CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC CHÚA CHỌN CẢ HAI
Suy niệm Tin Mừng: Mc 1,29-39, Thứ 4, Tuần 1 Thường niên
M. Lasan Châu Sơn
Với nhịp sống hối hả đến chóng mặt như hiện nay, có người cho rằng: dành ra một khoảng thời gian để lo bổn phận thiêng liêng xem chừng khó quá, bởi suốt ngày bận rộn làm việc, đến tối thì lăn ra ngủ để lấy sức ngày mai làm việc tiếp. Nhịp sống cứ cuống cuồng như thế, lấy đâu ra thời gian rảnh rỗi mà cầu nguyện? Thôi thì làm việc cho tốt cũng là cầu nguyện rồi?
Tác hại của việc giảm thiểu, coi thường việc cầu nguyện, hẳn ai cũng đã thấy. Cha mẹ mê việc, con cái mê game, gia đình bất hạnh vì thiếu những giây phút quôi quần bên nhau cùng tham dự thánh lễ, cùng suy niệm Lời Chúa, cùng cầu nguyện chung với nhau. Một khi thiếu tương quan thân thiết với Thiên Chúa là Cha thì làm sao có tương quan thân ái với mọi người là anh chị em được? Vì Chúa đã chẳng báo trước rằng: “Không có Thầy anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5) đó sao?
Thế nên, đối với kitô hữu, cầu nguyện và lao động như hai mặt của một bàn tay, như thể cá với nước, như thể sóng với biển. Thành ra, Đức Cha Thiad, diễn giả nổi tiếng người Hungari, đã nói về sự liên kết giữa cầu nguyện và lao động qua câu chuyện thế này:
Một ngư phủ lão thành và đạo đức nọ mời một anh bạn trẻ cùng ra khơi với ông. Chiếc ghe nhỏ được trang bị bằng 2 mái chèo. Trên một mái chèo, người ta đọc thấy hai chữ “Cầu nguyện,” còn mái chèo kia ghi hai chữ “Làm việc”. Thấy vậy, người thanh niên thắc mắc: “Tại sao lại phải vừa làm việc vừa cầu nguyện?”
Ông lão không trực tiếp trả lời thắc mắc của anh bạn trẻ. Thay vào đó ông gác mái chèo có ghi 2 chữ “Cầu nguyện” và dùng mái chèo còn lại để chèo chống. Mặc cho ông hết sứ cố gắng xoay xở, chiếc ghe vẫn tròng trành chao đảo không thể tiến lên được chút nào. Chờ cho người thanh niên chóng mặt và la ơi ới, ông lão mới để mái chèo có ghi hai chữ “Cầu nguyện” xuống nước. Nhờ có 2 mái chèo “Cầu nguyện” và “Làm việc” cùng nhịp nhàng khua nước, chiếc ghe lấy lại thế quân bình rồi rẽ sóng lướt tới. Thế đấy, ta chỉ thực sự sống hạnh phúc khi thân – tâm hướng thượng.
Nói về sự liên kết giữa cầu nguyện và lao động. Lm Michel Quoist viết trong cuốn sách “Đức Kitô đang sống các bạn có thể gặp được Ngài” với những lời đáng cho ta suy nghĩ: “Nói rằng hoạt động cũng là cầu nguyện. Nói rằng ăn, ngủ nghỉ cũng là cầu nguyện. Tất cả đều đúng, đều là những kiểu nói hữu lý. Nhưng cũng phải thận trọng vô cùng. Nó chỉ đúng khi hiểu theo một nghĩa nào đó, ở một khía cạnh nào đó và trong một môi trường nào đó thôi! Làm việc mà tâm hồn thực sự kết hiệp làm vì Chúa, đó là Cầu nguyện, nhưng đã có mấy ai thi hành được đúng như vậy?
Thế nên, dù thế nào đi chăng nữa, sự làm việc cũng không thể thay thế được Cầu nguyện, hiểu theo nghĩa tinh túy của nó. Chúa Kitô rao giảng về Nước trời, Ngài chỉ làm sáng danh Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại. Thế mà, Ngài đã không lấy đó thay thế việc Cầu nguyện. Ngài bắt đầu rao giảng và kết thúc việc rao giảng bằng rút vào nơi vắng vẻ mà Cầu nguyện. Ngài là kiểu mẫu của các nhà tông đồ trong hoạt động. Đừng ai mong làm khác mà phản bội đường lối của Ngài!”
Vâng, Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn hai chiều kích cầu nguyện và lao động trong cuộc sống của Ngài. Tin Mừng cho ta biết một ngày sống của Chúa diễn ra khá bận rộn: cầu nguyện, giảng dạy tại hội đường Caphácnaum, rồi đi đến chữa bệnh cho nhạc mẫu của Phêrô, chiều đến lại chữa tất cả mọi kẻ đau ốm, các thứ bệnh tật và trừ quỷ. Nhưng trên hết Ngài vẫn ưu tiên gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong cầu nguyện (Mc 1,29-39). Hôm nay, Ngài cũng đang tha thiết mời gọi chúng ta hãy sống như vậy.
Xin Chúa soi sáng cho chúng con, để biết việc phải làm cùng khi làm. Xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.