Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ

  Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức sống mới. Tuy nhiên, khi các đan sĩ nhận được sự tôn trọng quá đáng và sự dâng cúng nhiều tiền của, tặng vật,… đã làm cho đời sống của họ trở nên phóng túng, kỷ luật đan tu không còn được tôn trọng. Tình hình trở nên căng thẳng khi các đan sĩ của Đan viện Molesme tự tách thành hai nhóm: nhóm ‘dễ dãi’ và nhóm ‘trung thành’. Sau những dàn xếp nội bộ bất thành, các đan sĩ thuộc nhóm ‘trung thành’ đã đến xin Tổng Giám mục Hugues của Giáo phận Lyon (nước Pháp) cho phép họ rời bỏ Molesme đi lập một đan viện khác để có thể sống trung thành hơn với luật nguyên thủy của Thánh Biển Đức.

  Đây là bối cảnh cuộc cải tổ thứ ba đối với Tu trào Đan tu thời này và cũng chính là sự ra đời của Dòng Xitô.

I-Dòng Xitô từ ngày thành lập đến thời phân nhánh Trappe  (1098-1664)

Ba Thánh Tổ Phụ Dòng Xitô

1.Giai đoạn khởi đầu đến thời hoàng kim

 1.1.Các Đấng Tổ Phụ Xitô

  Dòng Xitô tuyên nhận ba Đấng Tổ Phụ: Thánh Roberto, Thánh Alberico và Thánh Stephano Hardingo; ngoài ra, vì những đóng góp to lớn của Thánh Benado, truyền thống Xitô cũng nhìn nhận ngài là Thánh Phụ Benado.

* Thánh Roberto (1030-1111)

  Roberto sinh gần thành Troyes, nước Pháp, vào tu trong Đan viện Moutier-la-celle, Dòng Cluny. Năm 1050, Roberto được bầu làm tu viện trưởng. Năm 1069, ngài được mời đến làm bề trên của Đan viện Saint-Michel de Tonnerre. Năm 1071, Roberto dẫn một nhóm ẩn sĩ đến cư trú trong khu rừng Colan. Năm 1075, ngài lập Đan viện Molesme, gần Tonnerre và chọn tu Luật Biển Đức cho các đan sĩ này tuân giữ. Molesme nhanh chóng phát triển và không lâu sau đã lập được nhiều đan viện mới, được nhiều người biết đến và lui tới dâng cúng tặng vật.. Cũng từ đây đời sống của các Đan sĩ Molesme xa dần với lý tưởng ban đầu.

  Năm 1090, Roberto, Alberico, Stephano và một nhóm nhỏ các đan sĩ rời bỏ Molesme (lần1), đi tìm khung cảnh thanh tịnh, cô tịch hơn tại vùng đồi núi Aulps trong miền Chablais. Ở Aulps được ít lâu, năm 1093, Roberto và các bạn  lại quay về Molesme để cố gắng thuyết phục các đan sĩ ở đây nghiêm nhặt tuân thủ Tu Luật Biển Đức. Nhưng tình hình ở Molesme chẳng những không khá hơn mà còn trở nên nghiêm trọng. Roberto và một nhóm đan sĩ vẫn muốn thoát khỏi cảnh giàu sang của Molesme để đào sâu và thực hành tinh thần nghèo khó và cũng để tập trung vào đời sống chiêm niệm trong cầu nguyện và lao động, sát với tinh thần Tu Luật Biển Đức.

  Ngày 21.03.1098, được sự chấp thuận của Đức Giám mục Huges thành Lyon (cũng là đặc sứ của Đức Giáo hoàng đương nhiệm), Roberto, Alberico và Stephano cùng 20 đan sĩ khác rời bỏ Molesme (lần 2) đến lập ‘Tân Đan Viện’ (Novum Monasterium) ở vùng đất mang tên Cistels, cũng gọ là Cîteaux (Xitô), gần Dijon, nước Pháp, phần đất do Bá tước Beaune nhượng cho từ trước.

  Công trình này của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua Roberto và các bạn, đã nhận được sự trợ giúp của ngài Eudes. Vị công tước miền Bourgogne này còn cho thêm vườn nho ở kế cận và vài mẫu đất tốt hơn, để các đan sĩ canh tác. Đây chính là cái nôi đầu tiên của Dòng Xitô.

  Tuy nhiên, thành phần các đan sĩ còn ở lại Molesme một mực nài xin Roberto trở về hướng dẫn họ; để thực hiện được ước nguyện đó, các Đan sĩ Molesme còn khiếu kiện lên Đức Giáo hoàng Urbano II. Đức Urbano chỉ thị cho đặc sứ của ngài là Tổng Giám mục Hugues phải giải quyết tranh chấp. Thượng Hội Đồng ở Port-d’Anselle tháng 06.1099 quyết định Viện phụ Roberto phải trở về Molesme và đồng thời chính thức hoá việc thành lập ‘Tân Đan Viện’; Thượng Hội Đồng này cũng đặt Alberico làm Viện phụ ‘Tân Đan Viện’ thay thế Viện phụ Roberto. Ngày 19.10.1100, Đức Giáo hoàng Pascal II ưng thuận bảo trợ ‘Tân Đan Viện’ nhỏ bé đơn côi trong khu rừng Cistels này, với một tương lai còn rất bất định.

* Thánh Alberico (1050-1109)

  Bước đầu, ‘Tân Đan Viện’ do viện phụ Alberico tiếp quản trong vai trò bề trên gặp nhiều khó khăn, vì đây là một vùng sình lầy, không lôi kéo được nhiều ơn gọi. Nhưng ít lâu sau, với ơn Chúa, với lòng đạo đức và sự lãnh đạo tài khéo của Viện Phụ Alberico, các đan sĩ ở đây cố gắng trở về với cội nguồn của Tu Luật Biển Đức. Nhờ vậy, ‘Tân Đan Viện’ được nhiều người biết đến và bắt đầu phát triển về nhiều mặt.

  Tháng 11.1106, ngơi nhà nguyện đầu tiên của ‘Tân Đan Viện’ được cung hiến bởi Đức Giám mục Châlon. Qua ngôi nhà nguyện đầu tiên này, Xitô đã cho thấy đặc nét kiến trúc đơn sơ của mình, đặt trọng tâm vào việc chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn, chết và phục sinh của Chúa Kitô, khác biệt với lối trang hoàng lộng lẫy của Biển Đức và nhất là của Cluny thời bấy giờ.

  Năm 1109, khi Viện Phụ Alberico qua đời, ‘Tân Đan Viện’ lại rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo túng, nhưng có lẽ Thánh Ý Chúa muốn các Đan sĩ Xitô trở về với sự nghèo khó như lý tưởng ban đầu của người sáng lập. Tuy vậy, đời sống kham khổ của các đan sĩ đã làm nản lòng những ơn gọi mới và vì thế đã gây trở ngại lớn đến việc kết nạp các nhân sự kế thừa vốn đang rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của ‘Tân Đan Viện’. Trong hoàn cảnh đó, Stephano Hardingo lên kế vị Viện phụ Alberico.

* Thánh Stephano Hardingo (1059-1134)

  Stephano Hardingo sinh tại Anh Quốc, nhưng sau đó ngài đến sống ở Vallambreuse trong miền Toscane và là môn đệ trung thành của Thánh Roberto và Thánh Alberico. Với nhiệt tâm tiếp nối công trình của Chúa Thánh Thần đã được Thánh Roberto và Thánh Alberico khởi xướng, cùng với sự trợ giúp của bà chủ lâu đài Vergy, Tân Viện phụ Stephano cũng kêu mời sự cộng tác nhân công của các giáo dân trong vùng, thay cho các đan sĩ vốn đã già nua còn phải lo cử hành thần vụ. Chẳng mấy lâu sau, đất đai ‘Tân Đan Viện’ được canh tác tốt và đem lại nhiều hoa lợi.

  Từ năm 1111 trở đi, song song với việc phát triển vật chất, lòng sốt sắng thánh thiện của các đan sĩ cũng gia tăng. Nhờ vậy, ‘Tân Đan Viện’ đã gây được tiếng vang và thu hút nhiều ơn gọi  mới. Trong số những người đến xin nhập tu năm 1112, có người con trai của lãnh chúa Fontaine là Benado và 30 người bạn của chàng. Thế là từ đây nhân sự của  ‘Tân Đan Viện’ có đủ điều kiện để phân nhánh. Năm 1113, nhà con đầu tiên được thiết lập với tên gọi Đan viện La Ferté.

  Năm 1114 lập tiếp Đan viện Pontigny và Đan viện Morimond.

  Năm 1115, Benado cùng với 12 đan sĩ khác được cử đi lập Đan viện Clairvaux, Benado trở thành Viện phụ Tiên Khởi Nhà Con thứ tư này của Xitô.

* Các nhà Xitô thời đầu

Sơ đồ Nhà Mẹ Xitô thời đầu

  Sau bốn năm tạm ngưng công việc lập đan viện mới, đến năm 1118, Nhà Mẹ Xitô tiếp tục lập thêm Preuilly, La Cour-Dieu và Bonnevaux năm 1119, L’Aumône và Loroux năm 1121. Từ đây đến năm 1131, Nhà Mẹ Xitô không lập thêm đan viện mới nào, nhưng các Nhà Con của Xitô, nhất là bốn Nhà Con đầu tiên tiếp tục thực hiện việc lập đan viện mới. Năm 1131, Nhà Mẹ Xitô trở lại với việc lập thêm ba đan viện mới là La Bussière, Le Miroir và Saint-André de Sestri ở Italia.

Đan viện La Ferté, Nhà Con đầu tiên của Xitô
Đan viện Pontigni, Nhà Con thứ hai của Xitô
Đan viện Morimond, Nhà Con thứ ba của Xitô
Đan viện Clairvaux, Nhà Con thứ tư của Xitô

  Về phần Benado, tuy lãnh trách nhiệm Viện phụ Nhà Con Clairvaux, ngài vẫn cộng tác tích cực giúp bành trướng Nhà Mẹ Xitô trên khắp Âu Châu và góp phần vào việc củng cố toàn Dòng Xitô. Cũng trong thời này có nhiều đan viện ngoài nước Pháp xin gia nhập Dòng Xitô (năm 1120 có Tiglieto ở Liguria, năm 1123 có Kamp ở Renania, năm 1124 có Lucedio ở Piemonte).

  Như vậy, sau những khó khăn ban đầu, Dòng Xitô đã phát triển mạnh, đặc biệt vào thời Viện phụ Benado, nhờ sự thánh thiện, tài thu phục các tâm hồn và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần mà Viện phụ Benado đã giúp cho Dòng Xitô đạt tới đỉnh cao của sự phát triển về vật chất, tinh thần và thiêng liêng; đồng thời Dòng Xitô cũng tham gia vào nhiều lãnh vực quan trọng của Giáo Hội và xã hội, đặc biệt là trong các lãnh vực: phụng vụ, nghệ thuật kiến trúc, văn hoá Âu Châu và việc bác ái đối với người nghèo. Từ năm 1124-1151, Dòng Xitô đạt đến con số 160 đan viện và đã lan rộng tới Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Ái Nhĩ Lan.

1.2.Thánh Benado và thời hoàng kim của Dòng Xitô

a.Vài nét về con người Benado

Viện phụ Benado (1090 – 1153)- tiến sĩ chảy mật

  Benado sinh năm 1090 tại Fontaine-Lès-Dijon, nước Pháp, trong gia đình quý tộc bậc trung có bảy người con: sáu trai một gái. Vì sức khoẻ không tốt nên Benado không được cha mẹ cho vào nghiệp hiệp sĩ nhưng gửi ngài vào các Kinh sĩ Thánh đường Saint Vorle ở Châtillon-sur-Seine. Tại đây, Benado có dịp tìm hiểu Thánh Kinh, Giáo phụ, Thần học, văn chương và các tác giả Latinh.

  Nhờ trí khôn sắc sảo và chăm chỉ học hành, Benado đã có được vốn kiến thức khả quan. Năm 18 tuổi, Benado trở về lâu đài của gia đình để tiếp tục sống cuộc đời quí phái. Nhưng cũng trong thời gian này, từ trong sâu thẳm lòng mình, Benado nhận ra một lời mời gọi đặc biệt đến từ Thiên Chúa để sống đời đan tu trong cô tịch thinh lặng.

  Năm 1112 (lúc 22 tuổi), Benado đã lôi cuốn được 30 bạn đồng hành (trong đó có 4 người anh em trai và 2 người cậu ruột) cùng xin gia nhập ‘Tân Đan Viện’ do Viện phụ Roberto và các bạn lập năm 1098, ở khu rừng Cistels cách nhà không xa mấy. Sự kiện khởi đầu này biểu lộ phần nào ý chí sắt đá, nhân cách trổi vượt và bản chất lãnh đạo của Benado.

  Benado và các bạn đến Xitô vào lúc Viện phụ Stephano vừa mới đảm nhiệm vai trò Bề trên ‘Tân Đan Viện’ và đang phải chống chọi với sự gièm pha của các Đan sĩ Molesme, cùng với sự tẩy chay của các vương tước trong vùng vì họ cho rằng các Đan sĩ ‘Tân Đan Viện’ sống quá cực khổ và nhiệm nhặt. May thay con số các đan sĩ ít ỏi ấy của ‘Tân Đan Viện’ vẫn duy trì được lòng sốt sắng thánh thiện nên được Chúa chúc lành.

  Dù không thiếu truân chuyên trong giai đoạn khởi đầu, ngài còn bị dằn vặt bởi chứng nhức đầu và đau dạ dày kinh niên. Vì bệnh tật thường xuyên, ngài chỉ có thể làm những công việc nhẹ như lượm củi trong rừng hay phụ bếp. Nhưng đối với Benado và các bạn, những ngày đầu sống trong tập viện vẫn là những chuỗi ngày đầy hạnh phúc, như ngài thú nhận sau này.

  Phương thế tiến đức của Benado lúc này là ngài luôn tự hỏi: “Hỡi Benado, mày đến đây để làm gì?- Bernardo, ad quid venisti?.” Benado dành hết thời giờ để đọc, học hỏi và suy niệm Lời Chúa, ngài coi đó là nguồn suối ơn thiêng.

  Sau ba năm học tu và tập nhân đức, Benado được tuyên khấn trọng thể năm 1114. Năm 1115, đúng 25 tuổi, Benado được Viện phụ Stephano sai đi lập Nhà Con thứ ba của Xitô tại Clairvaux (thung lũng sáng). Tại đây, thân phụ và người em trai còn lại cũng xin vào dòng. Chẳng bao lâu sau khi nhận nhiệm vụ mới, Viện phụ Benado đã lôi kéo hàng trăm môn sinh vào Clairvaux và chỉ ba năm sau, Clairvaux đã lập Nhà Con đầu tiên là Trois Fontaines (1118), năm 1119 lập Fonteney, năm 1112 lập Foigny.

b.Viện phụ Benado và thời hoàng kim của Xitô

  Từ năm 1124 trở đi, Benado trở thành người đại diện xuất sắc nhất của Dòng Xitô để bảo vệ tinh thần đơn sơ nguyên thủy trước những chèo kéo vào lối sống sang trọng của Cluny. Cũng trong thời gian này, Benado viết tác phẩm ‘Biện Giáo’ (Apologie) để bảo vệ tính nghèo khó đơn sơ trong ơn gọi Xitô và phê phán lối sống sang trọng trong Giáo hội mà đỉnh điểm là nơi một số Đan viện Cluny. Với tác phẩm này, Benado đã trở nên nổi tiếng và bắt đầu có ảnh hưởng vượt ra khỏi ranh giới của Dòng Xitô.

