Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN IV PHỤC SINH, 2018 (Hiền Lâm)

 

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH 

Bài giảng Chúa nhật IV PS, năm B

 

THỨ HAI TUẦN IV PHỤC SINH

THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH

THỨ TƯ TUẦN IV PHỤC SINH

Thánh Marco, Thánh Sử

 

THỨ NĂM TUẦN IV PHỤC SINH

THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH

THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH

 

Các bài chia sẻ: Hiền Lâm.

 

*********************************************

 

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

 

Bài giảng:

Chúa nhật IV Phục Sinh còn gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, một Chúa Nhật được Giáo hội dành riêng để suy tư và cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu (Linh mục và Tu sĩ). Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay họa lên cho chúng ta một bức chân dung của Vị Mục Tử nhân lành:

Chúng ta để ý đến một chi tiết rất quan trọng nơi bài Tin Mừng, có thể nói được là tóm tắt toàn bộ vai trò của vị mục tử là: Vị mục tử gọi tên từng con chiên… mục tử đi trước và chiên đi theo sau (x.Ga 10,3b-4).

Gọi tên từng con chiên, nghĩa là biết chiên của mình. Biết ở đây không chỉ là một sự nhận biết mà là sự YÊU MẾN dành cho chiên (thánh Gregorio Cả chú giải trong Bài đọc II Kinh Sách Chúa Nhật IV Phục Sinh).

 

* Vai trò của người mục tử.

Hình ảnh Chúa Giêsu nơi người mục tử là biết từng con chiên và gọi tên từng con chiên… Nghĩa là vì yêu thương và trách nhiệm, chứ không phải bàng quang mặc kệ nó. Thật vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình suốt khoảng thời gian ngày lẫn đêm. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào còn, con nào bỏ bầy đi lạc.

Biết từng con chiên không phải là chỉ lưu tâm đến những con béo mập đem lại lợi ích cho mình, mà là thấu hiểu tình trạng của từng con chiên để chăm sóc kịp thời, lo đi tìm kiếm chiên lạc khi thấy thiếu vắng trong đàn mà đưa nó về.

Đức cha Giuse Đinh Đắc Đạo từng kể rằng: Thời di cư Bắc vào Nam, người ta ra bến cảng đợi tàu. Ngày đó không có điều kiện như bây giờ, các bà mẹ có con mọn chỉ quấn con bằng những mảnh vải nâu sồng, họ đem giặt đi dùng lại. Khi phơi thì bị gió thổi bay lộn xộn, người ta gom lại đưa cho họ, họ chỉ cần ngửi là biết có phải của con họ hay không. Cụ thể là một bà mẹ sau khi cầm cái tã lót đưa lên ngửi liền nói: “Cái này không phải mùi của con tôi”. Phải, khi dành hết tình yêu cho con, người mẹ cảm nhận phân biệt được đến cả cái mùi dơ uế của chính đứa con họ sinh ra.

Đức thánh cha Phan-xi-cô trong thánh lễ làm phép dầu Thứ Năm Tuần Thánh tại Đền thờ thánh Phêrô (28.3.2013) từng nói với các linh mục: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”. Đức Thánh Cha đã gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng: mục tử phải có mùi của chiên. Người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt mục tử. Để có mùi chiên, mục tử phải hiện diện giữa đàn chiên để chăm sóc và bảo vệ chiên để chiên “được sống và sống dồi dào”; để có mùi chiên, mục tử đồng hành và phục vụ đến mức độ sống chết vì đàn chiên.

Trong một bài giảng khác về vấn đề hàng giáo phẩm, Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng lưu ý: Mục tử không tìm an toàn trong một Tòa Giám Mục hay nơi ốc đảo của nhà xứ, mà là mở cửa đi ra để đến với những đồng khô cỏ cháy tìm kiếm những con chiên đang chết đói chết khát; mục tử còn phải biết vun trồng tưới chăm nên những đồng cỏ tươi cho chiên sống. Mục tử không phải xúng xính ngồi trong những phương tiện đắt tiền lăn bánh trên những đại lộ thênh thang, mà là chân đất lội vào những vũng bùn của con đường lầy lội nơi ngõ hẻm chật hẹp, nơi đó vẫn có những con chiên đang thoi thóp.

