kêu la…” (x. Is 65,18-19). Cái Thọ nằm ở chỗ: “không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa” (Is 65,20). Còn cái Lộc thể hiện ở chỗ: “xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái” (Is 65,20), tức là được hưởng huê lợi do tay mình làm ra, không còn chịu cảnh bất công, áp bức, bóc lột, khổ ải như trước nữa.

Cảnh tượng trong sách Khải Huyền cũng được thánh Gioan miêu tả vui tươi không kém, những gì cũ kỹ, những gì bất toàn đã qua đi, ngay cả biển cũng không còn (x. Kh 21,1). Biển là biểu tượng cho sự hỗn mang, cho mãnh lực sự dữ, cho thuỷ quái, cho những gì tối tăm, lạnh lẽo. Đức Phật gọi cuộc đời là bể khổ, Đức Giêsu đã từng đuổi đạo binh quỷ ra khỏi một người bị chúng nhập, sau khi xuất khỏi anh ta, chúng xin Ngài nhập vào bầy heo chừng hai ngàn con và cả bầy đều lao xuống biển chết hết, cho thấy biển cả như là nhà ở, là nơi cư ngụ của quỷ thần vậy (x. Mc 5,1-20). Bão táp, sóng to gió lớn của biển như những gian nan, thử thách, khó khăn cuộc đời mà con người phải trải qua. Tin mừng nhiều lần thuật lại việc các tông đồ phải đối mặt, chèo chống với sóng to gió lớn lênh đênh trên biển cả tới hồn xiêu phách lạc, và chỉ khi Chúa Giêsu can thiệp và lên tiếng thì bão tố mới chịu tắt đi bởi uy lực của Ngài mạnh hơn chúng (x. Lc 8,22-25; Mc 4,35-41). Hay nói cách khác, chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát chúng ta ra khỏi những bất trắc, đau khổ của thế gian này, Đức Giêsu chính là cái phao cứu hộ để chúng ta chìa tay với lấy mỗi khi tưởng chừng bị biển cả cuộc đời vùi lấp. Thật bình an làm sao khi mãnh lực sự dữ không còn nữa, ngày đầu xuân mọi người vẫn cầu xin cho được bình an là thế.

Giêrusalem mới như tân nương trang điểm để đón tân lang, một cảnh tượng của niềm vui sum họp, đoàn tụ của những người yêu nhau, đấy cũng là niềm vui đón Tết sum vầy, con người không chỉ được sum vầy bên nhau, mà một niềm vui còn lớn lao hơn gấp bội, đó là họ có Chúa ở cùng họ “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ” (Kh 21,3). Chính Ngài là bình an, là phúc lành của con người. Tất cả những lời nguyện chúc tốt lành đều phải dựa vào Thiên Chúa là chủ thể ban phát mọi ơn lành cho con người. Đây là thời điểm thuận lợi “Thiên thời, địa lợi nhân hòa”. Lúc này trời đất thiên nhiên vạn vật, Thiên Chúa và con người như hòa quyện và sống an hòa bên nhau, không còn điều gì gây xung khắc, trở ngại cho mối giao hảo này nữa.

“Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Đây là những lời ăn tiền nhất đây, những lời ban lại cho các tín hữu một niềm hy vọng tràn trề để sống kiếp lữ hành này, đây như một lời khích lệ, một lời an ủi giúp cho họ can đảm, dấn thân làm điều thiện và vượt mọi trở ngại trong hiện tại để hy vọng có cái ngày này. Chúa lại phán: “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật” (Kh 21,5). Chúng ta như được củng cố thêm đức tin vào Lời Chúa hứa, thêm xác tín vào niềm hy vọng của mình. Trong ngày này, mọi nguyện ước và mọi nỗi khát khao của con người như được thỏa mãn: “Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền” (Kh 21,6). Về tinh thần thì được vui mừng, phấn khởi đã đành, về vật chất cũng chẳng phải vất vả lo toan. Tắt một lời, đây quả là cuộc sống đáng ước mong, một cuộc sống đầy tràn, sung mãn mà mọi người đều mơ ước có được.