  Trong khoảng 20 năm, từ năm 1133 đến năm 1153, dưới ảnh hưởng của Viện phụ Benado, các Nhà Con của Clairvaux liên tục được thiết lập, ngoài ra còn có rất nhiều dòng khác xin gia nhập Clairvaux. Trong 38 năm làm viện phụ, Benado lập được 65 nhà con. Năm 1153, khi Viện phụ Benado qua đời, Dòng Xitô đã có tới 350 đan viện trên khắp Châu Âu.

  Tuy Viện phụ Benado chỉ có quyền pháp lý trên Đan viện Clairvaux và các Nhà Con của Clairvaux, nhưng uy thế và ảnh hưởng của ngài vẫn lan rộng trong toàn Dòng Xitô. Viện phụ Benado trở nên nổi bật một phần do bởi ngài đã thành công  khi đứng ra giải quyết sự bất hoà giữa Xitô và Molesme (sự bất hoà vốn nảy sinh từ khi các Tổ Phụ Xitô tách ra khỏi Molesme để lập ‘Tân Đan Viện’).

  Việc lập Dòng Xitô còn ngấm ngầm kéo theo mối bất hoà với Dòng Cluny. Tuy nhiên, Viện phụ Benado đã giúp cho những bất hoà này lắng xuống, thậm chí về sau Cluny đã chấp nhận cải tổ theo Xitô trong một số lãnh vực. Danh tiếng của Benado đã lan rộng và được các dòng tu đương thời biết đến, nhờ vậy ngài đã có ảnh hưởng đến việc cải tổ của một số dòng tu khác. Các dòng tu lớn như Chartreux, Kinh sĩ Thánh Augustino còn coi Benado như nhà cố vấn có uy thế nhất trong các vấn đề liên quan đến đời tu.

  Trong thời gian Benado làm viện phụ, Dòng Xitô tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng. Không kể nhân sự các nhà con, riêng Nhà Mẹ Clairvaux có tới 700  đan sĩ. Nhiều nhà con khác cũng có nhân số tương đương như thế. Danh tiếng của Viện phụ Benado và Dòng Xitô gia tăng, nhiều Đan viện Biển Đức đã xin sáp nhập Xitô. Thống kê năm 1147 cho thấy có tới 29 Đan viện Biển Đức thuộc Hội Dòng Savigny gia nhập Xitô.

  Trong lúc Viện phụ Benado còn sinh thời, các Đan viện Xitô đã có mặt trên nhiều quốc gia Châu Âu. Như Đan viện Civitacula và Tiglieto lập năm 1120 tại Ý. Đan viện Morimond lập Đan viện Camp tại Đức năm 1123. Tiếp theo là các đan viện được lập tại Anh năm 1128, Áo năm 1123, Bỉ năm 1132, Thụy Sĩ năm 1133, Savoie năm 1134, Chiaravalle (Ý) 1135, Scotland năm 1136, Bồ Đào Nha năm 1138, Hungari và Ireland năm 1142, Ba Lan năm 1143, Thụy Điển và Tiệp Khắc năm 1143, Đan Mạch năm 1144, Na Uy năm 1146.  

  Sau khi Viện phụ Benado qua đời (20.08.1153) và trước khi xuất hiện các Dòng Hành Khất, sự bành trướng của Dòng Xitô có dấu hiệu chậm lại. Con số cao nhất của các Đan viện thuộc Dòng Xitô, trước ‘Phong Trào cải Cách’, vượt quá 1.600 nhà. Trong đó, có hơn 700 đan viện nam và gần 900 đan viện nữ. Riêng tại Pháp có tới 241 đan viện.

  Dòng Xitô phát triển với con số kỷ lục như thế chứng tỏ lý tưởng Xitô có sức thu hút nhiều người trên toàn thể Châu Âu đương thời. Các ơn gọi bao gồm cả giới bình dân và trí thức. Đáp lời mời của Viện phụ Benado, các sinh viên và các giáo sư của trường Chalon, vốn rất nổi tiếng, đã gia nhập Đan viện Clairvaux và trở thành những đan sĩ thánh thiện và trí thức. Trường hợp tương tự như thế cũng xảy ra tại nhiều nơi khác khi Viện phụ Benado đến rao giảng.

  Theo sử gia Arnaud, Clairvaux là một đan viện có những học giả và những giáo sư hùng biện và triết học. Tinh thần canh tân của Linh đạo Xitô đã thu hút đối với thế hệ sinh viên trẻ lúc bấy giờ và trở thành nền móng cho khoa thần bí về sau. Ngôi trường của tình yêu Thiên Chúa được khai sáng và được Thánh Benado phát triển.

  Chính vì vậy, mặc dù Benado không có mặt trong nhóm tiên phong đi lập ‘Tân Đan Viện’ tại Xitô, nhưng với những đóng góp to lớn của ngài mà Dòng Xitô được tồn tại và phát triển, Thánh Benado xứng đáng mang danh ‘Thánh Phụ Xitô’ cùng với Ba Đấng Đồng Sáng Lập là Thánh Roberto, Thánh Alberico và Thánh Stephano Hardingo.

c.Thánh Benado với Giáo hội

  Năm 1128, Viện phụ Benado tham dự Thượng Hội Đồng Troyes, được triệu tập để xác định sứ mạng và cơ cấu của Dòng Đền Thờ được lập năm 1119, để bênh vực các thành phần tự do ở Syria và Palestina. Sau đó, ngài viết tác phẩm ‘Ca Tụng Đẳng Cấp Các Hiệp Sĩ Mới’, trong đó ngài ca ngợi và cổ võ các Dòng Kinh sĩ Đền Thờ và Tu sĩ Bệnh Viện sống đời khiết tịnh, từ bỏ vinh hoa phú quí trần tục và tìm kiếm những giá trị thiêng liêng.

  Năm 1130, Viện phụ Benado đứng về phía Đức Giáo hoàng Innocente II để  chống lại cuộc ly khai do Anaclet II gây ra.

  Năm 1139, nhờ sự báo động của Guillaume de Saint Thierry, Viện phụ Benado lên tiếng tố giác  và phản bác các luận đề sai lạc của Albélard ngay trước các sinh viên của ông tại Paris. Năm 1140, Viện phụ Benado tiếp tục đối chất với Albélard tại Hội nghị Giám mục và cuối cùng quan điểm thần học sai lạc của Albélard đã bị kết án.

  Năm 1145, theo lời kêu gọi của Giáo quyền, Viện phụ Benado đến miền Tây Nam nước Pháp để chỉnh đốn tư tưởng sai lạc của Henry de Lausanne đang thao túng giáo dân ở đây.

  Mặc dù các đấng bản quyền địa phương và các giáo hoàng (trong đó có Giáo hoàng Eugenio III) mời gọi Viện phụ Benado tham gia các hoạt động trong Giáo hội, nhưng ngài vẫn không bao giờ quên mình là một Đan sĩ Xitô và Viện phụ gương mẫu. Viện phụ Benado còn để lại cho Dòng Xitô và cho Giáo hội nhiều di sản văn chương và thần học, trong đó phải kể đến những bài giảng tuyệt vời về Sách Diễm ca và về Đức Maria. Nhờ vậy, Viện phụ Benado được mang danh hiệu ‘Cây Đàn Cầm của Đức Maria’.

  Ý Chúa quan phòng cho Benado làm viện phụ trong một thời đại có nhiều bất ổn trong Giáo hội. Tại Pháp xảy ra tranh chấp nội bộ. Tại Anh cũng có những náo động. Lợi dụng tình hình này, Ý đã gây ra những cuộc tranh giành và hậu quả là vào năm 1130, Giáo hội bị chia đôi với hai vị giáo hoàng tại chức, đó là Innocente II và Anaclet II. Mỗi bên đều có những vua chúa trần thế và hàng giáo phẩm ủng hộ.

  Để hợp nhất Giáo hội, vua nước Pháp xin triệu tập Công đồng tại Estampé. Sau hai tuần lễ hội họp, công đồng bị bế tắc. Vì thế, “như được hướng dẫn bởi ơn linh hứng”, Công đồng xin Viện phụ Clairvaux làm trọng tài hoà giải. Sử gia Bonneval viết: “Thánh Benado bước tới phòng họp với nét mặt tái xanh, chân tay run rẩy vì ý thức tính nghiêm trọng của việc mình sắp làm. Tuy thế, sau khi cầu nguyện xin ơn trên soi sáng, ngài khẳng khái tuyên bố: cả hai cuộc bầu cử đều thiếu sáng sủa về hình thức, do đó đề nghị căn cứ vào tài đức và sự thánh thiện của mỗi vị giáo hoàng. Vì thế, xin công đồng chọn Innocente II làm giáo hoàng và gạt bỏ Anaclet II. Vì Innocente II thánh thiện hơn và do nhóm hồng y có đức độ hơn bầu  lên.” Toàn thể Công đồng Estampé đã hoan hô quyết định của Viện phụ Benado.

  Quyết định này đặt Viện phụ Benado trước một khó khăn mới là làm sao thuyết phục các vua chúa thù địch tuân phục Đức Giáo hoàng Innocente II và để Giáo hoàng Anaclet II chấp nhận rời khỏi thành trì Roma. Viện phụ Benado đã dùng hết tài năng, sự tế nhị và uy thế của mình sau một thời gian kiên nhẫn với các bài diễn văn, sự gặp gỡ từng cá nhân và viết hàng trăm lá thư, kết quả là Viện phụ Bernado đã hoàn thành sứ vụ trọng đại được trao phó cho ngài.

1.3.Một vài ghi nhận từ giai đoạn khởi đầu đầu đến thời hoàng kim

* Đại Hội Xitô

  Giai đoạn đầu, khi Thánh Phụ Stephano còn tại chức, uy quyền tối cao của toàn Dòng nằm trong tay Viện phụ Đan viện Xitô, tức là Bề trên Nhà Mẹ (Nhà Tổ Xitô). Đại Hội chỉ được coi như “Hội đồng Tư vấn” của viện phụ Nhà Mẹ nên sau khi bàn thảo, chỉ có Viện phụ Nhà Mẹ có quyền quyết định mọi vấn đề.

  Vào thời Thánh Benado, khi số nhà con đã tăng lên và khi Thánh Stephano đã khuất bóng, thì quyền trong Dòng được chuyển dần qua Đại Hội, bốn Viện phụ của bốn Nhà Con tiên khởi: La Ferté (lập 1113), Pontigny (lập 1114), Clairvaux (lập 1115) và Morimond (lập 1115) cùng với Nhà Tổ Xitô đóng vai trò quyết định trong Đại Hội.

  Thật ra, việc tổ chức Đại Hội không do sáng kiến của Thánh Stephano, nhưng đã có từ thời các Tổ phụ Đông Phương như Thánh Pacomio và Thánh Basilio. Nghĩa là từ khi xuất hiện hình thức đan tu cộng đoàn.

  Công việc chính yếu của Đại Hội là bàn thảo về những phương tiện giúp cho phần rỗi các linh hồn. Đại Hội còn là nơi trao đổi tình huynh đệ và tìm một hướng đi chung cho Dòng. Kết quả của Đại Hội là việc soạn thảo các quy chế và được công bố hàng năm (thời ấy mỗi năm họp Đại hội một lần).

  Đại Hội hàng năm diễn ra vào khoảng lễ Suy Tôn Thánh Giá (14.09), với sự tham gia của tất cả các Viện phụ trong toàn Dòng Xitô dưới sự điều hành của Viện phụ Nhà Mẹ Xitô. Ban đầu Đại Hội giữ vai trò lập pháp tối cao; còn về tài chính và quản trị thì thuộc mỗi nhà. Đại Hội cũng quy định Viện phụ ba Nhà Con đầu tiên tuần viếng Nhà tổ Xitô (về sau trách nhiệm này thuộc về Viện phụ bốn Nhà Con đầu tiên); Đại Hội cũng quy định việc đóng góp tài chánh giúp những đan viện quá khó khăn về kinh tế…

  Năm 1190, Đại Hội giành quyền tối cao trong việc kiểm soát quy luật và kỷ cương của Toàn Dòng, để tránh sự can thiệp của Giám mục Giáo phận.

  Đặt xong nền tảng pháp lý cho Toàn Dòng Xitô và hoạch định mối dây liên hệ giữa các Đan viện Xitô, Thánh Stephano Hardingo yên tâm an nghỉ trong Chúa vào năm 1134.Tuy là Bề trên thứ ba của Xitô, nhưng nhờ những đóng góp to lớn cả về cơ sở vật chất và kỷ cương theo tinh thần Xitô của các vị tiền nhiệm, Thánh Stephano Hardingo cũng được tuyên nhận là Tổ Phụ Xitô cùng với Thánh Roberto và Thánh Alberico.

* Hiến Chương Bác Ái

  Trước sự gia tăng các đan viện mới, để duy trì tinh thần Xitô Nguyên Thuỷ và sự thống nhất trong Dòng, năm 1114, ngay khi lập Đan viện Pontigny, Viện phụ Stephano Hardingo đã vạch ra các điẻm quy chiếu cho ‘Tân Đan Viện’. Ngài  thiết lập bản ‘Hiến Chương Nguyên Thuỷ’ (La Charte Primitive) và văn liệu này tiếp tục được bổ sung cho đến năm 1119 thì trở thành bản văn chung kết cho ‘Hiến Chương Bác Ái’ của Dòng Xitô. Tuy nhiên, để đáp ứng những thay đổi của Giáo hội và xã hội, bản ‘Hiến Chương Bác Ái’ này cũng sẽ tiếp tục được thích nghi với nhiều điều khoản mới hoặc chỉnh sửa những điều khoản cũ, cho đến năm 1134 thì hoàn thiện (như chúng ta có hiện nay).

  Một vài điểm cần ghi nhận trong ‘Hiến Chương Bác Ái’:

   – Do Viện phụ Stephano soạn thảo đầu tiên từ năm 1114, nhằm xác định thể chế và cơ cấu của Dòng Xitô.

   – Do Đức Giáo hoàng Calixto II phê chuẩn với Sắc chỉ ‘Đặc Ân Miễn Trừ’, ký ngày 23.12.1119.

    – Xác định tương quan Mẹ – Con khi một đan viện (nhà Mẹ) lập ra một đan viện mới (Nhà Con). Nhà Con này sẽ được quyền tự trị khi có đủ điều kiện đòi buộc theo luật và được Đại Hội Xitô phê chuẩn.

    – Viện phụ Nhà Mẹ có trách nhiệm: kinh lý các Nhà Con do Nhà Mẹ lập ra, chủ toạ bầu Viện phụ Nhà Con. Tương quan Mẹ – Con này mang tính tinh thần hơn là pháp lý.

    – Để tạo sự liên kết, hợp nhất và tôn trọng lý tưởng ban đầu, tất cả các viện phụ phải họp nhau hằng năm tại Xitô (Nhà Mẹ) dưới sự điều khiển của Viện phụ Nhà Mẹ. Đây là mầm giống của ‘Đại Hội Toàn Dòng Xitô’ sau này.