Tắt một lời: Mục tử là vì đoàn chiên và cho đoàn chiên. Mục tử phải mang lấy thương tích của chiên, chia sẻ nỗi khổ của chiên. Biết chiên là cùng đồng hành, cảm thông và chung sống với hoàn cảnh thực tế của chiên, đến nỗi ngấm cả mùi chiên vào chính mình. Chứ không phải xa lạ, tự cho mình một đẳng cấp khác chiên, thay vì phục vụ và hiến mình vì chiên thì lại bắt chiên phải phục vụ mình…

 

 “Khi đã cho chiên ra hết, anh đi trước và chiên đi theo sau” (Ga 10,4).

Không phải như những người khác đi sau và lùa chiên đi trước, người mục tử đi trước và chiên bước theo sau. Nghĩa là mục tử phải làm gương cho chiên, chứ không phải bắt chiên làm mà chính mình lại né tránh.

Mục tử cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không, Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ. Nghĩa là không như kẻ chăn thuê ép buộc và xua chiên đi, và không biết những nguy cơ phía trước có thể làm hại chiên, không dẫn đường cho chiên, và khi có kẻ thù thì bỏ chiên mà chạy.

Vị mục tử đích thực thì đi trước dẫn đường cho chiên theo, xua đi những cạm bẫy, chống lại những kẻ thù. Người mục tử không ép buộc chiên, nhưng chiên nghe tiếng người mục tử, hăm hở đi theo và tỏ lòng yêu mến quyến luyến với người mục tử, để rồi cuối cùng sẽ đến được nơi đồng cỏ xanh và nơi dòng suối mát.

 

Tôi có vai trò mục tử không ?

Trong tương quan giữa mục tử và chiên, cũng cần có sự lắng nghe và đi theo mục tử của chính đoàn chiên. Muốn chủ biết chiên thì chiên cũng phải biết chủ. “Bởi chiên của Chúa thì nghe tiếng Chúa”, nếu không, thì chính chiên tự tách mình ra khỏi chủ và không thuộc đoàn chiên của chủ.

Có lẽ trong chúng ta, khi nghe Lời Chúa nói về mục tử, hầu hết chúng ta chỉ nghĩ rằng, chỉ dành cho các Giám mục và chia sẻ quyền mục tử với Giám mục là các Linh mục, chứ chẳng có liên quan gì đến mình.

Điều này không sai, nhưng cần nhớ lại, khi chịu phép Rửa tội, chúng ta hết thảy đều mang trên mình 3 chức vụ “ngôn sứ, tư tế và vương đế”, trong đó, chức vụ “vương đế’ nói lên vai trò quản trị  – vai trò làm chủ chính mình và tương giao với tha nhân. Mỗi người chúng ta đều là mục tử của Chúa khi chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình. Mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm trước sự an nguy của đồng loại. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận đẩy lùi sự dữ đang hoành hành trong môi trường sống của chúng ta. Không ai được phép bàng quan trước sự dữ đang bủa vây gia đình, xóm làng của mình. Không ai được phép vô trách nhiệm trước bữa no bữa đói của cha mẹ, con cái hay hàng xóm láng giềng. Nếu mỗi người chúng ta đều biết sống có trách nhiệm với anh em thì dòng đời này sẽ bớt đi những trái ngang, sẽ vơi đi những giọt nước mắt buồn đau, tủi hờn. Nếu mỗi người chúng ta đều biết đưa vai gánh đỡ gánh nặng cho anh em, và biết dùng đôi vai làm điểm tựa nâng đỡ anh em, thì cuộc đời này sẽ là một thiên đàng mà con người đang hưởng nếm những giây phút ngọt ngào nhất của tình người, của hạnh phúc yêu thương.

 

Tóm lại: Bài học Lời Chúa dành cho chúng ta ngày hôm nay là, dù mang trên mình vai trò “thừa tác” hay “cộng đồng”, thì cũng đều là những mục tử của Chúa khi chúng ta sống tương quan có trách nhiệm với anh chị em. Cùng giúp nhau sống trong đồng cỏ Giáo Hội, cùng một Chúa chiên duy nhất là Đức Kitô, và cùng nhau giúp những con chiên lạc trở về. Amen.

