Chúa nhật IV Thường Niên, năm C
NGÔN SỨ ÍT ĐƯỢC CHẤP NHẬN NƠI QUÊ HƯƠNG MÌNH
Bài đọc 1: Gr 1, 4-5. 17-19
Bài đọc 2: 1Cr 12, 31-13, 13
Tin Mừng: Lc 4, 21-30
Trong phụng vụ mỗi thánh lễ, Giáo hội luôn chọn các bài đọc có chung một nội dung, gọi là «sợi chỉ đỏ xuyên suốt» làm chủ đề chính trong ngày, điều này chúng ta dễ dàng tìm thấy nhất là phụng vụ trong các ngày Chúa Nhật. Vì thế các linh mục khi soạn bài giảng thường dựa trên điểm xuyên suốt đó để khai triển và giải thích Lời Chúa, nhưng cũng có nhiều linh mục thêm ít gia vị đời thường để cho bà con không rơi vào cảnh mê hồn trận.
Bài Tin mừng. Chủ để phụng vụ Chúa Nhật này dựa trên bối cảnh mà Tin Mừng Thánh Luca thuật lại khi Đức Giêsu tại Nazareth cắt nghĩa về sách Ngôn Sứ Isaia trong đoạn nói về sứ vụ của Nười Tôi Tớ Đau Khổ, rồi Ngài kết: «Hôm nay sẽ ứng nghiệm lời Sách Thánh mà anh em vừa nghe» (Lc 4, 21). Khi nghe những lời đó, dân chúng phản ứng dữ dội và bảo nhau: «Hắn ta chẳng phải là con ông Giuse sao?» (c. 22). Đức Giêsu nói với họ: «Không một Ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình» (c. 24).
Trong lịch sử Israel vốn xuất hiện nhiều ngôn sứ. Ngôn sứ là người được Thiên Chúa chọn, thánh hiến để trở thành NGƯỜI NÓI LỜI CHÚA cho dân. Qua Ngôn sứ, Thiên Chúa mặc khải cho dân biết chương trình cứu độ của Người; đồng thời, Ngôn sứ cũng là người dạy dỗ và dẫn đưa dân đến với Thiên Chúa,… Như thế có thể nói, Ngôn sứ là người trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Nhưng số phận chung của các Ngôn sứ, bao gồm cả Đức Giêsu, thường là sự cô độc, sự bị loại trừ, sự lưu đày, sự bách hại và cuối cùng là cái chết.
Bài đọc I, nói đến hình ảnh của Ngôn sứ Giêrêmia. Giêrêmia được gọi là «Ngôn sứ của các dân tộc», được Thiên Chúa chọn và thánh hóa để nói Lời Chúa cho dân Israel và dân ngoại. Với bản tính ôn hòa và nhạy cảm, ông vốn không thích hợp làm Ngôn Sứ cho một xã hội suy đồi, nhưng Thiên Chúa đã chọn và ông phải vâng lời. Cuối cùng ông đã bị bách hại.
Vai trò của các Ngôn sứ là nói Lời Chúa cho dân, nhưng với Đức Giêsu, Ngài không chỉ nói Lời Chúa mà chính Ngài là Lời của Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa đến với con người để thi hành sứ mệnh mạc khải và cứu độ con người. Như thế, chính nơi Đức Giêsu, ơn gọi ngôn sứ tìm thấy sự hoàn thiện, Người là hiện thân của sự mạc khải tròn đầy, là hình ảnh của Chúa Cha, Đấng yêu thương con người và cứu độ con người khỏi sự chết.
Các môn đệ của Đức Giêsu sống trong thời đợi chờ ngày Quang Lâm, cũng như Ngôn sứ Giêrêmia, được mời gọi sống và thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, là loan báo Lời Chúa, nghĩa là loan báo Tin Mừng giải thoát và ơn cứu độ.
Công đồng Vaticano II nhìn nhận vai trò ngôn sứ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: mỗi kitô hữu, trong sự hiệp thông với Đức Kitô, được mời gọi trở thành ngôn sứ và chứng nhân, nghĩa là được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Người. Mỗi kitô hữu trở thành ngôn sứ, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, có khả năng loan báo chứng từ sống động về Đức Kitô bằng đời sống đức tin và đức mến.
Bài đọc II. Trong bối cảnh của thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, hiến chương đức ái được nối kết với các đặc sủng, nhất là đặc sủng làm ngôn sứ. Với Thánh Phaolô, đặc sủng ngôn sứ là một ân ban của Thiên Chúa, để mặc khải và mở ra cho dân biết mầu nhiệm thánh. Đặc biệt chương 13 mà chúng ta đọc hôm nay, cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của sứ vụ ngôn sứ, đó là nền tảng cho công cuộc xây dựng cộng đoàn dân Thiên Chúa thể hiện qua đức mến và tình yêu đồng loại. Bởi lẽ nếu không có đức mến thì sứ vụ ngôn sứ không bao giờ đạt đến cùng đích của mình: «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,2).
Từ lời nói của Đức Giêsu: «Không một Ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình» (Lc 4, 24), chúng ta có thể liên tưởng đến câu nói của người Việt Nam mình: «Ở chùa gọi Bụt bằng anh», với hàm ý rằng chúng ta thường thiếu tôn trọng những người quanh chúng ta:
– Trong dòng tu: thiếu tôn trọng bề trên, xem nhẹ những lời góp ý của anh em…
– Trong gia đình: quên sự hiện diện của cha mẹ, vợ chồng, con cái sống với mình.
Và ít trân quý những điều chúng ta đang có, chỉ khi nào chúng vụt khỏi tầm tay, thì mới thấy tiếc nuối và chợt nhận ra rằng mình đã mất đi một điều quí giá.
Ơn gọi ngôn sứ của người kitô hữu trongthế giới hôm nay không gì khác hơn là sống đức mến với tha nhân, khởi đầu từ chính gia đình và cộng đoàn mình.
Lm. Quốc Vũ