     – Các đan viện thuộc Xitô tuy ‘tự trị’ nhưng vẫn phải có những liên đới và nâng đỡ nhau về tinh thần và vật chất.

   – Bốn Nhà Con đầu tiên của Xitô là la Ferté, Pontigny, Clairvaux và Morimond có nhiệm vụ kinh lý Nhà Mẹ Xitô. Khi Viện phụ Nhà Mẹ qua đời, bốn Nhà Con này phải tổ chức bầu Viện phụ Nhà Mẹ.

    – Mọi Đan sĩ Xitô đều sống theo cách thức đơn giản như nhau, theo sát Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức.

    – Từ năm 1120 trở đi, Đại Hội Toàn Dòng đã xác lập những điều khoản bổ sung cho Hiến Chương Bác Ái (tức là các qui tắc [Capitula] sẽ hợp thành qui chế, hoặc các thói lệ [Institula] được thiết lập năm 1134). Có thể nói, những luật lệ ấy làm nên di sản của Viện phụ Stephano và của Xitô Nguyên Thuỷ.

* Văn liệu Xitô

  Kho tàng văn liệu quan trọng nhất của Xitô nguyên thuỷ là cuốn ‘Exordium Parvum’ (Văn Liệu Nhỏ), được coi là do Viện phụ Stephano Hardingo biên soạn khoảng năm 1119; cuốn ‘Exordium Cisercii’(Văn Liệu Xitô)‘Exordium Magnum’(Văn Liệu Lớn). Riêng cuốn sau cùng được tìm thấy rất trễ (1913), bao gồm cả cuốn ‘Exodium Parvum’ trong phần đầu.

* Hình thành tên Dòng

  Từ năm 1119 trở đi, ‘Tân Đan Viện’ chính thức được đặt tên là Dòng Citeaux (Dòng Xitô) và đặt Đan viện Xitô dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria. Kể từ đây, tất cả các Đan viện Xitô được thiết lập trên thế giới đều được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Maria và lấy Thánh Danh Maria đặt ngay trước tên đan viện và trước mỗi tên Đan sĩ Xitô.

* Thời khoá biểu các Giờ Kinh Phụng Vụ

 Kinh Đêm:

   -Tháng Sáu: 01g00-02g00

   -Tháng Mười Hai: 01g30-2g50

 Kinh Sáng:

   -Tháng Sáu: 03g10

   -Tháng Mười Hai:07g15

Kinh Giờ I:

   -Tháng Sáu: 04g00

   -Tháng Mười Hai: 08g00

Kinh Giờ III:

   -Tháng Sáu: 07g45

   -Tháng Mười Hai: 09g20

Kinh Giờ VI:

   -Tháng Sáu: 10g40

   -Tháng Mười Hai:11g20

Kinh Giờ IX:

   -Tháng Sáu: 14g00

   -Tháng Mười Hai:13g20

Kinh Chiều:

   – Tháng Sáu: 018g00-18g45

   -Tháng Mười Hai:14b50-15g30

Kinh Tối:

   -Tháng Sáu: 19g45

   -Tháng Mười Hai:15g55

Cây đàn Đại Phong Cầm dùng trong ca tòa của các đan sĩ khi cử hành Giờ Thần Vụ
Ca tòa, nơi các đan sĩ cử hành Phụng vụ

* Vài mốc lịch sử đáng ghi nhớ

   -1075- Viện phụ Roberto lập Đan viện Molesme.

   -1098- Viện phụ Roberto lập ‘Tân Đan Viện’ (Đan Viện Xitô)

   -1100- Đức Giáo hoàng Pascal II nhận bảo trợ Xitô.

   -1100- Viện phụ Roberto trở lại Molesme và Viện phụ Alberico lên kế vị.

  -1106- Đức Giám mục Giáo phận Châlon cung hiến thánh đường đầu tiên của Xitô.

  -1109-Viện phụ Alberico qua đời và Viện phụ Stephano Hardingo lên kế vị.

  -1112- Benado và 30 người bạn vào Xitô.

  -1113- Xitô lập đan viện đầu tiên là la Ferté.

  -1113- Xitô lập nữ đan viện đầu tiên tại Jully.

 -1114- Khởi đầu soạn thảo Hiến Chương Nguyên Thuỷ (La Charte Primitive).

  -1114-1115- Lập thêm 3 đan viện: Pontigny, Clairvaux, Morimond.

  -1118- Nhà Con đầu tiên của Clairvaux chào đời là Trois-Fontaines.

       Đức Giáo Hoàng Calixto II

-1119- ĐGH Calixto II phê chuẩn Hiến Chương Bác Ái; Thánh Stephano soạn thảo tác phẩm ‘Exordium Parvum- Văn Liệu Nhỏ’.

  -1123- Viện phụ Benado soạn tác phẩm ‘Biện Giáo’ (Apologie).

  -1128- Viện phụ Benado tham dự Thượng Hội đồng Troyes.

  -1130- Viện phụ Benado ủng hộ Đức Giáo hoàng Innocente II chống lạc giáo.

  -1133- Công đồng Pise.

  -1134- Viện phụ Stephano Hardingo qua đời.

  -1139- Tranh luận giữa Viện phụ Benado và Albélard tại Sens.

  -11153- Viện phụ Benado từ trần – Xitô đạt tới con số 350 đan viện.

 -1169- Giáo Hoàng Alexandre III cho Xitô khỏi sự kiểm soát của Giám mục Giáo phận.

 -1184- Đức Giáo hoàng Lucius III ban Sắc chỉ về ‘Đặc Ân Miễn Trừ’ cho dòng Xitô.

 -1245- Thành lập Học viện Thánh Benado tại Paris.

Các đan sĩ Xitô trong giờ lao động

* Các chức vụ trong Đan viện Xitô thời đầu 

 – Viện phụ (Abate): là người cha của đan viện, do các đan sĩ bầu lên.Tu Luật Biển Đức gọi ngài là người thay mặt Đức Kitô giữa cộng đoàn.

 – Viện trưởng (Priore): là người được viện phụ bổ nhiệm và đứng vị trí thứ hai sau viện phụ và đứng đầu các đan sĩ. Viện trưởng thường có một phó viện trưởng giúp đỡ.

 – Thủ quỹ: là người cất giữ và quản lý tài chánh của đan viện.

 – Quản lý: là người quản lý, phân phát tài sản của đan viện, là phát ngôn viên của đan viện, và quản lý các kho thóc của đan viện.

 – Trưởng phòng thánh (Sacrestano): là người xếp đặt các sinh hoạt trong thánh đường, đúc bánh lễ và báo hiệu giờ thần vụ.

 – Ca trưởng: là người điều khiển ca toà trong giờ thần vụ, tổ chức các cuộc rước kiệu. Phụ giúp quản thư bảo vệ các sách báo và văn khố đan viện.

 – Thầy nhà khách: là người giúp người quản lý trong việc đón tiếp khách của đan viện.

 – Người gác cổng: là người trông nom gìn giữ cổng vào của đan viện.

 – Y tá: là người chăm sóc bệnh nhân, tìm kiếm và thu nhập các loại dược thảo trong vườn để bào chế thuốc cho Đan viện.

 – Tập sư: là người có trách nhiệm tiếp nhận và huấn luyện các tập sinh.

* Nghệ thuật Xitô

  Phát huy tinh thần đơn sơ theo ý hướng của các Đấng Sáng Lập, Dòng Xitô thời đầu luôn thể hiện nét đơn sơ ấy trong mọi chi tiết của cuộc sống, từ những sinh hoạt hằng ngày (ăn, mặc, đồ dùng) cho đến kiến trúc.

  Lời của Thánh Benado trong cuốn ‘Biện Giáo’ đã làm toát lên thao thức trở về với tinh thần nghèo khó đơn sơ trong Tu Luật Biển Đức mà Dòng Xitô đã chọn làm luật sống cho các đan sĩ của mình: “Ôi hư vô hoàn toàn hư vô, và còn điên rồ hơn cả hư vô: Thánh đường với những trang hoàng nguy nga lộng lẫy, nhưng lại thiếu sự hiện diện của những người nghèo trong đó”.

  Nghệ thuật kiến trúc Xitô xuất hiện như một nỗ lực diễn tả đặc tính nghèo khó đơn sơ của Dòng. Trong đó, các Đan sĩ Xitô loại bỏ tất cả những gì là xa hoa, hoang phí, dư thừa và không cần thiết. Họ khước từ mọi hình thức khoa trương trong việc trang trí thánh đường.

  Nếu kiến trúc của Cluny coi việc sử dụng vàng bạc, đá quí trong việc trang trí thánh đường và coi đó như một phản ánh của sự rực rỡ chói ngời (của) ánh sáng thần linh và nhờ đó làm cho buổi cử hành phụng vụ trở nên long trọng…; thì ngược lại, Xitô muốn tiến vào cõi thánh thiêng bằng chính tâm hồn đơn sơ trong trắng của mình mà không cần qua trung gian từ những hình ảnh lộng lẫy bởi những kiểu trang trí bên ngoài. Theo Thánh Benado, hình ảnh chỉ gắn với thế giới khả giác, có nguy cơ thả lỏng cho trí tưởng tượng tung hoành, làm phân tán tâm trí khó nguyện gẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh và như vậy sẽ khó gặp gỡ Thiên Chúa.

  Thánh Benado muốn loại bỏ khỏi đan viện những hình thức điêu khắc cầu kỳ trong các thánh đường kiểu roman lộng lẫy, để dành chỗ cho những tảng đá trơn, trần trụi, nhuốm màu sắc của sa mạc vốn là khung cảnh của những cuộc gặp gỡ ‘lòng kề lòng’ trong sự đơn sơ trong sáng. Đan sĩ Xitô thích những đường thẳng đứng, những lối tiếp cận trực diện với Tạo Hoá hơn là lối tiếp xúc qua những đường ngoằn nghèo của kỹ thuật chạm trổ cầu kỳ… Bởi vậy, Đan sĩ Xitô thích gọi nơi cầu nguyện của họ là nhà nguyện đơn sơ ấm cúng thay vì thánh đường nguy nga lộng lẫy.

  Trong lãnh vực kính màu, Xitô cũng có nét riêng của mình khi họ đưa ra quy định chung cho toàn Dòng trong một Đại Hội như sau: Kính màu dùng trong việc trang trí nhà nguyện phải là màu trắng và không có hình ảnh gì. Từ đó, các chuyên viên Xitô đầu tiên đã chế tạo ra loại kính không màu, rồi cắt theo hình mẫu bông hoa hoặc về hình học như hình triện tròn (entrelacs) và đường uốn lượn (arabesques) sau đó dùng chì gắn các mảnh kính ấy lại với nhau. Về sau, họ tráng kính này bằng một lớp màu xám.

  Việc sao chép các tác phẩm là điều các Đan sĩ Xitô rất quan tâm. Lúc đầu, các thủ bản được tô màu theo đúng truyền thống của ‘tu trào đan tu’ thời đầu, nhưng về sau Viện phụ Benado đã yêu cầu các Đan sĩ Clairvaux không tô màu nữa và giữ nguyên nét đơn sơ như được qui định trong một Đại Hội Toàn Dòng vào thời của ngài.

  Vậy, nét đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc Xitô là hình thái mỹ thuật ‘giản dị và trần trụi’ phù hợp với nền linh đạo đơn nghèo của Xitô. Một thứ nghệ thuật ưu tiên cho những đường thẳng đứng. Xitô thay thế hình chạm trổ cầu kỳ trên các đầu cột của lối kiến trúc Roman bằng những bông hoa đơn sơ… Kiến trúc Xitô xem ra đã dặt dấu chấm hết cho lối kiến trúc roman và đặt nền cho kiểu kiến trúc gotic tồn tại cho đến ngày nay.

1.4.Một vài tác giả và tác phẩm của Xitô thời đầu đến thời hoàng kim

* Viện phụ Stephano Hardingo

  Trong ba vị Đồng Sáng Lập Dòng Xitô (Thánh Roberto, Thánh Alberico và Thánh  Stephano Hardingo), chỉ có Thánh Stephano Hardingo là có để lại một số văn liệu quan trọng do chính ngài soạn thảo, qua đó chúng ta biết được Linh đạo Xitô Nguyên Thuỷ.

  Các tài liệu loại này gồm có:

1/ Hai phiên bản của ‘Hiến Chương Bác Ái’ (Carta Caritatis).

2/ Ba bức thư (tre lettere di San stephano Hardingo):

    – Thư 1, là lời giới thiệu của ngài cho bản đính chính bản văn Kinh Thánh (Censura de aliquot libris Bibliae),

   – Thư 2, là lá thư qui định về luật hát thánh thi (Epistola de observatione hymnorum),

   – Thư 3, là lá thư ngài gửi cho các đan sĩ và Viện phụ tại Sherbourne.

3/ Cũng ttrong năm 1119, Viện phụ Stephano cho biên soạn : ‘Exordium Parvum’ (Văn Liệu Nhỏ), ‘Exordium Cistercii’(Văn Liệu Xitô)‘Exordium Magnum’ (Văn Liệu Lớn).

  Từ các tài liệu trên đây, người ta dễ dàng nhận ra những nét chính yếu trong Linh đạo Xitô Nguyên Thuỷ:

   – Sự tôn kính và ước nguyện theo sát Tu Luật Biển Đức, được các Tổ Phụ Xitô hiểu như là một sự tìm kiếm đời sống đan tu đích thực. Tu Luật Biển Đức đặc biệt xác tín rằng ‘bánh ăn’ cho đời sống thiêng liêng của đan sĩ chính là Kinh Thánh và các tác phẩm của các Giáo phụ.

  – Sự cô tịch đặc biệt được nói đến trong thời đầu của Xitô như là khung cảnh đời sống đan tu, trong đó Luật Thánh Biển Đức được thi hành. Sự cô tịch giúp cho việc giữ “thinh lặng đan tu”(quies monastica) là điều tối cần thiết cho định hướng của đời sống chiêm niệm.

 – Tình yêu Chúa Kitô là yếu tố thứ ba trong Linh đạo Xitô Nguyên Thuỷ, tức là trở nên “người nghèo với Đức Kitô nghèo khó”. Chính tình yêu của Đức Kitô nghèo khó xác định những tương quan với bên ngoài và làm cho đan sĩ nên những ‘tinh binh’ của Đức Kitô, sẵn sàng chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng của Chúa Kitô. Khó nghèo nói đây không chỉ là sự thiếu thốn những nhu cầu vật chất, nhưng còn là sự từ bỏ theo gương Đức Kitô, Đấng đã từ bỏ thân phận của một Thiên Chúa để mang kiếp nô lệ. Sự nghèo khó này còn đòi hỏi cả tính giản dị đơn nghèo ngay cả trong phụng vụ.

4/ Ngoài những tài liệu nói trên, Tu Luật Thánh Biển Đức và đời sống của ngài được Thánh Gregorio ghi lại qua cuốn ‘Đối thoại’ cũng là suối nguồn cho Linh đạo Xitô Nguyên Thuỷ.