 

 

Bài giảng Chúa nhật IV PS, năm B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,11-18

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

 

+ SUY NIỆM

“TÔI  BIẾT CÁC CHIÊN CỦA TÔI

VÀ CÁC CHIÊN CỦA TÔI BIẾT TÔI

Bài Tin Mừng trong Chúa Nhật IV Phục Sinh là một hình ảnh thật thân thương về người mục tử và đàn chiên. Chúa Giêsu tự ví mình như người mục tử chăm sóc đàn chiên là mọi Kitô hữu tin vào Người. Một điều rất khác trong cách nói đầy ý nghĩa biểu tượng là Chúa Giêsu vừa ví mình như là mục tử, vừa là cửa chuồng chiên, thậm chí vừa là con chiên.

Trong Cựu Ước, dân Do Thái thường dành tước hiêu “mục tử” cho Thiên Chúa. Người chính là mục tử, đã dẫn dắt họ qua sa mạc, qua biển Đỏ để tiến vào miền đất hứa. Người đã chăm sóc, dưỡng nuôi họ bằng manna, bằng chim cút, bằng suối nước vọt lên từ tảng đá. Như người mục tử gắn liền số mạng với đoàn chiên, thì Thiên Chúa cũng và đã luôn ở giữa dân Người để chia sẻ những buồn vui gian khổ với họ.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tự sánh ví mình như người mục tử nhân lành. Khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử với đoàn chiên để diễn tả mối tương giao của Người với tín hữu.  Người mục tử đi đi trước để chiên bước theo sao, và người mục tử biết từng con chiên một để săn sóc chiên được sống khoẻ mạnh.

 

* Mục tử nhân lành đi trước đoàn chiên.

Không phải như những người khác đi sau và lùa chiên đi trước, người mục tử ở đây đi trước và chiên bước theo sau. Mục tử cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không, Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ.

Nghĩa là không như kẻ chăn thuê ép buộc và xua chiên đi, và không biết những nguy cơ phía trước có thể làm hại chiên, không dẫn đường cho chiên, và khi có kẻ thù thì bỏ chiên mà chạy. Vị mục tử đích thực thì đi trước dẫn đường cho chiên theo, xua đi những cạm bẫy, chống lại những kẻ thù. Người mục tử không ép buộc chiên, nhưng chiên nghe tiếng người mục tử, hăm hở đi theo và tỏ lòng yêu mến quyến luyến với người mục tử, để rồi cuối cùng sẽ đến được nơi đồng cỏ xanh và nơi dòng suối mát.

Như vậy, mục tử thật luôn thì hết mình vì đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ lo vun vén cho bản thân. Mục tử thật không nói mà không làm, nhưng đi bước trước để chiên noi theo, hy sinh cho đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Kẻ chăn thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Người rong ruổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Người sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Người đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống, bởi như Người từng nói: “Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào”. Thực hiện mục đích ấy, Người đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.

Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Người đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Người, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Người thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.

 

* Mục tử nhân lành biết từng con chiên.

“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

Chúa Giêsu luôn yêu thương đàn chiên, và yêu từng con chiên một. Chính Người yêu thương chăm sóc đàn chiên nên các con chiên mới được ăn trên đồng cỏ xanh, uống bên dòng suối mát. Chính Người lưu tâm bảo vệ đàn chiên, nên các con chiên mới an toàn khỏi kẻ băt trộm, khỏi nanh sói dữ.

Hình ảnh Chúa Giêsu nơi người mục tử là biết từng con chiên và gọi tên từng con chiên… Nghĩa là vì yêu thương và trách nhiệm, chứ không phải bàng quang mặc kệ nó. Thật vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình suốt khoảng thời gian ngày lẫn đêm. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào còn, con nào bỏ bầy đi lạc.

“Biết chiên”. Ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau, yêu mến nhau như ngang hàng chứ không phải chủ tớ.

Biết từng con chiên không phải là chỉ lưu tâm đến những con béo mập đem lại lợi ích cho mình, mà là thấu hiểu tình trạng của từng con chiên để chăm sóc kịp thời, lo đi tìm kiếm chiên lạc khi thấy thiều vắng trong đàn mà đưa nó về.

Không thiếu những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử. Chúng tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình, nhưng chiên “không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”, không cảm nhận được tình thương của kẻ lạ. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên “khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11) “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10,10).

