Thứ Hai, Tuần XI, Thường niên, Mt 5,38-42
“Đừng chống cự người ác…”
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Khi đọc đoạn Tin mừng hôm nay, triết gia Nietzsche phê bình rằng Kitô giáo hèn nhát, chủ bại vì không dám chống cự kẻ ác, kitô hữu là người hèn nhát buông xuôi, phó mặc cho sự ác thống trị. Và để tỏ ra mình là kẻ mạnh hơn người, người ta đã sống bất khoan nhân, hậu quả là chiến tranh nối tiếp chiến tranh, “oán trùng oán”.
Theo sự khôn ngoan tự nhiên của con người là: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”; “có qua có lại, mới toại lòng nhau”. Luật Môsê cũng chỉ dừng lại ở đức công bằng, khi dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Thành ra, Chúng ta thường thương người thương mình và tự nhiên ghét kẻ hại mình. Thế mà, Tin Mừng hôm nay Chúa dạy ta: “Đừng chống cự người ác”, tức là không dùng cái ác chống lại cái ác, không lấy lẽ công bằng mà đối xử với nhau, mà trái lại, lấy đức bác ái mà thực hiện hơn những gì được yêu cầu. Cho nên, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa, nghĩa là sẵn sàng đón lấy cái tát còn đau hơn cái vả. Nhẫn nhịn như thế, không phải vì ta nhu nhược hay để được yêu thân, cũng không phải vì sợ hãi, hay vì một lý do tầm thường, nhưng chỉ vì yêu thương tha nhân. Dĩ nhiên, kiên nhẫn trong yêu thương không đồng nghĩa với bao che, dung dưỡng cho sự ác lộng hành. Xét cho cùng, chỉ những ai có chí khí quân tử, có tình yêu đại độ mới làm được điều ấy! Chuyện rể rằng:
Hàn Tín, một danh tướng của vua Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo ăn. Thế mà có những lúc cũng không đủ ăn, Hàn Tín được một bà lão thợ giặt gọi về cho ăn cơm. Có một điều lạ là, đi đâu Hàn Tín cũng mang theo một thanh gươm kè kè bên mình.
Một hôm, có một tên đồ tể thô lỗ ở chợ tên là Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín nên chặn đường thách thức:
– Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì. Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có to gan thì sẵn gươm đó, hãy chém tôi mà đi, bằng không thì phải lòn dưới “chôn” tôi mà qua!
Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn dưới “chôn” tên hạ tiện đó mà đi, lòng tự nhủ:
– Giết thằng này thì dễ thôi, nhưng mà phải lấy mạng mình mà đổi mạng nó, thì không đáng tí nào.
Sau đó, Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm một vua chư hầu vùng Tam Tề. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu một nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy ngày xưa, Hàn Tín lại còn phong cho hắn chức Trung Húy. Ác Thiểu rất kinh ngạc, khúm núm nói:
– Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến ngài, nay tội ấy được tha chết đã là may lắm rồi, đâu còn dám mong được ban chức tước?
Hàn Tín ôn tồn bảo:
– Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng cừu hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học để ta luyện chí, luyện đức để có ngày hôm nay.
Vâng! Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả oán vốn nằm sẵn trong lòng mình. Và hơn thế nữa, chỉ những ai có tình yêu Chúa mới dám hy sinh tính mạng vì tha nhân, chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được kẻ tội lỗi.
Giả như Chúa chỉ đối xử với chúng ta theo lẽ công bằng thì ai được cứu rỗi? Giả như Chúa chỉ đối xử với chúng ta công bằng, sằng phẳng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, thì có lẽ chúng ta không còn mắt để nhìn nhau, không còn răng để nhai. Vì đã có biết bao nhiêu lần ta xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân là hiện thân của Chúa. Thế đấy, Chúa đối xử với ta hoàn toàn theo lòng khoan nhân, Người đối xử với ta không như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta. Vì Người biết ta được nhồi nắn bằng gì hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi (x. Tv 102).
Theo gương Chúa, đấng đáng kính – ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận trong 13 năm tù đày, đã để lại cho chúng ta bài học yêu thương. Ngài không bao giờ chống lại hay ghét bỏ, khinh khi, chửi mắng những người đã giam cầm, tra tấn ngài… Trái lại, ngài thực lòng yêu thương tha thứ và cầu nuyện cho họ, ngài đã dùng chính tình yêu của Chúa để yêu thương họ, nhờ thế ngài đã cảm hoá hầu hết các cán bộ canh giữ ngài, biến họ thành những người bạn – cùng tin vào Chúa.
Cuộc sống của chúng ta cũng không thiếu những người xấu người ác, có khi lại là những người ruột thịt thân thiết của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết nhẫn nại cảm hóa họ bằng đức ái Kitô giáo: tha kẻ rể ta, nhịn kẻ mất lòng ta. Amen.