Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri Denis (sinh ngày 17.08.1880) (quen gọi là Cố Thuận) thuộc hội truyền giáo Paris (MEP).

Ngày nay khi nghe nói đến dòng Xitô, còn không ít người ngạc nhiên, thắc mắc không biết nguồn gốc dòng Xitô như thế nào, do ai lập ra . Vì nói đến dòng Đa-minh, người ta liên tưởng đến những tu sĩ giảng thuyết với Thánh Đa-minh tổ phụ, hay dòng Phanxicô với tổ phụ là vị thánh yêu thiên nhiên, nhìn đâu cũng thấy Chúa, ở ngồi đâu cũng ca ngợi Chúa được, đó là Thánh Phanxicô, hay dòng La-san, dòng Don Bossco … là những dòng lấy chính tên Vị Tổ Phụ đặt cho tên dòng của mình, cùng với những công việc nổi trội mà mọi người đều nhận ra. Còn dòng Xitô thì mỏi mắt tìm hoài trong sổ bộ các thánh mà chẳng thấy tên thánh Xitô nào cả. Vậy dòng Xitô là dòng nào, ai lập ra, dòng được thành lập trong hoàn cảnh nào?

I. NGUỐN GỐC:

 Dòng Xitô là kết quả của cuộc cải tổ thứ 3 từ dòng Biển Đức.

Vào năm 1075, Roberto cùng với một số anh em rời bỏ dòng Cluny (thuộc Biển Đức) đi lập một đan viện mới trong khu rừng Molesme (sau này đặt tên đan viện là Molesme) trong vùng Tonnerre với mục đích sống nghèo triệt để và sống đúng với luật Thánh Biển Đức. Nhưng sự thành công mau chóng cùng với sự giàu sang của Molesme đã làm cho ý tưởng sống nghèo của Roberto tan vỡ. Vì thế từ đan viện Molesme, Viện phụ Roberto, Allberico và Stéphano Hardingo là những bậc thánh thiện, các ngài muốn thoát khỏi cảnh giàu sang của Cluny, và đồng thời các ngài cũng là những người yêu mến luật Thánh Biển Đức, muốn trung thành với luật Biển Đức, không dễ chấp nhận sống trong một đan viện mà lề luật bị xem nhẹ. Từ đó các ngài đã rời đan viện Molesme (thuộc Cluny) đi lập một đan viện mới với mục đích trở về nguồn, sống nghèo đúng với tinh thần luật Biển Đức.

Do đó, ngày 21 . 03 . 1098, được phép của Đức Giám mục Hugues thành Lyon, Roberto lúc đó đang là bề trên đan viện Molesme cùng với Allberico và Stéphano Hardingo rời đan viện Molesme đi lập một đan viện mới ở vùng đất mang tên Xitô (về sau lấy chính địa danh này đặt tên cho dòng mới là Xitô) gần Dijon thuộc phần đất của bá tước Beaune và Bourgogne dâng cúng. Bước đầu dòng mới gặp nhiều khó khăn, vì đây là một vùng sình lầy, không lôi kéo được nhiều ơn gọi. Nhưng với thời gian được nhiều người biết đến, dòng phát triển dần lên và vào tháng 11 năm 1106 ngôi nhà nguyện đầu tiên được thánh hiến. Lối kiến trúc của Xitô hoàn toàn khác với Cluny huy hoàng lộng lẫy, ở Xitô chỉ thấy đơn sơ, thô và khô khan. Đến năm 1119 đan viện mới chính thức đặt tên là Xitô và đặt đan viện dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria. Bốn đan viện con đầu tiên của Xitô là: La Ferté (lập năm 1113), Pontigny (1114), Bonnevaux và Claivaux (1115). Sau những khó khăn ban đầu, dòng đã phát triển mạnh, đặc biệt vào thời Thánh Bênađô, nhờ sự thánh thiện và tài hùng biện cùng sự khôn ngoan của ngài đã đưa dòng Xitô đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện;  đồng thời dòng dòng Xitô có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo hội, dòng tham gia vào nhiều lãnh vực quan trọng của Giaó hội cũng như xã hội.