  Những yếu tố trên đây cấu thành những nét chính yếu của Đan tu Xitô là làm nên Linh đạo Dòng. Rõ ràng ngay từ đầu, các đan sĩ Xitô đã triển khai những tư tưởng chủ đạo qua việc thực hành lectio divina và tiếp cận cách sống động với cội nguồn đan tu và các Giáo phụ. Công cuộc cải cách và sự thành công của Dòng Xitô không chỉ là chấn chỉnh việc tuân giữ Luật dòng hay việc tổ chức cơ cấu trong Dòng, nhưng còn là và nhất là việc đi chuyên sâu hơn trong ý hướng tìm kiếm chân lý và tính đích thực của hứng khởi đan tu. Chính trong Tu Luật Biển Đức cũng như trong Kinh Thánh và các tác phẩm của các Giáo phụ, các đan sĩ Xitô tìm thấy nguồn suối đích thực của đời sống mới. Chúng ta thực sự ngạc nhiên khi thấy rằng các đan sĩ Xitô Tiên Khởi đã biết ứng dụng các môn Kinh Thánh và các Giáo phụ như Thánh Gregorio, Origene, Thánh Augustino, Gioan Cassiano và nhiều vị khác. Công việc này thường thể hiện qua việc các đan sĩ chép lại cách tỉ mỉ các bản văn của các ngài.

  Tuy nhiên, Linh đạo Xitô Nguyên Thuỷ không phải là bất biến; trái lại, nó cũng đã chịu ảnh hưởng theo dòng thời gian và các nền văn hoá mà linh đạo này được chung sống.

  Như thế, các đan sĩ Xitô thời đầu đã biết thiết lập ảnh hưởng giữa truyền thống đan tu lâu đời, từ thời Cha Thánh Biển Đức với việc cải tổ đan tu trong thời các ngài, cũng như học thuyết thần học về khổ chế và về thần bí của các Giáo phụ. Sự tổng hợp đáng trân trọng này là sức mạnh cho linh đạo và cho học thuyết của các ngài. Đó là công trình tuyệt vời của các ‘đại tiến sĩ’ của Xitô như Thánh Benado, Thánh Aelredo, Guillaume de Saint Thierry và các vị kế thừa khác miệt mài theo đuổi. Nhờ sự gặp gỡ giữa các tiến sĩ lớn của Dòng Xitô mà Linh đạo Xitô đã được thực hiện cách tốt nhất, ngay cả khi mỗi vị có đời sống và việc giảng dạy theo cách cá nhân của mình.

* Thánh Benado Viện phụ Clairvaux (+1153) là ‘tiến sĩ chảy mật’ (doctor mellifluus). Trong học thuyết và kinh nghiệm cá nhân của Thánh Benado, người ta tìm thấy tất cả các yếu tố thuộc Linh đạo Xitô thời đầu và chỉ mình ngài có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và rất phong phú. Ảnh hưởng của ngài trên sự chuyển biến sâu xa của Linh đạo Xitô là điều hiển nhiên và còn xuyên thời gian qua bao thế kỉ cho đến thời chúng ta hôm nay.

  Sự đổi mới cụ thể những môn học của trường phái Benado đã được ra mắt độc giả qua tác phẩm ‘La théologie mystique de Saint Bernardo’-Thần học về huyền nhiệm của Thánh Benado, của E. Gilson. Tác giả này đã mở ra một lối nghiên cứu và suy tư mới về công trình của thánh nhân. Từ đó, các môn học và các công trình nghiên cứu ngày càng được nhân lên.

  Công cuộc đổi mới nghiên cứu về Thánh Benado và duyệt lại linh đạo của ngài đã trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, chúng ta nghiên cứu chủ yếu về thần học thiêng liêng; kết quả ban đầu có thể thấy qua những dữ liệu của Hội nghị tại Dijon. Tiếp theo là hàng loạt những bài viết trưng dẫn nguồn Kinh Thánh và Giáo phụ của Thánh Benado. Cuối cùng, chúng ta thấy thú vị về từ vựng và văn phong, về nhân cách và tâm lý của Thánh Benado. Những khía cạnh này, nếu được biết thêm, sẽ cho phép chúng ta nắm bắt nhiều hơn kinh nghiệm nhân sinh và thiêng liêng của Thánh Benado. Tuy đây là một chủ đề chưa rõ ràng hay ít ra là thuộc vào loại khó đề cập cách chắn chắn, nhưng dù sao nó cũng giúp làm cho quân bình và soi sáng cho những ý tưởng thần học của ngài. Người thời nay vẫn thích tìm hiểu con người và hứng khởi của Thánh Benado xuyên qua các bản văn của ngài.

  Nhân dịp mừng sinh nhật thứ 900 của Thánh Benado (1990), có nhiều bản dịch bằng những ngôn ngữ khác nhau về Thánh Benado đang được lưu hành; nhờ vậy ngày hôm nay chúng ta vẫn có thể tiếp cận được với các tác phẩm của thánh nhân; đàng khác, chúng ta có thể hy vọng rằng những nghiên cứu chuyên sâu về linh đạo của Thánh Benado sẽ được tiếp tục thực hiện sau này.

* Guillaume de Saint Thierry (+1148) thực sự là một tác giả đã tận dụng rất tốt những nghiên cứu của thánh Benado. Người ta có thể nói rằng Guillaume vừa là một vị thầy vừa là môn đệ của Viện phụ Clairvaux. Guillaume  là vị tiến chiêm niệm ưu tiên ở lại trong nội vi đan viện hơn là tham gia các hoạt động bên ngoài như Thánh Benado.

  Trong khoảng 30 năm trở lại đây, những chủ đề của Guillaume đã lôi kéo sự chú ý của giới nghiên cứu. Trước hết là quan điểm về con người, rồi đến học thuyết về tâm lý; sự lệ thuộc của Guillaume vào các Giáo phụ, trong đó ưu tiên là sự tranh biện giữa Thánh Augustino và các Giáo phụ Hy Lạp. Đặc biệt nhất là đằng sau thứ ngôn ngữ tri thức, học thuyết thần bí của Guillaume cho thấy sự ưu việt của tình yêu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa: ‘Amor ipse intellectus est – tình yêu chính là sự hiểu biết’. Sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa được thể hiện trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Khi chú giải Sách Diễm ca, Guillaume đã diễn tả điểm này khác với Thánh Benado. Theo Thánh Benado, sự hiệp nhất với Thiên Chúa – hoặc kinh nghiệm về Ngài – trước tiên được thể hiện qua Ngôi Lời và sự ‘đồng hình đồng dạng’ giữa con người với Ngôi Lời Nhập Thể. Còn nơi Guillaume tuy cũng có đề cập đến Kitô học (Cristologia), nhưng dần dà bị biến mất trước Thần Khí Học  (pneumatologie), vốn bao trùm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Những nghiên cứu hiện đại cũng nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng của Guillaume là nhờ sự quảng bá rộng rãi lá thư ngài gửi cho các đan sĩ của Đan viện Mont-Dieu: ‘Lettre aux frères du Mont-Dieu, bức thư này về sau đã mang tên Benado.

* Thánh Aelred de Rivaulx(+1167) là một ‘tiến sĩ đức ái’(doctor caritatis). So với hai vị trên, Aelred ít được biết đến hơn. Tuy nhiên, Aelred cũng đã cho xuất bản cuốn đầu tiên về việc ‘phê bình các tác phẩm thiêng liêng’, cùng với cuốn ‘Bàn về linh hồn’ (De anima) và một phần những bài giảng chưa được phát hành. Những khám phá mới đây về hàng trăm bài giảng của ngài là rất ấn tượng, và đã làm thay đổi việc nghiên cứu về Aelred.

* Thánh Guerric d’Igny (+1157) là ‘tiến sĩ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô’ (doctor conformationis cum Christo) xứng đáng với vị trí của mình bên cạnh các tác giả lớn, nhưng những nghiên cứu về linh đạo của ngài còn quá khiêm tốn. Với lối sử dụng ngôn từ trong sáng và thuần khiết, Guerric d’Igny tập chú vào chủ đề bắt chước gương Chúa Kitô để nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Chắc chắn Guerric là một tác giả đã có thể đưa chủ đề tình yêu Chúa Kitô vào trung tâm Linh đạo Dòng Xitô một cách dễ dàng.

* Những tác giả thuộc Đan viện Clairvaux (Les Claravalliens)

  Những tác giả về Linh đạo Xitô sống sau thời thành lập Dòng đã hình thành những nhóm khác nhau. Nhóm quan trọng nhất được hình thành xung quanh nhân vật Benado, người ta gọi là nhóm Claravalliens (trường phái của Thánh Benado, cho dù không phải tất cả đều đã sống ở Clairvaux).

 – Hugues de Mâcon (Viện phụ Tiên Khởi của Đan viện Pontingy) và Galland de Reigny. Cả hai vị này là những chứng nhân về Giáo huấn của Xitô Nguyên Thuỷ: đó là một lối sống rất giản dị được gợi hứng từ Kinh Thánh và tình yêu đặc biệt đối với Chúa Kitô.

 – Hugues de Barzelle, xuất thân từ một nhóm ẩn tu, năm 1138 Hugues de Barzelle đã hợp nhất với Đan viện Landais và trở thành vị Đồng sáng lập Đan viện Barzelle này. Trước năm 1140, ngài đã viết một tiểu luận về linh đạo đan tu (De cohabitatione fratrum) bàn về mối liên hệ nội tại giữa lối sống ẩn tu và đời sống cộng tu; nói cách khác, theo ngài đời sống của Xitô đặt trên nền tảng cho lối sống ẩn tu.

 – Pierre de Roye cùng với một vài đan sĩ rất giản dị khác của Clairvaux, cũng đã để lại những bức thư bàn về linh đạo thời này (có lẽ do ban thư ký của Thánh Benado viết).

 –  Amédée de Lausanne, vị môn đệ nổi tiếng của Thánh Benado, đã để lại các bài giảng rất hay về Đức Maria. Trong đó, ngài bàn về những chủ đề cổ điển về Thánh Mẫu học như: Mẹ Thiên Chúa, sự trinh khiết, sự thánh thiện, Mẹ lên trời, vai trò trung gian của Đức Maria, tương tự như Thánh Benado và các tác giả Xitô khác đã làm.

 – Geoffroy de Clairvaux (Auxerre) là người đầu tiên trong số các tác giả lớn của Clairvaux. Trước hết, ngài làm thư ký cho Viện phụ Clairvaux, sau đó trở thành nhân vật chính yếu viết tiểu sử của Thánh Benado; tác giả của dự thảo đầu tiên (Fragmenta Gaufridi), ngài viết cuốn thứ 3, 4 và 5 của bộ Vita prima. Những cuốn sách này không những cho chúng ta thấy sự gắn kết cá nhân của Geoffroy với viện phụ của mình, mà còn cho thấy lòng ngưỡng mộ và sự hiểu biết về tâm lý của thầy mình.

  Geoffroy trở thành Viện phụ Clairvaux năm 1163, nhưng ngài đã phải rút lui năm 1165 vì lý do chính trị. Sau đó, ngài trở thành Viện phụ của Đan viện Fossanova – Ý, và tiếp theo là Viện phụ của Hautecombe vùng Savoie – Pháp. Trong suốt giai đoạn thứ hai này, ngài đã viết vài tác phẩm quan trọng: Chú giải Sách Diễm ca và l’Expositio super Apocalypsim. Cuốn chú giải Sách Diễm ca của ngài là tác phẩm của nhiều tác giả, trong đó có một phần của Thánh Benado và cả Gilbert de Hoyland; cuốn sau mang đậm nét cá nhân, cho dù tác giả có thêm vào những bài giảng theo từng hoàn cảnh.

 – Nicolas de Clairvaux (vào Đan viện Clairvaux khoảng năm 1152). Ngài đã viết một số lá thư và bài giảng, qua đó chúng ta nhận ra bầu khí thiêng liêng của Đan viện Clairvaux về cuối đời của Thánh Benado: đó là giá trị và chứng tá linh đạo của Đan viện Clairvaux. Ngoài ra, người ta còn thấy có nhiều bức thư và bài giảng dưới danh nghĩa của ngài và đã được phổ biến, nhưng còn bị nghi ngờ về tính xác thực của tác giả.

  – Serlon de Savigny từ bỏ chức Viện phụ Đan viện Biển Đức Savigny để trở thành một đan sĩ giản dị của Đan viện Clairvaux (+1158). Ngài được chỉ định giảng dạy nhiều lần cho cộng đoàn. Bài giảng của ngài có lối hành văn đơn sơ, thích ứng với cử toạ khi bàn về những nguyên lý của đời sống đan tu. Ngài đã để lại 34 bài giảng và được Tissier cho xuất bản.

  – Henry de Marcy, Viện phụ Clairvaux từ năm 1176, cũng là Hồng y – Giám mục Giáo phận Albano năm 1179. Qua tiểu luận De peregrinante civitate Dei, ngài được coi là nhà Giáo hội học lớn của Dòng Xitô trong thế kỷ XII. Tất cả tập trung vào tiểu luận và các thư của ngài về nguyên lý của đời sống đan tu.

  – Garnier de Rochefort là Viện phụ Clairvaux, qua đời năm 1225, người tiếp tục học thuyết truyền thống của Xitô, nhưng hiếm khi đạt đến vẻ đẹp và sự đơn sơ của những tác giả đầu tiên của Xitô. Điều đó có lẽ do ngài sử dụng nhiều nguồn văn chương thế tục và yêu chuộng thái quá việc chú giải Kinh Thánh theo nghĩa ẩn dụ (l’exégèse allégorique).

  – Garnier cũng là một tín đồ nhiệt thành của học thuyết ‘huyền nhiệm của các con số’ (mystique des nombres). Cùng với Garnier, ở Giáo phận Langres, còn có nhiều tác giả khác cũng đã nghiên cứu học thuyết về “huyền nhiệm của các con số”.

  – Odon de Morimond (+1161), trước tiên là Viện phụ Đan viện Beaupré rồi Morimond (1160), ngài có để thể được kể vào nhóm thuộc Clairvaux qua mối tương quan bằng hữu với Thánh Benado. Ngài đã có mặt trong lúc Thánh Benado qua đời và diễn tả niềm phân ưu của ngài trong bài khóc thương cái chết của Thánh Benado (Planctus in morte St.Bernardi). Trong nhiều bài viết, chúng ta thấy ngài được gợi hứng từ bậc thầy của ngài, nhưng lại đào sâu khoa chú giải theo lối ẩn dụ và theo đuổi học thuyết ‘huyền nhiệm của các con số’.

  – Longuel sống vào khoảng cuối thế kỉ XII, đã viết một tác phẩm chú giải Sách Các Ngôn Sứ theo lệnh của Viện phụ Garnier. Theo các trích đoạn được xuất bản, tác phẩm này xem ra khá quan trọng giúp chúng ta hiểu biết về linh đạo Xitô của những năm 1200.

  – Yterus de Waschey, vào cuối thế kỉ XII đã viết bài thơ gồm 215 câu về những nghĩa vụ của đời sống đan tu với giọng văn gợi nhớ lại tính nghiêm khắc của Thánh Benado.

  Ngoài nhóm Clairvaux, từ thế kỉ XII tại Pháp người ta còn thấy có một số khá đông các tác giả đã chuyển tải cách chân thực linh đạo của Dòng Xitô và những bản văn khác cần được tra cứu.

