Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu

Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098)

I. Tu trào dan tu thời đầu

1. Khái quát

Thời Cựu Ước, người ta đã thấy xuất hiện hình thức ‘tu trì’ của một số cá nhân với lối sống cô tịch trong sa mạc và có kèm theo lời khấn ‘Nazir’ trước khi được Thiên Chúa sai họ đi thi hành một sứ vụ ngôn sứ nào đó (x. Ds 6, 1-21). Trường hợp của Samson (x. Tl 13, 1tt ), của Elia (x. 1V 19, 8-18) thuộc loại này.

Đến thời Tân Ước, người ta cũng gặp thấy một số cá nhân hoặc những nhóm nhỏ được quy tụ và sống chung trong cô tịch và chay tịnh nghiêm nhặt để mong đợi Đấng Mesia (nhóm Esseni là một ví dụ – thánh Gioan Tẩy Giả xuất phát từ nhóm này (x. Mc 1,1-8; Lc 3,1-18; Ga 1,19-28).

Đến thế kỷ III, ở Đông Phương xuất hiện một số Kitô hữu có ước vọng tuân giữ cách nghiệm nhặt các Huấn lệnh Phúc Âm. Họ tìm cách xa lánh cuộc đời trần thế thông thường, tự nguyện sống ẩn mình trong sa mạc để gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa qua đời sống khắc khổ, hy sinh và cầu nguyện. Phong trào này phát triển ngày càng mạnh ở Đông Phương và sau đó, khoảng đầu thế kỷ IV đã lan tràn sang Tây Phương. Hình thức tu trì này chính là nền tảng cho ‘Tu Trào Đan Tu’ tiếp sau đó. Chúng ta điểm lại một vài gương mặt tiêu biểu được truyền thống đan tu Đông – Tây ghi lại với lòng ngưỡng mộ sâu xa. 

2. Một vài linh phụ tiêu biểu

a. Tại Đông Phương

* Thánh Phaolô Ẩn tu

Thánh Phaolô ẩn tu (229-342)

Khoảng năm 250, để trốn cuộc bách hại Giáo Hội cách tàn bạo của Hoàng đế Decius, Phaolô đã ẩn mình trong nhà một người bạn nhưng không được an toàn, sau đó ngài đã rời bỏ nơi này và vào sống ẩn dật trong sa mạc Thébaide thuộc Aicập. Chính nơi sa mạc này, Phaolô được ơn Chúa thúc đẩy và quyết tâm ở lại trong sa mạc, không bao giờ trở về với nếp sống thành thị xa hoa nữa. Thay vào đó, Phaolô sẽ dùng đời sống hằng ngày để cầu nguyện cho những nhu cầu của hết thảy mọi người và cho các tội nhân được ơn hoán cải.

Không lâu trước khi qua đời, Chúa an bài cho ngài gặp được Antôn, một vị ẩn tu thánh thiện. Phaolô rất đỗi vui mừng khi gặp được Antôn vì Chúa cho ngài linh cảm được rằng chỉ trong vài ngày nữa mình sẽ qua đời. Phần Antôn ngài đau đớn buồn sầu bởi không muốn mất đi người bạn mới quen biết này cách nhanh chóng như vậy.

*Thánh Antôn Tu Rừng   

Antôn sinh tại Cosma bên Aicập vào khoảng 251. Tuy có may mắn được cha mẹ để lại cho một gia tài kếch xù cùng với người em gái. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu, qua lời Tin Mừng: “ Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19,21). Chúa đã kêu gọi Antôn dâng hiến cuộc đời cho Người.

Thánh Antôn Cả (251 – 356)

Năm 35 tuổi, Antôn quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Sau một thời gian tu luyện, tiếng tăm về nhân đức và sự khôn ngoan của ngài lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin ngài chỉ giáo.

Năm 311, khi được tin Hoàng đế Maximinus Daia ra chiếu chỉ bách hại đạo Công giáo, và tại Alexandria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu trung kiên, thánh nhân quyết định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Nhưng Chúa không muốn ban cho Antôn triều thiên tử đạo. Chúa muốn ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và ăn chay cầu nguyện cho những ai sống đời tu trì sau này. Vì vậy, ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày đón tiếp mọi người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân.