 

Như vậy: Nhiều khi chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu chúng ta trước, yêu vô điều kiện, và yêu không bến bờ.

Người biết rõ chúng ta cần những gì cho linh hồn và thể xác, nên đừng băn khoăn xao xuyến. Hãy chỉ lắng nghe duy nhất tiếng gọi yêu thương của Người. Đừng nghe theo một tiếng gọi nào khác.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa Nhật IV Phục Sinh khi mừng lễ Chúa chiên lành, chúng con cũng dành cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, xin Chúa ban cho chúng con có nhiều tâm hồn quảng đại, biết dấn thân vô điều kiện, và phục vụ vô vị lợi cho đàn chiên Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN IV PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,1-10

“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử với đoàn chiên để diễn tả mối tương giao của Người với tín hữu. Một điều rất khác trong cách nói đầy ý nghĩa biểu tượng là Chúa Giêsu vừa ví mình như là mục tử, vừa là cửa chuồng chiên, thậm chí vừa là con chiên. 

Chúa Giêsu đã tự sánh ví mình như người mục tử nhân lành, khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. 

Dưới đây chúng ta cùng chiêm ngắm lần lượt hình ảnh của một Đức Giêsu đầy yêu thương gần gũi qua chân dung người mục tử:

 

* Là cửa chuồng chiên.

Khi ví mình là cửa ra vào chuồng chiên, Chúa Giêsu không còn cách nào rõ hơn để xác quyết độc quyền của Người trong việc thông ban ơn cứu rỗi. Người khẳng định rằng người ta không thể tranh chấp với Người được, vì Người là cửa cứu rỗi duy nhất mà tất cả phải chấp nhận đi qua, và không ai có đặc ân được miễn, ngay cả những kẻ xem ra được trao phó một chức quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.

Khi xưng mình là cửa duy nhất, Chúa Giêsu đã dẹp tan mọi lối biện luận cào bằng tôn giáo và tìm sự giải thoát khác ngoài Người. Tuy nhiên, không phải là tất cả mọi người không mang danh hiệu Kitô hữu cách chính thức đều bị ở ngoài chuồng chiên cả đâu nhưng, Chúa Giêsu muốn nói rằng ngay cả người ngoại giáo nào có thiện chí, người vô thần nào cố gắng sống ngay thẳng theo lương tâm, đều đã chỉ nhờ một mình Chúa Kitô mà được như vậy, nghĩa là khi không biết mà vẫn sống lương tâm ngay thẳng thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô là Sự Thật. 

Với lời khẳng định: Ta là cửa chuồng chiên, ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy sẽ tìm thấy của nuôi thân, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: Nơi Người, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Nơi Người, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời.

Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa. Cánh cửa đó dẫn vào Thiên Quốc, nơi chiên nghỉ ngơi đời đời. 

Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Người đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Người, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Người thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.

 

* Biết từng con chiên

Người mục tử biết từng con chiên và gọi tên từng con chiên… Thật vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình suốt khoảng thời gian ngày lẫn đêm. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào còn, con nào bỏ bầy đi lạc.

Ngày xưa, Thiên Chúa nói với dân riêng của Người qua môi miệng tiên tri Isaia: “Đừng sợ, Ta đã gọi ngươi bằng tên riêng của ngươi”. Cũng thế, như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách vừa thân mật lại vừa sâu xa. Người biết ai trong chúng ta đang yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường ngã lòng, ai trong chúng ta hay bỏ bầy để đi hoang. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Người luôn ở cạnh chúng ta để nâng đỡ, phù trợ. Và nếu như chúng ta có lầm đường lạc lối, thì chính Người sẽ tìm kiếm chúng ta, vì Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Người dong duổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Người sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Người đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống.