  – Viện Phụ Isaac de l’Étoile, gốc Anh Quốc, trở thành đan sĩ Đan viện Étoile  năm 1145 và làm viện phụ năm 1147 (sống đương thời với Thánh Benado. Có giả thiết cho rằng ngài bị lưu đày và qua đời trên đảo Ré). Dấu tích còn lại minh chứng học thuyết của ngài chính là các bài giảng; qua đó cho thấy ngài là một thần học gia, có khả năng tổng hợp những chân lý cao cả của đức tin với đời sống thiêng liêng của Dòng Xitô. Tác phẩm của ngài phải được nhìn nhận như là một trong các nguồn chính yếu của Linh đạo Xitô.

2-Dòng Xitô sau thời hoàng kim đến thời phân nhánh Trappe (1664)

2.1.Những chuyển biến của Dòng Xitô

a.Thế kỉ XIII

  Vào thế kỉ XIII, trong Dòng Xitô xảy ra cuộc tranh chấp gây nhiều khủng hoảng, nhất là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bốn Nhà Trưởng Nữ và Nhà Tổ Xitô (1255). Cuộc tranh chấp trầm trọng đến nỗi Đại Hội Dòng (cơ quan lập pháp tối cao và có khả năng dàn xếp mọi cuộc tranh chấp) cũng không giải quyết được. Đức Giáo hoàng Clemente IV phải công bố Tông thư Parvus Fons để ấn định lại quyền hạn trong toàn Dòng Xitô. Hội Đồng Quản Trị Dòng lúc bấy giờ được ấn định: Bề trên Nhà Tổ Xitô được cử bốn uỷ viên, còn các Nhà Trưởng Nữ sẽ cử năm uỷ viên; tổng số 25 uỷ viên.

  Có thể nói cuộc tranh chấp trên đây đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng và những chuyển biến sâu sắc trong Dòng Xitô.

b.Thế kỉ XIV-XVI

  Thế kỉ XIV-XVI là thế kỉ có nhiều chuyển biến trong Giáo hội và Dòng Xitô cũng chịu sự thăng trầm tương tự. Những lý do chính gây nên sự khủng hoảng và kéo theo hậu quả đau thương như sau.

* Ảnh hưởng trận dịch hạch tại Âu Châu

  Các năm 1348-1350 đã xảy ra một trận dịch hạch, còn gọi là dịch lớn hay là dịch đen, làm giảm phân nửa dân số Châu Âu. Các thành phố và các đan vện bị thiệt hại nhiều nhất. Có rất nhiều thành phố hầu như không còn người sống sót. Ngay sau đó kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế do thiếu công nhân trầm trọng.

* Khủng hoảng do chiến tranh

  Cuộc chiến 100 năm (1338-1463) giữa Anh và Pháp gây đau thương cho Âu Châu, đặc biệt cho người dân trong những nước này. Các dòng tu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Quân Anh chiến thắng và coi các Đan viện Cluny như những điệp viên ngoại quốc, nên họ trưng thu các đan viện này. Riêng các Đan viện Xitô nhờ vào sự độc lập của mình, hơn nữa họ có những nhà con ở Anh nên không bị trưng thu như các Đan viện Cluny. Tuy nhiên, một số lớn Đan viện Xitô bị phá huỷ qua nhiều cuộc chiếm đóng. Có những đan viện bị phá huỷ hoàn toàn. Những nông trại của Dòng Xitô bị tàn phá và phải chịu thuế nặng nề.

  Năm 1360, toàn thể cộng đoàn Nhà Tổ Xitô buộc tìm nơi trú ẩn tại Dijon, và Đại Hội năm 1421, 1423 được tụ họp trong thành phố này. Năm 1438 Nhà Tổ Xitô hoàn toàn bị binh lính Anh chiếm đóng và Viện phụ Gioan Picard bị bắt giữ như một con tin trong khoảng sáu tuần.

  Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Anh – Pháp đã đặt Đại Hội trong tình trạng khó khăn vì các viện phụ không thể đến dự Đại Hội đều đặn. Trước tình hình này quy định về thời gian các Viện phụ về dự Đại Hội đã phải có những điều chỉnh theo hoàn cảnh. Điều này dẫn đến tình trạng kỷ luật của các đan viện không được chấn chỉnh khi có sự sa sút hay lạm dụng xảy ra.

  Cuộc chiến lâu dài giữa Anh và Ireland cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các đan viện tại các nước này. Trong thế kỉ XIV, những tập sinh người Anh không được chấp nhận tại Ireland, những thỉnh sinh nào muốn ở trong các Đan viện Ireland phải thề rằng mình không có dòng máu người Anh.

  Trong thời gian này, một số trường hợp vì ‘tinh thần quốc gia cục bộ’ đã gây cản trở việc tuần viếng của các viện phụ ngoại quốc.

* Ảnh hưởng từ cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378-1417)

  Ảnh hưởng chiến tranh chủ yếu xảy ra tại nước Pháp. Trong khi cuộc ly giáo Tây Phương là hoảng loạn cả Kitô Giáo Châu Âu. Dòng Xitô không tránh khỏi ảnh hưởng này. Khi trong Giáo hội có hai giáo hoàng (Urbano VI có toà ở Roma và Clemente VII có toà ở Avignon, Pháp), thì Dòng Xitô cũng chia làm hai khối: Nhà Tổ Xitô với Đại Hội và các đan viện chịu ảnh hưởng của nền chính trị Pháp đã nghiêng về Avignon. Còn những Đan Viện Xitô khác thì nghiêng về Roma. Đức Giáo hoàng Urbano VI treo chén các Viện phụ Xitô ‘ly giáo’.

  Đối với các đan viện ngoài nước Pháp, phần đông là nhà con của Clairvaux và Morimond, Giáo hoàng trao cho các viện phụ khác thi hành việc tuần viếng. Ngài còn yêu cầu các viện phụ của các đan viện trung thành với Roma không được về Pháp dự Đại Hội; vì thế, các viện phụ của các đan viện này tổ chức Đại Hội riêng. Họ đã tổ chức những cuộc Đại Hội các năm: 1382, 1383, 1390 ở Roma và Đại Hội vào các năm: 1393, 1398, 1402’ 1406 ở Vienne (Áo Quốc).

  Cuộc ly giáo đã ảnh hưởng nặng nề trên uy quyền và kỷ luật trong nội bộ Dòng. Tình cảnh này không những làm giảm bớt lòng kính trọng thường có đối với Viện phụ Nhà Tổ Xitô, nhưng còn khiêu khích sự chia rẽ của chủ nghĩa quốc gia. Trong thời gian này cả hai giáo hoàng đều trao cho Dòng những đặc ân mới, nhưng chính những đặc ân và sự miễn giảm khác nhau làm tổn hại đến sự đồng nhất và thống nhất của Dòng.

  Trong khi cuộc ly giáo chấm dứt với Công đồng Constance (1414-1418), qua việc chọn Giáo hoàng Martino V, công đồng kết án lạc giáo Jean Huss và ông này bị thiêu sống. Nhưng môn đệ của ông tôn vinh ông như một vị tử đạo và họ phát động những cuộc cách mạng trong những năm 1420 đến 1440. Hậu quả là khoảng 30 đan viện Xitô trở thành đối tượng cho các cuộc tấn công man rợ, rất nhiều đan sĩ trở thành nạn nhân.

* Ảnh hưởng từ phong trào Cải Cách Tin Lành và Anh Giáo

  Đặc tính của phong trào Cải Cách và Anh Giáo rất phức tạp. Với quan niệm sách động tôn giáo, phong trào Cải Cách thay đổi hoàn toàn về phúc lợi và đặt lại vấn đề giá trị gia sản thời Trung Cổ: như về Giáo hội, về ngôi giáo hoàng và về các dòng tu.

  Phong trào Cải Cách đã ảnh hưởng đến kỷ luật Dòng, đặc biệt đối với những đan viện xa trung tâm dòng và ngoài sự kiểm soát của các vị tuần viếng, như: sa sút về sự nghèo khó, về luật nội vi, về chay kiêng. Uy quyền của Đại Hội đã bị lung lay.

  Phong trào Cải Cách của Luther (1517) và cuộc ly giáo Anh Giáo (1534) đã gây khủng hoảng cho Giáo hội và cho Dòng Xitô. Hàng trăm đan viện bị tục hoá chỉ trong vài năm, một số đan viện khác thường xuyên trong tình trạng bị huỷ diệt.

  Tại Anh Quốc, sau khi ly khai khỏi Giáo hội Vua Henri VIII tuyên bố giải tán “các đan viện nhỏ” (đan viện có thu nhập hàng năm ít hơn 200 bảng Anh, hoặc số đan sĩ ít hơn 12 thành viên). Những thành viên của các đan viện này được gởi đến những đan viện lớn hơn. Trong tổng số 72 đan viện ở Anh Quốc có 12 đan viện bị giải tán năm 1536.

  Năm 1539, một đạo luật được ban hành, theo đó quyền sở hữu tất cả tài sản của các đan viện đều thuộc về nhà vua và các đan viện lớn được giao cho thế quyền. Đa số các đan viện không chống đối đạo luật tịch thu này, trừ 7 đan viện nổi dậy chống lại việc áp dụng đạo luật tịch thu và 4 viện phụ trong 7 đan viện đó bị treo cổ ngay trước cổng đan viện. Từ năm 1517 đến 1537 có nhiều viện phụ và đan sĩ tử đạo.

  Khoảng 20 năm sau, các Đan viện ở Scotland cũng chịu chung số phận. Các đan viện tại Ireland cũng bị vua Henri VIII giải tán. Tuy nhiên, tinh thần chống lại điều luật nhà vua làm cho việc thi hành điều luật này chậm lại, nhờ đó một số cộng đoàn được sống sót. Từ năm 1577 đến 1606 tại Ireland có 46 đan sĩ Xitô tử đạo.

  Tại Đan Mạch, Thuỵ Điển và Na Uy tài sản của các đan viện bị trưng thu được sử dụng làm nguồn tài chánh cho việc khuyếch trương chính trị trong các xứ này. Hai phần ba số đan viện trong các nước này bị trưng thu. Tại Đức và Hoà Lan cũng chịu mất mát tương tự.

  Tại Hungari năm 1565, đời sống tu trì Xitô tắt ngấm do quốc gia này bị quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm năm 1526.

  Tại miền Bắc nước Đức, do ảnh hưởng của Thệ Phản, các đan sĩ bị trục xuất hay tự ý rời khỏi đan viện của mình. Riêng Đan viện Loccum là một trường hợp đặc biệt: Tất cả các đan sĩ của đan viện này chấp nhận theo Thệ Phản và tiếp tục sống trong cộng đoàn của mình, tạo ra một sự trộn lẫn độc nhất của tu trào đan tu và phái Thệ Phản. Thời khoá biểu và phụng vụ thì vẫn giữ như trước cho tới thế kỉ XVII. Tới năm 1658 ngôn ngữ phụng vụ của đan viện này được thay thế bằng tiếng Đức. Còn vấn đề độc thân thì mãi đến đầu thế kỉ XVIII mới được huỷ bỏ. Đan viện Loccum sau đó biến thành một chủng viện của Thệ Phản, và như thế các đan sĩ của đan viện này đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt trong đời sống tinh thần và trí thức của Thệ Phản tại Đức.

* Tình trạng Thu ích trong các đan viện

  Nửa đầu thế kỉ XV Dòng Xitô phải đối diện với một tình trạng vô vàn khó khăn cho việc cải tổ, đó là hệ thống ‘Đan viện Thu ích’. Đây là một hình thức phong kiến trong việc chọn viện phụ đã xảy ra tại các Đan viện Cluny. Sự kiện tai hại này xuất phát do các giáo hoàng đưa ra. Lấy lý do để thi hành việc cai trị theo lối trung ương tập quyền, các giáo hoàng can thiệp trực tiếp vào những công việc của dòng tu. Để cho việc ‘cải tổ’ có hiệu năng, các vị giáo hoàng đã đặt những người (thường là hồng y) nhưng có khi là giám mục, linh mục và thậm chí là giáo dân làm viện phụ các đan viện giàu có và ảnh hưởng nhất. Cách riêng Đức Gregorio XI (1370-1378) dùng quyền tối cao của giáo hoàng để chỉ định viện phụ cho tất cả các đan viện nam. Việc này dẫn đến tình trạng là các viện phụ thu hoa lợi của đan viện. Bên cạnh đó các vua chúa cũng tìm cách áp đặt quyền phong kiến của mình trên những cuộc bổ nhiệm tương tự.

  Quyền bổ nhiệm trở thành nguyên nhân tranh giành giữa giáo hoàng và vua Chales VII, là người nắm quyền tại Pháp và được hàng giáo sĩ Pháp ủng hộ. Vua đã công bố chiếu chỉ Bourges (1438), trong đó tái lập việc bầu cử theo quy tắc, nhưng trong thực tế lại mở rộng cửa cho ảnh hưởng ‘toàn năng’ của nhà vua. Để cố gắng loại bỏ sự tranh giành này, hoà ước Bologne (1515) được ký kết giữa Đức Giáo hoàng Leo X với vua François I (Pháp). Hoà ước này huỷ bỏ hoàn toàn việc bầu cử, thay vào đó vua giới thiệu những ứng viên của mình và giáo hoàng giữ quyền đặt định.

  Chính như thế mà hoà ước đã hợp pháp hoá và duy trì một hệ thống không chỉ đặt các dòng đan tu trong nguy cơ suy sụp mà cả việc tái xây dựng cũng trở nên vô cùng khó khăn.

  Các Viện phụ Thu ích cai trị các đan viện khắp Châu Âu (trừ một vài đan viện ở Anh Quốc). Theo lẽ thường, các Viện phụ Thu ích không sống trong đan viện của mình. Nhưng nếu viện phụ thuộc hàng giáo dân sống trong đan viện cùng với gia đình và tất cả họ hàng của ông, thì đời sống đan tu trở nên thực sự khó khăn. Nhất là khi viện phụ không phải là một đan sĩ và họ chỉ có một mục đích là thu nhận những hoa lợi do chức vụ của mình.

  Trong những ‘Đan viện Thu ích’, việc điều hành đan viện chính thức do viện phó đảm nhiệm. Sự phân chia hoa lợi giữa Viện phụ và cộng đoàn được luật pháp quy  định, nhưng phần cộng đoàn nhận được không đủ nuôi sống các đan sĩ.

  Hậu quả tai hại do tình trạng ‘Đan viện Thu ích’ gây ra có thể thấy được qua một báo cáo của Viện phụ Nicola Boucherat. Với tư cách là vị thanh tra thường trực, năm 1551 Viện phụ Nicola đã tuần viếng 35 đan viện khốn khổ vì các ‘Viện phụ Thu ích’. Hầu hết trong số 35 đan viện này có nhà cửa bị hư hỏng, thậm chí còn đổ nát, 16 đan viện hoàn toàn bị bỏ hoang, trong một số nhà khác các đan sĩ sống thành từng nhóm với các linh mục triều hay với các thành viên của các dòng khác. Số thành viên của 35 đan viện này chỉ còn chừng 86 đan sĩ. Họ sống trong khốn khổ, không có dấu hiệu nào về việc tuân giữ luật dòng hay phụng vụ.