Khi được 105 tuổi, Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, ngài liền hội các tu sinh lại quanh giường khuyên bảo họ lần cuối cùng.  Ngài cũng dạy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Aicập. Sau cùng ngài giơ tay chúc lành cho tất cả các tu sĩ và mọi người hiện diện quanh ngài và phó dâng linh hồn trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa. 

*Thánh Pacomio và đời sống cộng tu

Pacomio sinh năm 293 ở Aicập, trong một gia đình ngoại giáo giàu có. Lớn lên, ngài tham gia quân đội. Sau khi giải ngũ, ngài muốn phụng sự Thiên Chúa và được rửa tội năm 313. Năm 316, Pacomio vào sa mạc sống đời ẩn tu dưới sự hướng dẫn của nhà khổ hạnh Palemon. Pacomio bắt chước thầy mình trong cách cầu nguyện, chay tịnh, ngủ nghỉ và cách dùng tiền bạc.

Thánh Pacomio, viện phụ (293 – 348)

Sau bảy năm sống đời ẩn dật bên thầy Palemon, vào năm 320, Pacomio nghe tiếng gọi từ trời đi xây dựng một đan viện tai làng Thebais bên bờ sông Nile với nếp sống cộng tu đầu tiên, nhưng vẫn cho phép thực hành những hình thức khổ chế cá nhân. Đan viện được tách rời khỏi thế giới bên ngoài bằng một bức tường rào ngăn cách.  Đan viện có nhà nguyện, nhà cơm, nhà bếp, phòng khách. Các thành viên trong đan viện được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 24 người, dưới sự điều khiển của nhóm trưởng.

Sau những thử nghiệm về đời sống cộng đoàn không mấy thành công, Pacomio nhận ra rằng muốn có một cộng đoàn bền vững cần bỏ chung của cải. Vì vậy, bộ luật do Pacomio soạn nhấn mạnh tới tình tương thân tương trợ và chia sẻ. Theo thánh Pacomio, ai muốn gia nhập cộng đoàn phải từ bỏ gia đình và của cải để theo Chúa. Đối với Pacomio phương pháp để đi thẳng tới Thiên Chúa là thực thi hiệp thông và kiến tạo đời sống cộng đoàn.

Thánh Pacomio là người đầu tiên viết Tu Luật cho đời đan tu Kitô giáo. Bản Tu luật của ngài gồm 192 quy định, cho thấy sự khôn ngoan và sự đúng mực của người làm luật. Bản luật được viết bằng tiếng Coptes. Tu viện nguyên thủy của thánh Pacomio rất lớn, lúc ngài qua đời đã có 9 đan viện, số đan sĩ đã lên tới khoảng 9.000 người.

* Thánh Basilio tiếp nối nếp sống cộng tu

Thánh Basilio (396 – 379)

Năm 25 tuổi, Basilio quyết định du hành qua Syria, Aicập, Palestine và vùng lưỡng hà để tìm hiểu và khám phá cuộc sống ẩn tu và đan tu cộng đoàn. Ngài bị nếp sống đan tu theo thánh Pacomio hấp dẫn. Khi trở về nguyên quán (vùng Cappadocia, tiểu Á), Basilio thành lập một đan viện vào năm 358 trên phần đất của gia đình ở Idris.  

Năm 357, tại Capadocia, thánh Basilio hoàn thành cuộc thí nghiệm đời sống viện tu do thánh Pacomio khởi xướng ít lâu trước đó. Từ đây, các môn đệ của ngài tuyên khấn vâng phục, đặt họ dưới quyền viện phụ, và lời khấn vĩnh cư cấm họ rời bỏ đan viện. Thánh Basilio soạn thảo những bản ‘Tu luật dài’ và những bản ‘Tu luật ngắn’, trong đó phân bố thì giờ cho việc lao động chân tay và cầu nguyện, quy định các việc hy sinh được phép làm và tổ chức đời sống vật chất của họ: lao động theo nhóm, nhà ngủ và ăn chung.

