ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CỦA CHÚA
(Lc 2,16-21)
Luân An
Một trong những bài chia sẻ về Giáo lý Kinh Thánh một trăm tuần, đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã nói, một trong những cách cầu nguyện của người Kitô hữu đó là cầu nguyện hồi tưởng. Cầu nguyện hồi tưởng nghĩa là nhớ lại tất cả những biến cố trong quá khứ về bản thân, về gia đình, về cuộc sống, từ đó cảm ơn Chúa về tất cả những gì Ngài đã ban, đồng thời nghiệm ra thánh ý Chúa trong cuộc đời mình và chú tâm thực thi trong cuộc sống.
Mừng lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa hôm nay, các bài đọc Lời Chúa, cách riêng là bài Tin Mừng nhắc lại cho chúng ta một chi tiết quan trong đó là việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa: “Đức Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng”. Với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” và việc “Mẹ hằng ghi nhớ và suy gẫm Lời của Chúa”, phải chăng có sự liên đới?
Đọc lại Tín điều Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, chúng ta thấy hình ảnh Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa đã được báo trước trong Thánh Kinh. Tiên tri Isaia đã loan báo: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Lời tiên tri được thực hiện khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu… Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35). Thánh Phaolô viết: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Trong Tin Mừng Gioan, Đức Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (Ga 2,1; 19,26), và trong Tin Mừng Luca, Mẹ cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa đến thăm bà Elizabeth (Lc 1,43). Những bằng chứng mà tín điều trưng dẫn cùng với biến cố Mẹ sinh Chúa Giêsu trong hang đá, một cách nào đó cho chúng ta có thể nói tương quan giữa Đức Maria và Đức Giêsu là một tương quan huyết thống. Tuy nhiên, khi tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Giáo hội không dừng lại ở mối quan hệ này mà muốn nhắm tới một mối quan hệ cao hơn: “Quả thật, Tin Mừng đã nhiều lần nói đến mối quan hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh cho thấy mối quan hệ ấy không phải chỉ là mối quan hệ theo huyết thống. Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu không phải chỉ vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu tại hang đá Bêlem, đã cho bú mớm và nuôi dưỡng Ngài tại Nagiarét, mà hơn thế nữa vì Mẹ chính là người đã lắng nghe và thực hiện lời Chúa” (…).
Kinh Thánh đã nhiều lần trưng dẫn bằng chứng cho thấy điều này. Trong một lần đi rao giảng, một người phụ nữ đã chứng kiến những việc lạ lùng mà Đức Giêsu đã làm và nhất là trước giáo huấn của Ngài, bà đã lên tiếng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho thầy bú mớm” (Lc 11,27). Nhưng Chúa Giêsu đã mời người phụ nữ ấy đi xa hơn khi Ngài nói: “Đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).
Một lần khác, khi Đức Giêsu đang giảng dạy thì Đức Maria và các môn đệ đi tới và muốn gặp Ngài, nhưng vì đám đông nên không thể tiếp cận được. Người ta báo tin cho Ngài là có mẹ và anh em muốn gặp Ngài nhưng Ngài trả lời: “Mẹ và anh em ta là những người nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 19,21). Như vậy, đối với Đức Giêsu, sợi dây thắt chặt Ngài với Mẹ Ngài, đó chính là lòng tin, lòng mến được thể hiện một cách cụ thể qua việc lắng nghe và thực hiện lời Chúa.
Lắng nghe và thực thi Lời Thiên Chúa, đó là tiêu chuẩn để được xem là thành viên trong gia đình Chúa. Tiêu chuẩn này không có sự phân biệt đối xử, dù là người Samaria mà dân Do Thái vốn coi rẻ, cho là hạng lai căng, lạc đạo, nhưng đã biết chăm sóc cho kẻ bị cướp đánh trọng thương, vứt bỏ bên lề đường; hay người thu thuế bị xem là kẻ tội lỗi cấu kết với ngoại bang ức hiếp dân lành, cũng như những cô gái điếm bị xã hội gạt ra ngoài lề…nhưng khi gặp được Chúa, họ đã hoán cải, sửa đổi và thực thi những điều Ngài truyền dạy. Tóm lại, tất cả những ai biết lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa đều được ở trong quan hệ cứu chuộc với Chúa.
Mừng lễ Mẹ hôm nay, mỗi chúng ta tự kiểm điểm lại bản thân xem mình đã thực sự thuộc về gia đình Chúa hay chưa? Biết rằng, qua Bí tính Rửa tội mỗi chúng ta đã trở thành một thành viên trong nhà Chúa. Hình ảnh Đức Maria luôn ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa phải là gương soi để chúng ta nhìn vào để soi chiếu cuộc đời của mỗi chúng ta.