  Cho tới cuộc Cách Mạng Pháp 1789, tại Pháp có tới 228 Đan viện Xitô, trong đó có 34 đan viện sống đời tu chính thức, còn 194 nhà khác thì thuộc nhóm ‘ Đan viện Thu ích’, trong đó phần lớn ‘Đan viện Thu ích’ chỉ có ít hơn 5 đan sĩ. Do đó, đời tu trong những đan viện này chắc chắn không còn kỷ luật đan tu nữa. Khi so sánh, người ta thấy rằng ảnh hưởng do phong trào Cải Cách sinh ra còn ít tai hại hơn là hậu quả do việc điều hành tài sản Giáo hội do chính Giáo hội đề xướng qua chế độ thu ích.

  Với hoà ước Bologne, chỉ trừ Nhà Tổ Xitô sống trong tự do được bảo đảm. La Ferté bị Thu ích năm 1448. Pontigny bị thu ích năm 1543 cùng với phần đông các đan viện tại Pháp. Các đan sĩ Xitô thấy trước mắt tai hại của hệ thống này. Họ chống đối bằng những kháng nghị mạnh mẽ.

  Năm 1577 Đại Hội lao vào cuộc đấu tranh, với những  kháng nghị không ngừng và chỉ nhận được một chút thành công nhỏ nhoi đó là vua Henri III nước Pháp miễn trừ thu ích cho các Đan viện Trưởng Nữ: La Ferté, Pontigny, Clairvaux và Morimond. Trước tình trạng xuống cấp trong đời sống đan tu, một số đan sĩ đã khởi xướng một chương trình cải tổ. Song song với cuộc cải tổ của Công đồng Trento (1545-1563), Dòng Xitô cũng có những nỗ lực từ thế kỉ XIV-XV cho những cuộc cải tổ lớn. Một số các đan viện Xitô khác thì chấp nhận chọn hướng tham gia mục vụ do hoàn cảnh. Chính trong quá trình cải tổ này, Dòng Xitô đã diễn ra hai biến cố lớn đã ảnh hưởng sâu rộng và tồn tại trong Dòng cho đến ngày nay: hình thành Nhánh Xitô Nhặt Phép (Trappe); hình thành các ‘Hội Dòng Độc Lập’ để tiếp tục tồn tại và thích nghi với hoàn cảnh mới này.

2.2.Hình thành nhánh Xitô Nhặt Phép

(Ordo Cisterciensis Strictioris Observantiae- OCSO)

* Những nỗ lực cải tổ ở thế kỉ XIV-XV

  Đại Hội 1473 đã xin Đức Giáo hoàng Sixto IV quy định những nguyên tắc cho một cuộc cải tổ chung. Đức Giáo hoàng lúc ấy còn đang bận tâm đến vấn đề chính trị tại Ý nên không đáp lời. Vị Giáo hoàng kế nhiệm là Đức Innocente VIII (1484 -1492) đã đề xướng ngay lập tức một cuộc cải tổ qua một lá thư gởi cho Đại Hội Dòng năm 1484.

  Vua nước Pháp Charles VIII đã ban một đặc ân trong vấn đề cải tổ và kêu gọi triệu tập hội nghị bất thường gồm các Giám mục và các Viện phụ ở Thánh Tours năm 1493. Khởi đầu hội nghị này, Viện phụ Nhà Tổ Xitô Gioan Cirey (1476-1501) trình bày một bức thư trong đó gồm những nghị định cải tổ. Ngài gán những xấu xa làm cho đời sống tu trì bị sa sút lúc bấy giờ là do những nguyên nhân như: huỷ bỏ việc bầu viện phụ, sự phung phí của cải đan viện bởi các ‘Viện phụ Thu ích’, và sự can dự của thế quyền vào những việc tôn giáo. Rất tiếc là hội nghị này đã xảy ra phân rẽ.

  Một năm sau (1494) Viện phụ Cirey kêu gọi 40 viện phụ có cùng một ý định đến họp tại Học viện Thánh Benado ở Paris. Kết quả cuộc gặp gỡ này là công bố một nghị định cải tổ được gọi là “Articuli Parisienses” gồm 15 đoạn được Đại Hội sau đó chấp thuận và nuôi dưỡng. Nhưng nghị định này phần lớn không được thi hành do bởi còn có sự tranh cãi lâu dài giữa Viện phụ Nhà Tổ Xitô Gioan Cirey và Viện phụ Clairvaux Pierre Virey. Đại Hội kết án những can thiệp kiêu căng của Viện phụ Pierre Virey, nhưng Viện phụ Pierre Virey kháng nghị đến nghị viện tại Paris và nguy cơ ly khai lại xuất hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

  Cuộc cải tổ hình thanh nên nhánh Nhặt Phép, trước hết được thực hiện do một linh mục đạo đức, người Ý là Octave Arnolfini. Năm 1598, nhờ đặc ân của nhà vua, vị linh mục này trở thành Viện phụ Thu ích của Đan viện La Chamoye. Biết rằng để đưa đan viện của mình vào một cuộc cải tổ, cần thiết người đứng đầu trong việc này phải là một đan sĩ thực thụ; vì thế, cha Octave Arnolfini đã đến Clairvaux là Nhà Mẹ của La Chamoye để vào nhà tập và khấn năm 1602, trước sự hiện diện của Viện phụ Clairvaux lúc đó là Denis Largentier (1596-1624).

  Năm 1605, Arnolfini trở thành Viện phụ Đan viện Châtillon, một nhà con khác của Clairvaux. Viện phụ Arnolfini đặt đan sĩ nhiệt thành nhất của mình là Stephano Maugier (1605-1637) lãnh đạo Đan viện La Chamoye.

  Khởi đầu, Viện phụ Arnolfini thực hiện cải tổ 2 đan viện là Chatillon và La Chamoye. Kế đến, Viện phụ Nhà Mẹ Clairvaux là Denis Largentier cũng theo đuổi chương trình cải tổ của Arnolfini và quảng bá chương trình cải tổ này trong các Nhà Con của Clairvaux, lúc này đang rất hùng mạnh. Đến năm 1618, cuộc cải tổ đã được thực hiện trong 9 đan viện: Clairvaux, La Chamoye, Châtillon, Longpont, Cheminon, Vauclair, Prìeres, Blanche và Vaux de Cernay.

  Nội dung của cuộc cải tổ trong giai đoạn đầu tiên này là cố gắng trở về với những đặc tính nguyên thuỷ của Dòng Xitô thế kỉ XII: ăn chay, thinh lặng tuyệt đối, làm việc chân tay, nghèo khó và đơn giản trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống đan tu.

  Việc cải tổ đạt được hiệu quả nhờ gương mẫu sống động của Viện phụ Clairvaux là Denis Largentier. Ngài bắt đầu cải tổ ngay trong chính bản thân ngài, không bằng một hình thức cưỡng bách nào. Ngài đã lôi kéo cộng đoàn Clairvaux theo ngài với nếp sống nhiệm nhặt.

  Trong đan viện, mỗi người tự do tham gia vào việc cải tổ của những người ‘ăn chay trường’ hay ở lại với ‘nhóm đan sĩ cũ’. Những người có chức vụ quan trọng trong đan viện như Viện phó, Giáo tập, Quản lý đều tự nguyện xếp mình vào hàng ngũ những người cải tổ, nhưng không làm gì mất bình an trong đời sống chung. Trong lúc đó họ huấn luyện các tập sinh theo lý tưởng mới, và thành công cuối cùng của cuộc cải tổ dường như chỉ là vấn đề thời gian.

  Viện phụ Nhà Tổ Xitô lúc bấy giờ là Boucherat (1604-1625) cũng hết lòng ủng hộ chương trình cải tổ này và hứa sẽ trình bày nội dung và xác định cuộc cải tổ cho Đại Hội sắp tới của Dòng, sẽ họp năm 1618. Đại Hội đã khen ngợi cố gắng  của cuộc cải tổ này, nhưng hiện tại vẫn còn từ chối coi các đan viện cải tổ này là một ‘Hội Dòng Độc Lập’. Đại Hội cũng quy định bó buộc trong toàn Dòng Xitô một cuộc cải tổ ôn hoà với những chương trình cải tổ đang được thi hành tại Clairvaux, trừ việc ăn chay trường thì được giới hạn lại trong khoảng từ Lễ Suy Tôn Thánh Giá tới Lễ Phục Sinh. Lý do là vì sự cẩn trọng của Đại Hội nhằm bảo vệ sự hiệp nhất trong kỷ luật, ít ra tại các đan viện ở Pháp, và để đề phòng Clairvaux lại một lần nữa trở nên đối kháng với truyền thống Dòng Xitô.

  Tuy nhiên, điều Đại Hội quy định không phe nào mau mắn thi hành. Những Đan viện ăn chay trường tiếp tục ăn chay trường, còn những đan viện khác không vội vã theo đuổi cuộc cải tổ ôn hoà này. Cho tới năm 1624 đã có thêm hai đan viện tham gia ‘nhánh Nhặt Phép’ là Đan viện Etoile và Saint Lazare. Như vậy cho tới lúc đó, ‘nhánh Nhặt Phép’ có 11 đan viện.

  Với cái chết của Viện phụ Clairvaux là Denis Largentier, người kế nhiệm là Viện phụ Claude Largentier, người em họ của Viện phụ Denis Largentier, một người không thiết tha theo đuổi chương trình cải tổ đang có.

  Trong lúc đó lại có sự can thiệp thô bạo của Hồng y La Rochefoucauld, trong tư cách là Tổng Thanh tra trên các Đan viện Xitô tại Pháp, đã làm cho cuộc cải tổ gặp nhiều khó khăn. Bấy giờ Đan viện Clairvaux bị rút khỏi ‘Nhánh Nhặt Phép’.

  Đại Hội năm 1628 đã xác quyết lại những quyết định cải tổ đã được công bố bởi Đại Hội năm 1623. Cụ thể là trong những gì liên quan đến ‘hai nhánh’ của Xitô. Đại Hội quy định rằng: các đan sĩ không theo luật ‘giữ chay trường’ sẽ không bao giờ được chuyển dời đến những đan viện thuộc ‘Nhánh Nhặt Phép’; và nếu có thói hư xảy ra, các đan sĩ ‘giữ chay trường’ không bị ép buộc sống trong những nhà mà thói lệ của họ không được tuân giữ. Bầu khí an bình và sự hiểu biết thích hợp cho sự phát triển của nhóm cải tổ được kéo dài từ năm 1625 đến 1633. Nhờ đó trong khoảng thời gian này có thêm 5 đan viện mới gia nhập ‘nhánh Nhặt Phép’ là các đan viện: Colombe, Saint Aubin, Font-Guillem, La Charité và Cercanceaux. Như thế, số đan viện theo luật tuân giữ chay trường cho đến năm 1633 là 15 đan viện.

  Từ cuối năm 1632, tức là khi Đức Hồng y Rochefoucaulf được đặt làm Tổng Thanh tra của Dòng một lần nữa với nhiệm kỳ 3 năm, được sự khích lệ của Viện phụ Stephano Maugier, Hồng y Rochefoucauld công bố một ‘sắc lệnh cải tổ’ vào năm 1634 áp dụng cho các Đan viện Xitô tại Pháp, trong đó chứa đựng những biện pháp khắt khe tối đa chống lại quyền quản trị của Dòng Xitô. Thế là sự căng thẳng giữa ‘nhóm ăn chay trường’ với nhóm ‘cũ’ liên tục xảy ra và kéo dài cho tới năm 1786.

  Với ảnh hưởng của cuộc Cách Mạng Pháp (1789), vào năm 1790 tất cả các dòng tu ở Pháp bị tịch thu. Nhánh Nhặt Phép bị thiệt hại nặng hơn các dòng khác vì hầu hết các đan viện của ‘Nhánh Nhặt Phép’ đều nằm trong lục địa Châu Âu, và nhất là nằm trong nước Pháp. May thay một cơ sở của ‘Nhánh Nhặt Phép’ được thành lập ở Thuỵ Sĩ. Cơ sở này chẳng những không bị tịch thu mà sau đó trở thành cái nôi của Dòng Trappe nổi tiếng.

  Nhân vật tạo nên tinh thần Trappe là Viện phụ Rancé (1626-1700). Rancé là một Viện phụ Thu ích, ngài có ý tưởng cải tổ Dòng Xitô và đã vạch ra từ lâu trong tâm trí ngài, nên ngài quyết định nhập Xitô và mặc áo tập năm 40 tuổi.

* Dòng Trappe hiện nay

  Tại Pháp, vào năm 1892 các đan sĩ Trappe qui tụ lại với danh xưng ‘Đan sĩ Xitô Cải Cách Thánh Mẫu Trappe’. Từ năm 1898, các Tổng Công Nghị nhóm họp tại Đan viện Xitô cũng được phục hồi. Tổng phụ cư trú tại Roma. Năm 1902, các đan sĩ Trappe trở thành Dòng Xitô Cải Cách hay Dòng Xitô Nhặt Phép.

  Trong thế kỉ XIX, các Đan sĩ Trappe thiết lập các đan viện tại Canada, Hoa Kỳ, Úc, Syria, Giordani, Nam Phi, và Trung Quốc. Hiện nay, Dòng Xitô Nhặt Phép hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới với 2.600 nam đan sĩ trong 99 đan viện, và 1.883 nữ đan sĩ trong 66 đan viện.

  Chính trong bối cảnh này, để tồn tại và thích nghi với hoàn cảnh phức tạp, phần còn lại của Dòng Xitô đã hình thành các ‘Hội Dòng Độc Lập’(sẽ đề cập trong phần II).

II-Dòng Xitô từ sau phân nhánh Trappe đến nay (Ordo Cisterciencis – O.cist)

1-Cuộc cải tổ của Dòng Xitô sau Công đồng Trento (1545-1563)

  Các Đại Hội vào những năm 1565, 1567, 1573, 1578, 1584 mang tính quốc tế. Những quyết định được đưa ra lúc bấy giờ bao gồm những vấn đề đời sống các đan sĩ. Trước hết, Đại Hội nhắm vào việc giới hạn ảnh hưởng của thế quyền; kế đến là vấn đề đồ ăn thức uống, y phục, tiếp khách và sở hữu các nhân; sau cùng là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề học vấn và quyết định gửi một số giáo sĩ của Dòng đến Paris du học, điều chỉnh việc đón nhận và huấn luyện tập sinh, và cho các đan sĩ đã bỏ cộng đoàn do loạn lạc và những xáo trộn bởi cuộc cải cách của nhóm Thệ Phản được trở về với Dòng.

  Khi Viện phụ Clairvaux là Jérôme Souchier được bầu làm Viện phụ Nhà Tổ Xitô thì khó khăn về quyền hành gữa Nhà Tổ Xitô với Clairvaux được lắng dịu. Viện phụ Jérôme thực hiện một chương trình tuần viếng rộng rãi. Khi Jérôme Souchier được chọn làm Viện phụ Nhà Tổ Xitô, ngài vẫn giữ quyền lãnh đạo đan viện cũ của ngài là Clairvaux. Với uy tín lạ lùng cùng từ đời sống và từ vị thế hồng y, ngài dùng tất cả ảnh hưởng của mình để khôi phục lại danh tiếng và vinh quang đã lu mờ của Dòng Xitô. Người kế nhiệm ngài là Nicolas Boucherat (1585), một người nhiệt tâm trong việc cải tổ; ngài hầu như thường xuyên đi tuần viếng các  đan viện trong Dòng.