Đó cũng là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều là mục tử của Chúa khi chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình. Mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm trước sự an nguy của đồng loại. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận đẩy lùi sự dữ đang hoành hành trong môi trường sống của chúng ta. Không ai được phép bàng quan trước sự dữ đang bủa vây gia đình, xóm làng của mình. Không ai được phép vô trách nhiệm trước bữa no bữa đói của cha mẹ, con cái hay hàng xóm láng giềng. Nếu mỗi người chúng ta đều biết sống có trách nhiệm với anh em thì dòng đời này sẽ bớt đi những trái ngang, sẽ vơi đi những giọt nước mắt buồn đau, tủi hờn. Nếu mỗi người chúng ta đều biết đưa vai gánh đỡ gánh nặng cho anh em, và biết dùng đôi vai làm điểm tựa nâng đỡ anh em, thì cuộc đời này sẽ là một thiên đàng mà con người đang hưởng nếm những giây phút ngọt ngào nhất của tình người, của hạnh phúc yêu thương.

 

* Đi trước đoàn chiên

Một trong những việc mục tử thường phải làm, đó là đi trước để tìm đường nẻo bảo đảm và an toàn cho đoàn chiên yên hàn theo sau.

Mục tử cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không? Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ.

Cũng thế, trong đời sống riêng tư, biết bao nhiêu biến cố đã xảy đến trong cuộc đời và bàn tay Chúa đã dẫn dắt chúng ta vượt qua một cách bình an mà ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa hay biết. Đã bao nhiêu lần chúng ta thất bại trắng tay mà rồi tới ngày hôm nay vẫn chưa phải chết đói. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp phải những cảnh lo âu, nhưng rồi lại được tai qua nạn khỏi. Chúng ta có biết rằng đó là bàn tay nhân từ của Chúa đã chăm sóc chúng ta.

 

* Cho chiên được sống và sống dồi dào.

Hiểu biết về con chiên mà thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời xác quyết của Chúa, khi Người nói: Ta là mục tử nhân lành.

Thực vậy, Người muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Người cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của mục tử cho đàn chiên của mình.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.

Nếu Người đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, là Người muốn chúng ta được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhân lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, xin cho chúng con được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,22-30

Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc người Do-thái vây quanh Chúa Giêsu để đòi Người xác định về vai trò của Người.

Thật ra, không phải là Chúa Giêsu chưa nói cho họ biết, mà là vì họ cứng lòng tin. Chúa Giêsu xác định sự cứng lòng tin đó, và Người lại phải nại đến những chứng từ để trả lời cho họ về sứ vụ của Người. Đó là: Những công việc Chúa Giêsu làm nhân danh Chúa Cha làm chứng cho Người, và sở dĩ họ không nhận ra là vì họ không thuộc đàn chiên của Người khi không chịu nghe tiếng Người:

 

* Công việc nhân danh Chúa Cha.

Nói đến Lời Chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan và lúc Người biến hình trên núi Tabo. Nhưng trong Tin Mừng Gioan có lẽ chỉ nói tới một lần nhãn tiền Chúa Cha phán vọng xuống rằng: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu giải thích Lời Chứng của Chúa Cha tức là việc Chúa Cha sai phái Chúa Con thực thi việc Cứu Độ, và việc đó đã được chứng nhận qua bao công việc Người làm. Chính sự việc được xảy ra theo lời Chúa Giêsu là do Người thực hiện theo ý Chúa Cha và Chúa Cha đã làm cho việc đó xảy ra.

Chúa Cha làm chứng cho công việc của Chúa Giêsu nơi trần gian, không chỉ là lời phán ra từ trời, nhưng còn là việc nhận lời Chúa Giêsu cầu xin khi thực hiện các phép lạ (trong thân phận mang kiếp người hữu hạn nơi bản tính nhân loại).

Chúa Giêsu nói: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi”. Có vẻ như chính Chúa Giêsu cũng thừa nhận rằng, người Do-thái không thể tin được Người là một ngôi vị đồng bản thể với Thiên Chúa Cha, vì trong niềm tin của người Do-thái là độc thần, nên Người đành phải nại đến cớ “xem quả để biết cây” – nhìn những công việc Người thực hiện mà nhận ra quyền năng thiên tính của Người, mà cụ thể là chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và phục sinh kẻ chết. Đặc biệt cách thực hiện của người không như các lang y, mà là ra lệnh cho mọi quyền lực ma quỷ, sự chết và tội lỗi phải tuân lệnh. Ngài dùng Lời sáng tạo để phục hồi: “hãy chỗi dậy, hãy sáng mắt, hãy ra khỏi người này…” giống như ngay từ lúc sáng tạo, Thiên Chúa phán: “hãy có ánh sáng,hãy có tinh tú…” và tức khắc xảy ra như vậy.

