Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2018
THÁNH THỂ, HIẾN TẾ VÌ ANH EM
(Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26)
Bí tích Thánh Thể là tặng phẩm thần linh quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Nơi Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa trong Đức Kitô mãi mãi cho đến tận thế, hiến tế trao ban chính mình cho con người. Nơi Thánh Thể, con người được mời gọi hiến mình, nên thánh và trao ban cuộc đời cho anh chị em mình.
1. Chúa Trao Ban Chính Mình
Thánh Thể không gì khác hơn là chính Đức Kitô, một lần mới nữa trao ban chính mình để nên hy lễ tình yêu, cứu chuộc con người.
Bài đọc I, sau khi Môi-sê, đọc luật cho dân chúng nghe, họ cam kết: “Thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán” và Môi-sê đã lấy máu làm dấu chỉ để lập giao ước giữa Chúa với họ, ông nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.
Chúng thấy ở đây, giao ước được ký với dấu chỉ bằng máu. Trong Kinh Thánh, máu là biểu hiện sự sống. Sự sống chỉ thuộc về Thiên Chúa. Ngay từ đầu, con người không được phép đổ máu đồng loại vì đây là tội đáng chết, vì xúc phạm đến quyền thống trị của Thiên Chúa. Sau khi Ca-in giết A-ben Chúa đòi ông phải trả nợ máu :” Tiếng máu của em ngươi đang kêu đến Ta” (St 4,10). Rồi, máu chiên được bôi lên cửa của nhà người Do Thái trong đêm Vượt Qua biểu lộ dấu hiệu giao kết cứu sống: thần tru diệt khi nhìn thấy máu bôi trên khung cửa sẽ ” Vượt qua” không sát hại con đầu lòng của người Do thái (x. Xh 12,13). Máu được Môi-sê dùng làm dấu chỉ lập giao ước ở đây, vừa nói lên hành vi ký kết giữa Chúa và dân người ở mức độ cao nhất: lấy máu, tức lấy mạng sống mà thề, vừa nói lên việc Thiên Chúa tuyển chọn, thanh tẩy dân này khỏi mọi ô uế tà thần, để họ thuộc về một mình Chúa, Chúa sẽ làm chủ trên họ và nhờ trung tín giữ lễ luật họ thuộc trọn về Ngài.
Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thiết lập giao ước mới bằng chính Máu Thịt Ngài. Đây không phải là máu thịt, dấu chỉ giao ước bên ngoài như ở Cựu Ước, mà sâu xa hơn, đó là Đức Kitô -Thiên Chúa làm người đã hiến tế chính mình làm giao ước mới và vĩnh cửu. Chúng ta thấy những lời của Đức Giêsu đọc khi thiết lập bí tích này: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta…các con hãy uống, này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người.”
Bí Tích Thánh Thể chính là Thịt – Máu Chúa Kitô đã được hiến tế. Bởi vậy, Thánh Thể, không chỉ là sự tưởng nhớ, mà là hiện tại hóa hy lễ cứu độ của Đức Giêsu. Cứ mỗi lần linh mục cử hành Thánh Thể, thì lại một lần mới nữa, trong đức tin và dưới hình thức dấu chỉ bánh rượu, Đức Kitô lại hiến dâng thân xác để nên hy lễ cứu chuộc con người. Bất cứ ai chịu lấy Ngài, dưới hình thức dấu chỉ bí tích này thì được sự sống đời đời. Hiệu quả của hai hy lễ, hy lễ Đức Giêsu dâng xưa trên thánh giá và hy lễ linh mục dâng hôm nay trên bàn thờ đều như nhau, chỉ khác hình thức: một đàng Đức Giêsu dâng thật chính mình, có đổ máu chịu chết, còn ở đây, dưới hình thức bí tích đức tin, không có đổ máu.
Tác giả thư Do Thái đã thấy rõ giá trị hiệu quả của Máu Đức Kitô mang lại: Máu của Ðức Kitô càng hiệu lực là thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (x.Dt 9,14). Máu của Chúa Kitô có quyền năng cứu chuộc và thanh tẩy. Máu này đã làm cho giao ước tình yêu hiến tế của Thiên Chúa nên hoàn hảo, không chỉ cho dân Israel, nhưng còn cho tất cả mọi kẻ tin.
Vâng, Chúa Kitô đã giao ước với con người bằng Thịt Máu Ngài đổ ra và Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để lặp lại việc hiến tế này từng ngày và kéo dài mãi trong suốt thời gian con người hiện hữu. Mỗi khi Thánh Thể được cử hành, không phải con người đến giao ước hiến dâng mà chính Đức Kitô lại tự hủy mình, hiến tế, thông ban ơn sủng và sự sống đời đòi cho con người. Tuy nhiên, giao ước không phải đã dừng lại hay kết thúc ở đây, sau khi Đức Giêsu đã hiến mình nơi Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu còn ra yêu cầu: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy“.