2-Những chuyển biến do hoàn cảnh

2.1.Hoạt động mục vụ và lập giáo xứ trong lãnh địa Dòng Xitô

  Sự phát triển của Dòng Xitô trong giai đoạn này đã kéo theo việc tổ chức giáo xứ. Bởi vì việc lập một đan viện mới không thể luôn tìm được những miền đất không dân cư, trái lại là những vùng đất trên đó đã có làng mạc và các nhà thờ.

  Lý do khác dẫn đến việc chấp nhận hoạt động mục vụ giáo xứ là việc chấp nhận cho gia nhập vào Dòng các đan viện đang có hoạt động mục vụ giáo xứ.

  Thật ra, từ giữa thế kỉ XIII, Đại Hội không ngăn cản các đan sĩ Xitô tham dự vào nhu cầu tinh thần của dân chúng sống trong lãnh địa của đan viện. Việc điều hành các giáo xứ được Đại Hội năm 1225 giao cho các đan viện ở Anh. Con số các giáo xứ gia nhập tăng nhanh vào cuối thế kỉ XVI hầu như tất cả các đan viện Xitô đều có các đan sĩ lãnh trách nhiệm mục vụ giáo xứ. Tuy nhiên, việc hoạt động thường xuyên của các đan sĩ trong các giáo xứ thuộc quyền giáo phận luôn luôn bị coi là lạm dụng chống lại quy luật đan tu và về sau đã bị cấm tuyệt đối.

  Từ giữa thế kỉ XIV, giới quý tộc phong kiến dần dần suy tàn và giai cấp trung lưu bắt đầu nổi lên tại các thành phố và phát triển rất nhanh. Các đan viện Xitô đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ đời sống đạo đức và tài trợ vật chất từ thành phần này, số ơn gọi cũng gia tăng. Trước hoàn cảnh như thế, việc các đan viện tách biệt với dân cư chung quanh là điều không thể được. Vì thế, các nhà thờ của các đan viện được mở cửa cho khách kính viếng và hành hương. Đan viện trưng bày những thánh tích để dân chúng đến kính viếng và sau đó lãnh nhận bí tích hoà giải. Lễ kỷ niệm hằng năm hay việc cung hiến các nhà thờ được cử hành long trọng thu hút rất đông dân chúng.

  Các tín hữu liên kết với các đan viện luôn tổ chức thành những hội đoàn (ái hữu). Với các hội đoàn này, Đại Hội chấp thuận cho họ được dự phần vào những ơn ích thiêng liêng nhờ lời cầu nguyện và những việc lành thánh của Dòng.

  Người ta thấy dấu tích sự hiện hữu của những hội đoàn này từ thế kỉ XIII, lúc đó các thành viên thuộc hội này chỉ là hàng giáo sĩ cao cấp và các quý tộc. Nhưng vào thế kỉ tiếp theo “thành phần” tham gia vào hội ‘ái hữu’ như thế bị bãi bỏ, thay vào đó mọi thành phần đều có thể tham gia. Người ta đánh giá cao việc các đan sĩ cử hành phụng vụ cầu nguyện cho các linh hồn thành viên trong các gia đình của họ đã qua đời.

2.2.Việc học đại học

  Từ giữa thế kỉ XIII, Đại Hội thường chú tâm đến việc học đại học. Học viện Thánh Benado ở Paris là nơi được nhắm tới cho nhu cầu và lợi ích đặc biệt này. Ước mong của Đại Hội đã gặp sự nhiệt thành chung dành cho việc trau dồi học vấn cao hơn.

  Trải dài suốt thế kỉ XV và XVI, hầu như tất cả các đại học quan trọng của Đức đều có các sinh viên Xitô. Thường xuyên nhất là Đại Học Heidelberg thành lập năm 1386, phân khoa thần học đại học này được đan sĩ Xitô Reginald von Alna tổ chức. Sau đó sinh viên Xitô chuyển sang đại học ở Cologne để đón nhận giáo thuyết của Thánh Thomas d’Aquin.

  Một học viện khác cũng rất có tính đại chúng là Đại học Dillingen thành lập năm 1550. Các đan viện của xứ Bade miền Wurtenberg và Thuỵ Sĩ gởi đến đó một số đan sĩ ưu tú. Tính đến năm 1690 có 173 sinh viên Xitô học ở trường này. Đầu thế kỉ XVIII, hai phần ba đan sĩ các Đan viện Salem, đan viện chính của Bade, có bằng tốt nghiệp Đại Học Dillingen.

  Trong suốt nửa đầu thế kỉ XVII, một số lớn các trường học được thành lập ở Avignon và ở Dôle. Các Đan viện Alna và Villers xây dựng những học viện liên kết với đại học Louvain.

3-Hình thành các “Hội Dòng Độc Lập” trong Dòng Xitô

  Tình trạng Thu ích và những hoàn cảnh trên đây là bối cảnh tạo nên những “Hội Dòng Độc Lập” trong Dòng Xitô. Thật vậy, hệ thống thu ích lâu dài không những ảnh hưởng trực tiếp trên các “Đan viện Thu ích” mà còn ảnh hưởng đến việc quản trị trung ương của toàn Dòng. Cụ thể là quyền bính của Đại Hội bị suy yếu, việc tuần viếng không được thực hiện đều đặn, những biện pháp Đại Hội đưa ra nhằm cứu vãn tình thế không đươc áp dụng triệt để. Đại Hội không thực sự biểu lộ tính cách toàn Dòng vì các viện phụ của các “Đan viện Thu ích” ít khi tham dự Đại Hội, ngay cả các viện phó của các đan viện này cũng không đến dự. Việc nhóm họp Đại Hội trở nên khó khăn. Từ năm 1699 đến 1738, Đại Hội của Dòng chỉ họp được một lần duy nhất.

  Trong hoàn cảnh có nhiều rối ren xảy ra trong Giáo hội và xã hội, kéo theo là sự sa sút trong các Hội Dòng. Lúc bấy giờ, Đại Hội không thể thực hiện trọn vẹn chức năng của mình. Để cứu vãn tình hình, một số Hội Dòng đã tự cải tổ và hình thành nên những ‘Hội Dòng Độc Lập’. Các ‘Hội Dòng Độc Lập’ thời đầu này gồm có:

1/. Hội Dòng Castille

  Hội Dòng Castille ở Tây Ban Nha được cải tổ bởi Viện phụ Martin Vargas (1446). Trước tiên, Martin Vargas là một ẩn sĩ dòng Thánh Jérôme. Khi liên kết với Xitô, ông xây dựng một Đan viện Cải tổ ở Mont Sion gần Toledo. Trong các đan viện mà ông đã cải tổ, lời khấn bền đỗ bị bãi bỏ. Thay cho chức viện phụ là chức viện trưởng với nhiệm kỳ là 3 năm. Năm 1425 Đức Giáo hoàng Martin V, mà viện phụ Martin là cha giải tội, cho phép Viện phụ Martin thực hiện chương trình lập Hội Dòng mới của mình và Đại Hội Xitô cũng phải đồng ý cho vai trò hoạt động của Viện phụ Martin để giữ sự bình an. Đến năm 1710 Hội Dòng này đã có 42 đan viện.

2/. Hội Dòng Lombardi và Toscane

  Hội Dòng này được thành lập nhờ sự khích lệ của các giáo hoàng và bất chấp những kháng nghị của Dòng. Các Hội Dòng này giữ nhiệm kỳ viện trưởng là 3 năm, bỏ lời khấn bền đỗ.

  Họ tổ chức hội nghị riêng, không liên lạc, không tham gia gì với Đại Hội Dòng Xitô. Các Hội Dòng này được Đức Giáo hoàng Alexandre VI chấp thuận năm 1497. Đại Hội Dòng Xitô đã thành công trong việc bãi bỏ sắc lệnh của Đức Giáo hoàng Alexandre VI cho thành lập các Hội Dòng này. Nhưng sau đó, vào năm 1511, Đức Julio II, đã tái lập lại Hội Dòng này, miễn trừ họ khỏi quyền tài phán của Dòng Xitô và đặt họ dưới quyền của Viện Phụ Chiaravalle ở Milano.

3/. Hội Dòng Bồ Đào Nha

  Hoàn cảnh của các đan viện Xitô ở Bồ Đào Nha cũng làm nảy sinh trong xứ này một Hội Dòng gồm 17 đan viện dưới quyền Viện phụ Alcobaca. Hội Dòng này được Đức Giáo hoàng Pio V chuẩn nhận năm 1567. Hiến pháp của họ gần giống với Hiến Pháp của Hội Dòng Castille.

4/. Hội Dòng Ba Lan

  Hội Dòng Ba Lan được thành lập cũng bởi những lý do tương tự Hội Dòng Bồ Đào Nha. Hội Dòng Ba Lan được thành lập vào năm 1580, gồm 15 đan viện.

5/. Hội dòng Feuillants

  Hội Dòng Feuillants do Jean Barrière (1544-1600) cải tổ. Ông cố ý không biết đến truyền thống Dòng Xitô và Đại Hội của dòng. Ông đã đưa vào đan viện việc cải tổ của ông một lối sống nhiệm nhặt tối đa. Các môn đệ của ông không mang giày, ngủ trên sàn nhà, lấy đá làm gối đầu, lấy sọ người làm gáo uống nước. Họ không ăn cá, trứng, bơ, muối và các loại gia vị, không uống rượu. Trong mùa chay chỉ ăn bánh mì và uống nước lã. Hội Dòng này phát triển trong nước Pháp và Ý. Đức Giáo hoàng Pio V chấp nhận Hội Dòng này năm 1586 và mời họ đến Roma.

  Trong những thập niên đầu thế kỉ XVII, các Đan viện Feuillants Ý tách rời các Đan viện Feuillants Pháp và hình thành một Hội Dòng riêng với tên gọi là Bernadins Cải Tổ (1630), sau đó Hội Dòng này liên kết với Dòng Xitô.

6/. Hội Dòng Aragon

  Hội dòng được hình thành do sự yêu cầu của vua Phillipe III, người Tây Ban Nha. Vua yêu cầu tất cả các đan viện Xitô không thuộc Hội Dòng Castille kết hợp lại với nhau.

7/. Hội Dòng Roma

  Hội dòng được đề nghị bởi Đức Giáo hoàng Gregorio XV năm 1623. Hội Dòng này gồm những đan viện sống sót sau nạn thu ích thảm hại trong nước Toà Thánh, Naples và Sicile liên kết lại. Lời khấn bền đỗ bị huỷ bỏ và những tục lệ của Hội Dòng này hoàn toàn xa lạ với Xitô.

8/. Hội Dòng Calabre và Lucanie

  Các Hội Dòng này gồm các đan viện thuộc miền Nam nước Ý mà không thuộc Hội Dòng Roma. Các Hội Dòng này do Đức Giáo hoàng Urbano VIII lập năm 1633. Quy chế của họ giống như quy chế Hội Dòng Roma. Tuy nhiên, những biện pháp cải tổ này không thể khắc phục được những hậu quả quá nặng nề do chế độ Thu ích gây ra, dù Đại Hội hết sức cố gắng.

9/. Hội Dòng Haute-Allemagne

  Hội Dòng Haute-Allemagne được thành lập do sáng kiến của Đại Hội các viện phụ của nước Đức nhóm họp năm 1595 tại Đan viện Fürstenfeld, miền Bavière. Trong hoàn cảnh ác cảm lâu dài giữa Đức và Pháp làm cho các viện phụ Pháp không tuần viếng các đan viện tại Đức được.

  Một đàng, phía triều đình Pháp tham vọng kiểm soát Giáo hội. Đàng khác, việc Toà Thánh vẫn nuôi ước vọng bảo vệ ảnh hưởng của mình tại Pháp không thành công. Điều này cho phép hiểu rằng Giáo hoàng Roma đồng ý thành lập các ‘Hội Dòng Độc Lập’ tách khỏi Nhà Mẹ bên Pháp. Nhờ sự ủng hộ này, Viện phụ Thomas Wunn của Salem là người đủ tài năng để thực hiện chương trình thành lập Hội Dòng Haute-Allemagne do Đại Hội miền, năm 1626 phê chuẩn. Hội Dòng này gồm 26 đan viện nam và 36 đan viện nữ tại miền Nam nước Đức và nước Thuỵ Sĩ. Hiến pháp Hội Dòng này được soạn thảo năm 1618 được coi là hoàn hảo nhất. Hội Dòng này còn trung thành với Đại Hội và bảo trì một nền đạo đức khá cao với một kỷ luật đan tu hơn tất cả các Hội Dòng khác.

10/. Hội Dòng Thánh Malachie và Thánh Benado

  Hội Dòng gồm những đan viện ở Ireland bị người Anh bắt bớ đã liên kết lại năm 1626 và được Đức Giáo hoàng Urbano VIII phê chuẩn. Hội dòng trở lại nhận quyền tài phán của Xitô, nhưng họ lại tổ chức Đại Hội quốc gia 5 năm một lần, trong đó họ bầu ra một vị tổng phụ trách cho toàn Hội Dòng và là vị đại diện cho các đan viện ở Ireland trong các Đại Hội Xitô. Trên lý thuyết, họ thuộc nhà mẹ của Dòng, nhưng thực tế họ không hiệp nhất chặt chẽ với Dòng. Chẳng hạn, Hội Dòng này đã bỏ sách lễ và thần vụ Xitô mà theo nghi thức Roma.

11/. Hội dòng Bỉ

  Hội Dòng Bỉ được thành lập năm 1782 theo sự đòi hỏi của vua Joseph II. Các đan viện của Hội Dòng này bị lệ thuộc vào bề trên ngoại quốc là những người thuộc quyền của vua nước Pháp. Đây là trường hợp chính quyền can thiệp quá thô bạo vào nội bộ đan viện. Hội Dòng này gồm có 53 nam gồm 14 đan viện nam và 39 đan viện nữ.

  Như thế, có thể nói rằng để ứng phó với hoàn cảnh khắc nghiệt và phức tạp trên đây, Dòng Xitô đã tồn tại và phát triển bởi chính con đường Xitô mang lại: quân bình giữa đời sống cầu nguyện, lao động và trí thức. Lý tưởng của đan sĩ Xitô là từ bỏ tất cả để chỉ tìm một mình Thiên Chúa và làm vinh danh Ngài. Phụng vụ của Xitô theo truyền thống Biển Đức, Luật Biển Đức được áp dụng nghiêm nhặt; vâng lời viện phụ, người đại diện Chúa Kitô trong cộng đoàn, khiêm nhường, thinh lặng, định cư và khổ chế là tâm điểm của linh đạo Xitô. Các đan sĩ Xitô sống theo Tu Luật Biển Đức: không đòi hỏi, không tô điểm thái quá. Việc hiếu khách là nét đặc trưng của người đan sĩ Xitô (yêu sách của Tu Luật Biển Đức: đón khách là đón Chúa Kitô), họ phục vụ khách, đón tiếp khách hành hương, tĩnh tâm…, nhưng không vì thế mà bị lôi cuốn vào nếp sống trần tục. Tuy nhiên, Dòng Xitô cũng rất biết cách thích nghi với hoàn cảnh để có thể tồn tại và phục vụ các linh hồn cách tốt nhất.