Thế nhưng, dù đã nại đến kết quả công việc để minh chứng, nhưnng người Do-thái vẫn không tin. Vậy đâu là lý do họ cứng lòng. Câu trả lời được Chúa Giêsu nêu ra là: “Các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”

 

* Không phải chiên của Chúa.

Khi Chúa Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Nghĩa là không biết lắng nghe tiếng Chúa thì không phải là chiên của Chúa, mà không phải chiên của Chúa thì không thể biết Chúa vì không được Chúa Giêsu mặc khải qua Lời Chúa, qua Lời Rao Giảng và qua Giáo Hội của Người.

Biết ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.

Những người Do-thái tưởng mình biết Thánh Kinh, nhưng Thánh Kinh lại có trăm ngàn chỗ vượt quá trí hiểu nhân loại nếu họ không biết lắng nghe. Thật ra, chỉ vì người Do-thái chỉ tìm những đoạn Thánh Kinh có lợi cho họ, họ tìm những gì mang tính siêu việt và vẽ ra một Đấng Cứu Thế phải thoả mãn tham vọng của họ, nên họ cố tình bỏ qua những lời Thánh Kinh tiên báo về nơi sinh hạ, cũng như những gì các ngôn sứ viết về người tôi tớ đau khổ của Gia-vê.

Thời nào cũng thế, con người vẫn muốn đi tìm một Thiên Chúa theo ý mình, nên họ khó lòng chấp nhận một Đức Giêsu vác khổ giá đồng hành với họ.

Ngày nay không thiếu những “con chiên” thay vì nghe chủ chăn thì lại nghe theo người lạ, thay vì nghe theo Giáo Hội của Chúa lại nghe những thứ “được coi là mặc khải” này nọ từ bên ngoài.

Tóm lại, sứ điệp chính của bài Tin Mừng hôm nay chính là lời mời gọi tin vào Chúa Giêsu là chủ chiên nhân lành, ngoan ngoãn nghe theo tiếng Người trong Thánh Kinh và trong Giáo Hội mà dấn bước theo Người. Hãy đến với Chúa Giêsu để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, như Chúa đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, xin cho chúng con được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN IV PHỤC SINH

Ngày 25/04: THÁNH MÁC-CÔ THÁNH SỬ

Lễ kính

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-20

Đức Giê-su Phục Sinh nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

+  SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của Tin Mừng Thánh Mác-cô, vị thánh sử mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đoạn Tin Mừng mô tả lệnh truyền của Đấng Phục Sinh dành cho hết những ai theo Người: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

* Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.

Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.

  • Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo. 
  • Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”. 
  • Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.
  • Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.
  • Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

* Điều kiện để được cứu độ.

Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.

  • Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). 
  • Cần phân biện giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.

* Phép lạ kèm theo.

Cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ.
Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.

 

Lạy Chúa Giê-su, từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con luôn biết hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN IV PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 13,16-20

Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

 

+ SUY NIỆM

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Với lời khẳng định này, đặt ra cho chúng ta hai ý tưởng để suy niệm: Đón tiếp người được Chúa sai đến và nhận ra Chúa trong anh chị em.

 

* Đón tiếp người được Chúa sai đến.

Lời nói về sự đón tiếp của Chúa Giêsu trước hết nhắm tới chính sự ơ hờ của người Do-thái đã không đón nhận Người, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không nhận ra” (Ga 1,11). Người Do-thái tự hào mình tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra “đấng được sai đến” đó theo  ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thoả mãn những tiêu chuẩn trần thế của họ.

Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hoá và dẫn dắt chúng ta. Các vị đền với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó qua Giáo Hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào?

Ít nhiều, chúng ta cũng giống dân Do-thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.

 

* Phục vụ Chúa trong anh chị em.

Thánh Biển Đức căn dặn các đan sĩ rằng: “Khi anh em đón tiếp và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là cung kính đón tiếp chính Chúa Kitô ở trong khách”.