2. Hãy làm, hãy hiến trao như Thầy
Trọng tâm của Thánh Thể là làm, là hiến ban trao tặng. Đức Giêsu đã hiến mình: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”. Rồi Ngài lại thêm : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Có lẽ chúng ta chỉ dừng lại ở thói quen đến với Thánh Thể để đón nhận: Đón nhận những lời chào chúc bình an, những nét đẹp thánh thiêng, linh động, tươi vui, những cử chỉ thân thiện của phụng vụ, của cộng đoàn tham dự; Đón nhận Lời Chúa khi nghe đọc, giảng giải; Đón nhận ân sủng và đỉnh cao, trọng tâm là đón rước Mình Máu Thánh Chúa để bảo đảm hạnh phúc và sự sống đời đời cho mình. Xem ra phần trao hiến, phần cho đi thật ít.
Trọng tâm của Thánh Thể không phải chỉ đón nhận mà là hiến trao. Chúa Giêsu đã hiến trao tất cả xác thân linh hồn của Ngài để nên của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để thể hiện tình yêu đến tận cùng dành cho chúng ta. Chúng ta tự hỏi, tôi đã có gì để hiến trao cho anh chị em mình? Hy lễ bằng thịt máu chúng ta phải đổ ra một lần như Chúa để làm giao ước hiến thân phục vụ anh chị em thì thật là khó, xem ra không thể thực hiện được và đang vượt xa khỏi sức yêu hèn của chúng ta. Nhưng hy lễ máu thịt được chuyển đổi thành những hy sinh, trao tặng thường ngày, khởi đi từ những việc làm nhỏ mọn thì chẳng thiếu chi.
Qua Thánh Thể, hãy trao ban cử chỉ tốt đẹp
Thánh Thể là lời chào chúc bình an, là cử chỉ thân thiện, là sự hiệp thông, tình huynh đệ và mọi biểu lộ sự vui tươi gửi đến cho dân người. Chúng ta đã đến với Thánh Thể với tâm tình nào? Nhiều người đến với Thánh Thể với tâm hồn đầy u buồn, căng thẳng, trong đó đang chất đầy sự ghen tương hiềm khích, mưu mô, tính toán, với khuôn mặt như thể vừa đi đưa đám về, như thể bị ai đó đắp lên mặt một chiếc chăn ướt nặng trịch. Đừng biến mình thành hiến vật chết, ủ rũ khi đến tham dự và cử hành Thánh Thể, trái lại là lễ vật sống động, được biểu lộ ra với tâm hồn vui tươi, tạ ơn, hiệp thông, bình an và mọi cử chỉ thân thiện.
Qua Thánh Thể, hãy tập cho, hiến tặng hơn là chỉ nhận
Khuynh hướng quy ngã, sống cá nhân chủ nghĩa làm cho chúng ta chỉ chăm chú vun vén cho mình, kiếm tìm, nhận thêm mọi thứ cho mình. Thánh Thể không chỉ là hành vi “bước vào” nhà thờ, cùng cộng đoàn sốt sáng cử hành Thánh Thể, nhắm lãnh nhận mọi ân huệ cho mình mà rất cần hành động “bước ra” khỏi nhà thờ, trao ban, hiến tặng trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta sống Bí Tích Thánh Thể khi mọi lúc đều tự nhủ mình như vịnh gia thưa lên trong phần đáp ca: “Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa… Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài...” ( x.Tv 115, 12-18).
Chúng ta hãy hiến tặng cho anh chị em mình, dù chỉ một chút: một chút thời giờ, một chút khả năng, một chút lời nói tốt đẹp có tính xây dựng, một chút việc làm lành, lòng quảng đại giúp đỡ, một chút tình yêu và lòng bao dung… Đó là đang diễn giải cách sống động ý nghĩa của Thánh Thể là sự trao ban, hiến tặng vì anh chị em mình.
Qua Thánh Thể, nên thánh trong từng nhỏ nhặt thường ngày
Thánh Thể là giao ước được thiết lập bằng Thịt- Máu Chúa, vừa biểu lộ tình yêu ở mức độ cao nhất, vừa giúp thanh tẩy ta khỏi mọi ô nhơ tội lỗi để chúng ta sống thánh thiện. Sống Thánh Thể là tập nên thánh bằng cách sống từng nhịp nhỏ cuộc đời với tất cả tình yêu, bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate (Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay) đang để nghị chúng ta con đường nên thánh ở trong những việc nhỏ nhặt thường ngày, dễ thấy, dễ làm. Ngài trưng ra một ví dụ cụ thể: “Một phụ nữ đi mua sắm, chị ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và việc bép xép bắt đầu. Nhưng chị ấy tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện. Sau đó, ở nhà, một trong những đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, chị ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu. Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện. Sau đó, chị trải qua một vài lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện bằng đức tin. Một con đường nên thánh khác. Rồi chị ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tử tế với người ấy. Đó là những bước thánh thiện tiếp theo” ( số 16).
Lạy Chúa, xin cho chúng ta biết tôn thờ, yêu mến và đón rước Mình Máu Thánh Chúa cách xứng đáng mỗi khi cử hành và tham dự Thánh Lễ. Và cũng xin cho chúng con luôn biến đời mình thành lễ dâng cuộc đời, nên thánh và hiến tặng vì phần rỗi anh chị em mình. “Lạy Chúa, con không xứng đáng được Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con lành mạnh” (Mt 8,8). Amen.