Ga 20,1-9
LỰC HẤP DẪN
Trong thời đại khoa học ngày nay khi nghe nói đến lực hấp dẫn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những lực tương tác của vật chất trong vũ trụ. Người có công lớn trong khám phá ra lực này chính là nhà bác học Newton khi ông đưa ra công thức để tính lực của vạn vật hấp dẫn. Hôm nay, thánh sử Gioan đã cho ta một định luật mới cũng tương tự như định luật vạn vật hấp dẫn đó là định luật “tình yêu hấp dẫn”. Trong định luật này, ta sẽ khám phá ra “lực hấp dẫn” của tình yêu.
Trong đoạn Tin Mừng Ga 20,1-9 ta thấy có 3 nhân vật là bà Maria Macdala, thánh Phero và người môn đệ Chúa yêu. Theo thứ tự thời gian, Maria Macdala là người đến mộ đầu tiên, sau đó là đến môn đệ Chúa yêu và cuối cùng là thánh Phero.
Trong định luật “vạn vật hấp dẫn”, một vật có lực hấp dẫn với các vật khác là như nhau không lệ thuộc vào khối lương của vật đó. Điều này cũng có nghĩa là nếu ta thả một cục sắt hay một tờ giấy xuống đất thì chúng cũng rơi như nhau, trong môi trường chân không. Cũng vậy trong định luật “tình yêu hấp dẫn” của Thiên Chúa thì Thiên Chúa yêu thương mọi người như nhau không phân biệt người đó thánh thiện hay tôi lỗi, cao sang hay thấp hèn, giàu có hay nghèo khổ… Thế nhưng trong đoạn Tin Mừng này chúng ta lại thấy có sự khác biệt ít nhất là về mặt thời gian.
Bà Maria đã đến mồ sớm nhất khi có thể, dường như bà không thể chờ đợi được thêm nữa cho nên dù trời còn tối bà cũng đã đi. Người môn đệ Chúa yêu thì lại chạy ra mồ nhanh hơn thánh Phero sau khi nghe tin báo của bà Maria. Sự khác biệt về thời gian cũng cho ta thấy được sự khác biệt của lòng mến dành cho Chúa Giesu. Ta tự hỏi, tại sao lại có sự khác biệt này dù “lực hấp dẫn” của tình yêu Thiên Chúa với con người là như nhau.
Nếu trong vật lý con người có thể tạo ra môi trường chân không để cho thấy sự giống nhau của lực hấp dẫn lên các vật, nhưng trong tình yêu thì không thể. Mỗi người có một tương quan cá vị riêng biệt và duy nhất với Thiên Chúa, vì thế mà không thể có một “môi trường” chung cho tất cả mọi người. Đó chính là lý do dẫn đến sự khác biệt nói trên. Bà Maria có một tình yêu dành cho Chúa cách đặc biệt như đã được tường thuật trong các sách Tin Mừng. Tình yêu bà dành cho Chúa là không tính toán, không mưu cầu lợi cho bản thân vì bà đã theo Chúa cho đến dưới chân thập giá. Còn người môn đệ Chúa yêu dù cũng đã ở dưới chân thập giá nhưng cũng đã từng bỏ Chúa lại một mình trong vườn Giesimani và chạy trốn cùng với các môn đệ khác. Cuối cùng, thánh Phero lại có thêm một nố lớn đó chính là việc chối Thầy mình đến 3 lần.
Bài học ta có thể rút ra trong đoạn Tin Mừng này là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa không phải phát xuất từ phía con người nhưng là chính từ phía Thiên Chúa, chính Ngài đã tác động trước và phần con người chỉ là đáp lại và chấp nhận tình yêu của Ngài. Bài học thứ hai là sự đáp trả không tỉ lệ với địa vị của con người. Trong một xã hội còn đề cao đời sống tu trì như ở Việt Nam thì rất dễ có nhận xét các giáo sĩ và tu sĩ thánh thiện, đạo đức hơn giáo dân. Tuy không phủ nhận điều đó vì giáo sĩ và tu sĩ có điều kiện tốt hơn vì đã dâng mình hoàn toàn để phụng sự Chúa nhưng không phải là tuyệt đối và đương nhiên như vậy.
Xin Chúa cho chúng con biết dẹp bỏ ngày càng nhiều những chướng ngại cản bước chúng con đến với Chúa. Xin cho chúng con mở lòng ra đón nhận tình yêu thương xót của Chúa để chúng con đáp lại với tất cả con người của chúng con.
Mt. Thịnh