Và Chúa Giêsu cũng đã đồng hoá chính Người hiện thân trong mọi mảnh đời khi Người nói về ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40)

Như vậy, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mattha và Maria đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhận ra Chúa nơi những người Chúa sai đến với chúng con để chúng con đón nhận thánh ý Chúa qua các ngài. Xin cũng giúp chúng con nhận ra Chúa nơi tất cả những ai chúng con gặp gỡ hằng ngày, để chúng con biết tôn trọng và sẻ chia cho nhau. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,1-6

Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? ” Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

 

+ SUY NIỆM

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” Có lẽ câu nói này của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không Kitô hữu nào không biết và thậm chí còn thuộc làu làu, nhưng ít khi chúng ta cùng dừng lại để suy niệm ý nghĩa của câu nói thuộc căn bản đức tin này:

 

* Thầy là Con Đường.

Chúa Giêsu khẳng định Người là con đường duy nhất dẫn đến cùng Chúa Cha. Lời rao giảng của các tông đồ cũng luôn tuyên xưng như thế: “ngoài Chúa Giêsu ra, dưới gầm trời này không ai có thể đem lại ơn cứu độ”. “Thầy là đường”, chữ “Đường” ở đây không chỉ có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ dùng giáo huấn mà dẫn ta đến sự sống, mà chính Người là con đường dẫn đến Chúa Cha nữa. Vì chính Người là mạc khải Chúa Cha (Ga 12,45 và bởi Chúa Cha mà đến rồi lại về với Chúa Cha (Ga 7,29-33). Chỉ trong Chúa Giêsu trung gian duy nhất, chúng ta mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Người đưa chúng ta đến với Thiên Chúa mà chúng ta không phải sợ hãi và xấu hổ. 

Khi nghe Chúa Giêsu nói “Thầy là đường”, chúng ta cũng nhớ lại một chân lý bất biến là “qua thập giá vào vinh quang”. Đó là con đường duy nhất mà Chúa Giêsu đã đi, để tiêu diệt sự chết và đi vào cõi sống đời đời. Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Vì thế, muốn đạt đến Nước Trời, Kitô hữu cũng phải bước theo con đường đó.

 

* Thầy là sự thật.

Đứng trước quan tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Tôi đến thế gian là để làm chứng cho Sự Thật, và ai đứng về phía Sự Thật thì nghe tiếng Tôi”.

Như thế, Chúa Giêsu là sự thật trọn vẹn đến từ Thiên Chúa, và chỉ có Người mới mặc khải đúng bản tính của Thiên Chúa. Chúa Giêsu từ trời mà đến, từ cung lòng của Chúa Cha nhập thể vào thế gian và chính Người là Thiên Chúa, nên chỉ có Người mới nói đúng về Thiên Chúa như Thiên Chúa có, chứ không phải như những quan niệm về Thiên Chúa cách khiếm diện trong Cựu Ước, hay một Thiên Chúa bằng sản phẩm suy tư của khoa học hay triết thuyết nào. Nói tóm, chỉ có Đấng thấy Thiên Chúa, từ Thiên Chúa đến và là Thiên Chúa thì mới nói đúng Sự Thật về Thiên Chúa, và sự thật của Thiên Chúa là yêu thương, mà Chúa Giêsu chính là Sự Thật toàn diện và là hiện thân của yêu thương.

 

* Thầy là sự sống.

Chúa Giêsu là Sự Sống tự thân nơi Thiên Chúa và là Đấng ban cho con người sự sống và sự sống đời đời. Còn sự sống nhân loại không tự thân, mà là tuỳ thuộc nơi Thiên Chúa, nên sẽ mất đi khi không nhận được sự trợ giúp của thức ăn, hoặc bị lệ thuộc bởi ngoại cảnh và có thể mất đi bất kỳ lúc nào.

Chúa Giêsu là sự sống của Thiên Chúa, là căn nguyên sự sống, là chủ của sự sống, là tự thân và vĩnh hằng. Người có quyền thông truyền cho những ai Người muốn, nên cũng chỉ có Người là sự sống duy nhất và vĩnh cửu của con Người, không có Người, con người không thể hiện hữu và trở về hư vô.

 

Tóm lại, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay là: Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa, bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời. Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ. Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu. Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, là Con Đường dẫn tới Chúa Cha, là Sự Thật về dung mạo Thiên Chúa và là Sự Sống cho con người được hiện hữu và bất tử, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, Chúa là trung gian duy nhất để chúng con chỉ bước theo một mình Chúa mà đạt đến hạnh phúc, chứ không chạy theo những thứ “thần” giả trá dẫn chúng con đến chỗ diệt vong. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH

                                               

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,6-14

Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

 

+ SUY NIỆM

Khao khát được biết Thiên Chúa Cha là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người chính là được đời đời chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Chính vì thế mà sau khi Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha, tông đồ Philípphê đã không ngần ngại thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con đã mãn nguyện”.