II. BƯỚC ĐỘT PHÁ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Dòng Xitô được thành lập vào năm 1098 và đạt tới đỉnh cao ở thế kỷ 12-13, nhưng từ thế kỷ 14-19 thì bắt đầu đi xuống. Có nhiều lý do, nhưng 2 lý do chính sau đây ảnh hưởng trực tiếp làm cho dòng đi vào con suy thoái:

1). Ảnh hưởng của các cuộc chiến liên tiếp xảy ra giữa các nước Châu âu (1337-1453), đại ly giáo Tây phương (từ 1378-1417), việc kinh đô Giáo hội bị dời về Avignon (Pháp) suốt 20 năm, giáo phái Tin lành ra đời (1517), và cuộc cách mạng Pháp (1789).

2). Nạn thu ích: là quyền của vua chúa hay của Giaó hội ban cho một người đời được hưởng quyền trên đan viện với tư cách là bề trên của đan viện. Nói cụ thể là thế quyền và giáo quyền xen vào nội bộ đan viện quá sâu, đến nỗi người đan sĩ trong đan viện không có quyền gì cả, kể cả quyền tuyển chọn, bầu cử và quyền quản lý tài sản đan viện.

Hai lý do này làm cho dòng Xitô rơi vào thế kiệt quệ, mất sức sống, vì thế các đan viện muốn đứng lên cải tổ, chấn hưng lại, khôi phục lại tinh thần đan tu cho dù đã bị nhuốm màu thế tục, cho dù đã suy sụp…và các đan viện đã liên kết với nhau thành từng nhóm để cải tổ. Trong quá trình cải tổ thì cũng có những đan viện thành công, nhưng cũng có những đan viện không thành công. Những đan viện thành công phải kể đến trước tiên là đan viện Trappe (Trappistes). Những đan viện thành công trong cuộc cải tổ thì qui tụ lại thành một nhóm, đi đầu là đan viện Trappe, nhóm này gọi là Xitô nhặt phép, lấy chính tên đan viện Trappe đặt tên cho nhóm. Còn những đan viện cải tổ không thành công thì trở thành một nhóm gọi là Xitô chung phép (Xitô Thánh Gia Việt nam thuộc nhóm này). Như vậy, từ đây (1618) Xitô nguyên thuỷ được chia làm 2 nhánh: Xitô nhặt phép (Trappistes) và Xitô chung phép.

Tóm lại, Xitô nhanh chóng phát triển bởi chính con đường Xitô mang lại: quân bình giữa đời sống cầu nguyện, lao động và tri thức. Lý tưởng của người đan sĩ Xitô là từ bỏ tất cả để chỉ tìm một mình Thiên Chúa và làm vinh danh Thiên Chúa. Phụng vụ của Xitô theo truyền thống Biển Đức, luật Biển Đức được áp dụng nghiêm nhặt: vâng lời Viện phụ, người đại diện Chúa Kitô trong cộng đoàn, khiêm nhường, thinh lặng, định cư và khổ chế là tâm điểm của linh đạo Xitô. Người đan sĩ Xitô sống theo luật Biển Đức: không đòi hỏi, không tô điểm thái quá. Việc hiếu khách là đặc nét người đan sĩ (yêu sách của luật Biển Đức: đón khách là đón Chúa Kitô), họ phục vụ khách, đón tiếp khách hành hương, tĩnh tâm… nhưng không vì thế mà bị lôi cuốn vào nếp sống trần tục.

III. ĐAN TU XITÔ THÁNH GIA VIỆT NAM

1. Khởi đầu:

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri Denis (sinh ngày 17.08.1880) (quen gọi là Cố Thuận) thuộc hội truyền giáo Paris (MEP). Sau khi chịu chức (07 . 03 . 1903) ngài được sai sang Việt Nam, địa phận Huế để truyền giáo. Ngày 31. 05 . 1903 ngài đặt chân lên Đà Nẵng, nước Việt Nam. Ngài được Đức Cha Gaspar (Giám mục Huế) đặt tên là Cố Thuận: thuận theo ý Chúa, và được sai đi làm cha xứ Kim Long, sau đó làm giáo sư chủng viện An-Ninh (Huế). Đến năm 1908 thì trở về làm cha xứ Nước Mặn (Thưà Lưu).