Đời sống đan tu do thánh Basilio thiết lập có được sự hài hòa trong cầu nguyện. Các đan sĩ có thể được chịu chức linh mục để giúp cộng đoàn. Họ lao động chân tay và làm việc tông đồ. Đời sống theo luật của thánh Basilio có sự quân bình giữa học hỏi Lời Chúa và lao động đồng áng. Các đan sĩ thi hành bác ái cụ thể qua việc đón tiếp khách tới thăm đan viện hay những người nghèo. Thánh Basilio luôn cổ võ đời sống ẩn tu và ao ước đưa các ẩn sĩ theo Eustathe gia nhập vào Giáo hội (vì họ ngả theo phái Ario).

Bộ luật của thánh Basilio được coi là một bộ luật hài hòa và là một kiệt tác cho linh đạo đan tu. Bộ luật này ảnh hưởng sâu rộng không những trên các đan sĩ Đông Phương như các đan sĩ vùng tiểu Á và Palestine, mà cả trên các đan sĩ Tây Phương như Gioan Cassiano và Biển Đức.

Như vậy, tại Syria và Palestine vào cuối thế kỷ IV, song song với đời sống ẩn tu vẫn tiếp tục tồn tại trong các sa mạc, nhiều đan viện được thành lập. Cũng trong thời kỳ này, phong trào ẩn tu và cộng tu đã lan rộng sang Tây Phương.

b. Tại Tây Phương     

Đời đan tu được du nhập sang Tây Phương do công của một số vị Giáo Phụ mà thánh Athanasio là người khởi đầu.

* Thánh Athanasio

Như một sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa, cuộc lưu đày của thánh Athanasio, Giám mục Giáo phận Alexandria đã mang cho Tây Phương hình thức ‘tu trì cộng tu’ vốn đã được thử nghiệm và đang phát triển ở Đông Phương. Từ đây đời đan tu được giới thiệu cho Tây Phương và đã làm bùng dậy phong trào tu trì này ở đây.

* Thánh Hieronimo   

Hieronimo (347-420) là người xứ Dalmatia, ngài đã đến sống ẩn dật tại sa mạc Chalcis vào năm 347. Khi trở về Roma năm 382, Hieronimo mang theo nhiều kinh nghiệm quí báu và những nhận thức vững chắc về các linh phụ sa mạc mà ngài đã viết ‘hạnh tích’ trước khi từ giã cõi đời ở Bethlehem năm 420.

* Thánh Martino, giám mục

Martino sinh tại xứ Gaule (Pháp), vốn là một binh sĩ Roma đã trở thành đan sĩ. Martino lập cộng đoàn đan sĩ đầu tiên tại xứ Gaule. Đến khi ngài làm giám mục thành Tours năm 371, ngài đưa cộng đoàn do ngài thiết lập về Marmoutier, phía bắc thành Tours và tổ chức cộng đoàn này theo khuôn mẫu đan tu của thánh Pacomio. Marmoutier là đan viện đầu tiên bên Tây Phương. Các đan sĩ của đan viện này sống cuộc đời khổ hạnh khắt khe và đi rao giảng Tin Mừng.

Tai Ý và Provence (những vùng tiếp xúc với Phương Đông), các hình thức ẩn tu và các đan viện được thiết lập ngày càng nhiều.

* Thánh Augustino

Thánh Augustino sinh tại Carthage, sau cuộc hoán cải năm 386, ngài thiết lập nhiều trung tâm ẩn tu: tại Tagaste vào năm 386, tại Hippone năm 388.

Năm 388, thánh Augustino lập tu viện và áp dụng những nét chính yếu của đời tu cho các giáo sĩ. Ngài nối kết đời linh mục với đời đan tu, chọn các đan sĩ làm giáo sĩ. Tu luật thánh Augustino là tổng hợp những lời khuyên tổng quát cho tu sĩ. Vào khoảng năm 424, thánh nhân viết bức thư số 211 gửi các nữ tu. Bức thư này vào thế kỷ IX được sửa chữa và trở thành tu luật cho các dòng hoạt động.

