Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

YÊU THƯƠNG TRONG ĐỜI THƯỜNG (M. François De Sales An Phước)

CHÚA NHẬT 6-B PHỤC SINH (Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1 Ga 4,7-10; Ga 15,9-17)

 

YÊU THƯƠNG TRONG ĐỜI THƯỜNG

(M. François De Sales An Phước)

            I. Chuyện về ông bố trần gian

Ông bố đi làm về rất muộn, mệt mỏi và bực bội sau một ngày bận rộn ở cơ quan. Ông vừa về đến nhà, đứa con trai nhỏ đã ngồi chờ từ lúc nào và hỏi:

– Bố ơi, con hỏi bố một câu được không?

– Được chứ, con hỏi gì – Ông bố đáp.

– Bố ơi, bố làm được bao nhiêu tiền một tiếng đồng hồ?

– Đó không phải là việc của con. Mà tại sao con lại hỏi một việc như thế hả ? – Ông bố hết kiên nhẫn.

– Con muốn biết mà – đứa con nài nỉ.

– Nếu con cứ khăng khăng đòi biết, thì bố sẽ nói. Bố làm được hai đôla một giờ đồng hồ.

– Ôi – đứa bé rụt rè hỏi – bố cho con vay một đôla được không?

Ông bố rất bực mình:

– Nếu lý do duy nhất con muốn biết bố làm được bao nhiêu tiền chỉ là để vay mà mua mấy thứ đồ chơi vớ vẩn, thế thì mời con đi ngay vào phòng mình và ngủ đi. Hãy nghĩ xem tại sao con lại ích kỷ đến thế! Bố làm việc vất vả cả ngày, và không có thời gian cho những chuyện ấy đâu!

Đứa bé đi vào phòng đóng cửa. Ông bố ngồi xuống càng nghĩ càng cáu. Tại sao đứa con lại dám hỏi mình một câu như thế chứ?

Một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông bố nghĩ có thể đứa con rất cần tiền để mua một thứ gì đó, và nghĩ rằng mình đã quá nghiêm khắc với nó. Ông đi vào phòng con:

– Con trai ngủ chưa?

– Dạ, chưa ạ, con còn thức! – cậu bé nằm trên giường đáp.

– Bố suy nghĩ rồi, có thể bố đã quá nghiêm khắc. Đây là một đôla cho con.

Cậu bé cầm lấy, rồi thò tay xuống dưới gối, lôi ra những đồng xu bé vừa lấy từ con heo đất ra.

Ông bố thấy con có tiền từ trước lại cáu. Khi đứa con đang kiểm tiền, ông bố càu nhàu:

– Tại sao con lại vay thêm tiền khi con đã có rồi?

– Vì con chưa có đủ ạ! – Bỗng đứa trẻ ngẩng lên vui sướng – Bây giờ thì con có đủ rồi! Bố ơi, đây là hai đôla, con có thể mua một giờ trong thời gian của bố không?

 

           II. Người bố trong câu chuyện, bận “làm việc vất vả cả ngày”, cũng chỉ vì yêu thương con; nhưng người con vẫn không nhận ra tình yêu thương của bố dành cho mình, người con vẫn thấy thiếu… nên đã xin “mua một giờ trong thời gian của bố” để được “gặp” tình yêu thương của bố, để “chiếm” tình yêu thương của bố thành của mình. Vì con người chẳng những cần được yêu thương, cần yêu thương mà còn cần đụng chạm vào tình yêu thương. Dù việc đụng chạm tình yêu thương ấy chỉ là một cái ôm, chỉ là một vài phút gặp gỡ trong ngày. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II khẳng định : “Con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Con người vẫn là một cái gì không thể hiểu được đối với chính mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu thương, nếu không gặp tình yêu thương và không chiếm tình yêu thương thành của mình, không dự phần vào đó cách mãnh liệt” (x. Thông Điệp Redemptor Hominis, 10).

       Tình yêu thương giữa ông bố và người con hữu hình như thế, mà người con vẫn không nhận ra, có thể làm cho chúng ta hụt hẫng. Còn thánh sử Gioan lại nói “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8.16), mà Thiên Chúa thì “chẳng ai thấy bao giờ” (x. 1 Ga 4, 12a), một Tình Yêu của Đấng chúng ta chưa thấy bao giờ, còn khó khăn và trừu tượng, có thể chúng ta càng hụt hẫng hơn chăng. Nhưng Thiên Chúa đã bày tỏ Tình Yêu Thương cho con người qua Mầu Nhiệm Nhập Thể và ‘chốt lại’ ở Giới Răn Mới (x. Ga 13,34). Giới Răn Yêu Thương nhau, như thánh Gioan khẳng định : “Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo” (1 Ga 4,12).

        Đời sống mới của Kitô hữu là sống yêu thương. Sống yêu thương đặt căn bản trên chính Thiên Chúa là Tình Yêu. Thánh sử Gioan dù dùng kiểu nói “Thiên Chúa là Tình Yêu”, “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24), “Thiên Chúa là Ánh Sáng” (1 Ga 1,5) đều muốn nhắc nhở chúng ta về một sự thờ phượng mới và đích thực, trong tinh thần và sự thật, đòi hỏi chúng ta phải đi trong ánh sáng và hành động theo sự thật. Chúng ta là con cái của Sự Sáng nên đi trong ánh sáng, cũng vậy, chúng ta là con cái của Tình Yêu nên sống yêu thương.

