THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA 7 TÂN LINH MỤC THUỘC ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG
Vào lúc 9 giờ sáng, ngày 30 tháng 6 năm 2016, tại nguyện đường Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn Đơn Dương đã diễn ra thánh lễ truyền chức Linh mục và Phó tế cho các đan sĩ của Đan viện.
Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Đà lạt đã chủ sự thánh lễ và nghi thức truyền chức Phó tế cho 7 Đan sĩ và chức Linh mục cho 7 Đan sĩ Phó tế của Đan Viện.
Sáng hôm sau, ngày 1 tháng 7, các tân Linh mục dâng thánh lễ tạ ơn tại nguyện đường của Đan viện.
Dưới đây là bài giảng của Cha Matthias, một trong 7 tân linh mục.
………………………………………………………………………………….
TÂM TÌNH TẠ ƠN VÌ HỒNG ÂN THIÊN CHỨC LINH MỤC & PHÓ TẾ
(Bài giảng lễ tạ ơn tại Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương: 1/7/2016)
Kính thưa cộng đoàn thân mến!
Con rất thích tờ bìa của cuốn sách “những cuộc sống phi thường” (tất nhiên nội dung cuốn sách cũng khá hay khi lần lượt được nghe 34 linh mục kể chuyện đời mình). Sở dĩ nói rất thích không phải do hình in đẹp nhưng ý nghĩa của tấm hình rất phù hợp với tâm tình của thánh lễ tạ ơn hôm nay.
Hình in trên bìa cuốn sách là tấm bánh lớn đã được bẻ làm 4 phần; trong đó mỗi phần tư của tấm bánh có 1 hình nhỏ rất ý nghĩa, chúng nói lên toàn bộ căn tính, sứ vụ và đời sống người Linh mục của Chúa (đối với các anh em tân Phó tế, đây là thời gian chuyển tiếp để tiến tới chức Linh mục trong tương lai).
Hình thứ nhất vẽ hai bàn tay chắp lại, đó là lời cầu nguyện của Linh mục. Cầu nguyện đối với Linh mục, nhất là Đan sĩ Linh mục là nhiệm vụ quan trọng, là việc làm liên tục và trước hết mọi việc.
Hình thứ hai là chén lễ và ổ bánh nói đến việc cử hành thánh lễ mỗi ngày của Linh mục. Với việc dâng lễ hiến tế, Linh mục đem mầu nhiệm Thánh Thể vào trung tâm đời sống của mình, để thánh hóa chính mình và người khác.
Hình thứ ba vẽ động tác của vị tư tế đang rửa chân cho một người, nói lên tinh thần phục vụ tha nhân, giống như Đức Giêsu đã làm cho các Tông đồ trong bữa tiệc ly.
Và cuối cùng, hình thứ tư là cuốn sách, nhắc nhở Linh mục không ngừng học hỏi, suy niệm và giảng dạy Lời Chúa cho muôn dân.
Vâng, khởi đi từ những hình ảnh cụ thể như vậy con muốn chia sẻ với cộng đoàn một vài suy tư cũng như cảm nghiệm của bản thân khi bắt đầu đảm nhận sứ vụ Linh mục. Với tâm tình tạ ơn vì ân huệ lớn lao Chúa ban và khát khao trở nên môn đệ trung tín như lòng Chúa mong ước, theo gương Linh mục mẫu là Đức Giêsu Kitô. Nhưng để trở thành vị tư tế theo mẫu Linh mục Giêsu Kitô, thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua những yếu tố sau đây:
- Nhận ra ân huệ Chúa ban mỗi ngày.
Nhận ra ân huệ của Chúa là bước đầu để ta không những sống tốt tư cách là con người, là Kitô hữu, là Đan sĩ… mà nhất là trong sứ vụ Linh mục thừa tác. Chỉ khi nào biết nhận ra ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta mới có khả năng sống lời tạ ơn mỗi ngày, đó cũng là tâm tình của 14 anh em chúng con trong ngày lễ hôm nay.
Nhìn vào thực tế, dường như con người rất hay quên ân huệ mình nhận được. Trình thuật Tin mừng chúng ta vừa nghe (Lc 17, 11 – 19) nói lên điều đó. Mặc dù 9 người được coi là “đạo gốc” nhưng khi đã được khỏi bệnh phong hủi thì quên luôn vị đại ân nhân vừa chữa cho mình lành; trái lại chỉ có người ngoại biết quay trở lại để tạ ơn Chúa. Ở phạm vi rộng hơn, một khi không nhận ra hay cố tình quên đi ơn Chúa ban thì mọi phiền toái bắt đầu xảy ra, đó cũng là bản sao của tội nguyên tổ xưa. Mà một khi đã quên ơn Chúa thì sẽ lấy mình làm trung tâm, nghĩ mình làm được tất cả, bắt người khác phải lệ thuộc mình…. Nhìn vào bản thân, con thấy rất nhiều lần đã hành xử giống như nhóm 9 người phong cùi.
Nhận ra ân huệ của Chúa cũng là cách để biết rằng mình được yêu thương quá nhiều; đồng thời tìm cách đáp trả lại tình thương xót hải hà của Chúa. Để tự nhắc nhở mình phải cố gắng mỗi ngày cho xứng với hồng ân ơn gọi quí báu Chúa đã thương ban, Cha Biển Đức Thuận – Đấng sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia đã tự nhắc nhở mình: “Hỡi Henri Denis (tên VN của ngài) nếu mày không làm thầy cả thì mày phải làm anh hàng bánh” (Hạnh tích tr. 55).
