Làm Việc Lành Chân Thành Kín Đáo
Suy niệm Tin Mừng Mt 6,1-6.16-18 ; Thứ Tư Lễ Tro
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Có thể nói, giữ chay là điểm chung của các tôn giáo nhằm thăng tiến đời sống tâm linh. Từ xa xưa, người Do thái đã có truyền thống giữ chay nhiệm nhặt, rắc tro lên đầu, mặc áo nhặm, nằm trên bao bị… để tỏ lòng sám hối, đồng thời cầu xin Thiên Chúa giải thóa cho khỏi mọi kẻ thù. Với ý nghĩa đó hôm nay toàn thể Giáo hội Công giáo bước vào Mùa chay.
Nghi thức rắc tro lên đầu nhắc chúng ta nhớ thân phận mình mỏng dòn: dù là ai, dù sang hèn thế nào, chúng ta cũng chỉ là bụi tro, một mai sẽ trở về bụi tro. Chúng ta xác tín như thế, để nỗ lực sống mến Chúa – yêu người trong mọi giây phút.
Để được như vậy, Tin Mừng hôm nay chỉ cho ta ba cách thế: đó là làm phúc bố thí, cầu nguyện, và ăn chay. Là người kitô hữu, chắc hẳn hằng ngày chúng ta đã thực hành ba việc lành này rồi. Nhưng trong Mùa chay năm nay, chúng ta quyết tâm thi hành Lời Chúa cách cần mẫn chu đáo hơn với tất cả lòng khiêm tốn chứ không để phô trương cho người ta thấy.
Trước tiên, Chúa dạy chúng ta làm phúc bố thí một cách âm thầm, không khua chiêng đánh trống, không biểu diễn giữa đám đông cốt cho người ta khen, nhưng “khi bố thí, thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”. Vì ai cho người bé mọi dù chỉ một ly nước thôi thì cũng là làm cho chính Chúa; cũng không mất phần thưởng trên trời. Bố thí là bổn phận ta phải làm vì đức yêu người: “Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối…”
Thứ đến, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện bằng thái độ chân thành, khiêm tốn: “Hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo”. Dĩ nhiên, vào phòng không có nghĩa là chỉ đến nhà thờ hay ở căn phòng vật chất nào, mà đó là căn phòng nội tâm, nơi ta cần thường xuyên tâm sự với Chúa.
Và như vậy, chúng ta có thể sống tâm tình cầu nguyện trong mọi lúc. Còn lời kinh nào đẹp đẽ hơn lời kinh của những người cha người mẹ đang lao động vất vả chăm chút cho gia đình mình được ấm êm hạnh phúc, hay lời kinh của những người con thảo, đang âm thầm chu toàn nghĩa vụ với cha mẹ già cả yếu đau, hay lời kinh của các bệnh nhân trên giường bệnh, lời kinh của các công nhân vừa lao động, vừa đọc kinh cầu nguyện kính lòng Chúa thương xót, kính mừng Mẹ nhân lành. Khi sống tâm tình cầu nguyện chân thành như thế, thì Chúa là Đấng thông biết mọi sự và sẽ ban cho ta những ơn cần thiết.
Sau cùng, chúng ta ăn chay không chỉ ở hình thức bề ngoài, nhịn đói nhịn khát, nhưng cốt yếu ở thái độ hy sinh vì yêu: yêu Chúa và yêu tha nhân. Thực tế cho thấy: yêu mà không hy sinh thì không phải là yêu thật. Chúng ta nói rằng yêu Chúa mà không vâng giữ lời Chúa dạy, yêu Chúa mà không bày tỏ lòng sám hối trở về với Chúa, yêu Chúa mà dửng dưng trước cuộc thương khó của Chúa, thì chắc gì đã là yêu mến Chúa? Thành ra, ăn chay hãm mình là phương thế giúp chúng ta tỏ lòng yêu Chúa, cũng là phương thế giúp ta thanh luyện và thánh hóa bản thân. Vì rằng có những thứ quỷ “chỉ có ăn chay, cầu nguyện mới trừ được thôi”.
Tón lại lời Chúa, thứ Tư lễ tro, thức tỉnh kitô hữu làm các việc lành phúc đức bằng thái độ chân thành, khiêm tốn, trong tương quan ba chiều: với tha nhân: làm phúc bố thí, với Chúa: siêng năng cầu nguyện, và với bản thân: ăn chay hãm mình.
Ước gì chúng ta có thể thực hành lời Chúa dạy ngay trong cuộc sống thường ngày: “Ăn chay cầu nguyện đêm ngày, Ăn năn sám hối giãi bày tâm can, Ăn ngay hợp với ở lành. Mùa Chay ba món thực hành từ nay” (Trích trong tập “Từng Bước Một Thôi ”).