Sau những năm làm cha xứ, làm giáo sư chủng viện, ngài được ơn Chúa soi dẫn và xin Đức Cha Allys đi lập dòng chiêm tu với tên gọi dòng Đức Bà Việt Nam. Dòng được thành lập vào ngày 15 tháng 08 năm 1918.  Ngày 11 tháng 10 năm 1918, Đức Thánh Cha Bênêđictô XV phê chuẩn việc lập dòng “Đức Bà Việt Nam” qua văn thư của Bộ Truyền Giáo. Mục đích của Đấng Sáng Lập là lập một dòng chiêm tu chuyên lo việc cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như cho dân ngoại giáo ở vùng viễn đông tin nhận và trở lại đạo Chúa. Vì thế sau khi thành lập dòng mới thì việc đầu tiên là xin sáp nhập vào dòng Xitô thế giới (Trappistes, Xitô nhặt phép) để sống đúng tinh thần của Cha Thánh Biển Đức cũng như tinh thần của các Đấng Tổ Phụ Xitô tiên khởi. Thế nhưng ý hướng tốt lành đó đã không thành, vì Xitô nhặt phép không chấp nhận, họ sợ người Á-đông cách riêng người Việt Nam không tuân thủ được những đòi hỏi cũng như luật lệ nghiêm nhặt của Trappistes.Vì thế cha Denis phải chuyển hướng sang dòng Xitô chung phép và được chấp nhận.

2. Phát triển:

Sau khi được sáp nhập vào Xitô thế giới (Xitô chung phép), thì dòng đổi tên từ “Dòng Đức Bà Việt Nam”thành“Xitô Thánh Gia Việt Nam”. Từ đây dòng được nhiều người biết đến, dòng phát triển rất nhanh, ơn gọi ngày một gia tăng, nhân sự, cơ sở vật chất cũng tăng lên không ngừng. Hiện nay Xitô Thánh Gia Việt trở thành một Hội dòng và đứng vào hàng thứ nhất về nhân sự, con số của Xitô chung phép trên thế giới (Xitô chung phép thế giới hiện nay có tất cả 12 Hội dòng:  Ý, Tây Ban Nha, Áo, Brasil, Pháp, Đức, Balan, Irlande, Hunggari, Thụy Sĩ, Việt Nam và Mỹ ).

Hiện nay Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam có các nhà: nhà mẹ Phước Sơn (thành lập năm 1918), nhà con đầu tiên là Châu Sơn Nho Quan (năm 1936), đến năm 1954 do thời cuộc di cư vào Nam, một số anh em nhà con Châu Sơn Nho Quan vào Miền Nam lập một nhà mới gọi là Châu Sơn Đơn Dương (Đà-lạt). Nhà con thứ hai là Phước Lý (năm 1950). Nhà con thứ 3 là Thiên Phước, Vũng Tàu (năm 1975), thứ tư là Phước Vĩnh, Trà Vinh (năm 1975), và nhà Fatima ở Thuỵ Sĩ (năm 1978). Ngoài ra còn có 2 nhà thuộc hàng cháu là đan viện Châu Thuỷ (năm 1971) ở Hàm Tân, Bình Thuận là nhà con của đan viện Châu Sơn Đơn Dương, và đan viện An Phước (năm 1978) ở Long Thành, Đồng Nai là nhà con của đan viện Phước Lý. Bên cạnh những đan viện nam thì còn có một nhánh nữ là đan viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước, từ đan viện này sinh ra hai nhà con là đan viện Xitô Thánh Mẫu Phước Hải (Vũng tàu) và Phước Thiên (Bà-riạ).

3. Đời sống chiêm tu Xitô Thánh Gia Việt Nam:

Mục đích của Đấng Sáng Lập là lao động và cầu nguyện cho việc truyền giáo và lương dân trở lại. Do đó, người đan sĩ Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam là thuần tuý chiêm niệm, họ không tham gia vào những công việc mục vụ tông đồ như dạy giáo lý, coi xứ…mà chỉ sống đời cầu nguyện chiêm niệm trong đan viện. Họ thực hiện điều mà Giáo hội mong ước: “Trong các hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hi sinh, cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, thì những hội dòng ấy vẫn phải luôn giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, ‘mỗi chi thể đều có một tác động khác nhau’ (Rm 12, 4). Thực vậy họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng một việc làm âm thầm mà phong phú. Như thế, họ là vinh dự của Giáo hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng…”  (Cđ Vat2, DT, số 7).