  1. Từ Xuân đời tiến về Xuân vĩnh cửu.

Câu hỏi mỗi người sẽ đặt ra là, làm sao để có thể hưởng được mùa xuân vĩnh cửu mà Chúa hứa ban? Câu trả lời là, hãy làm theo sự chỉ dẫn của Chúa, nhất là nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời được mặc lấy xác phàm, hạ thân xuống thế làm người để chỉ cho con người con đường về quê trời và an hưởng Mùa Xuân vĩnh cửu bên Thiên Chúa. Ta hãy lắng nghe Ngài hướng dẫn chúng ta qua đoạn tin mừng hôm nay:

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: ‘hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: ‘hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em…Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,43-45.48). Đây có thể được coi là một trong những giáo huấn quan trọng nhất của Đức Kitô chỉ cho ta con đường tới đỉnh cao trọn lành của Kitô giáo. Đây là một trong những điều luật Môsê đã được Đức Giêsu kiện toàn, tức là đã được nâng cấp, phát triển và hoàn thiện. Ta biết quá trình huấn luyện không phải chỉ có thể thực hiện trong chớp nhoáng mà thành tựu, nhưng đòi hỏi một quá trình tiệm tiến, từ từ để phù hợp với nhận thức và mức độ cảm thụ của người thụ huấn. Đối với dân Israel cũng vậy. Thiên Chúa ban cho họ lề luật qua Môsê để giúp họ sống tốt và trung thành theo đường lối Chúa mà phù hợp với nhận thức của họ khi đó. Luật Môsê được xem là đã tiến bộ lắm rồi so với luật lệ của các dân tộc xung quanh tại thời điểm đó. Luật Môsê dạy ta yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù, tức là vẫn còn phân biệt giữa bạn và thù. Điều này là cần thiết, vì Israel thời đó còn đang đối mặt với nhiều kẻ thù dân tộc nguy hiểm chứ chưa được bình ổn như bây giờ, nên người dân phải giữ khoảng cách an toàn với những kẻ thù dân tộc mình. Luật Môsê còn dạy ta yêu kẻ khác (đồng loại) như chính mình, để giúp đời sống chung có được sự bình đẳng, công bằng, tránh mọi hình thức áp bức bất công, bạo lực thái quá… Nhưng mức độ quân bình này thường bị thiên lệch về phía cá nhân mình, con người thường yêu bản thân mình hơn tha nhân, đó là bản năng tự vệ, yêu mình và chăm lo cho bản thân mà loài nào sinh ra cũng được Tạo Hoá phú bẩm cho để duy trì sự sống của mình. Tuy nhiên, đôi khi con người lại xử sự cách thái quá và trở nên ích kỷ với người khác. Nên Đức Giêsu đã đến và nâng cấp luật Môsê lên. Ngài mời gọi các môn đệ cũng là những ai đi theo Ngài bước lên một bước cao hơn, vượt qua giới hạn tự nhiên của con người để sống một cách lý trí hơn, tự do hơn và tự chủ hơn với mọi cảm xúc tiêu cực của bản thân đối với người khác, để có thể yêu thương những người mà mình thấy họ chả có gì đáng yêu thậm chí là đáng ghét. Thiên Chúa đòi hỏi ta một điều không dễ chút nào, vì Ngài muốn ta trở nên con cái đích thực của Ngài để đồng thừa tự với con của Ngài là Đức Giêsu, Đấng đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Đối với loài người dường như không thể nếu chỉ dựa vào sức riêng mình, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể nếu ta biết cậy dựa và kêu cầu với Ngài. Chúng ta cần xác tín vào Lời Chúa phán với thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).

Lạy Chúa, ngày đầu năm mới này con xin dâng lên Chúa quê hương đất nước Việt Nam, gia đình, Hội dòng, thân bằng quyến thuộc thân yêu, thân nhân, ân nhân, bạn hữu xa gần, những người con đã biết cũng như chưa biết, những người con thương yêu cũng như những người con chưa thể yêu và muốn yêu. Xin Chúa chúc lành cho mọi người, mọi nhà trong năm mới này: Một mùa Xuân Vui – Xuân Tươi – Xuân Hy Vọng – Xuân Tấn Tới – và Xuân Yêu Thương.  

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...