            Khẳng định “Thiên Chúa là tình yêu”, đây không phải là một kiểu nói “nơi đầu môi chót lưỡi” (1 Ga 3,18), nhưng là tình yêu sáng tạo được biểu lộ bằng hành động cụ thể. Hành động cốt yếu của tình yêu Thiên Chúa : 1)- sai Con Một đến thế gian để chúng ta được sống ; 2)- yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người. Hồi tưởng câu chuyện khai đề, chúng ta nhận ra tình yêu thương của ông bố thế gian, có đó, nhưng cũng chỉ là tương đối. Khi chiêm ngắm hai hành động của Người Cha trên trời, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha chúng ta. Một người Cha lúc nào cũng nghĩ tới và lo lắng cho sự sống của con cái. Một người Cha lúc nào cũng yêu thương con cái trước khi con cái biết yêu mến mình.

           Tình Yêu Sáng Tạo của Thiên Chúa đã phong phú bao la, thì Tình Yêu Cứu Độ của Người lại còn đầy tràn sung mãn hơn nữa, vì Người đã không tiếc Con Một, là Chúa Giêsu “làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10). Tình Yêu Cứu Độ của Người là tột đỉnh của Mầu nhiệm Phục Sinh (Phụng Vụ Lời Chúa các Chúa Nhật Phục Sinh đều trình bày những khía cạnh khác nhau của Tình Yêu ấy). Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa được biểu lộ qua cái chết và sống lại của Chúa Giêsu :  Người đã chết để chuộc tội lỗi chúng ta và đã sống lại để ban cho chúng ta đời sống mới trong Thánh Thần. 

            Vậy bài học yêu thương thứ nhất thánh Gioan muốn lập lại ở đây là:  yêu thương nghĩa là trao tặng tất cả những gì mình có. Gương mẫu trao tặng là chính Thiên Chúa, vì Người đã “sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). Sự sống của chúng ta nặng ký hơn cả sự sống của Con Một Thiên Chúa. Bằng chứng là Chúa Giêsu đã thực sự chết trên thập giá vì ta. Người lấy cái chết để cho ta được sống, sống như con cái Thiên Chúa.

            Bài học yêu thương thứ hai là : nếu yêu thương đích thực thì phải biết đi trước. Thiên Chúa đã đi bước trước nhân loại. Người không chờ chúng ta đến với Người, nhưng Người đích thân đến với chúng ta trước. Người có sáng kiến đến với chúng ta trước qua Con Một là Chúa Giêsu. Người không đợi chúng ta đến tạ tội với Người, nhưng Người đến với chúng ta trước để “làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10).

           

           III. Với bản chất ích kỷ của con người, chúng ta khó mà chấp nhận hy sinh và đi bước trước trong tình yêu thương như Thiên Chúa đã làm. Chúng ta chỉ làm theo ý mình, lại tưởng như thế là đã đáp ứng được cho người khác. Tình yêu thương của chúng ta thường cân đo đong đếm, không dám “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2,7). Nhưng nếu chúng ta ‘ở lại’ trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm được những gì chúng ta không thể (x. Ga 15,5). 

          Nguồn gốc của tình yêu thương chính là Thiên Chúa, và nguồn gốc của chúng ta cũng chính từ Thiên Chúa mà ra, vì chúng ta “đã được Thiên Chúa sinh ra” (1 Ga 4,8) do tình yêu. Thiên Chúa đã sáng tạo chúng ta, đóng ấn tình yêu của Người, để chúng ta trở nên khí cụ đem tình yêu thương của Người đi khắp nơi, giống như Chúa Giêsu, Đấng đem lửa yêu thương của Thiên Chúa đến trần gian và mong ước ngọn lửa ấy bừng cháy lên (x. Lc 12,49). Vì chính Chúa Giêsu chọn chúng ta với mục đích là “cắt cử chúng ta để chúng ta ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của chúng ta tồn tại (x. Ga 15,16).

         ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta thực hành việc này bằng cách : sống nhân từ. Cụ thể : 1)- Đừng buôn chuyện, dừng lại việc xét đoán, và quan trọng nhất dừng lại việc tàn bạo. 2)- Tám Mối Phúc là lộ trình cho sự thánh thiện. Tập trung vào mối phúc: “Phúc cho ai biết xót thương”, thấy và hành động bằng lòng thương xót. Yêu Thương luôn luôn là điều dễ nói khó làm. ĐTC Phanxicô đã chỉ con đường nên thánh trong yêu thương không phải qua những gì vĩ đại, khác thường, nhưng là qua những cách cư xử thường ngày. Chỉ cần sống dễ thương như thế, người ta sẽ nhận ra chân tính của chúng ta là con Thiên Chúa và anh chị em với Chúa Giêsu (x. Tông Huấn “Gaudete et Exsultate” – ngày 09.04.2018).

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...