Sinh hoạt hằng ngày trong đan viện được chia đều cho việc lao động chân tay, học hành và việc cử hành thần vụ. Mọi sinh hoạt nhằm đến mục đích cuối cùng là giúp người đan sĩ tìm Chúa, gặp Chúa, họ là những con người tìm Chúa. Do đó, Thánh Lễ và các giờ kinh thần vụ là đỉnh cao ngày sống của người đan sĩ. Vì Thánh Tổ Biển Đức kêu gọi con cái của ngài: “Không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô, không lấy gì làm hơn việc phụng sự Chúa” (Tu luật chương 4, 21). Các giờ kinh thần vụ và Thánh Lễ trong đan viện được cử hành một cách hết sức trang nghiêm và trọng thể, họ ý thức việc họ đang làm: không chỉ thay mặt Hội Thánh ca ngợi Chúa, nhưng cùng với chư thánh trên trời hợp tiếng ca khen, chúc tụng Chúa ngay ở trần thế này.

Một nét nổi bật khác của Xitô Thánh Gia Việt Nam là hiếu khác. Họ muốn cụ thể hoá điều Thánh Biển Đức nói ‘Chúa Kitô trong quí khác’ (Tu luật, chương 53). Do đó không lạ khi bước chân vào bất cứ một đan viện nào thì quí khách thấy ngay một ngôi nhà đón khách, dành cho khách vãng lai, bên cạnh đó là một ngôi nhà tĩnh tâm, dành cho những ai có nhu cầu tâm linh như tĩnh tâm, hành hương… Đan viện luôn tạo môi trường, điều kiện để cho những ai muốn có một khoảng khắc riêng tư, một khoảng không gian yên tĩnh để cầu nguyện, để tĩnh tâm. Đây là một việc tông đồ quan trọng của đời sống đan tu chiêm niệm, họ không tham gia hoạt động tông đồ như bao anh chị em hoạt động tông đồ khác, nhưng họ trợ giúp Giáo hội bằng cách đồng hành với những anh chị em làm việc tông đồ bằng đời sống cầu nguyện. Hiện nay các đan viện Xitô ở Việt Nam đều có nhà khách tĩnh tâm, đan viện phục vụ khách không chỉ trong việc ăn uống, nhưng còn giúp về mặt thiêng liêng nếu khách có nhu cầu.

Tóm lại, đời sống đan tu Xitô Thánh Gia Việt Nam hiện nay phát triển khá mạnh, ơn gọi dồi dào, đan viện nào cũng tràn ngập ơn gọi, đan viện nào cũng đầy những gương mặt trẻ hăng say dấn thân phụng sự Chúa.

IV. KẾT LUẬN:

Rảo qua những chặng đường về đời sống đan tu Xitô từ khai sinh, đến phát, trưởng thành và cả những giai đoạn thăng trầm… đã phần nào ta nhận ra chỗ đứng, ơn gọi cũng như những đóng góp khiêm tốn của nó cho Giáo hội cũng như xã hội trong nhiều lãnh vực. Chẳng hạn vào thời Trung cổ, các đan viện Xitô đã trở nên những trung tâm sao chép, lưu giữ, in ấn các thủ bản như Kinh thánh, các tác phẩm quan trọng của các Giáo phụ, các văn kiện của Giáo hội, hay những tác phẩm văn chương giá trị.

Nhưng khi các dòng hoạt động xuất hiện như Đa-minh, Phanxicô, Chúa Cứu Thế… thì đời sống đan tu Xitô như bị đi ‘quên lãng’. Điều này rất đúng, vì việc làm của người đan sĩ không phải là việc làm của người hoạt động tông đồ. Cũng như trong một thân cây có cành, thân, rễ, lá, nhưng mỗi chi thể có chức năng riêng, nhưng chúng không loại trừ nhau, trái lại chúng cần đến nhau và liên kết chặt chẽ với nhau. Chính vì thế mà Giáo hội không ngừng nhắc nhỡ và kêu gọi người đan sĩ hãy trung thành với ơn gọi của mình, vì đời sống của họ âm thầm nhưng rất cần và rất hữu ích cho Giáo hội (Cđ Vat2, DT, số 7).

*Tài liệu tham khảo:

1. Louis J. Lekai S.O.Cist: Lịch sử dòng Xitô, P . Assisis Lê Văn Thành, Châu Sơn, chuyển ngữ.

2. Lê Phú Hải. OMI: Lịch sử Linh đạo đời sống tu trì.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

  LỊCH SỬ LINH ĐẠO ĐAN TU A- DẪN NHẬP   Định nghĩa các từ và nhóm từ : - Lịch sử : Đó là sự nhận biết...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...