Một khi biết nhận ra hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta, chúng ta sẽ không hành xử như 9 người phong cùi vô ơn; trái lại tâm tình của chúng ta phải họa lại lời thánh Phaolô trong bài đọc II (Cl 3, 12-17), đó là: “đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng”; đồng thời “làm gì, nói gì, thì cũng làm và nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 16b-17).
- Ý thức sự hèn kém để cố gắng hơn.
Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về đào tạo linh mục quả quyết: “Thiên Chúa dùng những con người tầm thường, dốt nát để làm những chuyện phi thường, những mầu nhiệm vĩ đại” (x. OT số 3). Nếu thánh Phaolô ý thức ơn Chúa chứa đựng nơi mình giống như của quí để trong bình sành dễ vỡ, thì Linh mục cũng vậy, kho tàng ơn Chúa chứa đựng trong những con người tầm thường, dòn mỏng, yếu đuối và tội lỗi (x. 2Cr 4, 7).
Linh mục được chọn từ loài người để lo việc Thiên Chúa. Họ cũng là những con người bình thường, có khi kém cỏi và tội lỗi hơn người khác. Vì thế tâm tình xứng hợp để các Linh mục khiêm tốn hơn là sống theo kinh nghiệm của thánh Phaolô: “tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10).
Dù còn đó những bất xứng và tội lỗi, các Linh mục được mời gọi khiêm tốn cộng tác với Thiên Chúa và nhờ ơn Chúa ban để làm trổ sinh hoa trái cho ơn gọi và sứ mạng của mình. Có lẽ chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề “là Linh mục” hơn “làm Linh mục”. Nghĩa là một hữu thể không ngừng vươn lên trong chính bản chất của nó. Mà muốn vươn lên, muốn hoàn thiện bản thân, … người Linh mục cần khiêm tốn nhìn nhận rằng mình yếu kém. Ý thức lòng khiêm tốn là yếu tố căn bản giúp các Linh mục sống trọn vẹn căn tính của mình, nên thánh Biển Đức nhắn nhủ: “các Linh mục trong Đan viện phải giữ mình đừng tự phụ kiêu căng” (x. Tl 62, 2).
Vâng, khiêm tốn để cộng tác với ơn Chúa sẽ giúp các Linh mục thi hành tốt sứ vụ của mình. Trong tất cả mọi nhiệm vụ Linh mục đảm nhận, nhất là việc hiến mình phục vụ tha nhân sẽ chẳng còn là điều khó khăn, là sa xỉ hay ảo tưởng nữa, nhưng đó là cách sống theo sát vị mục tử nhân lành – Đức Giêsu Kitô.
- Noi theo gương Đức Giêsu.
Linh mục vẫn được gọi là Chúa Kitô khác, Chúa Kitô thứ hai. Ấn tích Linh mục thực sự là dấu chỉ làm nên sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Gl số 1374). Là Chúa Kitô thứ hai thì cũng đòi các Linh mục nên giống Chúa Kitô, trở thành sở hữu đặc biệt của Thiên Chúa. Mặc lấy hình ảnh Đức Kitô, tôn xưng Người là mẫu của mọi Linh mục sẽ chỉ là lý thuyết nếu Linh mục không sống và thực hiện tử tế 4 nghĩa vụ kể trên.
Noi theo gương Đức Giêsu Linh mục (x. Mt 20, 26-28) nghĩa là Linh mục cũng tự hiến tế chính mình. Tác giả thư Dothái xác nhận: Phận vụ chính yếu của thừa tác viên tư tế là hiến tế (x. Dt 8, 3). Vâng, vì ơn gọi Linh mục bắt nguồi từ chính Đức Kitô mà Đức Kitô đã hiến mình cho nhân loại nên sứ mạng Linh mục cũng phải gắn liền với đau khổ và thập giá. Hôm qua chúng ta đã nghe Đức Giám mục đọc lời sau đây trong nghi thức truyền chức Linh mục: “Con hãy rập đời sống con theo mầu nhiệm thánh giá Chúa”. Rập đời sống theo mầu nhiệm thánh giá Chúa nghĩa là không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân, nhờ đó Linh mục thừa tác trở nên hiện thân của Chúa Giêsu giữa lòng đời.
Thưa cộng đoàn thân mến!
Làm Linh mục hay phó tế nghĩa là trở thành tôi tớ của dân Thiên Chúa, một người của cầu nguyện, một người yêu Chúa và yêu những con người, một Tin mừng (x. Lá thư tình gởi các Linh mục).
Phó tế hay Linh mục cũng phải trở thành tấm bánh bẻ ra bằng cách hy sinh cầu nguyện cho Giáo hội, phục vụ mọi người như những tôi tớ, hiến đời mình như của lễ và ban phát lời hằng sống cho dân Chúa.
Con đường thập giá là cách duy nhất giúp các Linh mục và Phó tế bước theo để hiến tế cuộc đời trọn vẹn, theo khuôn mẫu Chúa Kitô Linh mục.
14 anh em chúng con hôm nay thật sung sướng và hạnh phúc. Một đàng chúng con vừa được dâng lời tạ ơn Chúa với cộng đoàn; đồng thời chúng con cùng với cộng đoàn khiêm tốn cầu xin, để Chúa gìn giữ, thêm sức và thánh hóa, hầu chúng con sống thánh chức Đan sĩ Linh mục hay Đan sĩ Phó tế một cách tốt đẹp như lòng Chúa mong ước.
Xin cảm ơn cộng đoàn.