NÊN CÔNG CHÍNH MỖI NGÀY
(Bài Suy Niệm Thứ 5 tuần X TN: 15.06.2023)
Giới Kinh Sư và người Pharisiêu là những con người trí thức đạo đức, họ sống nghiêm ngặt, nhất là tuân thủ mọi luật lệ cách tỉ mỉ, nghiêm túc. Theo họ, thánh thiện là chu toàn cách chi li và đầy đủ những luật lệ đã được qui định. Họ tự cho mình là những người gương mẫu trong đời sống đạo và khách quan mà nói ai cũng nhìn nhận điều đó. Nếu so sánh cách thức và mức độ giữ luật giữa người Biệt Phái và Luật Sĩ thời Chúa Giêsu với chúng ta hôm nay thì chúng ta còn thua kém xa họ.
Đọc dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện trong Tin mừng Lc 18, 9-14, chúng ta sẽ thấy phần nào sự công chính của họ. Lời xác nhận công khai của người biệt phái về bản thân mình: không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không làm hại ai, không phiền ai và không như tên thu thuế kia. Nếu luật Môsê đòi buộc mỗi năm ăn chay một lần thì họ ăn chay mỗi tuần 2 lần. Luật buộc nộp 1/10 hoa lợi, tức là những gì mình làm ra như rau cỏ, lúa má, bạc hà, vân hương (x. Mt 23,23; Lc 11,42) thì ông biệt phái này nộp 1/10 cả những gì mình sắm được. Thay vì chỉ nộp thuế sản xuất thì nộp cho đền thờ cả thuế tiêu thụ luôn.
Giới Kinh Sư và người Pharisiêu họ hoàn hảo như thế mà trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe công bố (Mt 5, 20-26) Chúa Giêsu lại yêu cầu chúng ta phải ăn ở công chính hơn các Kinh Sư và người Pharisêu. Tại sao lại có điều ngược đời như vậy? Liệu chúng ta có làm được không? Đâu là tiêu chuẩn công chính mà Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta?
– Thứ nhất: người Kitô hữu phải sống đạo tích cực hơn nữa: bớt các hình thức bên ngoài để đi vào chiều sâu, phần chính yếu của đạo. Sự công chính đúng nghĩa của các môn đệ Chúa Kitô là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương: thương người như anh em và thương Chúa như Cha mình. Việc giữ luật cần hướng đến lòng bác ái yêu thương.
– Thứ hai: trên hành trình người Kitô hữu tìm kiếm đức công chính thì cuộc đời chúng ta phải họa lại cuộc sống như Chúa Giêsu, Đấng “là đường là sự thật và là sự sống”. Đúng vậy, một khi đã thật tâm với Thiên Chúa thì không còn sống theo kiểu hình thức bề ngoài nhưng tất cả phải được xuất phát từ tình yêu và được tình yêu thúc đẩy. Và một khi đã thật tình với nhau thì sẽ không còn giận hờn, ghen ghét, chửi bới, mắng nhiếc nhưng là tôn trọng, yêu thương, cảm thông và tha thứ cho nhau một cách vô điều kiện.
– Thứ ba: sống công chính theo Chúa Giêsu là một quá trình liên tục, không bao giờ tự coi là đủ, là xong: đường nhân đức giậm chân tại chỗ và dừng chân là lùi lại, kiên trì và cố gắng đến cùng mới được ơn cứu độ: Cần nên công chính mỗi ngày.
Sở dĩ Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta công chính hơn người Pharisêu và Biệt Phái vì cách công chính của người Biệt Phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào cả, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Những thành tích đáng nể của người Pharisêu có được hay cố gắng làm chỉ vì họ hay khoe khoang và coi khinh người khác (x. Lc 18,9-14; 7,6-10). Họ ăn chay nhiều lần để thêm con số vào thành tích, cũng như nộp thuế cả những cái không phải nộp là nhằm có tên có tuổi trong danh sách những ân nhân của đền thờ. Chúa Giêsu đã nói về cái kết của hai người lên đền thờ cầu nguyện: người thu thuế đi về nhà đã được công chính, còn người Biệt Phái thì không.
Vậy làm thế nào áp dụng lời Chúa dạy cách cụ thể vào đời sống của chúng ta?
Trong cuộc sống thường ngày, không thiếu những lúc người khác làm cho chúng ta khó chịu, bực mình, thốt ra những lời độc ác chua cay, không thiếu những lúc chúng ta sống khó hòa hợp với người khác. Tuy nhiên, nếu mọi người biết nhịn nhục, tha thứ cho nhau, cố gắng tạo bầu khí chan hòa tình yêu thương, tránh những phẫn nộ, bớt những lời chửi mắng người khác, bớt đi ác ý hại người, không có ý dèm pha chỉ trích, không loại trừ người thân, ngay cả khi họ có tội thì đó là tiêu chuẩn cho thấy mình đã nên công chính như Chúa dạy.
Mục đích cũng như tiêu chí của chúng ta là NÊN CÔNG CHÍNH MỖI NGÀY. Nếu lòng con người bớt đi những chuyện sân si, bớt đi những giận hờn ghen ghét và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa, thì mọi biến cố lớn nhỏ trong gia đình, trong cộng đoàn hay xã hội sẽ đều có đáp án, có cách giải quyết. Làm như vậy mới thực sự là sống công chính theo giáo huấn của Chúa. Tất nhiên chúng ta phải tha thiết cầu xin ơn Chúa, cần cố gắng của mỗi người, cần sự cộng tác chung của mọi người với nhau.
Thật là mỉa mai nếu chúng ta nghe được lời người ta nói: “tin đạo chớ đừng tin người có đạo” vì cuộc sống của họ khác quá nhiều so với đạo của họ dạy. Và điều đó cho thấy chúng ta vẫn còn xa với sự công chính của Thiên Chúa, chưa cố gắng nên công chính mỗi ngày.
Mai Thi