THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY
Mát-thêu 5,17-19
Ai Tuân Hành Và Dạy Làm Như Thế, Thì Sẽ Được Gọi Là Kẻ Lớn.
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”
Chúa Giêsu đề cập đến loại luật nào trong Tin Mừng hôm nay?
Đó chính là Luật mà Môi-sê nhận được từ núi Sinai. Nó cũng áp dụng cho năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước (Ngũ Kinh) bao gồm Mười Điều Răn. Đối với người Do Thái, Luật là sự thể hiện đầy đủ và chính xác ý chí của Thiên Chúa; một hướng dẫn đầy đủ và an toàn về hành vi chi phối đời sống đạo đức, tôn giáo và thế tục của người Ít-ra-en. Chúa Giêsu đã lớn lên và trưởng thành như một người Do Thái sùng đạo và đã tuân giữ lề luật. Luật này cũng ảnh hưởng trực tiếp trên toàn bộ giáo huấn của Ngài cho dân bằng cách cụ thể Ngài đã tuân giữ và thi hành nó trong đời sống hàng ngày. Nhưng trong tình trạng áp dụng luật một cách sai lệnh của tầng lớp lãnh đạo lúc đó đã làm cho Chúa Giêsu phiền lòng, có những lúc Ngài rất gắt gao lên án những người đã đặt gánh nặng lên vai người khác mà đó không phải ý định của Thiên Chúa. Điều này mang đến sự nghi hoặc rằng Ngài sẽ xóa bỏ lề luật để thiết lập một đế chế mới. Trái lại, Chúa Giêsu khẳng định rất rõ rằng lề luật phải được thực hiện đúng với bản chất của nó như các giới răn và đặc biệt xuyên qua đời sống của Ngài.
Chúng ta cùng suy niệm về ba điều Chúa Giêsu nói về luật pháp:
Đầu tiên, “Thầy đến không phải để bãi bỏ mà để kiện toàn”. Thiên Chúa chuẩn bị cho dân của Ngài để được cứu thông qua luật pháp và các tiên tri. Và Chúa Kitô đến để kiện toàn, hoàn thiện và mang đến sự trưởng thành của luật pháp và các tiên tri, cho người ta sự giải thích đúng đắn. Ngài đặt trọng tâm của lề luật vào lòng thương xót chứ không phải là những chi tiết vụn vặt về mặt pháp lý; về tình yêu sâu rộng chứ không phải trên các chi tiết nhỏ nhặt hình thức; về cam kết chân thành tích cực chứ không cấm đoán bên ngoài. Và người ta tìm thấy khoảng mười lăm lần trong Phúc Âm của Thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu đề cập đến việc Ngài đến để kiện toàn lề luật.
Thứ hai, “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.”
Có một cách nhìn mới của giới trẻ ngày nay nói rằng: “Lề luật chính là trung tâm của sự đổ vỡ”. Tại sao họ khẳng định vậy? Có lẽ bởi vì do cách áp dụng luật của những người lớn như “phải làm cái này, không được làm cái kia!” mà không có một lời giải thích cho họ hiểu và chỉ chụp lên họ những quy tắc, đó là nguyên nhân xảy ra xung đột đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình do sự chủ quan của các bậc cha mẹ. Những quy tắc thì luôn có vẻ ngột ngạt vì chúng đối lập trực tiếp với con người tự nhiên. Nhưng để giữ luật và dạy cho con em mình cũng yêu mến luật thì cần có sự khôn ngoan uyển chuyển trong việc giữ và áp dụng, để sự hiểu biết được tăng phần yêu mến, giúp họ hiểu biết lợi ích của luật như: “mình giữ luật thì luật sẽ giữ mình”, xã hội này không có lề luật thì mọi sự sẽ diễn ra thật khủng khiếp… Cũng thế, luật và giới răn của Thiên Chúa không phải gánh nặng mà là con đường Thiên Chúa muốn chúng ta dùng để đến với Ngài, cách nhanh nhất và ngắn nhất miễn là chúng ta yêu mến và tuân giữ Mười Điều Răn, Tin Mừng, thập giá và giáo huấn của Giáo Hội.
Thứ ba, “Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”. Luật đạo đức có “nguồn gốc từ Thiên Chúa và luôn tìm thấy nguồn gốc của mình trong Ngài”[1]. Thiên Chúa không phải là một nhà độc tài nhẫn tâm mà là một người Cha yêu thương, Ngài sẽ làm tốt nhất có thể cho chúng ta khi nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7,9-10). Chúa Giêsu đặt ra câu hỏi bởi vì Ngài muốn cho ta biết Chúa Cha và luật pháp của Người chính là một dấu hiệu cho thấy Ngài yêu thương và chăm sóc chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ ngừng mong muốn những gì thực sự tốt nhất cho con người. Thiên Chúa đã và sẽ luôn là tình yêu. Và kế hoạch của Ngài là chúng ta sẽ được ở bên Ngài mãi mãi.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con hiểu đúng và yêu mến các giới răn và Tin Mừng của Chúa, để qua việc trung thành thực thi đường lối của Chúa, sẽ dẫn chúng con đến kết hiệp nên một với Ngài muôn đời. Amen.
[1] (Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, The Splendor of Truth, số 40)