* Gioan Cassiano

Gioan Cassiano (360-435) từng là đan sĩ được 20 năm tại một đan viện ở Bethlehem, năm 415 Gioan Cassiano lập đan viện Saint Victor tại Marseille cho nam giới và lập tu viện Saint Sauveur cho nữ giới. Ngài là một bậc thầy sống trong đời đan tu.

Tu viện Saint Victor trở nên nổi tiếng nhờ các tác phẩm của Gioan Cassiano. Đó là bộ ‘Giáo huấn đan tu’, cuốn gối đầu của đan sĩ và tác phẩm ‘Thế Hệ Viện Tu’ (DeInstitutis Coennobiorum và Collationes).

* Thánh Columbano, viện phụ

Columbano sinh tại Kildare, Ireland vào giữa thế kỷ thứ VI, một thời kỳ mà danh tiếng các dòng tu ở Ireland đã bắt đầu nổi danh trên khắp thế giới Kitô giáo. Khi ấy người ta tuôn đến các hòn đảo này để học hiểu văn chương và nghệ thuật trong các đan viện.

Từ nhỏ, Columbano đã có một trí khôn sắc sảo hứa hẹn những địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng ngài lại ưu tư vì những nguy hiểm mà sắc đẹp bày ra cho ngài. Ước muốn duy nhất của Columbano là sự thánh thiện, vì thế ngài quyết định giã từ thế gian để sống trong đan viện.

Sau thời gian dài khổ luyện và học hỏi từ các bậc trưởng thượng, Columbano đã đạt được một sự hiểu biết và trực giác thiêng liêng sâu sắc. Vì thế, chẳng mấy lâu sau, ngài thu hút được nhiều tâm hồn thiện chí muốn theo đuổi lý tưởng tu trì với mình và từ đó thánh nhân đã thành lập nhiều đan viện tại nhiều vùng khác nhau, trong đó đáng kể nhất tại Luxeuil (Pháp) và tại Bobbio (Ý).

Ngoài các đan viện do ngài lập, Columbano còn để lại cho hậu thế một bản tu luật rất nhiệm nhặt và đã giúp ích cho nhiều tâm hồn.    

Tu luật của thánh Columbano có 10 chương (ngắn hơn Tu luật thánh Biển Đức); trong đó, sáu chương đầu nói về sự vâng lời, thinh lặng, đồ ăn, khó nghèo, hèn mọn và sự trinh khiết. Chương 10 có thêm nhiều quy định về việc trừng phạt thân thể. Đan sĩ mặc áo dài và mũ trùm đầu bằng lông cừu không tô màu. Dành nhiều thời giờ lao động chân tay, giống cách sống theo những tu luật đương thời khác.

Tu luật thánh Columbano được công đồng Macon thứ IV chấp nhận năm 627 và cũng đã được thánh Biển Đức sử dụng nhiều chi tiết khi viết bản tu luật của ngài. Công cuộc của Columbano triển nở mạnh mẽ sau cái chết của ngài. Luxeuil trở thành trường phái đan viện quan trọng trong thế kỷ VII và còn tồn tại cho tới cuộc Cách Mạng Pháp (1789). Bobbio trở thành ‘Đan Viện Montecassino’ miền Bắc Italia. Ngày nay, dân miền Bắc Italia rất sùng kính thánh Columbano, có 34 giáo xứ được dâng kính ngài.

 Tuy nhiên, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sống “đan tu cộng tu” ở Tây Phương chính là thánh Biển Đức, vì vậy chúng tôi muốn đề cập đến ngài một cách chi tiết hơn.  

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

  LỊCH SỬ LINH ĐẠO ĐAN TU A- DẪN NHẬP   Định...

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910)...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

  LỊCH SỬ LINH ĐẠO ĐAN TU A- DẪN NHẬP   Định nghĩa các từ và nhóm từ : - Lịch sử : Đó là sự nhận biết...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...