 

Thấy Thiên Chúa Cha ư? Con mắt phàm tục không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu Ước, rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán và ngôn sứ chỉ được thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mặc khải cho”. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

 

Như thế, chỉ có Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa Cha. Câu trả lời cho Philípphê hôm nay chứng mình điều đó, đồng thời mạc khải chắc chắn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi vừa hiện hữu tại thân vừa hiện hữu hướng về đến duy nhất, như Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.

 

Trong lịch sử đã xảy ra nhiều lạc thuyết tìm cách tách rời tính duy nhất này và Giáo Hội đã có nhiều công đồng để lên án và tuyên tín. Về sau này và càng gần đây xuất hiện nhiều cái gọi là mặc khải tư hay sứ điệp này nọ mà ông này bà kia tự xưng là “thị nhân” “con gái yêu” nói rằng được Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần hiện ra cho biết. Giáo Hội luôn dè dặt và không ủng hộ những điều đại loại như thế, nhưng chính những thứ đó lại gây hoang mang cho nhiều người, thậm chí cả những anh chị em thuộc giới tu hành tin và phổ biến.

Điều đáng buồn là một số người người những Giáo Huấn chính thức của Giáo Hội được Chúa Kitô trao quyền bảo vệ đức tin thì không theo, lại chạy theo những thứ “chui cửa sau” mà không qua Giáo Hội. 

Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, xin hãy ý thức cho rằng:

– Không phàm nhân nào nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống.

– Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, trừ khi Chúa Con mặc khải cho.

– Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

– Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Chúa Cha, nên tất cả mọi mặc khải khác đều phải quy về Chúa Giêsu và vâng phục Giáo Hội.

– Chúa Giêsu làm tất cả những gì mọi người cầu xin với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu.

 

Đó là tất cả những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Đó là đức tin tông truyền của Giáo Hội, vì thế không có con đường chui nào khác mà không qua Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất. Những linh đạo qua Đức Mẹ và các thánh đều quy hướng về Chúa Kitô. Mọi điều lớn lao mà các Kitô hữu làm được không phải do công chính mình, mà là do niềm tin vào Đức Kitô.

 

Lạy Chúa Giêsu, với niềm khao khát như thánh Philípphê, xin cho chúng con được nhìn thấy Thiên Chúa Cha hiện hữu trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt trong mọi biến cố cuộc đời, để chúng con sống trọn niềm thảo hiếu với Người. Amen.

 

Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gia Đình Thánh Gia: Mẫu Gương Yêu Thương và Hiệp Nhất

LỄ THÁNH GIA THẤT ( Lc 2, 41- 52)  Đan viện Phước Hải Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, bởi gia...

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính

Giáng Sinh - Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, muôn dân đã được thấy ơn...

Giáng Sinh – Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…”

Giáng Sinh - Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong khung cảnh huy hoàng của Đêm Thánh vô...

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu – Thiên Chúa Làm Người

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu - Thiên Chúa Làm Người Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bầu khí háo hức rạo rực mừng kỷ...

Lễ Giáng Sinh: Con Thiên Chúa nhập thể làm người và nhập thế cứu người

    Lễ Giáng Sinh 2024 CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI VÀ NHẬP THẾ CỨU NGƯỜI Đaminh-Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Hôm nay, ngày 25/12 chúng ta...

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ vội vã lên đường

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ Vội Vã Lên Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta...

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa qua muôn nẻo đường

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa Qua Muôn Nẻo Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ lời...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, C, Lc 3,10-18: Trở về với sự thiện

    TRỞ VỀ VỚI SỰ THIỆN (Lc 3,10-18) M. Mai Đăng Minh, CĐ Thiên Phước Con người ngay từ đầu được sinh là nhân chi sơ tính bản...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Lc 3,10-18: Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế

    Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế  (Lc 3,10-18)            Đan sĩ M. Paula Đình, Châu Thủy Khởi đi từ bài đọc II,...

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...