4-Dòng Xitô sau Cách Mạng Pháp (1789)

4.1.Những biến chuyển trước 1789 – Xitô bên bờ diệt vong

  Cuộc cách mạng tri thức của Thế Kỷ Ánh Sáng đã thay thế đức tin bằng lý trí, tôn giáo bằng khoa học và chuẩn bị thay đổi nền văn minh Châu Âu “từ tất cả đến tất cả”. Nghĩa là thay đổi hoàn toàn, cả trong lãnh vực tôn giáo và đời tu.

  Năm 1776, vua Louis XV đã thiết lập một uỷ ban điều hành các dòng tu bao gồm phần lớn là những người thế tục, ra luật tăng thêm tuổi khấn dòng và cấm họ có hơn một nhà dòng trong cùng một thành phố. Vì thế, tương lai phát triển của các dòng tu là rất hạn chế, nếu không muốn nói là không thể được.

  Riêng với Dòng Xitô, chính quyền Pháp đã cố gắng đem hoạt động pháp lý và việc cai trị của Xitô qua trung gian của các thanh tra hoàng gia từ năm 1738, dần dần họ đã đảm nhận những vai trò quan trọng trong các Đại Hội của Dòng. Lúc đầu chỉ là những quan sát viên theo thủ tục pháp lý, nhưng chẳng bao lâu họ chủ xướng và xử sự như vị chủ toạ các cuộc họp. Không một công việc quan trọng nào được thi hành mà không có phép của họ. Sự kiện tranh chấp giữa ‘hai nhánh’ của Xitô trong thế kỉ trước, đã chuẩn bị cho họ lý do biện minh việc can dự quyền thế tục vào trong nội bộ Dòng.

  Thêm vào đó, lúc này lại còn xảy ra một cuộc tranh chấp giữa các Viện phụ Trưởng Nữ (bốn nhà con đầu tiên) và Tổng Phụ Xitô làm phát sinh những hậu quả tệ hại hơn. Những năm dài không có Đại Hội gây hậu quả trực tiếp đến uy thế trổi vượt của Tổng Phụ Xitô dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới và kéo dài trong toàn Dòng.

  Khi vua Joseph I (1780-1790), tiêu biểu cho chủ nghĩa “ Chuyên Chế Ánh Sáng” nắm quyền, ông đã đặt uy quyền của ông trên các dòng tu. Năm 1781 ông cấm tất cả mọi thông tin giữa những Hội đoàn Tôn giáo với bề trên ngoại quốc; luật miễn trừ bị treo; việc đón nhận những tập sinh bị ngăn cấm; tiếp theo là những luật sách nhiễu. Nhà vua đưa ra những biện pháp bãi bỏ tất cả các tu viện không phục vụ trực tiếp công ích như: bệnh viện, trường học hay hoạt động mục vụ bên ngoài . Vì thế, các Dòng chiêm niệm bị tuyên bố là “vô ích” nên phải giải tán và tài sản của các dòng này bị sung công.

  Chỉ sau bốn năm, 738 đan viện nam và nữ bị đóng cửa. Một số đan viện Xitô đang đảm nhận việc mục vụ giáo xứ được thoát nạn. Khi việc giáo dục thanh thiếu niên bị khủng hoảng, nhất là sau khi giải tán Dòng Tên, các đan viện Xitô, Biển Đức và Premontrés của Hungari thay thế vào việc giáo dục trong các trường học. Cộng đoàn Xitô đầu tiên coi việc dạy dỗ và giáo dục như mục đích thực sự có lẽ là Đan viện Silésie.

4.2.Cuộc Cách Mạng Pháp dẫn tới sự tục hoá Dòng tu

  Cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 ghi dấu bước đi lịch sử không chỉ trong lãnh vực chính trị mà còn ảnh hưởng sâu nặng đến tôn giáo và đời sống tu trì. Chỉ trong khoảng 12 năm, các thể chế phong kiến còn sống sót đã được thay thế bằng một xã hội ‘dân chủ tự do kiểu mới’. Cuộc Cách Mạng Pháp đã khởi xướng chương trình huỷ bỏ tất cả những đặc quyền của giới quý tộc và hàng giáo sĩ. Tức là huỷ bỏ việc nộp thuế thập phân cho Giáo hội. Tục hoá tất cả di sản Giáo hội, kiểm kê tất cả tài sản Giáo hội. Huỷ bỏ tất cả các lời khấn tôn giáo và còn hứa trợ cấp tiền cho các đan sĩ rời bỏ đan viện. Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị đem vào bảo tàng quốc gia. Cách Mạng Pháp huỷ bỏ quyền của giáo hoàng trên hàng giáo sĩ và buộc họ làm nhân viên cho quốc gia; buộc mỗi người trong hàng giáo sĩ phải thề trung thành với “Hiến pháp mới”. Những ai chống lại đạo luật của nhà vua thì chỉ có cách trốn ra nước ngoài hoặc đương đầu với sự bắt bớ tàn bạo.

  Ngày 04.05.1791, Nhà Tổ Xitô bị bán đấu giá, các đan viện ở vùng hẻo lánh khác cũng cùng chung số phận. Những gì quý giá còn lại của các Đấng Sáng Lập được chuyển đến Dijon, và rồi trong những năm loạn lạc kế tiếp, chúng đã biến mất. Một phần đáng kể những tài liệu lưu ttrữ và thư viện Xitô cũng ‘được’ chuyển vào trong thư viện của thành phố Dijon. Tất cả các đan viện Xitô khác ở Pháp cũng đang đợi ngày bị giải tán. Những linh mục từ chối không thề trung thành với hiến pháp dân sự đã bị bắt bớ tàn khốc. Theo Viện phụ Wettingen (Thuỵ Sĩ), khoảng 1/3 số Đan sĩ Xitô (không tính nhánh Nhặt Phép) tuân theo “Hiến pháp mới”, còn đại đa số phản kháng. Số phận những người phản kháng là hoặc trốn ra nước ngoài tạm trú trong các đan viện Xitô tại Bỉ, Đức, Thuỵ Sĩ; hoặc chấp nhận bị tù đày hay bị giết.

  Binh đoàn Pháp thừa thế xông lên xâm chiếm các nước láng giềng. Nạn nhân đầu tiên là nước Bỉ. Tại đây các đan viện bị kiểm soát, toàn bộ tài sản bị kiểm kê, các đan viện bị đóng thuế nặng, các đan sĩ không ngừng bị hành khổ. Cuối cùng đạo luật năm 1797 quyết định tất cả tài sản của các đan viện bị sung công. Tất cả các linh mục trung thành với đạo luật thì bị bắt bớ. Sau đó, năm 1798 một sắc lệnh ban hành kết án lưu đày tất cả các giáo sĩ của Nước Bỉ. Sắc lệnh này mới được thi hành một phần nhưng hàng trăm linh mục là nạn nhân, trong đó có 37 đan sĩ Xitô.

  Cuộc chiến tranh lan rộng tới nước Đức, ‘Ông hoàng’ Napoléon xâm chiếm, tịch thu, phá huỷ tất cả các cơ sở của Giáo hội tại Đức và chấm dứt luôn sự phát triển của các Hội Dòng Xitô. Các đan viện và nhà thờ bị bán đấu giá, các tác phẩm nghệ thuật vô giá đem bán ngoài chợ, các đan sĩ không còn nơi trú ngụ, họ chỉ nhận được một khoản trợ cấp nghèo nàn, lúc có lúc không.

  Napoléon tiếp tục tiến đánh các nước Phổ, Ba Lan năm 1810. Nhưng việc tịch thu các đan viện không thực hiện ngay lập tức, nhờ đó một vài đan viện ở đây được sống sót cho tới năm 1883.

  Sự cai trị của Pháp tại Tây Ban Nha gây nên cùng một hậu quả như thế, đó là phá huỷ các cơ sở của Giáo hội. Nhưng sau thất bại của Napoléon, vương quốc Tây Ban Nha tái lập lại trật tự cũ và trả cho các đan sĩ những tài sản bị sung công. Tuy nhiên, cac đảng phái chống giáo sĩ lại thắng thế vào năm 1835. Tất cả các cơ sở tôn giáo lại bị giải thể, trừ một vài đan viện đảm nhận công việc giáo dục và truyền giáo. Các đan viện Xitô thuộc hai Hội Dòng Castille và Aragon không còn sống sót sau cuộc tục hoá này.

  Vài năm trước, tại Bồ Đào Nha, những biến cố tương tự đã huỷ diệt đời sống đan tu.

  Tại Thuỵ Sĩ chỉ còn 3 đan viện Xitô sống sót sau cuộc giải thể. Đó là các đan viện của Hội Dòng Haute-Allemagne. Năm 1806 các đan viện này tách ra và hình thành Hội Dòng Thuỵ Sĩ độc lập. Năm 1831, một đạo luật cấm nhận tập sinh và 10 năm sau Đan viện Wettingen bị giải thể. Các đan viện khác cũng biến mất vào năm 1848.

  Sau khi nước Ba Lan bị chia cắt năm 1795, các đan viện hoàn toàn bị lạc lõng. Đến năm 1832 chỉ còn sống sót Đan viện Xitô Kimbarowka, nhưng bị cấm không cho nhận tập sinh. Đan viện này bị công bố giải thể năm 1842, nhưng các đan sĩ được phép ở lại cho tới năm 1864

  Hậu quả cuối cùng của Cách Mạng Pháp là không có một đan viện Xitô nào được sống trong bình an. Sự huỷ diệt chung được kết thúc trong thế kỉ XIX với chủ thuyết chống giáo sĩ một ngày một gay gắt hơn, cản trở các đan sĩ lưu vong tìm thấy cơ sở chắc chắn trên lục địa. Các đan sĩ già phải đi ăn xin nơi thân nhân họ hàng. Trong khi đó phần đông các linh mục trẻ tìm công việc phục vụ trong các giáo phận.

  Các đan viện bị bỏ hoang khắp nơi. Phần nhiều các cơ sở này có giá trị nghệ thuật không nơi đâu có thể so sánh được. Uỷ ban quốc gia chính thức trưng dụng tất cả những gì có giá trị và sau khi các đan sĩ ra đi, dân chúng chung quanh lục soát các cơ sở để lấy tất cả những gì có thể lấy. Trong thời gian sôi động của chính phủ Napoléon, phần lớn các đan viện bị các binh đoàn chiếm đóng vì chúng bị coi là vô dụng cho thế giới dân sự. Những cư dân của các làng chung quanh góp tay vào hoạt động phá huỷ những gì còn lại. Chính vì thế các đền đài, các tu viện, các công trình của 7 thế kỉ hầu như bị phá huỷ. Tuy nhiên, tinh thần của Xitô thì không thể tắt lịm đi.

4.3.Dòng Xitô hồi sinh

a.Dòng Xitô với những bước tiến mới

  Sau khi Napoléon thất trận vào năm 1815, một số rất ít những đan viện không bị chiến tranh tàn phá và các đan sĩ không bị trục xuất bắt đầu nối lại liên hệ với nhau để phục hồi các Hội Dòng. Vì đan viện Xitô bị phá huỷ nên Dòng không còn thủ lãnh theo tự nhiên, và chủ nghĩa quốc gia lớn mạnh ở Âu Châu gây khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp chung. Sau thời gian dài các kỳ Đại Hội Xitô bị gián đoạn, không thể bầu Bề Trên Cả theo thường lệ. Các Viện phụ Xitô họp lần đầu tiên tại Roma vào năm 1869. Năm 1891, một Tổng Phụ được bầu chọn: Dom Wackarz, Viện phụ Đan viện Vyssi Brod. Ngài mang danh nghĩa là Tổng Chủ tịch của Dòng Xitô.

  Từ đây Dòng Xitô từng bước được hồi sinh mạnh mẽ.

b.Dòng Xitô ngày nay

  Theo thống kê năm 2008, Dòng Xitô hiện có 11 Hội Dòng Độc Lập, với 84 đan viện, 1.778 đan sĩ (trong số đó có 745 đan sĩ linh mục); Dòng còn có khoảng 1.000 nữ đan sĩ trong 64 đan viện. Trong các Hội Dòng này bao gồm các Đan Phụ Viện và các Đan Trưởng Viện. Các Hội Dòng trong Dòng Xitô đều tuân thủ Hiến Pháp Chung và Hiến Chương Bác Ái của Xitô Nguyên Thuỷ. Ngoài ra, mỗi Hội Dòng còn phải có một bản Hiến Pháp riêng để áp dụng cho các thành viên theo mục đích và hoạt động của từng Hội Dòng.

  Dòng Xitô hiện nay có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới (Pháp, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Slovenia, Thuỵ Sĩ, Bồ Đào Nha, Estonia, Brazil, Mỹ, Bolivia, Etiopia, Eritrea, Canada,…)

* Danh sách 11 Hội Dòng thuộc Dòng Xitô

1/. Hội Dòng Thánh BENADO – Spagna

2/. Hội Dòng Thánh BENADO – Italia

3/. Hội Dòng ĐỨC NỮ VƯƠNG – Spagna

4/. Hội Dòng MEHRERAU – Nước Áo

5/. Hội Dòng ÁO – Nước Áo

6/. Hội Dòng ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM – Pháp Quốc

7/. Hội Dòng ZIRCENSIS – Hungari

8/. Hội Dòng CASAMARI – Italia

9/. Hội Dòng REGINAEMUNDI – Ba Lan

10/. Hội Dòng BRAZILIANA – Brazil

11/. Hội Dòng THÁNH GIA – Việt Nam

c.Các đan viện TRỰC THUỘC (hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới)

  Ngoài 11 Hội Dòng Độc Lập kể trên, hiện nay Dòng Xitô còn có nhiều đan viện Trực Thuộc Bề Trên Cả. Các đan viện Trực Thuộc này có thể là các đan viện  được sáp nhậptừ các dòng khác hoặc từ những hội dòng độc lập mà nay hội dòng của họ đã bị giải thể. Các đan viện này vẫn có những quyền lợi nghĩa vụ đối với Dòng theo mức độ họ sáp nhập vào trong Dòng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

  LỊCH SỬ LINH ĐẠO ĐAN TU A- DẪN NHẬP   Định...

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Hải (1976_25-12_2023)   Hôm nay, cả trái đất mừng rỡ reo hò vì giữa...

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ GIỚI   1.Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janerio – Brazil   Tượng Chúa Kitô Cứu...

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

  LỊCH SỬ LINH ĐẠO ĐAN TU A- DẪN NHẬP   Định nghĩa các từ và nhóm từ : - Lịch sử : Đó là sự nhận biết...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...

HÌNH ẢNH ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

      NHÀ TĨNH TÂM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT   HÌNH CỘNG...

LƯỢC SỬ NỮ ĐAN VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU PHƯỚC HẢI

    LƯỢC SỬ NỮ ĐAN VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU...

MỪNG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ (Phước Hải)

  MỪNG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ  Khai sinh và...

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TA-PAO (Phước Hải)

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TA-PAO      Ngày lễ suy tôn...